Tình Ca & Tình Hoài Hương
July 18, 2014
Bây giờ đang là giữa mùa hè. Mùa hè oi bức của miền nam Hoà Kỳ. Thành phố Seabrook tôi cư ngụ nằm bên cạnh vịnh Galveson, nên thỉnh thoảng cũng có những trận gió từ ngoài vịnh thổi vào làm dịu những cơn nóng cháy da cháy thịt. Nhiều người Việt nam sống trong thành phố Houston cuối tuần thường hay đi chơi hóng gió về khu vực cho du khách, Kemah Boardwalk, ở thành phố bên cạnh, Kemah, nên phải đi ngang qua thành phố tôi ở mới đến được chỗ đó, và thường ví rằng, hai thành phố Seabrook và Kemah giống như bến cảng Saigon, vì trên có bến, dưới có thuyền...
Bài viết này bắt đầu được viết vào tháng tư, năm 2014. Nhưng vì bận rộn công việc, nên đến tháng bảy cùng năm mới được viết xong. Đáng lẽ tôi nên viết một bài về cái ngày tháng Tư của gần 40 năm cách đây. Một tháng tư mà ảnh hưởng đến bao nhiêu triệu người Việt nam của ngày đó. Nhất là những người đi lưu vong ở hải ngoại này. Nhưng dù có viết gì đi nữa, thì cũng không thay đổi được thời cuộc, những định mệnh cho mỗi chúng ta. Những người ra đi đã bỏ lại nhiều lắm. Bỏ bạn bè, bỏ người thân, bỏ mái trường thân yêu, bỏ mái nhà đầm ấm, bỏ khu xóm rộn ràng đầy kỷ niệm.... và không biết đi về đâu để rồi đến một nơi xa xôi vượt ngoài trí tưởng tượng ... Để rồi sau khi định cư ở một đệ tam quốc gia và đời sống ổn định thì lúc đó kỷ niệm và những hoài ức sống lại nên trong lòng vẫn còn hoài mong về chốn cũ. Người ở lại thì có những nỗi niềm riêng có lẽ tôi không thể phỏng đoán được....
Tôi yêu tiếng Việt nước tôi.
Từ khi còn ở trong nôi thủa nào.
Mẹ hiền ru câu ca dao.
À ơi, tiếng hát ngọt ngào ngày xưa.
Ngàn năm lời hát đong đưa.
Buồn vui rộn rã nắng mưa sớm chiều.
Tôi yêu thích đọc truyện Kiều.
Mơ màng như tiếng sáo diều miền quê.
Yêu cô gánh gạo trên đê.
Miệng xinh ăn nói, tóc thề ngang vai.
Trong khi đó thì những người ra đi hoài vọng về những kỷ niệm ngày xưa. Tình hoài hương vẫn còn vương vấn trong lòng. Khi được nghe những bản nhạc về đất nước quê hương của ngày xưa, những người tha hương vẫn thấy mình vẫn còn là người Việt nam. Hai bản nhạc Tình Ca và Tình Hoài Hương của nhạc sĩ Phạm Duy, mà ai trong chúng ta đã từng có lần nghe hoặc hát theo vẫn gợi nhớ cái thời gian và không gian của ngày xưa đó. Nhất là bản Tình Ca (28) được hát bởi cô Thái Thanh "Một yêu câu hát Truyện Kiều lẳng lơ...." Phi Thái Thanh ra, người ta chưa thấy ai hát hay hơn cô ấy trong nhạc phẩm này.
Mặc dù tựa đề là Tình Ca, nhưng nhạc phẩm nầy nói lên một tình yêu cao hơn tình yêu nam nữ, hay tình yêu trai gái. Có lẽ phải đổi tên lại là Đại Tình Ca mới đúng. Vì nó nói lên tình yêu quê hương, tình yêu đất nước, tình dân tộc, tình nhân bản của con người.
Tôi thích nghe những bản nhạc về tình cảm xã hội ông Phạm Duy sáng tác khi còn rất trẻ. Mỗi bài với ba lời ca thật hay. Tôi chỉ tiếc là bản Tình Ca của ông được cô Thái Thanh hát có hai lời, lời một và lời ba. Giá mà ngày đó cô hát cả ba lời thì thật là hoàn hảo, vì giọng hát, cách phát âm của cô có một không hai trong thế giới âm nhạc Việt nam của chúng ta…
Sông đào xinh xắn quê tôi.
