Trong bài “Hồi ức 40 năm làm báo” của nhà văn Nguyễn Thụy Long (đăng trên nhật báo Chiêu Dương số ra ngày 17.10.2002, trang 41) đã nhắc đến tên một quán cà phê nổi tiếng tại vùng Ngã Ba Ông Tạ, nằm ngay đầu đường Thánh Mẫu, nơi mà những lúc kẹt đường dân chúng có thể lái xe từ đường Phạm Hồng Thái (Lê Văn Duyệt nối dài Saigòn) rẽ vào để đi thoát lên Ngã Tư Bảy Hiền hoặc nhà thờ Chí Hòa Nam một cách dễ dàng.
Đó là quán Cà phê Thăng Long, nhờ nằm ẩn vào trong đầu đường nhỏ nên tránh được cái ồn ào và hỗn độn của xe cộ qua lại. Quán lại thấp hơn so với mặt đường, đi vào quán khách phải bước xuống mấy bậc thềm, đằng trước lại trồng giàn hoa giấy tươi tốt quanh năm, nên khách vào ngồi “đồng” ở đây bất cứ lúc nào cũng có cái cảm giác mát lạnh so với không khí nóng bức bên ngoài. Đằng trước quán có một khoảng trống để cho khách dựng xe rất an toàn, vì khách có thể ngồi bất cứ nơi nào trong quán cũng có thể nhìn thấy xe của mình, với lại ông chủ quán luôn miệng bảo đảm với khách rằng hãy yên tâm mà nhâm nhi vì xe đậu ở đây không cần khóa mà cũng chẳng bị mất cắp bao giờ.
Đó là thời điểm của quán cà phê Thăng Long trước năm 1975, thời mà nhà báo Nguyễn Thụy Long còn có cơ hội để giao du với chủ quán, để được ông chủ ưu ái tặng cho cái phin cà phê đồng mạ thau sản xuất từ Pháp. Chứ ngày nay, quán ấy đã đóng cửa và cả hai ông bà chủ quán ấy đã ra người thiên cổ cách đây cả gần hai chục năm rồi.
Ông Vũ văn Cẩn và vợ là bà Đặng Thị Phương đã mang nghề pha cà phê bí truyền này từ Bắc di cư vào Nam năm 1954. Hai vợ chồng mở quán đầu tiên ở Cống Bà Xếp và vào đầu thập niên 60 đã chuyển về ngõ hẻm Thánh Mẫu nhằm có chỗ rộng rãi và khang trang hơn nơi cũ. Và sau biến cố lật đổ Tổng Thống Ngô Đình Diệm vào năm 1963, bị nhóm quá khích đốt phá tòa báo ở đường Bùi Thị Xuân, Linh mục Nguyễn Quang Lãm cũng dọn nhật báo Xây Dựng về đây, và tòa soạn nằm cách quán cà phê Thăng Long chỉ mấy căn nhà, nơi đây là một cứ điểm an toàn cho tòa soạn lẫn cả quán cà phê Thăng Long vì chung quanh toàn là dân Bắc Kỳ di cư, đầu ngõ lại có đồn gác của Nhân Dân Tự Vệ với cửa sắt khóa kỹ mỗi khi đến giờ giới nghiêm. Hồi ấy những người đi đêm còn sợ Nhân Dân Tự Vệ hơn cả Cảnh Sát, vì “mấy em” này ưa nổ sảng, lạng quạng là mất mạng như chơi.
Hai vợ chồng ông bà chủ quán đều là người lịch thiệp, nhã nhặn và lúc nào cũng tỏ vẻ thân thiện với mọi người. Vào thập niên 70, ông Cẩn đã ngoài 60 nhưng lúc nào cũng mặc áo thung quần soọc trắng, lái chiếc vespa đằng trước luôn có cái túi xách đựng mấy cây vợt. Nhờ chơi tennis thường xuyên nên ông có cái dáng dấp của một nhà thể thao, và trẻ hơn nhiều so với số tuổi đang có. Bà vợ thì trái lại, rất ít khi ra đường, cả ngày chỉ quanh quẩn trông nom hàng quán, và tìm cách tăng cường thêm các món đặc biệt để giữ khách.
