ĐẠO BĂNG CỐI

ĐẠO BĂNG CỐI

Myōan Eisai là một Thiền sư người Nhật, người đã đem mọi chuyện liên quan tới thú uống trà để viết ra cuốn Khiết Trà Dưỡng Sinh Ký. Vào năm 1906, dựa vào những triết lý, những thủ thuật pha trà trên mà Triết gia, Quản thủ thư viện Okakura Kakuzo đã tới Boston vào năm 1906, viết bằng tiếng Anh cuốn sách bán chạy lâu năm nhất trên đất Mỹ tên là The Book of Tea.


Chơi băng cối cũng giống như thế. Nó không đơn giản là một thú vui hoài cổ. Kỹ thuật thu analog xưa khác biệt với digital ra sao? Tại sao ngày nay dù DAC (digital to analog conversion) có chất lượng thu, sampling hơn hẳn xưa nhưng vẫn không thể thu được như thế? Tại sao dây loa cần sợi to? Thùng loa kích thước bên trong ra sao, kê cách tường bao xa để cộng hưởng âm thanh cao nhất? Kê loa sao cho có sound stage? Muôn ngàn thứ để biết, chứ cứ bỏ nhiều tiền ra mua, mời bạn bè tới khoe thì có người sẽ cười thầm, chê ta là trọc phú.

Đấy mới chỉ là kỹ thuật, chưa nói tới phần triết lý của thú chơi này mà ngày nay đang mai một. Thú chơi băng cối ngày nay có nét bỏ nhiều tiền, sưu tập nhiều máy hiếm, mất đi nhiều nét tao nhã của một thời hoài niệm.

Mà thôi, đã là thú chơi thì ai chơi sao kệ người ta. Thay vì than thở, chúng ta cùng ôn chuyện cũ, nhớ lại cái thời mà youtube, mp3, CD chưa có nhé...

AKAI hay BĂNG CỐI

Cũng giống như xe Honda chỉ là tên thương hiệu, người ta dùng chữ Honda để gọi chung xe máy. AKAI là hiệu máy vừa phổ biến, vừa đắt tiền và bền bỉ nhất ở Việt Nam. Nhưng AKAI không phải là dòng máy duy nhất.

Những người chơi máy TEAC ở Việt Nam vào những năm thập niên 1960s thường là người trong quân đội, thường đi du học bên Mỹ về. Bởi vì dù công ty TEAC được thành lập ở Nhật từ 1953, tới 1956 họ mới làm máy băng cối, rồi tới khoảng 1965 thì máy TEAC mới được nhập vào Mỹ, bán trong siêu thị dành cho quân đội.

Những người sinh viên sĩ quan Việt Nam qua Mỹ du học từ thập niên 1950s thường mang về dòng máy Berlant Concertone là một trong những máy chơi băng cối đầu tiên được làm ra.

ĐẦU MÁY

Máy gì thì máy, ai chơi băng cối cũng hay lo cái vụ "mòn đầu máy". Băng cối được thu dựa trên từ trường. Trên mặt băng là những hạt kim loại tán nhỏ chứa những tín hiệu âm thanh thu vào bằng từ trường. Khi nghe nhạc, sợi băng cối chạy qua, cà vào đầu máy. Đầu máy đọc những tín hiệu từ trường đó, chuyển đổi ra tín hiệu điện, đi qua ampli tới loa. Loa rung lên phát ra âm thanh.

Vì tính chất "kim loại" trên mặt băng nên chơi một thời gian, đầu máy sẽ bị mòn. Dạo đó, cả vùng Ông Tạ hình như chỉ có một cửa tiệm duy nhất nằm gần chợ Hòa Hưng là có nhận "đắp đầu máy". Nghe đồn là họ dùng nhựa thông trộn bột kim loại, phủ lên tạm như kiểu đế giày mòn, mua miếng đế dán vào dùng tạm. Dĩ nhiên là chẳng được bao lâu thì lại mòn.