Mang tên Nhiêu Lộc chảy xuôi một dòng.
Nhà tôi ở cạnh bên sông.
Cây cầu nho nhỏ, nối thông con đường.
Tuổi thơ đi học đến trường.
Qua cầu mỗi buổi, thân thương bạn bè.
Vô sông hớt cá mùa hè.
Cá xiêm, cá sặc, chiều về trên sông.
Xóm tôi, chợ sớm người đông.
Bán buôn sầm uất, chợ trong chợ ngoài…
Bỗng đâu trận gió đổi đời.
Người đi người ở, không lời chia tay.
Bao năm sống ở phương tây.
Tình hoài hương nặng, lòng này vẫn mang.
Quê tôi vẫn đẹp mơ màng.
Bao nhiêu kỷ niệm, mộng vàng ngày xưa.
Tình Hoài Hương (29) là một trong những nhạc phẩm tuyệt tác của ông. Ca khúc này thường được trình tấu với ban hợp ca nhiều bè và một dàn nhạc lớn. Từ khi bị bật gốc ra khỏi quê hương, nhạc phẩm nầy dường như có ảnh hưởng sâu đậm đến những người xa xứ luôn mong chờ có ngày được hồi hương. Nhạc phẩm này cũng được nhiều người hát đơn ca, nhưng có lẽ hát hợp ca với những phần chia bè và những câu láy thì hợp nhất.
Quê hương tôi, có con sông dài xinh xắn
Nước tuôn trên đồng vuông vắn
Lúa thơm cho đủ hai mùa
Dân trong làng trời về khuya vẳng tiếng lúa đê mê.
(láy) trời về khuya vẳng tiếng lúa đê mê
Vâng, nhà tôi ở ngay bên cạnh con kinh Nhiêu Lộc, cũng là một con sông đào. Có lẽ nó không được liệt vào là một con kinh đẹp, nhưng, những kỷ niệm thủa xưa với con kinh đào nằm cạnh nhà, cũng có thể ví như một con sông đào xinh xắn và đẹp với tuổi thơ của tôi vậy. Với những ký ức về tuổi thơ, hay đi lội nước bắt cá lòng tong, cá phướn, hay cá sặc, nó cũng đẹp như con sông đào trong nhạc Phạm Duy vậy...Những cánh đồng lúa thơm thì chỉ có ở trong trí tưởng tượng của tôi vì trong Saigòn làm gì có những cánh đồng lúa mà được hai mùa. Có lẽ nhạc sĩ Phạm Duy viết về những cánh đồng lúa ở miền nam nước Việt, mới có được hai mùa, chứ ở miền bắc thì thường được nghe nói lúa chỉ cấy có một mùa. Vì miền bắc thường hay có mưa to nước lụt, nên ruộng lúa chỉ trồng được một mùa.
Ai về, về có nhớ, nhớ cô mình chăng?
Tôi về, về tôi nhớ hàm rang, răng cô mình cười ơ ơ ớ!
Ai về, về mua lấy, lấy miệng cười
Để riêng tôi mua lại mảnh đời, thơ ngây thơ ơ ớ ơ ơ ờ!
Cái hay của nhạc sĩ Phạm Duy là đã đưa được ca dao và dân ca vào ca khúc của mình như đoạn nhạc ở trên trong nhạc phẩm Tình Hoài Hương. Trong bản Tình Ca, phần điệp khúc ở cuối bản nhạc do ông viết thì lại nghe giống như trích ra từ ca dao vậy. Cái tài hoa của người nhạc sĩ là có thể biến ca dao thành lời hát của mình và đưa lời ca trong bản nhạc của mình trở thành ca dao, một ngôn ngữ bình dân đến với đại quần chúng. Nhưng người nghe vẫn công nhận và khẳng định là nhạc vẫn là nhạc của Phạm Duy.
Xin mời mọi người hãy cùng tôi thả hồn về với quê hương ngày xưa và cùng thưởng thức hai nhạc phẩm này qua phần trình bày của hai đại danh ca Thái Thanh với Tình Ca và Anh Ngọc cùng với phần phụ hoạ của ban hợp ca nữ trong bài Tình Hoài Hương.....
Lâm Phi aka NDK
Bài viết này được trích ra trong cuốn sách "Tạp Ghi Về Âm Nhạc" và có bổ xung thêm với hai bài thơ.
https://www.facebook.com/1511166716/videos/10218732201965440/