Mặc dù nổi tiếng về món cà phê phin, nhưng ở quán Thăng Long còn bán thêm nhiều món phụ khác như buổi sáng thì có điểm tâm bánh mì trứng gà ốp-la, buổi trưa có cơm tấm, buổi chiều và tối có cà phê sữa đá, đen đá, chanh rum, chè các loại. Thạch chè là món bán phụ nhưng sau này lại bỗng dưng nổi tiếng nhờ chủ quán biết ướp thêm hoa nhài và hoa sen khiến miếng thạch khi đưa vào miệng thơm lừng và mát rượi. Các cặp tình nhân rất ưa rủ nhau vào quán này khi màn đêm buông xuống, họ tìm một góc khuất, xa cả ánh đèn mầu để rồi len lén đút cho nhau những thìa chè mật ngọt. Đối diện với quán là mấy hãng làm kẹo bánh, mà nổi tiếng nhất là hãng bánh Thiên Hương Rồng Vàng chuyên sản xuất các loại bánh dẻo và bánh đậu xanh, vì thế bất cứ khi nào đi ngang qua con đường này người ta cũng ngửi thấy mùi thơm rất dễ ưa của bánh đậu xanh và kẹo lạc, và đám trẻ con thường hay lảng vảng để xin những mảnh kẹo thừa do thợ loại ra khi đưa vào máy cắt.
Dàn máy Akai phát nhạc của quán cà phê Thăng Long cũng là điều đáng nói. Ông chủ quán là người hiểu biết và khá chững chạc nên đã chọn toàn loại nhạc tiền chiến lẫn phản chiến, chứ không bao giờ chịu cho phát các bản nhạc thời trang, khiến khách vào quán của ông thường là những người từ tuổi trung niên trở lên. Dân Bắc di cư và những người mặc quân phục cũng là khách thường xuyên đến đây, nhiều khi chỉ gọi một ly cà phê mà ngồi hết cả ngày để thưởng thức nhạc, ngoài ra còn có số người cầm bút chọn nơi này để tán gẫu và giải khát. Ở đây tôi đã từng gặp các cây bút cộng tác với báo Xây Dựng như nhà văn Mai Thảo, Duyên Anh, Nguyễn Đình Toàn, Vũ Bình Nghi, nữ ký giả chiến trường Lam Thiên Hương (cô này là con rơi của cựu Thủ tướng Nguyễn Văn Tâm và là vợ đầu tiên của ký giả Nguyễn Hoàng Đoan, chồng hiện nay của nữ ca sĩ Khánh ly), nhiếp ảnh gia Lỗ Vinh... đến uống cà phê và trao đổi về chuyện nghề nghiệp, có lần tôi cũng gặp các ông dân biểu Đặng Văn Tiếp, Lý Quý Chung vào đây “lánh nạn” khi đoàn biểu tình Chống Tham Nhũng của cha Trần Hữu Thanh bị cảnh sát rượt đuổi tán loạn từ ngoài khu Nhà Dây Thép Gió.
Phần lớn khách vào quán đều gọi món cà phê phin, vì hương vị ở đây thật tuyệt vời và khác lạ so với các quán khác, và người uống nó phải có thì giờ rảnh rỗi và sành điệu bởi nguyên việc chờ đợi các giọt “sương đen” này chảy hết xuống chiếc ly sành thì cũng đã mất mươi mười lăm phút, lại còn phải biết xoáy và nén cái trục của phin, khi thấy phin không nhỏ giọt cà phê ra ly người uống quen còn phải biết cách dùng cái thìa nhôm chà xát một vòng bên ngoài đáy phin để cho những giọt cà phê đen lánh thoát ra, hoặc châm thêm nước sôi từ một cái bình thủy nhỏ để sẵn bên cạnh. Theo ông chủ quán, uống một ly cà phê phin bốc khói, bao giờ cũng tuyệt vời và nguyên chất hơn là uống loại cà phê “bí tất” nhạt như nước ốc ao bèo của mấy tiệm hủ tiếu người Tàu.
