Tôi sinh ra và lớn lên giữa vùng đất Ông Tạ. Nhà tôi nằm trong một xóm lao động, gồm đa số là những gia đình đông con của người Bắc di cư bên cạnh những mái nhà của người dân miền Nam chân chất, thật thà. Đám con nít chúng tôi cũng ngộ lắm, chơi với bạn người Nam thì bắt chước tụi nó nói tiếng Nam, còn về nhà thì lại rặc giọng Bắc khi thưa chuyện với ông bà hoặc thầy u.
Những năm đầu tiểu học, tôi học với các dì phước (soeur) bên giáo xứ Vinh Sơn. Cái thời thập niên 60-70 con nít đi học thì làm gì có tiền để mà ăn quà vặt như bây giờ. Hồi ấy, đứa nào may mắn có bố mẹ khá giả thì được ít tiền dằn túi để mà ăn cà rem hoặc uống nước đá để giải khát những lúc ra chơi hoặc sau khi tan trường. Chu choa, thời ấy đang lúc nóng nực mà có được cây cà rem trong tay để mút thì thích lắm, nhưng thể nào cũng có đứa bạn nghèo hơn mình nhìn một cách thèm thuồng mà năn nỉ: “Mày cho tao ăn với”. Thế là cây cà rem chuyền tay nhau, có khi ba hay bốn đứa xúm lại liếm mút một cây cà rem. Thời ấy chẳng có đứa nào nghĩ đến cái chuyện vệ sinh vệ sản đâu nhé. Trẻ con chơi với nhau, ăn ké của nhau, cà rem đứa này mút xong đứa khác mút tiếp là chuyện rất bình thường. Bây giờ có nhiều người bày đặt chê gớm chê ghê, chê bẩn chê thỉu, chê thiếu vệ sinh thì tôi chỉ đơn giản xin thưa rằng, cái thế hệ của tôi nó là như thế đó, nhưng chúng tôi vẫn sống khỏe và chẳng bị gì cả!
Ngoài cà rem, học sinh thời đó cũng rất là ưa chuộng món nước đá bào rưới sirô. Dĩ nhiên là cũng không tránh khỏi cảnh 2-3 đứa cùng chu mỏ hút nước đá sirô chung 1 ly. Món này được chế biến thật là đơn giản, và giá bán cũng rất rẻ, đôi khi còn rẻ hơn cà rem nữa, nên rất phù hợp với túi tiền của đám học trò tiểu học. Thú thật, hồi còn bé tôi rất thích xem người bán bào từng tảng nước đá trên chiếc bàn bào bằng gỗ gắn thêm lưỡi dao kim loại. Từng lớp, từng lớp đá được bào ra thật mỏng, giống như là băng tuyết vậy, sau đó cho vào ly hoặc bao nylon rồi rưới siro lên. Có vậy thôi mà mỗi lần nhìn tảng đá băng được bào mỏng rơi xuống dưới ụ thành một đống như đống tuyết, tôi cảm thấy nó rất là cuốn hút và luôn xem một cách mê mẩn say sưa.
Sirô thì có màu đỏ (vị dâu), màu xanh lá cây (vị bạc hà), màu vàng cam (vị cam), nhưng người ta thường chỉ rưới một màu duy nhất lên ly đá bào chứ không rưới lẫn lộn các màu với nhau. Tôi có thắc mắc tại sao thì người bán trả lời là nếu trộn chung các màu sirô sẽ dễ gây đau bụng. Giờ nghĩ lại thấy vô lý hết sức, sirô chỉ là nước đường thì làm sao mà đau bụng được, nếu có vấn đề gì thì chính là những tảng đá băng chứ đâu. Có ai mà biết được những cơ sở sản xuất nước đá đã lấy nước từ đâu để cho đóng băng lại thành nước đá như vậy chứ. Đã không ít lần tôi phát hiện sau khi đá tan thành nước, trong đó có xác những chú lăng quăng theo “mệnh nước nổi trôi”, mà thấy thì thấy chứ tôi vẫn bình thường, phớt tỉnh ăng lê như chẳng có gì cả.
Nói gì thì nói chứ trời nắng chang chang, oi bức khó chịu, mồ hôi mồ kê tuôn thấm ướt áo mà có được ly nước đá bào nhận rưới sirô thì tuyệt vời biết bao. Cầm cái ly mát lạnh trong tay khiến cho tinh thần đang mệt nhọc trở nên sảng khoái, làm tan biến đi cái nóng oi ả ngày hè. Cái màu sirô lúc nhạt lúc đậm trên lớp đá nhuyễn như tuyết nhìn hấp dẫn làm sao, múc một muỗng cho vào miệng, đá bào tan ra mang theo cái hương vị thơm tho ngọt ngào của sirô thấm qua đầu lưỡi, đưa cái mát lạnh xuyên qua cổ họng rồi xuống tận trong bụng. Ôi cảm giác lúc ấy thật đúng là “sướng rên mé đìu hiu” luôn!
Đối với người lớn thì cái món này chẳng có gì hấp dẫn cả, nhưng đối với đám học trò tiểu học, nó lại là một khung trời đầy kỷ niệm của tuổi hồn nhiên, vô tư!
Ở cuộc sống hiện đại bây giờ, khi
đồ ăn thức uống trở nên phong phú đa dạng, hấp dẫn hơn thì những thứ như nước đá bào rưới sirô dường như chỉ còn là kỷ niệm trong nỗi nhớ. Tuy rằng cũng còn những quán bán nước đá bào với sirô, nhưng khác xưa nhiều lắm. Bây giờ người ta cho thêm vào nhiều thứ khác như trái cây, đậu đỏ, sữa đặc vân vân. Cái bàn để bào đá bây giờ cũng không còn nữa, thay vào đó, người ta sử dụng máy xay làm nhuyễn đá. Thành thử từ chế biến, hình dạng cho đến mùi vị, món nước đá bào sirô ngày nay khác xa, không còn như ngày xưa nữa, mà từa tựa như món ăn chơi của Tân Gia Ba hay Phi Luật Tân vậy.
Bây giờ, mỗi khi nhắc về món nước đá bào sirô, nhiều người “có tuổi” vẫn nhớ về một trời hạnh phúc của thời học trò thơ ấu thuở nao. Không ít người muốn "xin một vé đi về tuổi thơ" để được sống lại những giây phút đầy kỷ niệm đẹp ngày xưa.
Đức Long không có phép màu để quay ngược lại thời gian, chỉ xin mượn những hình ảnh cũ để cùng các bạn ôn lại và sống lại những kỷ niệm tuổi thơ năm nào
Rất mong nhận được nhiều chia sẻ của các bạn về những kỷ niệm tuổi thơ của chính mình