Akai và Sony là 2 công ty tiên phong làm đầu máy bằng sứ (ferrite) để chống mòn. Người chơi máy thời đó hay gọi là "đầu thủy tinh" vì khi quảng cáo dòng máy này, ví dụ như Aka GX-270D, người Nhật dùng chữ "AKAI GX-270D, GLASS HEAD". Họ gọi "thủy tinh", "kính" cho dễ hiểu, chứ gọi là Ferrrite / Sứ thì lại gây hiểu lầm. Cho nên chúng ta gọi theo là "đầu máy kính", "đầu máy thủy tinh" không mòn.


Người chơi máy AKAI GX-270D dòng "đầu máy kính" thì hẳn là mua hàng cũ về từ Nhật sau 1975, vì máy này được sản xuất vào 1976, bán ra năm 1977. Dạo đó, chỉ có thủy thủ tàu Viễn dương mới có thể mua hàng như xe cub, máy Akai (phần lớn là hàng cũ), mang về Việt Nam bán lại.

oOo


1929 là năm Pháp bắt đầu tuyển phu đồn điền, đưa nhiều người dân Bắc Kỳ vào miền Nam, Lào và Cao Miên làm đồn điền cao su. 1929 cũng là năm Nguyễn Thái Học tập họp đại hội Đảng tại Bắc Ninh, sau đó khởi nghĩa Yên Bái thất bại, bị Pháp giết chết.

1929 cũng là năm công ty Akai ra đời. Tới 1954 khi Di cư diễn ra, dân Ông Tạ lũ lượt xuống tàu há mồm ở Hải Phòng hoặc xếp hàng lên C-47 ở Gia Lâm thì Akai đã cho ra đời những máy chơi băng cối đầu tiên model AT-1. Nói thế để hiểu Nhật họ bỏ xa chúng ta như thế nào.

Một trong những máy Akai đầu tiên về tới Việt Nam qua ngả Mỹ là Akai 900, sản xuất năm 1956, do một sĩ quan Võ bị Đà lạt người vùng Ông Tạ mang về năm 1957 từ Fort Benning, Georgia. Một năm sau, Akai 900 Delux ra đời, là máy đầu tiên thu/phát được âm thanh nổi stereo.

1985, công ty Akai cho ra máy Akai GX-747 cuối cùng. Vào năm 1991, Akai từ bỏ thị trường băng cối (do mặt hàng này đã dần bị cassette và CD thay thế).

DÂY BĂNG CỐI

Còn gì thích bằng mỗi lúc chuẩn bị nghe nhạc. Ta xay cafe hạt ra. Cafe Robusta trộn Arabica, mùi thơm tỏa khắp phòng. Đun nước sôi cho sủi mắt cua, đổ vào hơi xâm xấp cho hạt cafe xay nở ra. Phải lựa cái phin nhôm nhé, phin inox là hỏng chuyện. Rồi ta ra lựa một cuốn băng cối ưa thích. Cuốn nào nhỉ?

Trời lành lạnh thế này, nghe Sơn Ca 3 chủ đề Giáng Sinh thì hợp nhưng e hơi sớm. Hàng xóm chưa ai chăng đèn, chưa ai chuẩn bị làm hang đá, ta mở nhạc Noel lên, lại có người tọc mạch. Ở trong những khu xóm vùng Ông Tạ như thế này, hình như có một sự canh me ngấm ngầm để được làm người mở nhạc Noel đầu tiên. Mở sớm quá thì thiên hạ tròn xoe mắt, mà vừa tính mở thì bên nhà hàng xóm đã vang vang lên

Đêm đông, lạnh lẽo Chúa sinh ra đời...

Rồi hắn ta lại đứng trước cửa, cười nham nhở ra cái ý rằng: Đấy, năm trước ông khai trương không khí Noel cái ngõ này, năm nay tới tôi nhá.

Thế thì ức lắm!

oOo


Thôi, nghe Sơn Ca 3 thì sớm quá... Đang loay hoay thì chợt nhớ ra lâu lắm rồi mình không nghe Thanh Lan hát nhỉ.

