Làm Phiên Dịch Tiếng Bắc

May be an image of sky


Bạn tôi cùng xóm Ông Tạ, rồi nó thành Việt Kiều. Tôi và nó đều gốc BK 54. Ngày đầu dẫn nó ra Bắc, tôi phải làm phiên dịch từ tiếng Việt sang tiếng Việt dù rằng 2 bên cùng nói giọng Bắc. Đôi khi dịch vì nó không hiểu, đôi khi dịch vì nó muốn tập dùng từ để dân địa phương không nhận ra.


Ví dụ:

Nó: Mày gọi taxi ra phi trường hay tao gọi?

Tôi trêu: Mày muốn ra phi trường hay ra sân bay?


Trước khi kể tiếp, tôi xin phép nói trước vài điều. Đây không phải câu truyện phân biệt vùng miền. Truyện kể góp vui, không có ý coi thường phương ngữ, không có ý cho rằng “tôi nói đúng”, “bạn nói sai”. Tôi nhìn một bạn trẻ từ các vùng miền khác vào Sài Gòn sau này, nếu nói gì đó mà tôi cho là không đúng, thì không phải do bạn ấy chọn như vậy. Họ đâu có lựa được ai sinh mình ra, sinh ra chỗ nào…


Vừa đáp xuống phi trường Gia Lâm, lấy hàng hóa xong, đi về khách sạn là bạn tôi bắt đầu bị rắc rối rồi. Nó hỏi anh chàng lái xe:


+ Cái cầu đó là cầu gì? Sao lại 2 tầng?

+ Báo cáo anh, bên trên là phương tiện cơ giới, bên dưới là phương tiện thô sơ ạ.


Nó quay qua tôi thì thầm:


+ Nó nói cái gì vậy mày?

+ À, ở trên xe máy, ở dưới xe đạp.


Thằng bạn tôi nếm cú sốc từ ngữ đầu tiên. Sáng hôm sau, tôi dẫn nó hăm hở đi uống café ở 11 Hàng Gai. Nó không thể tin được đấy lại là quán café, vì rõ ràng là cửa hàng bán quà lưu niệm mà.


Nó không biết rằng Nhà Ống ở Hà Nội khi bị chia ra hồi 54, nhiều gia đình vào ở, mỗi người một khu. Đằng trước là hàng vải nhà ông A, nhưng đi men men vào là quán Café của ông B, mà lên lầu là coi chừng nhà ông C.


Rồi bạn tôi gọi café…

+ Cho một ly café sữa nóng.


Thế là con bé bán hàng tủm tỉm cười. Tôi nhắc nó:

+ “Nâu nóng” nha mày. Tao chỉ rồi mà.

+ Còn café đá thì là nâu đá hả?

+ Uhm.

+ Thế café đen đá là gì?

+ Thì là “đen đá”.

+ À, gọi theo màu.


Thằng bạn tôi được cái nhanh trí. Nó còn hiểu thêm “nâu đậm” là nhiều sữa mà “nâu nhạt” là ít sữa.


Mà để cho công bằng vùng miền, cái vụ gọi món này ở đâu cũng dính. Trước đó tôi dẫn nó lên Thanh Đa, Bình Thạnh ăn thịt nướng. Vừa bước vào thì chú sinh viên hỏi: Hai anh nhậu lẩu dê hay bò, heo nướng?


+ Anh ăn lẩu dê. Cho ngồi điều hòa nha.

+ “Tụi tui ăn heo nướng”, nhóm đằng sau nói với lên.


Thế là chú sinh viên gọi rõ to một câu làm thằng bạn tôi lăn đùng ra cười: “2 dê mới vào lên lầu. 5 heo cho vô góc”.


Thằng bạn Việt Kiều của tôi ăn uống trâu bò lắm. Ăn sáng nó ăn vài dĩa bánh cuốn. Café thì uống xong, nó đòi uống thêm. Nó bảo tôi: Tao nghe đồn da-ua ngoài Bắc ngon, để tao gọi. Tôi cười cười vì biết thế nào nó cũng tiêu.


