Trường Văn Đức – Vườn Rau Lộc Hưng

 
 
Đến năm lớp nhì tôi chuyển trường từ trường tiểu học “Cổng Bom” sang trường Văn Đức thuộc xứ Lộc Hưng. Từ nhà tôi đi bộ mỗi ngày đến trường Văn Đức phải mất khoảng nửa tiếng đồng hồ, chắc chừng hơn hai cây số. Có ba lối đi đến trường.
 
Đi vào lối chợ Nghĩa Hoà, trước chợ là tiệm Việt Thịnh bán bát đĩa và vàng, sau này mới dọn ra phố Ông Tạ Thoại Ngọc Hầu, và bốc lên từ đây. Ngay khúc chợ có ngã ba đường, đi qua một chút rồi quẹo trái vào nhà thờ Nghĩa Hòa, con đường bên tay phải đi thẳng một lúc quẹo bên trái đâm thẳng vào nhà ông trùm Quýnh mà tôi gọi là chú, quẹo phải là đến trường.
 
Đường thứ hai, tôi quẹo vào ngõ hẻm Nhật Quang rẽ trái thì đến ruộng rau muống sau nhà giây thép gió, đường đất để ngăn ruộng rau muống thì rất nhỏ quanh co, thỉnh thoảng đôi chân bé bỏng của tôi bị bước hổng xuống ruộng, chỉ ướt chân thôi chứ không ướt quần vì tôi mặc quần đùi đi học, cái cực khi đi đường đê ngăn nước ruộng rau muống phải cẩn thận không khéo dẫm phải đống phân người rải rác trên bờ đê. Qua khỏi ruộng lúa đến đường cái nhỏ quẹo trái rồi quẹo phải ngôi trường hiện ra ngay trước mắt. Cũng trên đường hẻm nhỏ Nhật Quang tôi đã bị bọn trẻ du côn bắt địa tiền bạc không cho là chúng đánh cho chạy có khói. Khu này có hai anh em thằng Tèo người nam, thằng Tèo còn nhỏ nhưng khả năng ngôn ngữ Đan Mạch cũng thuộc loại khá. Vùng ngã ba Ông Tạ hồi xưa là vậy đó, rừng nào cọp đó. Các chú nhóc tì léng phéng đi vào địa phận khác coi chừng bị ăn đòn.
 
Bên đối diện hẻm Nhật Quang là ngõ con mắt. Đi một khúc tới ngã ba đường. Quẹo bên phải là hướng đi về nhà thờ An Lạc, trước nhà thờ có cái ao rộng lớn, cũng đã có một số trẻ con chết đuối ở đây, từ An Lạc lòng vòng bên phải lại ra đường Lê Văn Duyệt nối dài, nhà cậu Giáp em mẹ tôi có cái trại mộc trong ngõ hẻm này, trại mộc đóng bàn ghế, có khoảng chừng 6 người thợ giúp việc bao ăn uống, đóng xong rồi giao cho chủ tiệm trên đường Hồng Thập Tự. Loanh quanh bên trái ra khu cầu Sạn, thông qua bên kia kinh Nhiêu Lộc có khu chuồng bò, tôi thấy gan bò làm được phơi khô để làm khô bò ăn với gỏi đu đủ, ruồi nhặng bu đầy. Tránh mặt thì ai biết được ăn vẫn ngon như thường.
 
Đường cuối cùng đi vào trường Văn Đức. Đi qua nhà giây thép gió trước khi đến đường Bắc Hải gần trại gia binh tiểu đoàn 1 nhảy dù, đối diện là nghĩa trang khá lớn, quẹo phải trên đường hẻm nhỏ rồi phải đi một quãng khá xa, vừa qua khỏi ruộng rau muống đến ngã ba quẹo phải là đến trường. Vườn rau Lộc Hưng trông rộng bát ngát nằm đối diện trường và nhà thờ.
 
Vì có ba con đường tôi thay đổi lối đi liên miên cho khỏi nhàm chán. Tôi còn nhớ thầy dậy lớp nhì tên là thầy Văn, thầy cũng là huynh trưởng của nhóm hướng đạo. Tôi quen hai thằng bạn tên là Năng và Thành, Năng thì hiền còn Thành có vẻ ranh mãnh. Thành buổi chiều sau khi tan học phải đi bỏ thư để phụ giúp gia đình, nhiều thư từ ngọai quốc thường được Thành xé coi để xem có tiền gởi về bên trong lá thư hay không, Thành hay khoe tôi tập thư trước khi đi giao. Gần đến ngày lễ Giáng Sinh lớp tôi thi đua làm đèn ngôi sao để tranh giải. Tôi, Thành và Năng đến nhà Năng cũng ở gần trường để làm ngôi sao có sự trợ giúp của bà chị lớn, ngôi sao được hoàn tất sau hai ngày bỏ công, kết quả được chấm hạng nhất toàn trường, tôi nhớ được thưởng tiền thì phải.
 
Tôi học ở trường Văn Đức chỉ đến lớp nhất mà thôi, sau đó chuyển qua trường Lê Quý Đôn năm đệ thất. Cuối năm lớp nhất tôi được mua cho chiếc xe đạp nhỏ, tôi đã dùng chiếc xe đạp này để đến trường tiểu học thị nghè bên kia sở thú để thi lấy bằng tiểu học, thi tiểu học thì dễ tôi qua cái một. Và cũng chiếc xe này để đến trường Chu Văn An thi vào đệ thất, giờ nghĩ lại kể tôi cũng hơi bạo gan mới hơn mười tuổi đầu mà dám đạp xe một mình đi trên quãng đường dài ước chừng hơn 5 cây số trên đường Nguyễn Văn Thoại. Đạp xe đến Chu Văn An tôi đã bở hơi tai, ghi danh vào lớp thi xong được chừng mươi phút đề thi phát ra. Tôi cắm cúi làm có vẻ ngon lành. Hơn tuần sau tôi lại đạp xe đạp đến Chu Văn An để coi kết quả nhưng không thấy tên tôi đâu hết, tôi cũng chẳng lấy thế làm phiền não.
 
Vườn rau Lộc Hưng một trời thương nhớ nay còn đâu. Năng và Thành ơi! Hai đứa bay nơi mô?
 
Hien Le