Thế là tìm cái cuốn Thanh Lan Tuổi Biết Buồn, thu những bài đi thi bên Nhật. Hình như bài này Ngọc Chánh và Phạm Duy viết chung cho Thanh Lan thì phải...

Mà cho vào đâu có dễ. Gặp cuốn băng không có chỗ lõm vào để choàng dây, vòng sợi dây băng từ trái qua. Đầu tiên cho đi qua cái cọc chống rung, chống lực bên trái, rồi luồn cho đi qua đầu từ, rồi vòng lên cái cọc nữa, đi dọc theo bánh cao su, luồn qua cọc tự tắt rồi mới mắc sợi băng vào cuốn băng trống bên tay mặt.

Cái cục cao su này mà bị chai, nghe băng cứ trượt ra ngoài, khó chịu lắm. Lúc đấy mà không có mẹo chữa thì chỉ có nước đi nghe băng tốc độ chậm 3 3/4 hoặc 1 7/8 cho khỏi trượt băng.

Còn dây cua-roa mà nhão, đem luộc nước sôi vài lần đã hết hiệu quả, thì nghe nó nhão nhèn nhẹt.

Già rồi, tay run, còn nhanh nhẹn được như ngày mới mua cái máy này đâu. Cuối cùng thì cũng cài được cuốn băng vào, mở lên, nút mở đập vào nghe cái "cạch". Ôi cái âm thanh sao mà quen thuộc đến thế, y như tiếng mình gạt chống chân xe đạp ngày nào, tiếng bố dắt cái Vespa xuống, 2 càng Vespa cũng đập vài cái sườn xe phía dưới nghe "cạch" một cái như thế.

Buồn đã tới rồi, một buổi sáng mưa rơi.

Mưa đã cuốn mây về dĩ vãng xa vời.

Ôi những bước chân...

Ôi, sao mà cái âm thanh ma quái này nó hợp với bầu trời cuối tuần hôm nay đến thế nhỉ. Quay xuống nhà, đun lại nước, lần này mới đổ đầy cái phin cafe bưng lên nhà.

BĂNG CỐI KHÔNG VộI ĐƯỢC ĐÂU

Vâng, nghe băng cối không vội bấm qua bài khác như nghe CD được. Vì nghe băng cối là nghe người ca sĩ trong đó tâm sự với mình, từng bài từng bài một.

Hạt cafe đã nở nên lần này nó chảy thật chậm, màu đen láy như hạt nhãn. Cafe nhỏ từng giọt đen xuống, gặp sữa ở dưới tan ra thành một cái màu nâu sẫm thật đẹp.

Nous avions dix ans à peine. Tous nos jeux étaient lé mêmes.

Khi xưa đôi ta bé ta chơi. Đôi ta chơi bắn súng khơi khơi. Như công an đi bắt quân gian. Bang bang...

+ Hớp một ngụm cafe, ngửa đầu ra đằng sau, mắt nhắm lại lim dim...

Anh bắn ngay em

Bang bang

Em ngã trên sân

Bang bang

Tiếng súng khi xưa

Bang bang

Ta sẽ không quên bao giờ.

oOo

Đấy, cái âm thanh hơi rè rè nhưng không quá rè rè như dĩa than đấy luôn có ma lực đưa ta về quá khứ. Cái kiểu đệm nhạc ngày xưa, khi kèn là kèn, guitar là guitar chứ không bát nháo cái tôi to quá như bây giờ. Ca sĩ thì trước khi hát thường có vài lời tâm sự, làm mình cảm nhận được sự trân trọng họ gửi tới cho thính giả. Đấy là thời ai hát hay thì ai cũng biết, chẳng cần phải trả tiền cho người khác gọi mình là diva như bây giờ.

Bây giờ thì trong nước thì ai cũng gọi diva. Ở nước ngoài thì giới thiệu ai cũng "đây là danh ca hàng đầu hải ngoại", hình như bên đấy xếp hàng ngang thì phải. Ca sĩ mà càng bố láo, càng không tôn trọng khán giả thì hình như người ta lại càng thích thì phải...

Anh thích lăng quăng, bang bang.

Em cũng theo anh, bang bang...

