KỂ TRUYỆN ĐỜI NHÀ TỐNG CỦA TÔ THI SĨ
Cụ Nguyễn Hiến Lê viết: "Trung Hoa có tám văn hào lớn nhất (bát đại gia), thì riêng họ Tô đã chiếm được ba rồi". Tức là Tô Đông Pha, Cha và Em trai là 3 trong số 8 người đó. Với thành tích như vậy, có thể tạm gọi gia đình Tô Đông Pha là "Nguyễn Tường" / Tự Lực Văn Đoàn của Trung Hoa thời ấy.
Tô Đông Pha sinh ra vào đời nhà Tống. Đây là giai đoạn mà Trung Hoa bị người Kim phía bắc đánh tan tành, được Kim Dung ghi lại trong Anh Hùng Xạ Điêu. Hoàn Nhan Hồng Liệt, người được mẹ của Quách Tỉnh cứu ở Ngưu Gia Thôn chính con trai thứ 6 của hoàng đế nước Kim, Hoàn Nhan Cảnh. Các bạn hẳn còn nhớ trận quân Kim đánh thành Tương Dương và hai vợ chồng Quách Tỉnh, Hoàng Dung hy sinh anh dũng ra sao.
Không biết Kim Dung có biết là vào giai đoạn này, quân Tống tràn qua đánh Việt Nam 2 lần, và cả 2 lần đều bị Lý Thường Kiệt đập tan. Trận chiến đầu tiên do Phủ sứ Quảng Nam là Quách Quỳ theo lệnh Vương An Thạch, tấn công chúng ta từ ngả Lạng Sơn. Không biết Quách Quỳ này có họ hàng gì với Quách Tỉnh không.
***
Thuở sinh thời, Tô Đông Pha cũng bị trù dập vì cái ông nhà văn, nhà chính trị Vương An Thạch đòi đánh Việt Nam nói trên. Số là Sếp to Vương An Thạch có làm 2 câu thơ như sau:
Minh nguyệt sơn đầu khiếu
Hoàng khuyển ngọa hoa tâm
Trăng sáng nơi đầu núi
Chó vàng nằm giữa hoa.
Tô Đông Pha tính tình hay cà khịa, cho là vô lý nên sửa lại thành:
Minh nguyệt sơn đầu 𝐜𝐡𝐢𝐞̂́𝐮
Hoàng khuyển ngọa hoa 𝐚̂𝐦
Trăng sáng soi đầu núi
Chó vàng nằm dưới hoa.
(Sửa "khiếu" thành "chiếu", "tâm" thành "âm").
Rồi mỗi lần đi nhậu giờ happy hour với bạn bè, Tô Đông Pha thường giảng giải rằng: Minh nguyệt là trăng sáng, sao lại "kêu", phải là "soi" chứ. Hoàng khuyển / Cún vàng sao lại nằm "giữa" hoa, phải là "dưới" hoa chứ.
Bạn bè nghe thích lắm, thường 1, 2, 3 dzô mỗi khi nghe giải thích. Hôm đó không may có người ganh ghét livestream bỏ lên facebook, thế là Sếp Vương An Thạch biết được, giáng chức quan Tô Đông Pha, đổi ra Hoàng Châu.
Tại sao lại đưa về Hoàng Châu?
Sống ở Hoàng Châu một thời gian, nhờ chơi với Phi Lâm (*), Tô Đông Pha mới biết có một giống chim gọi là "Minh Nguyệt" và "Hoàng Khuyển" là tên một loại sâu chứ không phải là Cún vàng.
Nói rõ thế để mong các bạn đồng ý với giả thuyết của tôi rằng: Tuy Tô Đông Pha là bậc kỳ tài nhưng nóng tính, thiếu suy xét. Cái vụ này có liên quan tới Lô Sơn.
***
Người Trung Hoa tin rằng Lô Sơn (Núi Lô) và Chiết Giang (sông Chiết) đẹp lắm, chưa tới thì uổng phí cả đời. Thế là Tô Đông Pha bèn tới thăm. Tới nơi thì thất vọng nên ông viết bài thơ nổi tiếng Lô Sơn:
Lô sơn yên toả Chiết giang triều,
Vị đáo bình sinh hận bất tiêu.
