Dalat – những ký ức rời

Dalat - những ký ức rời

Tác giả: Thanh Dang  https://www.facebook.com/dangdthanh
......

Có bao giờ bạn nhìn một ngôi nhà như một sinh thể: có cảm xúc, sinh trưởng, già đi, và, chết dần theo thời gian khi không có người chăm sóc? Ngày trước, khi còn làm việc ở Dalat, do công việc, tôi thường có dịp đi đo vẽ các ngôi biệt thự cũ do người Pháp để lại; nhiều lúc phải làm việc một mình trong ngôi nhà hoang vắng, đổ nát – tôi bỗng không khỏi bâng khuâng, tự hỏi, chủ nhân của nó bây giờ trôi dạt nơi đâu? chắc là họ đã có những ký ức đẹp với nơi này … Và tôi cảm nhận được cái nỗi buồn của ngôi nhà, sự luyến tiếc cái thời có người ra vào, ăn uống, tiếng trẻ con cười nói ồn ào … Đôi lúc tiếng gió thổi qua attic vọng xuống, nghe buồn như một tiếng thở dài bất tận ….

Khi tôi về Dalat lần đầu sau 15 năm vắng mặt, thì ngôi nhà đầy ắp kỷ niệm của tôi và H. vẫn còn đó, đứng lặng lẽ, lạc lõng trước những đổi thay vùn vụt của khung cảnh chung quanh. Ngoài lớp bụi thời gian đã phủ lên, ngôi nhà không có gì đổi khác khiến tôi phải chú ý, lối vào bằng beton bị nứt nẻ vẫn còn đó, cửa sổ kính bị vỡ một hai chỗ, và cây đào trước sân đã thêm già cỗi … Trong lá thư cuối cùng tôi nhận được trước khi rời trại tỵ nạn, H. kể : “ gia đình em đã bán căn nhà cho một công ty ở Saigon, có lẽ họ muốn xây khách sạn ở vị trí này. Anh biết không, số tiền họ trả đủ cho anh Hg mua một căn nhà phố 4 tầng cuối dốc Duy Tân, và chị Hn mua một căn nhà trên đường Ngô Gia Tự ở Saigon …”

Dẫu không biết lý do khiến ngôi nhà chưa bị phá bỏ, tôi vẫn biết ơn ai đó đã giữ lại ngôi nhà – để tôi còn giữ lại được chút ký ức ngày xưa …

***

Tôi biết H. đã khá lâu, đầu thập niên 80s khi mới về Dalat làm việc. Hồi đó, tôi quen chị Ng, chị của H., qua công việc với công ty PHS Lâm Đồng, nơi chị làm ở phòng kế hoạch. Chị Ng. thuộc typ dân trường tây, đẹp, thạo cả Anh lẫn Pháp, hoạt bát, xông xáo, giao thiệp rộng nên chị đi đâu cũng được quý trọng. Chị đưa H. làm ở quầy sách ngoại văn của công ty, và mỗi khi có sách chuyên ngành mới về, cô hay gọi cho tôi hay, hoặc giữ cho tôi một bản nếu tôi đi công tác không về kịp.

Thuở đó, tôi đang có những ràng buộc tình cảm riêng, nên xem H. như một cô em gái, vả lại, tôi đoán H. cũng đã có bạn trai nên cũng không hề có ý định đi xa hơn. Gia đình H. khá nổi tiếng ở Dalat, ông cụ thân sinh từng làm trưởng ty an ninh tỉnh Tuyên Đức. Những năm 60s, mỗi lần ông Nhu lên Dalat hay nhờ ông cụ làm hướng dẫn để đi săn. Sau 75, ông cụ bị đi cải tạo, trong tù lại còn bị kết tội liên lạc với người nước ngoài nên bị đưa về Chí Hòa chờ ngày ra tòa. Người em kế út của H. bị tù 15 năm vì tội theo Fulro khi chưa đầy 17 tuổi … Với lý lịch như thế, anh chị em trong nhà không còn cách tiến thân, hay vào đại học được, dù cái vốn học thức, bằng cấp của dân trường Tây để lại. Sau này, những người tháo vát hơn tìm cách chuyển về Saigon để lập thân …

Một chiều cuối năm 86, tôi ghé thư viện Dalat trả sách trước khi về Saigon ăn tết với gia đình thì gặp H., cô chào tôi:

- anh th. vẫn chưa về Saigon ăn tết hở, hôm nay đã 27 rồi .

- anh còn thu xếp vài chuyện, chắc đến 29 mới đi được, H. sang làm ở Thư Viện khi nào vậy ?

