Niềm vui Áo mới!
Ngày xưa, Tết đến, ai cũng mong có được tấm áo mới mặc ba ngày Tết, đi thăm bà con bạn bè. Xin gửi đến nhóm bài viết năm 2014.
----------------------------------------------------------------------------
Bây giờ, khi cuộc sống vật chất đầy đủ hơn, bỗng có nhiều thứ không còn giữ nguyên giá trị của nó như xưa nữa. Xin đưa ra một ví dụ, tạm goị là "niềm vui áo mới". Niềm vui áo mới đúng nghĩa bây giờ rất hiếm hoi, không chỉ với người lớn mà cả với con nít. Chẳng hạn, bây giờ khi ta nói mình "có áo mới", thì nghĩa là ở đâu đó có cửa hàng thời trang sales off, hoặc cuối tháng lãnh lương đi ngang cái shop, thấy cái áo đó hợp với đôi giày đó nên ghé vào mua, hay đặc biệt hơn chút nữa là có ai đó đã nhớ đến ta khi đi chơi nước ngoài nên mua tặng cái áo là lạ.
"Áo mới" ngày nay trở nên bình thường, chớ nó không hề khiến chủ nhân nôn nao, háo thức, thậm chí còn thao thức, khắc khoải trong niềm chờ mong được khoác chiếc áo lên người như xưa.
Không khắc khoải chờ mong sao được khi mà một năm mới được có áo mới một lần. Đó là chưa kể lỡ mà bạn sinh ra trong một gia đình đông con như nhà tôi thì "một lần" trong năm đó của bạn rất có thể là "cũ người, mới ta". May mắn thì cái áo mới "thừa kế" đó vừa vặn, còn không thì nó cũng sẽ được sửa lại bằng những đường khâu tay cho vừa với chủ nhân mới.
Dịp được có áo mới thường là vào Tết Nguyên đán. Nhưng đôi khi, áo mới lại được sắm cho đám học trò chúng tôi vào dịp đầu năm học để có áo trắng mặc cho đúng quy định của nhà trường. Đang tuổi ăn tuổi lớn mà một năm chỉ được may một chiếc áo để đi học thì quả thật là khổ. Ban ngày mặc đi học, sau hai ngày thì phải giặt để sáng có áo mặc tiếp. Giặt riết bằng xà bổng dỏm, áo sờn mỏng, ngả màu cháo lòng. Buồn hơn nữa là có áo trắng mới đầu năm mặc đi học thì kể như Tết khỏi có áo mới!
Tôi có một chiếc áo mới vào đầu năm học như thế được thiết kế theo kiểu áo lính thủy. Tôi quý chiếc áo này vô cùng. Tôi thích kiểu áo lính thủy từ khi được xem phim Giai điệu hạnh phúc (the Sounds of Music), trong phim, Ông Đại úy Thuyền trưởng góa vợ Von Trapp lúc nào cũng bắt bầy con bảy đứa của Ông mặc cùng kiểu áo này, nhìn rất dễ thương.
Còn nhớ vào đầu năm học lớp 12, khi tới gặp cô thợ may ở đường Huỳnh Tịnh Của, tôi hỏi cô có biết may kiểu áo này không, cô chỉ gật đầu. Tôi hồi hộp từ lúc đưa miếng vải katê trắng cho cô cho tới lúc ghé lại nhận áo vì không nghĩ là cô có thể may được kiểu áo này.
Vậy mà tấm áo tôi nhận được mặc vào vừa khít và thật đẹp với những đường viền xanh nổi bật trên nền bâu cổ trắng hình vuông lật ra phía sau, lại thêm chiếc nơ bằng hai dây vải trắng thả dài xuống phía trước, trông duyên duyên là. Với tôi thì đó là cái áo đẹp nhất ... trường.
Trước đó, La Vân học cùng lớp cũng có một cái, nhưng áo của cô nàng được viền màu đỏ, trông không đúng kiểu như màu xanh của tôi. Đã vậy, La Vân dáng cao mảnh khảnh, nên không phù hợp với dạng áo này. Sau này, có bạn Ngọc Linh ở lớp P1 cũng may một cái áo lính thủy, nhưng bạn đó cũng cao gầy như La Vân nên tóm lại, tôi vẫn thấy mình mặc cái áo đó đẹp nhất... trường. Phải nói rõ là với mấy kiểu áo sơ mi khác thì hai cô này ăn đứt tôi là cái chắc, tôi chỉ dám xí phần với cái áo lính thủy trắng, viền xanh của tôi thôi.
Sau này, đi làm có tiền, tôi có thể mua cho mình bất cứ cái áo nào tôi thích. Thế nhưng, chưa bao giờ tôi tìm lại được cảm giác sung sướng, hạnh phúc như khi được mặc cái áo lính thủy hồi còn học phổ thông ấy. Thoạt tiên, tôi nghĩ là do kiểu áo đó hợp với mình, nên mình mặc vào có cảm giác đó. Nhưng không phải vậy vì có hôm tôi mua được một cái áo lính thủy của Mỹ, cách may rất lạ. Thân áo trắng và cổ áo màu xanh, viền vải trắng, nhưng cổ và thân rời nhau, chúng được nối lại với nhau bằng những chiếc nút dấu rất khéo bên trong thân áo. Áo đẹp vậy mà mặc vào tôi thấy cũng...bình thường. Rồi cũng kiểu đó, tôi đổi đi may thân áo xanh, cổ trắng, may xong mặc vào thì thấy... tầm thường hơn nữa!
Nhìn lại, tôi thấy sau này tôi mất đi nhiều niềm vui mà chỉ ngày xưa tôi mới có. Không chỉ riêng niềm vui "áo mới" này đâu, cả niềm vui "sách hay", "chả giò ngon, thịt gà luộc ngọt" cũng bỏ tôi đi mất. Sài gòn bây giờ đầy sách, mỗi lần có hội chợ sách, tôi tha về một đống rồi chẳng bao giờ đọc trọn vẹn một cuốn sách như trước đây.
Cuộc sống hiện đại nơi đô thị, tiệc tùng liên miên, cơm ngày thường cũng chẳng khác bữa cơm Tết là mấy, thế mà chẳng bao giờ tôi có được cảm giác ngon miệng như khi được ăn miếng chả giò chiên vàng, có lớp bánh tráng mỏng, trong suốt màu vàng nâu như lớp cánh gián hay như khi được ăn miếng thịt gà ta luộc chấm muối tiêu chanh, mỗi năm chỉ được ăn đúng một lần vào dịp Tết.
Hình như càng có tiền, ta lại càng nghèo đi thì phải! Lại nữa, thức ăn ê hề, ta lại thấy đói! Cũng phải thôi, nếu ta không thực sự cần áo mới thì làm sao niềm vui khi có áo mới đến với ta được.
Thực ra niềm vui áo mới vẫn có thể đến được với ta nhưng dưới một hình thức khác. Đó là trao tặng những tấm áo mới cho những người thực sự rất cần đến nó. Xuân về, nhà thờ thường có một thùng gỗ dán nhãn: "Quà Tết cho người nghèo". Góp phần vào đó cũng là cách tạo "niềm vui áo mới" cho người khác. Mỗi người mỗi cách, sẽ có nhiều người nhận được áo mới.
Uyên-Vy Nguyễn