Ký Ức Về Một Rạp Hát…và khu nghĩa trang
Rạp hát Đại Lợi cách nhà tôi không tới nửa cây số. Rạp này nằm giữa đường từ nhà tôi đi học tới trường Trung học toàn cấp Tân Sơn Hòa, từ lớp đệ thất tới lớp đệ nhất. Về sau trường đổi thành trường trung học đệ nhị cấp Ngô Sĩ Liên và chỉ có dạy từ lớp đệ thất tới lớp đệ tứ, sau đó học sinh phải thi lên trường trung học đệ nhất cấp, lớp đệ tam tới lớp đệ nhất, như trường Nguyễn Thượng Hiền, trường Nguyễn Thái Bình hay trường Phú Nhuận. Chủ nhân rạp hát Đại Lợi là ông… Đại Lợi.
Thời đó thì ai có tiệm có cửa hiệu tên bằng gì thì gọi ông chủ, bà chủ bằng tên bảng hiệu đó, như ông Hải Cảng của tiệm may Hải Cảng, hoặc Bà Phước Thành của tiệm sắt, tiệm gỗ Phước Thành, vân vân... Ông cũng có cái khách sạn tên Đại Lợi nằm ngay bên cạnh rạp hát Đại Lợi. Hai toà nhà này nằm cùng dãy với nhà tôi và nhìn sang bên kia nghĩa trang Thanh Minh Tương Tế và một nghĩa trang nữa mà tôi quên mất tên rồi. Rạp Đại Lợi rất là lớn, có hai tầng. Tầng lầu trên vé bán mắc hơn tầng dưới.
Thường thì những cặp tình nhân hay mấy anh chị có bồ dẫn nhau đi coi phim mua vé ở tầng trên. Những người xồn xồn hoặc có gia đình với đám con nít đi coi ở tầng dưới.
Rạp hát Đại Lợi có từ lâu rồi, có lẽ trước khi tôi sinh ra hay lúc tôi còn bé lắm. Vì khi lớn lên, tôi có được nghe kể là cô Khuy tôi hồi đó hay bế tôi đi coi phim ở rạp nầy. Tôi nhớ lúc đó hai ba tuổi gì đó, có một lần được đi coi phim, không biết chuyện gì tôi lại la khóc om sòm trong rạp. Đang coi dở chừng, cô tôi phải mang tôi về và cô tôi la tôi và nói là từ nay sẽ không cho tôi đi coi phim nữa vì tôi quấy quá.
Tôi nghĩ lúc đó tôi khó ở trong người hay bị cảm mạo gì đó nên mới la khóc như vậy, vì thường thì tôi là một đứa trẻ hiền và dễ tính, ít la khóc và thường hay cười nên những người quen thích bồng bế tôi. Rạp Đại Lợi về sau có đóng cửa một thời gian vì làm ăn không được khá giả lắm. Sau đó ông chủ rạp chỉnh trang lại rạp và mở cửa lại.
Tôi nhớ phim đầu tiên chiếu ở rạp Đại Lợi, sau khi mở cửa lại, là phim kiếm hiệp Trung Hoa, “Hồng Cô Tuyệt Kiếm” do nữ tài tử Miêu Khả Tú thủ vai chính. Phim được chiều một tuần rồi đổi sang phim khác. Lúc đó người đi xem phim rất đông nên rạp bán vé rất chạy và hết nhanh cho mỗi xuất. Tôi muốn đi xem phim lúc đó nhưng vì còn bé, mà ba má tôi thì cấm không cho con cái đi xem phim vì nghĩ là đi xem phim vô lợi ích mà còn mất việc học hành. Ông anh kế tôi lúc đó trốn đi xem phim này và về kể cho mấy đứa em nghe phim mầu, màn ảnh đại vĩ tuyến có phụ đề Việt ngữ. Phim thứ hai là phim cũng là phim kiếm hiệp của Tàu, “Nhất Kiếm Bá Vương” mà tôi nhớ rõ tài tử nam là Địch Long đóng, nhưng cũng ráng để dành tiền và quyết đi coi cho bằng được.