Nhớ ngày nào ra Thánh Tâm lựa những con cá xiêm đầu đen xì.

Thích cá phướn đỏ lắm nhưng không mua đâu, vì cái ngữ ấy chỉ đẹp bên ngoài, đá vài cái là rách tả tơi.

Nhớ cái cảnh đi vớt loăng quăng, vớt bo bo về cho cá ăn. Cẩn thận lật ngược cái vợt úp xuống, cho những con lăng quăng đầu to dáng như cây gậy rớt xuống nước, nhìn chú cá thân yêu của mình trong hũ chao, chầm chậm lừ đừ tiến tới, quẫy đuôi một cái thật mạnh rồi mới đớp.

Nhớ mẩu bánh mì dầm sữa Ông Thọ pha nước sôi buổi sáng của mẹ. Vừa ăn vừa len lén dấu đi ít ruột bánh mì, chiều về thả cho cá ăn.

Nhớ cảnh cá đá với cá của Hưng bò. Hai con cắn môi vật nhau. Rồi thả muối vào, cá bị thương, sót người nên nằm thẳng ra như chết. Thằng bạn thân đập đập vai an ủi: Như thế thì nó mới khỏe mày ạ...

BỤP

Đang nghe thì có tiếng BỤP như thế.

Đấy, khổ là có khi băng cũ rồi, đứt ngang như thế. Máy Akai đời này thì chưa tự tắt nên nó cứ xoay tít cái băng đứt, gọi mình tới cấp cứu.

Chơi băng cối thì đỡ sợ bị rối băng hơn cassette mà nối băng cũng dễ hơn. Ai chơi băng cối hẳn còn nhớ cách chập 2 đầu sợi băng bị đứt lên nhau, dùng cái kéo cắt xéo. Phải cắt xéo, chớ cắt ngang để tăng bề mặt tiếp xúc với băng keo và giảm độ sóc khi phần băng nối chạy qua đầu máy. Lấy miếng băng keo trong cắt nhỏ ra rồi dán vào.

Có người dán hết cả 2 mặt. Như thế thì mặt băng dầy lên, không tốt. Có người chỉ dán một mặt, thế thì lại không chắc, mà phần keo lòi ra lại dính vào chỗ khác trên băng. Có người dán một mặt mà lại dán bên dưới, lý luận rằng làm thế thì tối thiểu hóa việc phằn băng che mất tín hiệu âm thanh trên mặt băng.

Loay hoay thì cũng nối được rồi, lại cho vào hát.

Những nụ tình xanh

Tình cho không biếu không

Em đẹp nhất đêm nay

Main dans la main

Hôm nay không sữa

Tình mình như giá diêm

Gõ 3 tiếng

Chuyện phim buồn


...

Những bản nhạc Pháp một thời của Christopher, Francois Hardy... vang lên. Căn phòng lại quay về cái khung cảnh Trưng Vương, Gia Long ngày nào.

Mà những cuốn băng cối như thế, bây giờ kiếm không ra đâu. Sơn Ca 7 Khánh Ly, Xuân 72, 73 thì có, nhưng AVT, Thanh Lan Tuổi Biết Buồn thì không.

Cuốn Khánh Ly Ca Khúc Da Vàng thu nước đầu tiên hiện giờ nằm trong tay một chú người vùng Ông Tạ. Chú định cư tại Hoa Kỳ, tình cờ mua lại được khi người ta bán estate sales (người mất đi, người ta bán lại tài sản thừa kế). Cuốn băng do một người lính Hoa Kỳ mua ở đường Võ Tánh, Đà Nẵng vào năm 1968. Ông mang về Mỹ làm kỷ niệm cho tới lúc mất vào năm 2020. Cộng đồng chơi băng cối mà quen biết, cứ mỗi năm lại năn nỉ mang về để họ chiêm ngưỡng và thu lại, nhưng cuốn băng đó chưa bao giờ về tới Việt Nam.

Vào những năm khó khăn, người ta không có chó nên phải bắt mèo... Ít ai biết rằng băng VHS có thể cắt dọc ra làm băng cassette và băng cối được. Vâng, sẽ không hay, không tốt nhưng sẽ dùng được. Chúng đều là băng từ trường cả mà.

