Ăn Chè Chạy!

Hình minh họa lấy của Lê Văn Nghĩa, Sài Gòn Chuyện Xưa Mà Chưa Cũ, Nhà Xuất Bản Trẻ. 

Viết cho những ai từng là ôn con của một xóm nào đó.

 

ĂN CHÈ CHẠY

 

 
Thằng Hà rành khu này lắm. Cứ khoảng một tháng một lần, nó lại lên đây đào đất sét mang về bán cho ông Toàn. Ông Toàn ngoài công việc mở tiệm cắt tóc trong cái ngõ nhỏ Vùng Ông Tạ này, ông còn làm thêm bếp than đất sét bọc tôn, bán cho bà con trong vùng.
 
Nhưng hôm nay khác với mọi ngày. Thằng Hà trịnh trọng giới thiệu với mấy nhóc cùng xóm:
 
+ Thằng Nghiêm bạn tao bên Cầu Sạn.
 
Cả đám có vẻ không hài lòng. Tại sao lại dẫn một thằng bá vơ từ đâu về vậy nhỉ?
 
+ Nó học Nguyễn Thượng Hiền.
 
Thế thì quá đáng lắm rồi. Đã không chung Xóm lại còn khác Trường.
 
Nhưng lũ nhóc im lặng. Chúng nó hiểu là ông Toàn đã ký hợp đồng mua đất sét dạng đặc quyền với thằng Hà. Không có thằng Hà, chẳng những không biết phải đào chỗ nào, lấy đất sét gì... mà có đào được mang tới, ông Toàn cũng sẽ từ chối không mua.
 
Thằng Phần lên tiếng:
 
+ Nó phải bao một chầu chè nhập hội.
 
Thằng Phần vẫn còn ấm ức lần xin vào, nó bị đám ma cũ bắt bao ăn quán Bà Cụ Bánh Bèo đầu đường Bắc Hải. May là ngày đó, cái Hội kín này còn ít thành viên.
 
Thằng Nghiêm thì làm gì đủ tiền. Thằng Hà bèn đứng ra “giải kíu” cho bạn:
 
+ Hôm nay ăn chè kiểu khác vui hơn.
+ Kiểu gì?
+ Đứa nào ăn sau cùng, trả tiền cho cả đám.
 
Thằng Phần lại phản đối:
+ Cơ mà tao không có đủ tiền.
+ Tao sẽ trừ dần tiền bán đất sét, chịu chưa?
 
Tụi nhóc này cho thằng Hà làm lãnh tụ ở chỗ đó. Nó luôn nghĩ ra những giải pháp độc đáo, dứt khoát mà lại rất Nhân Văn. “Trừ dần” thì tụi nó lạ gì. Tức là bán đất sét giả dụ như được 10 đồng, sẽ được lãnh 8 đồng, lấy 2 đồng trừ tiền chè cho tới khi trả xong.
 
Thế là chớp nhoáng trong một sát na, lũ ôn con đã đồng ý với giải pháp Ăn sau trả tiền cho cuộc phiêu lưu Ăn Chè Chạy.
 
***
Cái nghề moi đất sét về bán, thoạt nhìn dễ chứ không dễ. Riêng công đoạn phân loại đất sét cũng rắc rối rồi.
 
+ Này nhé, đất sét vàng, mịn thì tách ra bán cho ông Toàn làm bếp.
 
+ May mắn được ít đất sét trắng thì tách ra nặn tượng, nhờ ké bếp của ông Toàn nung thành những hình bật tường chúng nó yêu thích như người Điện Quang, Tạc Giăng, Lý Tiểu Long, Mễ Tây Cơ quăng dây...
 
+ Phần đất sét thô, xấu nhất thằng Hà chia đều ra. Chúng nó sẽ lăn thành những viên bi tròn, cho vào các ống nhựa trắng dài dùng để bọc dây điện, lấy hơi phùng nhức cả 2 má, thổi đất sét vào mông mấy đứa con gái xóm trên mỗi khi đạp xe ngang qua.
 
***
Trước khi đi, theo đúng truyền thống sinh hoạt hội, cả đám kéo tới nhà ông Thế mua một điếu Cáp Tăng, leo lên bờ gạch nhà bà Cao ngồi, hút chung điếu thuốc, lên kế hoạch tác chiến.
 
Cái vụ hút thuốc này, hay bị cằn nhằn nhất là thằng Hà. Nó thường cầm lên, ngẫm nghĩ gì đó rồi mới rít một hơi, rồi lim dim thưởng thức. Mặt nó trầm ngâm suy nghĩ gì đấy...
 
+ Mỏi tay quá.
 