Đi tới rạp coi phim là phải mua vé cho nhanh rồi lủi vào rạp liền vì sợ nếu người quen bắt gặp về mách lại với ba má tôi là ốm đòn. Nhà bác Thìn hay nhà bác Tâm bên cạnh thì cho con cái đi coi cine thả cửa. Ngay phim đầu tiên, mấy mẹ con bác Thìn dắt nhau đi coi liền. Hồi đó tôi ước gì được làm con bác ấy để cũng được đi xem phim. Thằng Thanh, thằng Bình, Định con bác ấy đi xem về kể cho tôi nghe thèm muốn chết được. Lúc đó tôi chỉ ngồi đực mặt, há hốc mồm ra nghe tụi nó kể, lại còn phụ hoạ thêm chân tay muá may như là đấu kiếm thật sự để diễn tả cho thêm gay cấn. Bọn con nít hàng xóm chúng tôi có nhiều khi đi xem phim Tàu về bắt chước múa may đấm đá như trong phim vậy. Mỗi đứa thủ một vai như những tài tử Khương Đại Vệ, Trần Tinh, Lý Tiểu Long, vân vân, giống như trong phim vậy.
Tôi còn nhớ là trên trước của rạp có treo những bức tranh vẽ và tên mỗi phim để quảng cáo cho tuần đó. Những bức tranh lớn này được thợ vẽ ngay bên cạnh rạp bằng màu nước. Sau khi chiếu phim xong và đổi sang phim khác những bức tranh này được tháo xuống và dùng nước phong tên rửa sạch rồi dùng lại những phông này để vẽ lên những hình mới. Về sau năm 1975, thằng em út tôi không hiểu sao nó lại quen được với anh thợ vẽ, và tôi cũng thỉnh thoảng được đi vào xem anh ta vẽ, nên thường được biết trước những phim sẽ chiếu cho tuần tới. Có lẽ thằng em út tôi nó đẹp trai nhất nhà, dễ thương giống như chú bé Tây con tóc nâu vàng sợi nhỏ, nên ai thấy cũng thích gần gũi nó. Nó thường được mấy anh hàng xóm sang hỏi má tôi mượn nó để đưa đi chơi…"làm cảnh" với mấy chị bồ của các anh ấy. Đúng là số nó có lộc, thằng em út tôi cũng hay được anh thợ vẽ dẫn đi coi phim không mất tiền vì anh ấy làm cho rạp và có vé mỗi tuần để đi xem.
Rạp cũng thỉnh thoảng chiếu phim của Mỹ hay của Pháp sau khi những phim này đã được chiếu ở những rạp lớn, như rạp Rex, rạp Lê Lợi, trên Saigon. Nhưng thuần túy là chiếu phim kiếm hiệp của Trung Hoa. Vào dịp tết rạp chiếu những phim dã sử Trung Hoa như Thủy Hử - 108 anh Hùng Luơng Sơn Bạc, và những phim Việt nam như Tứ Quái Saigon, Con ma nhà họ Hứa, Bão Tình, vân vân…
Sau năm 1975, rạp cũng có những đoàn kịch như đoàn kịch Kim Cương, hoặc đoàn kịch Bông Hồng của Thẩm Thúy Hằng về trình diễn và những đoàn cải lương có Minh Vương, Minh Phụng về hát ở đó. Tôi cũng đã được đi xem một vài vở tuồng như Lá Sầu Riêng, Dưới Hai Màu Áo của đoàn kịch Kim Cường và vài tuồng cải lương do Phuơng Thanh, Minh Phụng, Minh Vương, Lệ Thủy trình diễn. Tôi còn nhớ trước khi đoàn kịch hay cải lương trình diễn, có một màn văn nghệ do những ca sĩ như Lê Thu, Hoạ Mi, Sơn Ca, Băng Cháu và một số ca sĩ sau nầy hát.
Tôi nhớ ngày đó khi rạp mới khai trương lại, những chiếc ghế được bọc vải đỏ dày, nệm êm. Nhưng những người mang còn nít đi coi không tôn trọng và lười không mang con đi nhà vệ sinh, nên để con mình tiểu vào những cái nệm đó nên rất là khai khú. Về sau chủ rạp thay nệm và bọc lại ghế nệm bằng da cho nước tiểu không thấm vào. Nhưng rồi rau năm 1975, dân chúng nghèo khổ. Họ đi coi cine xong rồi lấy dao rạch và cắt những miếng da đó về để đóng quai guốc và con nít và cả người lớn đi coi rồi tiểu vào những chỗ bị mất da này.