+ Cho anh một hũ “da ua”.

+ Hũ gì ạ?

+ Da ua đó em.


Tôi khều khều tính nhắc thì nó gạt tay ra, nói:


+ Dô gợc đó (yogurt). Nó cố nói tiếng Anh chậm chậm…

+ Dzô dzì anh?


Lúc đó nó mới quay qua tôi cầu cứu. Tôi thì thầm, nó quay sang dõng dạc đính chính:

+ Cho anh 2 phần sữa chua.


Nó học nhanh lắm. Dẫn nó ra bánh cuốn Thanh Vân ở Hàng Gà tối hôm đó, nó đã biết gọi “Cho 4 phần đầy đủ…” Mấy hôm trước nó còn gọi kiểu “Cho 2 đĩa bánh cuốn cái gì cũng có…” Tôi trêu thì nó bảo: Con tao á, nó còn đòi ăn vỏ gà. Hóa ra “vỏ gà” là “da gà”.


Nhưng nó vẫn bực mình bà chủ quán bánh cuốn. Nó muốn gọi 4 dĩa một lúc, ăn khỏi phải đợi. Nó không hiểu là ở Việt Nam không ai ăn sáng tới 3 dĩa bánh cuốn như nó cả.


Với bà chủ bánh cuốn thì khác. Ý bà ấy là khách đang đông nên làm cho nó 2 phần thôi, để người khác không đợi lâu. Với lại làm trước nguội, ăn sao ngon. Nước chấm (nước mắm) mà bà ấy còn cho lên một bếp riêng hâm cho ấm mà. Nó thì cứ nghĩ “vào trước thì gọi trước, gọi bao nhiêu là quyền của nó”.


Những cái đụng chạm nho nhỏ như vậy làm nó hiểu hơn về cách người ta cư xử… Từ bực bội, nó dần chuyển qua thấu hiểu, bớt chấp.


Rồi tôi dẫn nó về quê đi tìm Làng của nó. Hai đứa chạy cái xe máy tê cả tay. Vào tới khúc đê là nó mê rồi.

Nó hỏi tôi: Sao họ trồng hoa gì đẹp quá vậy mày?

+ “Chời”, mày chưa thấy cây cải, cây rau lang ra hoa bao giờ sao? Ai dư đất mà đi trồng hoa tulip cho mày ngắm như ở Hà Lan.


Nó hồi hộp lắm. Nó bảo: Bố tao di cư vào ngày còn bé tí. Bố tao bảo cái ao làng đẹp lắm, tao không ngờ cái cổng làng cũng đẹp như vậy.


Rồi 2 đứa tấp vào quán nước ngồi cho nó bình tĩnh lại. Ở quê, đầu làng thường có cái cây đa to đùng, và sẽ có một bà cụ ngồi đấy bán nước. Chè Bắc thì nó không dám uống, vì trà ngoài quê pha nặng lắm. Cái hôm đi Hải Dương nó uống vào bị mất ngủ một lần, nó chừa rồi.


+ Cụ ơi, cụ có nước cam không cụ?

+ Cụ chỉ có cam non thôi.

+ Cam non đắng không cụ?

+ Cam non ngọt mà cháu. Cụ lấy cho 2 đứa nha.


Bà cụ loay hoay một hồi, chuyền nước ra, hỏi thêm:


+ Thế hai cháu hút thuốc ná hay thuốc nào?


“Chời”, hóa ra bà cụ mang ra 2 lon Fanta. “Cam lon” mà cụ gọi là “cam non”, lại còn bảo “cam non” ngọt lắm. Cú này tôi cũng bổ ngửa. Cách đó vài phút tôi còn lăn tăn: Cam non đắng bỏ mẹ, sao mà ngọt được nhỉ? Hay đây là quà quê, đặc sản vùng này mà mình không biết.


Đợi thằng bạn vô duyên nhịn được cười, tôi bồi thêm một câu:


+ Dạ, chúng cháu thuốc "nào" cũng hút.


