Bánh Chưng Xưa

May be an image of 1 person and food


Lá tre, lá dong hoặc lá chuối là 3 loại lá để gói bánh chưng ở quê, ít ra cũng là ở quê của Bà tôi. Ngày nay ở thành phố người ta hay dùng lá dong, cách làm bánh chưng cũng khác, mà cách chơi bánh chưng cũng khác.


Hôm nay kể chuyện xưa cùng hoài niệm nhé. Đọc giải trí, chớ chấp thế nào mới đúng là bánh chưng, tại sao nấu vậy, ăn như vậy...


***

Ở làng Bà tôi hồi đó không có lá dong (hồi đó tức là trước khi vào Nam 1954). Có năm ở thành phố được cho về quê ăn Tết, xin đi theo Bà lấy lá dong. Bà bảo: Phải đi hơn 10 cây số, cháu không đi theo được đâu.


Tết quê khác Tết ở Hà Nội hay Nam Định. Lũ trẻ con hay được giao nhiệm vụ rửa lá tre, lá dong và lá chuối. Các bạn biết phần thưởng là gì không? Là được Bà gói cho một cái bánh chưng con, to bằng cỡ cái bàn tay.


Mẹ tôi thì bận bịu ngâm gạo nếp, ngâm đỗ xanh, luộc lên bóp nhuyễn thành từng cục. Mẹ đi chợ mua thịt vai, thịt ba chỉ, rồi cho muối, tiêu, hành tím củ, nước mắm một tí rồi quết như người ta quết chả lụa vậy.


Lá tre thì dùng để bọc cho thành cái khung bên ngoài, sau đó mới là lá dong hoặc lá chuối bọc kín thành cái bánh. Chẳng khuôn gì cả, Mẹ và Bà thì tay mềm sức yếu nhưng cái bánh nào cũng vuông vắn, chắc nịch.


Đứa lớn thì được giao thêm nhiệm vụ giã lá gừng tươi ra, vắt lấy nước cho vào gạo. Chời ơi, giã cái lá gừng vắt nước là cực hình. Mẹ bảo: Phải có nước lá gừng thì bánh mới xanh và thơm. Nước thì là nước mưa, không được lấy nước giếng. Nhà có cái cối đá, giã mỏi cả cánh tay luôn. Mà phải đổi tay nữa vì nghe dọa là giã một tay thôi, mai mốt tay to tay nhỏ như con cua đồng hai càng không đồng đều. Bị doạ vậy thì sợ lắm.


Cái phần đỗ xanh còn dư, Mẹ tôi lấy nấu với mật, đường ra thành chè. Gọi là chè chứ nó đặc quánh như bánh đậu xanh, hơi sền sệt. Đây là loại chè mà Mẹ chỉ nấu vào ngày Tết, cho vào những cái bát nhỏ bày lên bàn Thờ rồi cứ để ở đó ăn dần như một món tráng miệng.


***

Gần Tết không khí ở quê háo hức và hồi hộp. Cả nhà quây quần ở cái sân gạch, bày biện đủ thứ ra rồi gói bánh. Bao nhiêu là chuyện người lớn cho lũ trẻ con ngồi hóng. Có lúc Bà dừng tay, lấy trầu ra têm ăn. Có lúc Bà im lặng nhìn mọi người gói bánh. Có lúc thì Bà ngâm nga vài câu Kiều. Có lúc Bà tủm tỉm cười chẳng hiểu cười ai, cười gì.


Hình như Bà không được đi học nên Bà phải tự học. Tự học bằng Kiều, bằng tủ sách tiếng Hán của Ông. Gọi là Tủ sách cho oách chứ sao được như Thư viện thời nay, cho cả vào cái USB cũng còn dư. Bà ham học mà không được học nên lúc nào cũng dặn: Cháu nhớ học dùm Bà.


Bà không bao giờ nói "Cháu phải học giỏi". Bà chỉ dặn "Cháu nhớ học dùm Bà". Đi hái hoa quả, hái rau, Bà cũng dặn phải cảm ơn nó, xin lỗi nó rồi mới được hái, được ngắt...


***

Tết năm đó, Bà không cho lên nhà trên. Đó là chỗ Bố tôi ngồi nói chuyện với các bác các chú nào đấy. Họ ngồi nói chuyện thì thào bên cạnh cái đèn dầu hao vặn nhỏ. Sau này lớn mới biết đấy là người lớn trốn mật thám Pháp, trốn Việt gian về quê để tụ tập gặp bạn bè cùng chí hướng.