Đáo đắc bản lai vô biệt sự,
Lô sơn yên toả Chiết giang triều.
Bản dịch của Trúc Thiên
Khói toả Lô Sơn, sóng Chiết Giang,
Khi chưa đến đó luống mơ màng.
Đến rồi, hoá cũng không gì lạ,
Khói toả Lô Sơn, sóng Chiết Giang.
Tôi xin lạm dịch lại theo phong cách Đồ Sơn như sau
Chưa đi chưa biết Lô Sơn
Đi rồi mới biết chẳng hơn lô hàng
Vội nghe đồn thổi Chiết Giang
Hóa ra cũng chỉ tàng tàng Cầu Bông
***
Trở lại vụ sửa thơ của Vương An Thạch...
Vương An Thạch hóa ra là người thâm thúy, thay vì phải giảng giải cho Tô Đông Pha thì cho đi "thực tế" luôn. Nếu chẳng là người thâm thúy, thì Vương An Thạch đã chẳng hẹn với Chiêm Thành 2 mặt tấn công chúng ta.
Vương An Thạch tâu lên với vua Tống rằng: Giao Chỉ vừa đánh Chiêm Thành bị thất bại, quân không còn nổi một vạn, có thể lấy quân Ung Châu sang chiếm Giao Chỉ.
Lý Thường Kiệt đóng thủy binh ở khúc Sông Đào, Nam Định chặn quân Tống, phía bắc thì chặn ở Ải Chi Lăng. Quân Chiêm Thành hứa hẹn cùng Tổng tấn công nhưng phút chót án binh bất động. Kết cục thì chúng ta đều biết rằng Lý Thường Kiệt đã đánh tan quân Tống 2 lần. Nhà Tống thì mất một nửa hướng bắc vào tay quân Kim.
Lý Thường Kiệt cũng nổi tiếng vì vào 1073 đã chủ động đánh qua Ung Châu trước. Đánh bằng cả Bộ binh và Thủy quân lục chiến. Thủy binh của Lý Thường Kiệt đi thuyền độc mộc, xuất phát từ Móng Cái rồi đổ bộ ở châu Khâm, 2 mũi đánh vào. Trận đánh này xảy ra lúc Tô Đông Pha được 37 tuổi, đang làm quan ở Hàng Châu.
***
Tô Đông Pha sinh 1036, mất 1101, hưởng thọ 64 tuổi.
Lý Thường Kiệt lớn hơn Tô Đông Pha 17 tuổi, hưởng thọ 82 tuổi. Sinh trước mất sau.
Tô Đông Pha viết khoảng 1700 bài thơ, hơn 1 triệu chữ. Dù thích thơ Tô Đông Pha, tôi vẫn không nhớ nổi một bài.
Lý Thường Kiệt chỉ để lại cho đời 28 chữ, tôi nhớ mãi.
Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên phận định tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.
LT
(*) Những gì viết ở trên, các bạn có thể tra cứu. Riêng nhân vật "Phi Lâm" thì tôi đưa vào cho vui. Phi Lâm này không phải người Trung Hoa, mà là dân Cổng Bom, Ngã 3 Ông Tạ, đang sống tại một thành phố có nhiều giống chim khác nhau, bird sanctuary city. Phi Lâm hay viết kể truyện xưa, đăng nhạc cũ... Muốn biết con chim Minh Nguyệt là chim gì, đi hỏi bạn Phi Lâm nhé.
(**) Hình đính kèm là Quách Tường, con gái của Quách Tỉnh/Hoàng Dung, người sáng lập ra phái Nga Mi mà Nữ hiệp Thanh Mỹ là đệ tử đời thứ mấy thì không rõ.
Tiệt nhiên phận định ... hay phận định? Vào đọc comment tại đây.
https://www.facebook.com/groups/2004139939886509/permalink/2675982679368895