LOA


Thường người ta sẽ ít nghe từ loa máy mà đấu qua một dàn amply. Ở Việt Nam thời đó, ít ai chơi tách pre-amp và amp ra, mà thường mua amply là 1 cục luôn, người Mỹ gọi là integrated amplifier.

Dynaco, McIntosh, Audio Research... là những amply nổi tiếng thời bấy giờ. Khi nói về âm thanh, người ta hầu như đồng ý là: Người Nhật làm đồ tốt, âm thanh hay cho giới trung lưu. Nhưng mà nói về chất lượng âm thanh thì Mỹ, Đức, Anh, Pháp, Áo... là những quốc gia sản xuất loa, amply tốt nhất. Vì sao thế? Có lẽ vì họ có một nền âm nhạc hàn lâm lâu đời, nhu cầu "nghe cho ra nghe" của họ cao hơn.

Loa có người tự đóng thùng, có người đi mua cho tiện. Dù mua hay đóng thì cũng phải đọc độ impedance của loa rồi lựa công suất của amply cho thích hợp.

Những amply đắt tiền, xịn xò như Mark Levinson ML2, Krell, công suất chỉ khoảng 20W. Sao cái amply Sony kia lại tới 200W. Xin thưa đấy là trò marketing lừa bịp những người không rành kỹ thuật. Amply ví như cái hồ chứa nước, cung cấp điện cho máy. Anh khỏe bao nhiêu là một chuyện, anh gồng, kéo dài cái sự khỏe đấy được bao lâu là chuyện khác. Anh vác được 50 kg nhưng chỉ vác được 1 bao thì ngồi thở, khác với anh Cửu vạn vác 49 kg cả ngày không mệt chứ.

Cho nên luật bất thành văn của amply hàng xịn xò là công suất không cao, nặng và thường đế nhọn. Nặng là vì có nhiều tụ điện, đế nhọn để tối thiểu hóa bề mặt va chạm xuống mặt đất. Nhà mà sàn gỗ, để cái amply Krell xuống, nhấc lên là vợ mắng ngay vì nó thủng cho 4 lỗ thật sâu.

Loa thì cũng nhiều loại. Ở vùng ông Tạ có anh B là bạn anh H nhà ông bà Vũ Đình Kiên. Anh là một trong những người hiếm hoi chơi loa Magnaplanar. Đây là loại loa dùng 2 miếng thiếc cực kỳ mỏng, rung lên tạo ra âm thanh chứ không phải dùng cuộn dây như loa chúng ta hay gặp. Đặc điểm dòng loa này là mỏng, nhìn như tấm bình phong, nghe nhạc vocal, nghe giọng hát rất hay. Loa này mà nghe Hà Thanh, Thái Thanh, Kim Tước, Khánh Ly, Lệ Thu, Sĩ Phú... thì không chạy vào đâu được.

Dòng loa đứng này hay nhưng bass yếu, mau hỏng với khí hậu ẩm và nhìn xấu lắm, cho nên ngay tại Mỹ cũng khó bán. Người Mỹ còn chế ra cái gọi là WAF, wife acceptance factor, độ "được vợ cho phép". Họ đánh giá loa không chỉ về kỹ thuật, mà về độ "được vợ cho phép mua" số mấy cơ mà.

Vào buổi đêm khuya, đợi cả nhà đi ngủ rồi, điện cũng ổn định rồi, mở cuốn Thái Thanh, Tiếng Hát Vượt Thời Gian của Tơ Vàng lên thì ôi thôi, sướng rêm mé đìu hiu. Cuốn này cho chính Văn Phụng điều khiển dàn nhạc, hòa âm do Nghiêm Phú Phi và Phạm Đình Chương phụ trách thì đủ hiểu nó phê tới đâu rồi. Giá bán thời bấy giờ là 2000 đồng chứ đâu phải là rẻ.

Tại sao đêm khuya nghe nhạc hay hơn?