Gần vào Tết Trời rét lắm, phải lấy rơm ra lót lên mà ngồi. Lúc gói bánh, Bà thỉnh thoảng thấy được miếng thịt nào ngon, nhiều mỡ thì lại cho vào bánh, vừa gói vừa bảo: Cái này để dành cho cháu của Bà.


Ít thấy khi Bà gọi bằng tên, chỉ toàn "Cháu của Bà". Hình như với Bà, cái tên không đủ để Bà gửi gắm yêu thương. "Cháu của Bà" mới đủ. Có lần nghịch lửa làm cháy ụ rơm, sắp bị ăn đòn thì Bà hỏi "Sao Cháu của Bà khóc? Lại đây với Bà". Thế là thoát nạn.


***

Hồi hộp nhất là đợi canh bánh chưng. Tầm 28 Tết thì gói, và khoảng 6 giờ chiều bắt đầu nấu. Lũ trẻ con được giao việc ngồi ngó chừng, cạn nước thì gọi người lớn ra chêm thêm vào. Đợi người lớn vào nhà cả rồi, bếp lửa cháy to rồi, ôi thôi là đủ cả trò.


Lấy ngô ra nướng này. Vùi khoai vào này. Đút thêm củi vào này. Lấy cái que dài đốt cho nó cháy để nghịch này. Cầm que lửa giả làm ông thầy pháp múa trừ tà này. Giả bộ lên Đồng này. Ngồi nhìn lửa bay lên lách tách, dọa nhau có ma trơi này. Cho thêm cỏ giàng vào này. Bánh chưng nấu thêm với cỏ giàng sẽ mau chín hơn.


Nấu bánh chưng thì thế nào bác Mạnh hay ghé vào chơi với đám trẻ con. Gọi là Bác chứ bác Mạnh không có họ hàng gì. Hồi bác còn trẻ lúc Tây đi càn, bắt được bác, đánh bác rồi thả cho bác chạy làm bia tập bắn. Bác chạy ra hướng đê, nhảy xuống bơi qua bên kia sông trốn biệt tăm. Lúc dân làng tìm được thì đã hóa rồ rồi.


Sao trẻ con sợ chứ Bác Mạnh hiền lắm. Bác mất trí nhưng không hiểu sao lại nghe lời Bà. Có lần máy bay Pháp bỏ bom gần Làng, bác sợ quá gào thét đập phá. Bà nói: "Mạnh vào đây" thì bác nhoẻn miệng cười với Bà, theo Bà vào sân không la hét nữa. Bác Mạnh mồ côi, chắc tuy hoá điên nhưng bác vẫn cần một người Mẹ. Có lần thấy Bà quạt cho bác. Bác to bằng hai lần Bà mà nằm bên cạnh Bà thút thít khóc, nhìn vừa buồn cười vừa thấy tội lắm.


Bác Mạnh thích ngồi canh bánh chưng, chơi chung với lũ trẻ. Trời lành lạnh, trải cái chiếu nằm gần chỗ nấu bánh chưng. Trước mặt hơi nóng tỏa vào, sau lưng hơi lạnh phà tới, thích ơi là thích. May là có bác Mạnh ngồi chung cũng bớt sợ.


Trời khuya ở quê tĩnh mịch lắm. Có những âm thanh mà ở thành phố hoặc ngay ở quê thời này cũng không còn nữa. Tiếng lửa cháy lách tách. Tiếng bụi tre gió thổi cà vào nhau nghe kẽo kẹt. Tiếng bác trâu mất ngủ cứ dậm dậm chân xuống đất. Tiếng những chú chim không hiểu sao ban đêm mà cứ chíp chíp. Tiếng dế gáy ở những cái lỗ sâu hút hoặc trong bụi cỏ mà mình đi tới thì lại im bặt. Thỉnh thoảng chó nhà ai lại sủa ma ở bờ sông. Có khi nghe được cả tiếng cá quẫy nước ở ao, mặt nước sánh lên như ai ném hòn đá xuống, cái bóng trăng in vào mặt nước bị rung lên rồi vỡ vụn ra. Cả tiếng người lớn trở mình, cái phản kê lên lưng 4 chú rùa cũng kêu kèn kẹt.