Không biết ông chủ quán làm cách nào để có phương cách pha chế độc đáo nhằm tạo ra hương vị riêng biệt, để người đã uống cà phê ở tiệm ông chẳng mấy chốc rồi cũng đâm ghiền, và dù phải đi đâu xa khi có dịp cũng vẫn trở lại với quán cũ, một cái quán quen thuộc với loại ghế đẩu ngồi chồm hổm với những hình ảnh trang trí rất đỗi bình dân, nhưng lại ấm cúng và thích hợp với dân chúng thời bấy giờ. Thấy tiệm ông đông khách, nhiều người đã đồn thổi là ông có tẩm xái thuốc phiện vào mỗi phin cà phê trước khi bưng ra cho khách, tôi nhiều lần vào quán cũng kín đáo quan sát thì thấy mấy cô phụ việc trong quán quả có chấm một thứ gì đó, nhưng sau này mới biết đó chỉ là nước cốt hoa nhài, giống như dầu chuối, dùng để thoa lên trên các món thạch chè để khách ăn cho thơm miệng.
Điều này là sự thật, vì đằng sau Nhà Dây Thép Gió có một vườn nhài và ngâu khá lớn, do một cặp vợ chồng người Hoa tên là Tỷ trồng hái, và thường xuyên đem đến bán cho quán cà phê Thăng Long. Từ trước đến nay tôi thường thấy các cụ ướp hoa nhài và hoa ngâu vào trà chứ chưa bao giờ thấy họ dùng các loại hoa nhài và sen để tẩm vào thạch chè như ở quán này cả.
Ông bà Cẩn không có nhiều con, mà người con gái độc nhất mà tôi biết là chị Chi khi lập gia đình thì mua nhà riêng ở chợ Vườn Chuối, sau năm 1975 chị thiệt mạng oan uổng trong một tai nạn xe cộ. Trong quán thời ấy có hai cô nhỏ xinh xắn và dễ thương thường có mặt để giúp ông bà chủ quán, một cô tên Hương một cô tên Hiền, cả hai là chị em, cháu ruột của ông bà Cẩn. Sau này tôi mới khám phá ra cô Hương là học sinh trường Văn Đức, học dưới tôi một hai lớp, vì thế khi có dịp vào quán mà gặp cô này thì bọn tôi được đãi đằng chu đáo lắm. Thời ấy tôi chưa biết uống cà phê nên khi vào quán thường gọi ly sữa nước sôi, Tiến và Trân (hai đứa bạn thân, nay một ở Mỹ, một ở Úc) thường phá ra cười, và cô bạn học chạy bàn lại còn phụ họa chế diễu khi gọi vọng vào trong: “Một cà phê phin sữa, một sữa nước sôi... nhớ cho thêm cái bình... nhe...” Bị chọc quê, từ đó tôi phải tập uống cà phê cho đúng điệu giang hồ, và bị ghiền nó từ đó đến tận bây giờ.
Sau năm 1975, quán có mở cửa thêm thời gian ngắn nhưng chính quyền thời ấy rất có ác cảm với mấy quán bán cà phê, mặc dù chủ quán đã biết điệu gỡ bỏ tất cả các bóng đèn mầu và cất luôn cái dàn máy Akai chạy những cuộn băng nhựa to bằng cái dĩa lớn vào trong phòng ngủ, và đem vứt bỏ sạch sẽ không còn cuốn băng nhạc vàng nào trong nhà thế mà cũng không yên. Lý do mà ông Cẩn đành đoạn giã từ nghề cũ vì theo ông nó “đã hết thời”, vì dân chúng lúc ấy chạy gạo từng bữa ăn chưa đủ no lấy tiền đâu ra mà bày vẽ chuyện nhâm nhi với lại thưởng thức.