Thế là nó lại rú lên cười lần 2. Bà cụ thật đáng yêu. Hình như biết bị trêu nhưng cụ chỉ tủm tỉm cười, bóm bép nhai trầu.


Chúng ta cần nhắc lại nhau là không có ý chê bai phương ngữ ở đây. Bản thân tôi cũng ngọng líu lo mà. Đọc vui chứ đừng đánh giá người khác qua giọng nói, từ ngữ, nhất là người già nhé các bạn.


Thằng bạn tôi cũng bắt đầu hiểu “đường” khác “phố” chỗ nào, “hướng viên” khác với “hướng dẫn viên” ra sao, xã, thôn, huyện… là đơn vị hành chính khác nhau như thế nào. Nó được cái hiếu học, nghe được gì cũng loay hoay ghi chép. Hình như Việt Kiều thích ghi chép, âu cũng là một thói quen tốt.


Mà nó cũng bướng. Nó nhất định nói gọi là “xe hơi” mới đúng, chứ “ô tô” là tiếng Pháp không cần thiết.


+ Vậy tao hỏi mày nè, “ga ra”, “cà phê”… chẳng phải mượn từ tiếng Pháp sao? Ô tô cũng thế.

+ Nhưng mà “xe hơi” đúng hơn.

+ Nếu mà nói cho đúng, ngày xưa automobile mới ra, nó chạy bằng động cơ hơi nước mày ạ. Nó có cái nồi hơi to đùng nên gọi “xe hơi”. Ngày nay nồi hơi còn đâu mà gọi “xe hơi”?


Bạn tôi từ từ nhận ra, có cái nó chê là đúng, mà có cái nó chê là do chưa hiểu sự việc mà thôi. Đi đây đó nhiều giúp bạn tôi từ từ bớt cực đoan, tập được tính suy xét cho kỹ trước khi phán xét gì đấy.


Cũng như bạn tôi, tôi cũng từng biết Đình làng là cái gì nhưng chỉ biết qua sách vở. Đi từ xa tới, thấy thấp thoáng cái cổng Làng từ xa, rồi đi tới cái Đình làng, hiểu rằng dưới chân cái con đường nay đã đổ bê tông này, ông nội mình từng dẫn tay bố mình chập chững đi, trước đó thì ông cố dẫn ông nội… Lúc đó tự nhiên cảm nhận gì đó thiêng liêng lắm các bạn ạ. Tôi rủ nó bỏ giầy dép ra, 2 đứa cứ thế mà đi chân đất, thẳng tiến vào Làng của nó.


Tôi dẫn nó vào Làng tìm về nhà người anh họ bắn đại bác của nó. Nhìn anh ta nhỏ tuổi hơn mà già trác, ngồi co ro với cô vợ vì lạnh, nó cảm động giới thiệu:


+ Em là… cháu cụ… là… với ông của anh đó.


Tôi để 2 anh em nhận họ hàng, đi vòng ra sau hái ít lá chè xanh vào nấu. Hôm đó, thằng bạn tôi lại biết “chè” khác với “trà” chỗ nào. Tôi tuy đoảng nhưng cũng biết chút chút, nấu chè tươi hơi bị ngon. Tôi rót bát chè xanh biếc ra một cái bát, đưa cho nó húp. Nó bảo:

+ Cái bát lợi hại mày nhỉ.


Ý nó nhắc lần đi uống “nâu nóng”, người ta đổ nước sôi vào cái bát, cho cái cốc vào giữ nóng. Nó thích lắm, về Mỹ còn làm y hệt chụp gửi cho tôi coi.


Hai đứa nhờ ông anh họ chỉ, rồi tự mày mò ra ruộng nơi có Mồ của ông bà nó. Giờ thì nó hiểu tại sao Mồ tròn Mả dài rồi. Nó chỉ ra con sông nhỏ, nói:

+ Bố tao kể hồi nhỏ bơi ở đây, bị toét mắt.