***

Bánh chưng nấu khoảng 15 tới 20 tiếng mới chín bánh. Thường nấu tới 11, 12 giờ đêm thì tắt bếp, để bánh ở đó gọi là "ủ bánh" để sáng mai dạy nấu tiếp. Bà sẽ ra coi và quyết định là có ủ bánh được chưa. Ủ sớm quá sẽ sượng bánh. Thời đấy, 11, 12 giờ đêm là khuya lắm rồi.


Đêm đó khó ngủ, lòng cứ mong cho Trời mau sáng để mà ra nấu bánh chưng tiếp. Mấy ông bạn già Việt Kiều về chơi hay nói cái đêm đầu hồi hộp không ngủ được, chỉ mong trời sáng lao ra đường. Chắc cảm giác cũng như trẻ con mong sáng ra để tiếp tục nấu bánh chưng năm xưa, chỉ đợi con gà đầu tiên gáy là chồm dạy nghịch phá tiếp.


***

Đang canh bánh chưng mà đói bụng thì vào bếp bốc ít trấu ném vô, rán một quả trứng với cà chua quậy nát ăn cho đỡ đói. Có lần đang rán trứng, thay vì ném trấu vào bếp cho thêm lửa, quen tay ném trấu vào chảo trứng. Sau đó thì ngồi nhặt ra gần chết. Trấu màu vàng, trứng cũng màu vàng, nhặt xong là mờ hai con mắt luôn.


Nướng khoai cũng vui. Lấy ké lửa nồi bánh chưng nướng khoai xong, lấy trấu đốt phả vào cho cháy mặt củ khoai. Mà nướng gì thì nướng, nhớ coi cạn nước phải gọi người lớn. Để cháy bánh là bị mắng, bị dọa không được cho bánh chưng con, bánh chưng mini thì buồn lắm.


Thường nấu khoảng 20-30 cái bánh chưng để dành qua Tết, vào mùa cấy thì mang theo ra ruộng ăn dần. Thời tiết lạnh, bánh chưng để được khoảng vài tuần mới bắt đầu hỏng. Chuyện cái bánh hỏng, mốc cũng do cái khâu nẹp bánh. Nẹp bánh là khi nấu xong mang ra ép lại lần nữa, buộc dây lạt rồi treo lên. Nếu ép không kỹ, mấy cái chỗ phòi bánh ra sẽ bị mốc, ăn lan vào trong bánh thì mau hỏng bánh.


Treo bánh lên thì vui lắm. Đứa nào cũng ráng nhớ xem bánh nào là do mình tham gia gói, bánh nào có cục thịt mỡ to nhất... Treo xong còn dọa nhau: Coi chừng chú chuột vào ăn trộm bánh.


Ở quê thì gọi chú chuột, chú mèo, bác trâu, bác Ki (chú chó Bà nuôi)... Bác Ki sau này mất lúc tôi ở thành phố nên không biết, về quê thì Bà kể lại bác mệt bỏ ăn. Lúc gần mất bác lành tính, chẳng còn phát cáu với chú mèo hay đùa dai với bác. Ngày cuối trước khi mất hình như bác biết, bác cứ nằm cạnh chỗ Bà ngồi, nhìn Bà buồn buồn. Bà nói thấy bác thở yếu dần, hai con mắt như muốn khóc rồi bác đi. Bà kể cháu nghe cả hai cùng khóc thút thít như là mất người thân vậy đó.


***

Khi vớt bánh ra, hạnh phúc nhất là vớt tới cái bánh chưng mini người lớn làm cho mình. Nó bé tí, nằm lọt thỏm vào trong lòng bàn tay. Năm nào lũ trẻ con cũng loay hoay xem nên ăn bánh chưng mini khi nào.


Đứa nào cũng muốn dụ đứa kia bóc bánh của nó ra, của mình thì để dành. Thường thì phải chơi bốc thăm que ngắn que dài xem đứa nào chịu hy sinh trước. Mà thua thì đau khổ lắm. Bóc cái bánh ra từ từ, thỉnh thoảng ngưng lại thở dài, nhìn quanh xem có đứa nào đồng cảm với mình không. Làm gì có đứa nào đồng cảm. Chúng nó chỉ chăm chú xem bên trong ra sao và đợi ăn tươi nuốt sống cái bánh chưng mini của mình thôi.


Ấy vậy mà khi mở cái bánh chưng mini ra rồi, cả đám sẽ xúm vào trầm trồ, xúm vào ăn, cười nói hả hê ngay cả nạn nhân cũng quên mất chuyện buồn. Trẻ con thanh khiết và chóng tha thứ cho nhau như vậy đó.