Sau năm 1975 khi đời sống trở nên khó khăn hơn, đi xem cine co chân lên trên ghế là giày, dép, guốc bên dưới không cánh mà bay. Một chiếc cũng bị cuỗm đi. Nhiều người xem cine xong ra khỏi rạp là đi về chân đất thật tội nghiệp.
Đối điện bên kia rạp Đại Lợi là khu nghĩa trang ở khu ông Tạ. Một nghĩa trang, Thanh Minh Tương Tế, phần lớn dành để chôn cho những người có đạo công giáo. Nghĩa trang bên cạnh, phần lớn dành để chôn cho những người theo đạo Phật. Ngoài hàng rào của nghĩa trang là những xe bán cháo huyết hay những xe bán hủ tiếu bò viên. Tôi nhớ có những lần xem cine xong ra ăn cháo huyết hay ăn bò viên ở những xe này. Cháo huyết họ nấu rất nóng và rất thơm. Những miếng huyết ăn ngon, lại thêm dầu cháo quẩy cắt nhỏ cho vào cháo, trộn thêm với những cọng gía sống và hành ngò cộng thêm rau răm. Ăn một bát cháo nóng và mồ hôi hột rã ra là sướng lúc đó. Những tô hủ tiếu bò viên cũng ngon.
Nhiều người không thích ăn hủ tiếu thì gọi tô bò viên riêng. Bò viên có hai loại, bò viên gân và bò viên thuờng, không gân. Nước bò viên trong, vàng và thơm mùi thịt bò rất ngon. Khách ăn hàng chấm bò viên với tương ớt để trên một chiếc đĩa nhỏ. Sau đó húp nước bò viên sùm sụp rất là đã.
Ngày còn bé, tôi theo cô em họ tên Nga, con cô Hòa lớn tuổi hơn tôi, và mấy đứa em họ con cô Nghĩa, cô Hòa làm giò chả nhà ở gần cổng Tân Chí Linh, vô trong nghĩa trang Thanh Minh Tương Tế để coi những ngôi mộ xây cất và để so sánh xem những ngôi mộ nào được xây đẹp. Nghĩ cũng lạ, là hồi còn nhỏ tại sao lại vô nghĩa địa chơi. Tôi thiết nghĩ đi phá làng phá xóm của người sống thì thế nào cũng bị la mắng. Còn đi “phá làng phá xóm” của người quá cố thì cũng chẳng có ai hiện về mà la mắng hay rượt đuổi chúng tôi. Tôi nghĩ ngày đó những người quá cố có lẽ cũng không có phiền toái gì về chúng tôi khi có mấy đứa con nít đến “viếng thăm ồn ào cho vui mồ vui mả" vì trong nghĩa trang lúc nào cũng buồn tẻ, yên ắng, quạnh hiu. Vả lại có bao nhiêu người đi viếng mộ họ trừ khi vào những ngày lễ như lễ Vu lan, lễ Xóa Tội Vong Nhân... của người theo đạo phật hoặc lễ Cầu Cho Các Linh Hồn sau lễ các thánh của người theo đạo thiên chúa giáo. Với những dịp lễ lạy như vậy thì người ta mới có dịp phải đi tảo mộ, viếng mộ chứ ngày thưởng đâu ai có thì giờ, ai ai cũng bận rộn buôn bán, công việc với đời sống hàng ngày mà đi ra nghĩa trang. Mà ngày đó chúng tôi cũng không phá phách gì trong nghĩa trang, mà chỉ đi coi xem mộ nào xây đẹp để so sánh có những bình bông hay những tấm bia khắc tên, hoặc những mộ bia có tượng thánh giá, tượng chúa và đức mẹ của người thiên chúa giáo hoặc tượng phật của những người theo đạo phật giáo...
Thêm vào đó, có lẽ lúc đó tôi đã có đọc sách về Tả Ao, nhà địa lý đầu tiên của Việt nam chúng ta, thấy nói về những ngôi mộ khi chọn đúng cách đứng chỗ thì có lộc hay con cháu ăn nên làm ra nên cũng tò mò đi xem. Ông nội tôi chết và bà cụ ngoại tôi chết cũng đem chôn ở nghĩa trang này. Tôi quan sát hai ngôi mộ đó cũng không thấy có gì đặc biệt, không có mối đùn lên, cũng không có dây tơ hồng, tơ trắng gì ráo trọi. Có lẽ vậy mà ba má tôi chỉ làm đủ ăn thôi.