Quả thật lúc ấy, tìm mua thứ gì cũng khó, nhất là cái khoản sữa, đường, không lẽ mở cửa chỉ để bán cà phê đen? Nhớ lại khi xưa, trên quầy quán cà phê Thăng Long lúc nào cũng có mấy chục hộp sữa đặc hiệu Ông Thọ và hàng chục chiếc ly sành của Nhật đã được rót sữa sẵn chỉ chờ khách gọi là bưng ra ngay, còn bây giờ công nhân làm sặc gạch cả tháng may ra được mua thêm một hộp sữa là phải quẳng ngay ra chợ trời để kiếm tiền đong gạo, các bà sinh con phải qua bảy tám cửa ải phải thực sự không có sữa nuôi con thì mới được cấp sổ mua mỗi tháng dăm hộp sữa đặc.
Gọi là sữa đặc nhưng phẩm chất lúc ấy rất là tệ, pha ra lỏng le và lạt nhách, con nít uống vào chắc cũng chẳng tăng được chất dinh dưỡng là bao nhiêu.
Về già không buôn bán gì, lại không nhiều con cái nên ông bà chủ quán sống những ngày còn lại rất ung dung, nhưng không hiểu vì lý do gì sau đó họ đã bán quán và mua một căn nhà nhỏ ở vùng Tân Phú, Bà Quẹo để cư trú rồi lần lượt qua đời. Riêng cô cháu tên Hương còn ở lại trong một căn nhà cùng đường nhưng nằm tuốt mãi về phía gần nhà thờ Chí Hòa, vì nhờ nhà mặt đường nên mỗi sáng cô cùng chồng con mở cửa bày bàn ghế ra sát lề đường để bán bánh cuốn tráng tại chỗ, và cũng có đủ món cà phê nhưng chắc chắn không tuyệt vời hương vị bằng quán cà phê Thăng Long khi xưa. Sau 1975, những tay ghiền cà phê phin như bọn tôi đều phải uống một loại cà phê pha chế bằng đủ thứ mùi vị, lúc thì hăng hăng như mùi bọ xít, lúc thì khét đắng như bị pha thêm trái điệp rang, vừa uống lại phải vừa dùng muỗng vớt ra những cặn bã đen như lá cây bị đốt cháy, và uống “chay” với đường vàng chứ không được tới mức đường trắng vì sữa là một xa xỉ phẩm gần như biến mất trên thị trường và giá rất mắc mỏ. Ỷ là lớp đàn anh, có lần tôi đã hỏi cô Hương về bí quyết pha chế cà phê của ông bà chủ quán, nhưng cô nói lúc ấy còn nhỏ nên chẳng để ý gì đến chuyện này, mà chỉ biết rằng ông Cẩn chọn lựa hàng mua về rất kỹ, chính tay ông rang và xay chứ không để ai xen vào. Cô cũng than phiền rằng vì hoàn cảnh nên thời nay còn rất ít người biết thưởng thức cà phê phin, và đa số đã chuyển sang uống loại cà phê pha chế sẵn. Loại này còn được gọi là cà phê “bí tất”, vì người bán bỏ cà phê vô một cái túi dài, giống như chiếc vớ, rồi chế nước sôi vào để cho ngấm, sau đó đổ vào từng chai, ai gọi thì rót ra từng ly để bán. Khách nào quen hoặc chịu chi đắt tiền hơn một chút thì được uống loại nước nhất, còn hạng “cá kèo” thì phải uống loại nước nhì, thường được gọi là “nước nhão”.