“Mỏi tay quá” là tiếng lóng tụi nhóc nhắc nhau, ý là “Mày cầm điếu thuốc lâu quá, chuyền cho tao đi”. Nhất là thuốc Cáp Tăng nữa, nó tuy thơm mà cháy nhanh lắm…
 
Mà hôm đó hình như mua trúng điếu thuốc dính nước mưa, bị mốc. Thằng Hà cầm điếu thuốc soi soi, thở dài nói:
 
+ Mua trúng thuốc mốc mẹ nó rồi. Mai qua bên kia mua.
 
“Bên kia” của chúng nó là nhà con bé Mai, con bà Cố Dầu. Hai cửa tiệm bán thuốc lá, bên nào cũng có Mỹ nữ. Hình như thời ấy, chúng nó lựa chọn chỗ mua bằng sắc đẹp người bán hàng, cho nên mới lội bộ ra tận đây mua thuốc lá.
 
Thằng Phần thở dài: Thuốc mốc, chắc hôm nay xui rồi.
 
Thằng Phần vẫn luôn như thế. Nó luôn nhìn cuộc đời như một ly nước vơi mất một nửa. Cái áo sơ mi trắng mua tặng nó mà dơ một tí, nó sẽ chỉ nhìn thấy chỗ bị dơ. Nó quên người ta đang cho nó cái áo. Cái tính cách này đi theo nó suốt đời, làm khổ vợ con nó sau này...
 
+ Đi thôi chúng mày. Thằng Hà rít hơi cuối cùng, ném điếu thuốc xuống chân, đạp dẹp lép một cách quả quyết.
 
***
Thế mà hôm đó xui thật. Đào mãi chẳng trúng chỗ nào có đất sét. Thằng Nghiêm đề nghị một cách rất nghiêm nghị:
 
+ Ê Hà, tao đọc truyện Tin Tin thấy có cái ông gì mũ đen cầm ba toong, ổng có cái cục sắt buộc sợi dây lủng lẳng tìm ra cổ vật. Mày làm một cái thử xem.
 
Cả đám phá ra cười. Nhưng tụi nó bắt đầu thấy thích thằng Nghiêm.
 
Đào chừng 45 phút chẳng được bịch đất sét nào, tụi nó bỏ cuộc. Thằng Hà nhắc:
 
+ Đi ăn chè chạy.
 
***
Thế là chúng nó kéo vào cái quán gần đầu đường Võ Tánh / Hoàng Văn Thụ. Ngồi vào bàn, chỉ mất một sát na nữa là đã biết ăn chè gì, nhanh hơn gấp bội đám con gái trong xóm ngồi mãi không biết gọi món chi chi.
 
Bà chủ quán buổi trưa vắng, đang lim dim ngủ, mừng húm khi thấy có đám nhóc kéo vào. Giờ này thì chỉ mình bà đứng quán, đứa con gái thì cho vào trong ngủ trưa. Hồi sáng trời âm u, bà cứ sợ mưa thì nồi chè chắc ế.
 
Bà thoăn thoắt cái là xong mấy ly chè nhưng khi bưng ra, bà vô tình châm ngòi cho một trận chiến.
 
+ Ê, sao mày ăn trước. Phải đợi mang chè ra đủ chứ?
 
+ Tụi mày ơi, thằng Nghiêm nó ăn trước rồi.
 
+ Tụi mày bỏ thìa xuống hết, đợi mang đủ chè ra đã…
 
Thằng Hà cố gắng cứu cái đám đông hoảng loạn đó trong tuyệt vọng. Một khi thằng Nghiêm ăn trước, thằng khác có chè rồi, sợ ăn sau phải trả tiền, cũng ăn. Những thằng mà chưa có chè mang ra, đứng nhìn thằng Hà với cặp mắt cầu khẩn.
 
Thằng Hà chưa có chè. Nó đứng dậy đá văng cái ghế đẩu gỗ vào gầm bàn, quát:
 
+ Mấy thằng này ăn gian, tao đếch chơi nữa.
 
Thằng Hà bỏ ra ngoài.
 
Thế là cả đám chúng nó: Thằng chưa có chè vội đứng dậy đi ra, không muốn ngồi lại trả tiền. Thằng đang ăn thì cũng vội tợp một ngụm to, bỏ ly xuống chạy ra ngoài…
 
Một thằng bước ra ngoài, bỏ đi. Một thằng khác bước theo, nhanh hơn... Và không ai bảo ai, cả đám chúng nó cùng chạy các bạn ạ. Từ một cuộc giao hẹn ai thua trả tiền, bỗng trở thành cuộc ăn quỵt.
 