Có năm cô em gái út thua phải bóc ra, nó vừa bóc vừa khóc nhìn thương ơi là thương. Rồi nó nhìn mình với ánh mắt cầu cứu. Thế là đành lấy bánh chưng mini của mình đưa cho em. Có vậy thôi mà nó nhớ mãi, Tết năm nào cũng nhắc chuyện anh hy sinh cái bánh chưng mini cho em năm xưa.

***


Cắt bánh chưng cũng là việc khó. Dùng dây lạt đặt xéo từng sợi lên mặt bánh, sau đó lật úp bánh xuống. Phải nhớ là sợi lạt nào nằm trên sợi nào nhé. Nếu bạn không nhớ thứ tự, bạn kéo sợi lạt dưới cùng thay vì trên cùng lên trước, nó kéo theo cả đống sợi lạt khác thì nát bét cái bánh chưng.


Đến lúc cắt bánh ra, nhận ra cục thịt mỡ mà Bà bảo là "dành cho Cháu của Bà" thì thích lắm. Trân trọng dùng đũa gắp lên chấm vào bát mật. Vâng, quê của Bà người ta hay ăn bánh chưng với mật mía. Ngon lắm, các bạn ăn thử Tết này xem sao nhé.


Bánh hăng nhẹ mùi gừng, xanh dìu dịu. Cắn qua lớp đỗ xanh mềm mại thì răng mình ngập vào miếng thịt mỡ, trào ra 2 bên mép. Cái hỗn hợp dẻo của nếp, thơm của gừng, béo của thịt, ngọt của mật mía được cái hàm dưới trộn, nhai chem chép rồi nuốt cái ực trong luyến tiếc.


Sau đó gắp củ kiệu, dưa hành vào nhai như nhai trầu. Kiệu giòn tan nghe rôm rốp, dưa hành thì dẹp lép khi nhai tiết ra vị hăng hăng vừa đủ với kiệu.


Dùng vị chua của kiệu để đưa cái lưỡi trở lại trạng thái trung hòa vị giác trước khi ăn miếng bánh kế tiếp. Ăn thế thì không ngán, cứ mỗi miếng bánh chưng thứ N thì lại như là miếng đầu tiên. Ăn no không đứng thẳng được mà vẫn thòm thèm.


***

Tiếc là hồi đấy chưa đủ tuổi uống rượu, chứ Bà hay làm rượu nếp cẩm, hạ thổ trước đó rồi đào lên lấy uống vào dịp Tết. Rượu thơm nhè nhẹ, màu đỏ tím nhạt, thấy người lớn nhấp một ít mặt đờ ra thì đủ biết hẳn là phê lắm.


Bà thì làm nếp cẩm chứ Mẹ thì chuyên trị rượu trái cây. Mẹ hái đủ loại quả quanh nhà, cho đường vào, lên men làm rượu uống mấy ngày Tết. Thường thì rượu này là để nhóm phụ nữ uống. Họ quây quần ở Bếp, mặt ai cũng đỏ hồng lên, say sưa vừa chuẩn bị cỗ Nhà, cỗ Làng vừa nói chuyện.


Cái tình họ hàng, tình hàng xóm xưa ấm cúng lắm. Nó di cư theo ta vào tận Vùng Ông Tạ rồi từ từ tan biến dần không giữ lại được qua từng thế hệ.


***

Bánh chưng chiên là khi sau Tết thì vào vụ cấy, đem ăn ngoài đồng rồi, còn vài cái sắp sửa hỏng thì Mẹ mang ra chiên ăn. Khi chiên, Mẹ hay đè ép cái bánh xuống, nó gặp dầu nóng, nó rên rỉ nghe xèo xèo. Rồi Mẹ lại lật mặt, ép nó tiếp bên kia cho nó rên tiếp tục rên xèo xèo.


Mẹ cầm nguyên cái chảo ra chỗ mình, thả thẳng vào đĩa. Mới ngày nào nó còn là bánh chưng mềm mại xưa, giờ thì như miếng cơm cháy dòn tan. Rưới mật mía lên, bánh gặp mật vừa mềm ra chưa kịp ỉu, chưa kịp mềm nhũn thì cho ngay vào miệng.


Bánh chưng chiên nhai cứng, đôi khi nghe răng rắc trong miệng. Mấy cái chỗ bị cháy xém một chút, nó vừa đắng vì cháy, vừa ngọt vì mật. Mới nhai thì đắng, rồi nó ngọt, rồi nuốt xuống thì đắng và sau cùng ngọt hậu. Lạ lắm. Ăn xong một miếng thì lại củ kiệu dưa hành để trung hòa cái lưỡi trước khi ăn miếng kế tiếp.