Hồi nhỏ, nghe mẹ tôi kể là nếu ai chết mà chôn được ở hàm rồng thì con cháu sẽ ăn lên làm ra, có thể làm quan nữa. Mà hàm rồng thì chỉ có mở một lúc thôi rồi đóng lại. Không biết có ai biết được lúc nào hàm rồng mở để rồi chết mà chôn vào chỗ đó ngoại trừ ông Tả Ao. Tôi nghe nói nhà ông thuốc Tây, Phạm Ngọc Thạch có mộ bố mẹ ông ấy chôn ở đây và có những sợi dây tơ trắng phủ lên ngôi mộ. Tôi và mấy đứa em họ cũng ráng tìm cho ra được ngôi mộ này lúc đó có xây cổng với những chấn song ở chung quanh để không cho kẻ gian hay người lạ vào phá mộ. Nhìn qua chấn song, tôi thấy thật sự có những sợi tơ trắng phủ lên phía trên mặt đất của ngôi mộ, và tên người quá cố cũng cùng họ Phạm với tên ông. Không biết những điều tôi đọc sách viết của ông Tả Ao có đúng không, nhưng nhà thuốc Tây Ngọc Thạch lúc đó ở gần ngõ Cấp Tiến, hẻm 158, làm ăn rất phát đạt ở khu ông Tạ ngày đó…
Nghĩa trang ở bên Mỹ, về việc chôn cất với các mồ mả có vẻ đơn giản hơn các mồ mả ở Việt nam. Những ngôi mộ ở bên Mỹ không có xây cao, cầu kỳ như những ngôi mộ ở Việt nam. Ở Việt nam, ngày xưa và kể cả ngày nay, những gia đình nào làm ăn dư dả, có tiền xây những ngôi mộ như những lăng tẩm. Trong khi ở bên Mỹ, khi những quan tài được chôn xuống đất xong, thì mặt đất được san bằng và trồng cỏ để tiện cho thợ cắt cỏ và giữ gìn khu nghĩa trang cho sạch sẽ. Những tấm bia của những ngôi mộ cũng đơn giản, chỉ để tên người quá cố, ngày tháng năm sinh và ngày tháng năm tử. Nhiều tấm bia rất đơn giản chỉ có tên và năm sinh năm tử. Tôi nhận thấy về sau này, những ngôi mộ của nhiều người Việt nam giàu có, khá giả, thì những cái bia được làm thật là to và khắc lên đó như là một tiểu sử của người quá cố. Những cái bia đó làm bằng đá cẩm thạch rất là mắc tiền, có thể lên đến hàng chục ngàn dollars. Tôi không biết những người chết trong lúc còn sống có được sung sướng không hay bị con cháu bỏ bê để rồi khi mất đi con cháu làm những đám tang thật to, những ngôi mộ thật lớn, thật đẹp, để cho thiên hạ thấy họ là những người con có hiếu...
Trở lại chuyện nghĩa trang ở khu ông Tạ, tội nghiệp cho những người nằm xuống, tưởng được mồ yên mả đẹp trong nghĩa trang này, nhưng cũng không được yên thân an phận. Ngày đó được một vài đứa trẻ như chúng tôi đến chơi "viếng thăm quậy phá” cho vui mồ vui mả... Nhưng rồi những năm sau 1975, thì chỗ mình nằm yên nghỉ đời đời cũng bị người ta phá đi để làm thành một nơi ồn ào náo nhiệt như cái chợ Phạm văn Hai bây giờ. Rồi rạp hát Đại Lợi cũng biến mất để đi theo những vong hồn của người quá cố. Có lẽ rạp hát Đại Lợi cũng đi theo những vong linh này để chiếu phim cho họ xem hay trình diễn những tuồng cải lương, những tấn kịch cho họ thưởng thức ở bên kia thế giới... Ôi một ký ức tuổi thơ, một thời để nhớ…
Lâm Phi aka NDK
Bài viết trên được trích một đoạn từ bài viết trong tạp ghi "Cho Đi Lại Từ Đầu" và được bổ sung thêm.
Duy Trác hát “Trả Lại Cho Đời” và “Như Cánh Chim Trời” của nhạc sĩ, cũng là nhà văn và nhà thơ Lê Tín Hương trong CD “Có Những Niềm Riêng” do chính tác giả thực hiện.