Tôi có người bạn thân tên Tiến, sau 1975 hành nghề bán xăng lẻ ở đầu đường Thánh Mẫu này để làm kế sinh nhai, để tránh bị công an bắt bớ và tịch thu Tiến chỉ để ở kế cây cột điện một hai lít xăng pha, số còn lại đem nhờ giấu trong quán cà phê Thăng Long, thế mà nhiều khi bị theo dõi xăng cũng bị hốt sạch đến độ không còn cả vốn để lấy số xăng khác về bán tiếp. Thấy thế, nhiều lần ông bà chủ quán đã kín đáo giúp đỡ vợ chồng Tiến bằng cách cho mượn tiền hoặc mua giúp một lúc đến mấy lít xăng. Tiến bạn tôi bây giờ cả gia đình đang ở Mỹ nhưng không lúc nào anh quên được những nghĩa cử đầy tình người ấy. Tiến kể: “Bác Phương có lần đi ngang qua chỗ bán xăng thấy mặt tao buồn thiu vì bán xăng ế ẩm, bác ấy nói với tao “bảo cháu Dũng đưa vào cho tôi 4 lít” khiến tao mừng húm, khi con tao đưa xăng vào bác ấy lại bảo nó mở nắp mấy cái xe của nhà hàng xóm để đổ vào, vì xe của bác trai đã đầy xăng rồi. Khi nghe tin con tao bị bắt đi bộ đội bác ấy cũng cho tiền đi thăm nuôi, rồi đến khi nghe tin con tao chết ở Căm Bốt bác ấy cũng nhắn tìm, nhưng tao thấy hai bác ấy tốt quá nên cũng không dám đến làm phiền. Khi nào mày viết bài về quán cà phê Thăng Long, thì tao nhờ mày viết về lòng tốt của hai bác ấy, vì tao chịu ơn nhiều quá mà hai bác ấy nay lại ra đi hết rồi”. Tiến cũng kể đến một phong cách làm ăn rất tế nhị và kín đáo của ông bà chủ quán, là nhiều khi khách không có tiền vào uống chịu, chủ quán và người chạy bàn vẫn vui vẻ như không có chuyện gì xảy ra, lần tới vào quán cũng không bị nhắc nợ dù là nhắc khéo nếu đang ngồi chung bàn với người khác, chỉ có khi nào khách đi một mình thì món nợ may ra mới được nhẹ nhàng nhắc lại, nếu khách bảo túng quá thì xóa bỏ, còn nếu khách bảo rằng quên không nhớ thì từ đó mới phải ghi vào sổ nợ.
Ông bà chủ quán ấy tốt bụng như vậy, nên khi nhà báo Nguyễn Thụy Long viết phóng sự về cà phê phin tại Saigòn, liền được ông Cẩn đem tặng tận tòa soạn một cái phin cà phê mới toanh còn đựng trong hộp. Ông nói với Nguyễn Thụy Long rằng: “Uống cà phê bằng phin mới ngon, cà phê pha bằng túi thì chẳng ra làm sao, hay những cái phin bằng nhôm làm bây giờ mất độ chính xác đi. Tôi phải com măng những cái phin cà phê này ở tận bên Tây để pha cho người sành điệu, mà những khách hàng uống cà phê ở quán nhà tôi đều là những người sành điệu hết. Khi nào ông uống cà phê bằng cái phin này hãy nhớ đến tôi”. Cho đến nay Nguyễn Thụy Long vẫn còn giữ cái phin ấy dù người trao tặng đã không còn nữa, ngậm ngùi khi nhớ lại chuyện xưa nhà báo viết: “Tôi nuôi biết bao nhiêu chó mèo, và đã qua bao nhiêu kiếp chó mèo, nhưng cái phin cà phê này vẫn tồn tại, đương nhiên tôi phải tôn trọng và giữ gìn nó như một vật thể có linh hồn, đó là kỷ niệm. Tuổi thọ của chiếc phin cà phê này cao lắm, qua đời tôi có thể nó vẫn còn, trở thành đồ cổ nếu con cháu tôi biết giữ gìn. Cái phin cà phê bây giờ có chỗ đã tróc men mạ, ốc đã lờn, nhưng vẫn còn tốt chán. Nó đã vượt qua bao nhiêu ngàn cây số để đến với tôi, vì nó là một phin cà phê của Pháp sản xuất”.