Vì nhiều lý do lắm. Về mặt kỹ thuật thì các động cơ ở Việt Nam thời bấy giờ là động cơ chổi than, khi mở lên sẽ tạo "ồn" / noise trong dòng điện. Nhìn cái ổn áp nhảy tưng tưng khi mở cái quạt lên là biết ngay. Tối các dụng cụ điện phần lớn tắt hết, điện ổn định hơn.

Rồi ai cũng đi ngủ cả, chỉ còn mình ta trong căn phòng này. Dù phòng chật hẹp tới đâu, nó cũng là cõi riêng của ta. Mở cái đèn ngủ lên, ánh sáng hắt vào cái mặt cuốn băng cối quay quay rồi phản chiếu lên trần nhà. Tiếng cô Thái Thanh giới thiệu về cuốn băng trước khi hát...

Trả lại em yêu

Khung trời Đại học

Con đường Duy Tân

Cây dài bóng mát...

Đưa mắt lên hình nhóm bạn chụp với nhau năm xưa, thấy cả một trời yêu bất ngờ quay lại. Những ngày đứng phía trước xe Vespa, tay để lên tay lái, cảm thấy nó rung bần bật. Tới ngã 3 Bắc Hải thì lại được bố cho bấm còi "bin bin" 2 tiếng.

Nhớ những ngày mẹ dắt chiếc xe PC ra chở mình đi học. Xe gì mà lúc thì vặn ga, mà đạp máy như xe đạp thế này nhỉ.

Nhớ những ngày đầu đời đủ tiền đi tậu xe máy. Trăm câu vọng cổ không bằng tiếng nổ Honda, không biết có xe máy rồi, có đắt đào hơn không.

Nhớ những tối chở người yêu ngồi sau, len lén đạp thắng thật gấp cho người yêu va vào mình. Hai đứa lên Câu lạc bộ 126 chỗ Công trường Dân chủ gửi xe, vào đấy coi thiên hạ nhẩy đầm. Nài nỉ lắm cô ấy mới chịu ra nhảy với mình, nhưng chỉ nhảy rumba, bebop thôi. Waltz thì không biết quay mà Slow thì tình tứ quá, cô ấy ngại.

Nhớ buổi tối cùng nhau đi học Anh Văn ở Hội Trí thức Yêu nước, những buổi luyện thi ở trường Đồng Tiến buổi tối. Chỉ mong tan ra sớm để cùng về nhà cô ấy, cùng ngồi coi Trong Nhà Ngoài Phố rồi luyến tiếc chia tay ở đầu Cư xá Tự do.

Nhớ buổi chiều đi học về, thấy bố đi ra vẫy vẫy tay chào, mẹ bảo: Bố đi học tập cải tạo, vài ba ngày rồi về thôi con ạ. Lòng thấy gì đó nao nao, bất định. Ngày gặp lại, bố đã thành ông già, mình đã ra người lớn tự bao giờ.

Rồi nhớ những buổi tối mẹ về trễ, chẳng ăn uống được gì. À, hóa ra mẹ đi buôn đường xa bị bắt, tịch thu mất cả chỉ lẫn chài rồi, chẳng biết ngày mai sẽ tìm được gì trong nhà để bán, mua ít cơm, khoai độn cho con.

Nhưng bán gì thì bán, mẹ không bao giờ bán cái máy băng cối bố mua về. Hình như nó là vật cuối cùng trong nhà này biết nói biết hát, nhớ được những kỷ niệm đẹp nhất của bố và mẹ.

oOo

Nghe băng cối mà còn uống cafe, rồi những tiếng hát của Sài Gòn hoa lệ ngày nào đưa ta đi ngược thời gian như thế, cho nên băng hết, căn phòng đột nhiên yên lặng lạ kỳ, mà đầu ta thì còn quay quay. Mấy chục năm cuộc đời như một cuốn phim quay ngược lại chỉ trong vòng vài chục phút.

Cho nên gọi là Đạo Băng Cối cũng chẳng ngoa. Nó giúp ta tạm thoát tục vài chục phút khỏi cái cuộc đời ô trọc này mà.