Mắt nó cũng đo đỏ rồi. Tôi hiểu cái giây phút thiêng liêng khi nó tìm về quê cha đất tổ ra sao mà. Nó lầm thầm khấn bái gì đó, rồi hai thằng im lặng, ngồi xuống bờ cỏ.


Rồi 2 đứa lại ngồi im, nghe gió thổi cái bụi tre kêu kẽo kẹt, kẽo kẹt.


Quay lại nhà, ông anh họ nó mừng lắm. Không ngờ cái chuyện tính dành tiền vài năm sửa nhà, chỉ một thoáng là đủ tiền. Lúc chia tay, anh nghẹn ngào hiểu là chắc không gặp lại nữa. Sau này nó mới kể một chuyện thú vị:

+ Ông H. đấy không có họ hàng với ông tao. Ông là con nuôi mày ạ.


Lúc đó tôi mới hiểu tại sao 2 vợ chồng cảm động như vậy. Lúc về, hai vợ chồng thì thầm gì đó, rồi cô vợ vào lục lọi một hồi, ra đưa cho bạn tôi một cái vòng.


+ Ngày em về làm dâu, mẹ (chồng) em cho em cái vòng này. Em gửi …

+ Em không nhận đâu.


Tôi không biết nên buồn hay nên cười. Chị họ thì cứ xưng em, mà thằng em thì cứ ngơ ra không biết từ chối sao. Tôi kéo nó ra góc nhà giải thích:

+ Cái này ở quê thì quý, lên Sài Gòn bớt chút, về Mỹ thì chẳng còn gì. Nhưng mày nên nhận. Tao nghĩ giá trị tinh thần nó lớn lắm, mày không tìm mua được đâu.


Hai thằng ở lại ăn trưa với 2 vợ chồng. Bốn người chưa hề biết nhau cách đó vài tiếng, ngồi nói chuyện như thể quen từ bao giờ. Cơm xong, cô vợ lúi húi rửa bát, 2 anh em ngồi tâm sự, tôi ra sân sau uống chè tươi. Ngồi nhìn thằng bạn tôi, tôi suy nghĩ nhiều lắm…


Bây giờ, không ai còn biết được tại sao ông của nó lại dẫn người bạn thân mồ côi về cho mẹ nhận nuôi, rồi bây giờ lòi ra 2 đứa đang ngồi đằng kia.


Trên đường về, trái với hồi sáng, tự nhiên 2 đứa tôi im lặng suốt. Về tới Phủ Lý nghỉ chân nó mới nói:


+ Bố tao bảo nên về quê một lần, tao lúc trẻ chỉ cãi “về làm gì”. Giờ tao hiểu rồi mày ạ. Tiếc là tao không dẫn Bố tao đi chung được nữa.


Nó nói một câu triết lý mà tôi nhớ mãi:

+ Về quê, thấy mình may mắn quá mày ạ. Tự nhiên muốn sống tốt hơn.


Cái ngày về Mỹ, tôi tới chỗ nó ngủ vì nó đi sớm lắm. Tôi chở nó ra “sân bay”, nó thì trầm ngâm ngồi sau chẳng nói gì. Ra tới sân ga, cho hàng hóa vào hết rồi, nó lẻn ra chào tôi, đập đập vào vai dặn dò:

+ Mày cũng sống tốt nhé.


Tôi về nhà ngủ bù, rồi dạy ăn sáng, cà phê xong thì nhận được text của nó từ Nhật. Nó nhắn “Tao tới Narita rồi”. Nó gửi một cái hình chụp lúc máy bay cất cánh, mặt trời vừa ló sau cơn mưa nhẹ sáng sớm, mây trắng là là thật đẹp. Nó nhắn ở dưới “Nhà mày ở đó đó”. Rồi nó thả một quả tim.


Cho tới giờ, tôi cũng chưa hỏi nó: Quả tim love đó là mày gửi cho tao, mày gửi cho Sài Gòn, hay mày gửi cho cái mảnh đất chữ S thân thương này?


LT

https://www.facebook.com/groups/2004139939886509/permalink/2606036196363544/