Hồi ấy ông Cẩn chủ quán hay cho mở mấy bài như Nỗi Lòng Người Đi, Hướng Về Hà Nội, Buồn Tàn Thu hay Bây Giờ Tháng Mấy, hoặc những bài phản chiến như Gia Tài Của Mẹ, Đại Bác Ru Đêm của Trịnh Công Sơn qua tiếng hát Khánh Ly, và khách trong quán đều hạn chế tối đa các tiếng động để thưởng thức từng lời nhạc bổng trầm. Cái không khí ấy khiến nhiều người ưa chuộng lắm, vì họ tìm được những giây phút yên ắng để phì phèo điếu thuốc lá, để thả hồn về chốn xa xưa, về những kỷ niệm đã mất, và về thực tại hỗn mang. Bọn tôi nhà nghèo nên không có dàn máy tốt để nghe nhạc, nên chiếc máy Akai và dàn loa ở đây quyến rũ chúng tôi lắm, vì nó có hệ thống stereo hai chiều, làm giọng hát và tiếng các nhạc cụ như được tách rời ra khỏi nhau và quyện tròn khi cất lên trong quán. Ông Cẩn mướn người thiết kế hệ thống loa rất hay, người trong quán nghe được trọn vẹn mọi âm thanh mà không thấy ồn ào khó chịu, còn người qua đường thì chỉ nghe được tiếng vọng ra rất nhỏ. Tôi nghĩ, nhạc cũng là phần quyết định khá lớn cho một quán cà phê, nhất là loại quán cà phê kiểu thính phòng như quán Thăng Long này, vì thế lúc nào quán cũng có một số khách tuy không ồn ào tấp nập, nhưng cũng đủ để nuôi sống quán dù rơi vào bất cứ thời điểm nào.
Sáng ngày 30.4.1975, trong lúc làn sóng người chạy loạn từ phía Ngã Tư Bảy Hiền dồn lên mỗi lúc một đông, thế mà quán cà phê Thăng Long vẫn mở rộng cửa. Ông bà chủ quán cho mở cửa không phải để bán kiếm tiền, mà là để có chỗ cho người tránh đạn dừng chân, vì lúc ấy đã có mấy người bị thương vì đạn pháo kích. Viên đạn pháo nổ ở đâu không rõ, nhưng mảnh đạn của nó đã tiện đứt một nửa bàn chân của một cô gái, và làm một bà cụ khác bị thương nơi ống quyển. Ông Cẩn ra đường kéo những người này vào bên trong và băng bó, rồi lại dúi cho họ ít tiền bảo ra đường cố gắng đón xe mà về. Trong cái lúc hỗn loạn như thế, mà hai ông bà vẫn ung dung tự tại, không chạy đi đâu hết, và còn mở cửa để giúp người hoạn nạn thì thật là những người có lòng tốt hiếm có.
Đọc tới đây chắc sẽ có nhiều bạn tự hỏi, làm sao tôi biết nhiều về quán cà phê Thăng Long quá vậy? Và lý do gì để tôi viết? Tôi xin thưa ngay rằng, sở dĩ có bài này là vì hai chuyện, thứ nhất tôi và ông bà chủ quán Thăng Long là người hàng xóm, vì nhà tôi ở trong ngõ ngay bên hông quán, và tôi cũng có một dạo là một khách hàng thường ngồi ở quán này. Thứ hai là vì bạn tôi tên Tiến hiện ở Mỹ muốn tôi viết như là một nén hương lòng để tưởng niệm hai người chủ quán đã có lòng tốt giúp đỡ, vào lúc mà cả gia đình anh - và cũng là hoàn cảnh của nhiều người khác nữa - chỉ cần có một lít gạo hẩm là đã có thể sống được qua ngày.
Nguyễn Vi Túy