Sau này nghe các bạn trẻ giải thích kỹ thuật ăn sushi, cũng ăn gừng để trung hòa vị giác khi đổi món cá mới, nghe hiểu ngay. Thì ra các Cụ ăn bánh chưng cũng nghệ thuật lắm chứ, nếu không muốn nói là Bánh Chưng Đạo. Đó là chưa nói tới vị trí để đỗ xanh, để miếng thịt chỗ nào, bọc lại ra sao. Quê mình nhiều cái hay lắm, tiếc là các cháu nhỏ chưa tìm hiểu...


Đấy là chuyện cái bánh chưng năm xưa ở quê trước lúc di cư.

***


Trước khi vào Nam lại được về quê ăn Tết với Bà lần nữa. Lúc này đủ lớn để hiểu chắc sẽ phải đi xa, có thể là lần cuối gặp Bà. Sáng sớm chia tay Bà về lại Hà Nội, vẫn cứ tự dối mình là sẽ còn gặp lại Bà. Đi một quãng lại quay lại nhìn Bà, rồi vừa khóc vừa đi tiếp. Đi rõ xa, chỉ còn thấy cái cây đa đầu làng mà ngờ ngợ hình như Bà vẫn còn đứng đấy. Sáng sớm hôm đó, không ai dặn mà bác Mạnh cũng lồm cồm bò ra từ trong sân Đền, đứng nhìn theo.


Đất nước binh đao khói lửa, cuốn mình vào nổi trôi vận nước, mình không thể về quê, Bà không thể lên Hà Nội, không gặp lại Bà nữa. Sau 75 trả món nợ chưa bao giờ vay cho người ta xong rồi thì mới về thăm quê Bà. Bác Mạnh rồ năm nào đã là ông cụ, râu tóc bạc trắng như sợi cước. Bác cũng lủi thủi sống một mình như Bà vào lúc cuối đời.


Bao nhiêu năm mà sao một người mất trí như bác vẫn nhận ra. Bác chỉ cho chỗ Bà nằm. Bác bảo: Lúc gần mất, Bà đêm nào cũng hát ru cháu.


Người trong làng thì nói Bà mất trí. Trẻ con sợ không dám vào sân. Đi ngang qua nghe tiếng Bà ru thì sợ, chạy thật nhanh. Bác cười với cái mặt ngô nghê rồi giải thích: "Bà hời cháu đấy".


Có năm ở quê ăn Tết với Bà lâu quá, khi lên lại thành phố đêm nhớ Bà, hời Bà suốt đêm không ngủ. Có ngờ đâu cuối đời Bà lại hời mình.


Vâng, đúng là cái bài hát ru đấy. Đồng Đăng có Phố Kỳ Lừa, có nàng Tô Thị chờ chồng... Mới ngày nào cả nhà ta ngồi đông đủ ở sân gạch gói bánh chưng. Cuối đời Bà cô độc, rồi Bà nằm ngoài cổng Làng, bao năm chỉ có bác "Mạnh rồ" ra ngồi nhổ cỏ, lẩm bẩm nói chuyện, cười khóc với Bà.


Thả bộ ngược vào Làng đứng trước sân nhà xưa, nghe văng vẳng đâu đây tiếng Bà cười, thấy dáng Bà đang ngồi bỏm bẻm nhai trầu. Rồi Bà quay ra nhìn mình, hỏi: "Sao cháu của Bà khóc? Lại đây với Bà nào".


***

Chép bài hát ru xưa tặng những ai nhớ Bà, nhớ Mẹ vào dịp Tết.

À ơi à ời...

À ơi à ơi...

Đồng Đăng có Phố Kỳ Lừa

Có nàng Tô Thị, có Chùa Tam Thanh

Ai lên Xứ Lạng tìm Anh

Tiếc công Bác, Mẹ sinh thành ra Em

...

Vào Chùa thắp một nén hương

Miệng khấn tay vái bốn phương Chùa này

Chùa này có một ông Thầy

Có hòn đá tảng, có cây Ngô đồng

...

Cây Ngô đồng không trồng mà mọc

Mộ Bà nằm, cỏ mọc dọc ngang...


Cháu của Bà

LT


VềQuêBà: https://www.facebook.com/groups/2004139939886509/permalink/2654414464859050/