Buổi trưa vắng lặng, trên con đường vắng lặng Võ Tánh/Hoàng Văn Thụ, bên trái là cái công viên chưa được xây cũng vắng lặng, chỉ tồn tại những tiếng thở hổn hển.
 
+ Tiếng thở hổn hển của mấy thằng ôn con Vùng Ông Tạ đang chạy.
 
+ Tiếng thở hổn hển của bà chủ quán đang cố đuổi theo.
 
Đuổi tới ngã ba Thoại Ngọc Hầu / Phạm Văn Hai, bà chủ quán bỏ cuộc. Mấy thằng nhóc đứng lại thở, quay lại nhìn bà với những cặp mắt ái ngại của những thằng cướp bất đắc dĩ.
 
+ Tiên sư bố nhà chúng mày. Chúng mày chấm chấm chấm.
 
***
 
Tám đứa chúng nó quay qua nhìn nhau. Đứa nào cũng nghĩ: Chắc bà ấy chửi bố thằng kia, không chửi bố mình. Thằng Hà hỏi:
 
+ Bà ấy chửi bố thằng nào đấy?
Thế là cả đám lăn ra cười. Bà chủ quán lại càng chấm chấm chấm.
 
***
Tám đứa chúng nó đã từng chạy với nhau như thế. Đó cũng là cái cách chúng nó vội vã chạy vào đời sau này.
 
+ Chạy vào đời với nỗi sợ đằng sau.
 
+ Chạy vào đời với bất an phía trước.
 
+ Để rồi mai này vào cuối con đường, quay lại nhìn, sẽ chỉ còn những tiếng cười đôi khi đẫm nước mắt...
 
***
 
Thằng Nghiêm sau đó vào học Bách Khoa Sài Gòn, Trường gần chỗ Bố nó vào Nam, ở trong Phú Thọ Lều năm xưa. Có những buổi học, nó bâng quơ nhìn ra, nhớ về Bố nó đã mất rồi, rồi nó ứa nước mắt thương cho Mẹ nó một mình nuôi nấng anh em nó ăn học.
 
Thằng Nghiêm không ngờ là sau khi ra Trường, nó lại có mặt trong nhóm kỹ sư cầu đường thi công làm lại con đường Hoàng Văn Thụ, dựng lên công viên tại đó.
 
Thằng Phần vẫn cay cú thằng Nghiêm, vẫn suy nghĩ tiêu cực như năm nào. Khi họp mặt nghe kể lại, thằng Phần phán ngay một câu:
 
+ Đường mày xây, có một dạo toàn đ… đứng ở đấy. Hay ho gì.
 
***
Ngày họp mặt sau bao năm xa cách, chúng nó kéo ra quán cơm Bắc tên Tin Cậy / Lăng Cha Cả gần đấy. Canh cua, rau đay, cà pháo, thịt kho trứng, thịt đông, tôm kho mặn, dưa chua, dưa giá…. Chúng nó gọi kín bàn. Chúng nó ăn như chưa bao giờ được ăn. Ăn như chưa bao giờ bị bác sĩ dặn đừng ăn.
 
No nê rồi, thằng Hà gợi ý:
 
+ Tụi mình đi ăn chè chạy nha.
Thế là những thằng nhóc ngày nào rủ nhau tìm lại quán chè cũ. Thật không ngờ là quán vẫn còn bán. Cô con gái bà “Tiên sư bố chúng mày” giờ nói rặt tiếng Nam rồi.
 
Cô chủ quán mừng lắm. Dễ gì có ai còn nhớ về quán chè của Mẹ Cô năm xưa, kể lại chuyện cũ.
 
+ Em vẫn nhớ hôm đó, đang ngủ thì Mẹ em quát to lắm, kêu em trông quán rồi đuổi theo các anh.
 
Cô nhớ lại thời Mẹ cô buôn bán cực khổ, nước mắt bấy lâu nay chỉ chực trào ra.
 
Thằng Hà xin phép vào thắp nhang cho bà cụ. Lúc đi ra, mắt nó đỏ hoe, thì thầm:
 
+ Tao thay mặt cả đám xin lỗi Cô rồi. Thôi tụi mình về. Từ giờ không được gọi cô là “Cô tiên sư bố chúng mày" nữa nhá.
 
Cả đám lại phá ra cười. Cô chủ quán cũng cười theo, tay kia quẹt nước mắt.
 
Lúc mấy thằng ôn con ra về, cô ra dọn bàn, thấy tờ $100 đô la Mỹ ai đó kẹp dưới cái khay.
 
***
Tôi đoán là của thằng Hà để lại. Nó là thằng duy nhất qua được Mỹ…
 
 
LT