- dạ không, em ghé chào mấy chị quen làm việc ở đây thôi. Qua tết là em xuống Vĩnh Long với chị Hn rồi..


Tôi ngồi xuống, hỏi thăm nguyên nhân khiến cô bỏ Dalat, và nhận ra mình bỗng bị thu hút bởi sự giản dị, thẳng thắn, duyên dáng của cô gái trước đây tôi vẫn coi như một cô em gái của bạn mình. Khi đó, tôi đã mệt mỏi với những mối tình vô định, và cũng đang tìm cách đi khỏi Dalat. Tới giờ thư viện đóng cửa, tôi đề nghị, để anh đưa H. về - cô gật đầu, không từ chối … Đó cũng là lần đầu tôi đến nhà, chào bà cụ và gặp gỡ anh chị em của H. Lúc ra về, tôi dặn: – H. nhớ chờ qua tết anh lên rồi hãy đi. Cô cười, em sẽ cố.

Mồng bốn tết, tôi trở lại Dalat – buổi chiều, tôi phóng xe đến nhà H., chị D. mở cửa đưa tôi gói quà của H. và lá thư – cô viết: chị Hn có xe đưa về Vĩnh Long hôm mồng 3 tết nên em phải đi, không chờ anh được, tiếc là không gặp được anh sớm hơn, Chúc anh năm mới may mắn ...

***

Cuộc tình của chúng tôi - khởi đầu một cách muộn màng, vội vã như thế - là một chuỗi dài của những ngăn cách, gặp gỡ, chia tay, và đầy dẫy những biến cố không định trước. Trong quãng thời gian ba năm ngắn ngủi đó, tôi chưa một lần nghe H. to tiếng, dù với tôi, hay với người khác, bao giờ. Trong ký ức tôi, H. là một sự pha trộn giữa cái khéo léo, đảm đang của người con gái Bắc, và sự dịu dàng, nhỏ nhẹ của người Dalat. Có thể thời gian chúng tôi gần nhau quá ít để nhận ra những thiếu sót, nhược điểm của nhau, nhưng có lẽ cũng vì thế, ký ức còn lại giữa chúng tôi vẫn là những hình ảnh đẹp, tuy buồn.

....

Sau tết, tôi và H. bắt đầu với những lá thư dài mỗi tuần, đến giữa năm 87, tôi có những va chạm, xung đột với các viên chức ở tỉnh và thành phố nên phải tìm cách về Saigon sống và tìm đường vượt biên. Cũng từ đó, mỗi chiều thứ bẩy tôi đón xe về Vĩnh Long thăm H., xuống đến Mỹ Thuận thì trời đã nhá nhem tối, chuyến phà qua sông Tiền lộng gió, sông nước mênh mông mang lại cho tôi những cảm xúc khác biệt hẳn với đoạn đường đồi, núi rừng Dalat ngày nào. Tôi hay đưa H. đi ăn tối ở dọc bờ sông, gần khách sạn Cửu Long nơi tôi ở, nhìn những chiếc ghe thắp đèn leo lét trôi lênh đênh, H. thở dài – em thấy anh đi về hòai như thế này mà thương. Hồi đó mình ở gần mà không biết nhau, để đến lúc xa mới cần nhau.

Gần mười năm ở Dalat, tôi và H. chưa một lần đi uống café với nhau, dù vẫn gặp mỗi lúc tôi ra phố, tạt vào tiệm sách. Ở đó, H. thỉnh thoảng thấy tôi đi với Q., hay Ph., những cô bạn gái trước. Có lần tôi bảo H., phải chi mình đến với nhau sớm hơn thì đâu có phải vội vàng như bây giờ. Cô bĩu môi, hồi đó anh đâu có rảnh đâu mà đến với em!

....

Gần một năm trời đi về như thế, các bạn đồng nghiệp của H. ở Vĩnh Long cũng trở nên thân với tôi. Một ngày ở trại tỵ nạn Galang, tôi đang đứng chờ nhận thư ở Galang II thì một cô gái nhìn tôi rồi la lên:

- anh th., phải anh th. đó không ? Sáu nè, Sáu ở hiệu sách TH Vĩnh Long nè !

- th. đây chị Sáu, chị qua đây hồi nào vậy ? chị đi với ai ?

- Sáu đi với gia đình, tới Galang được bốn tháng rồi . Còn H. đâu? có đi với anh không ???

tôi ngậm ngùi, không biết trả lời chị ra sao.

***

Sau một năm làm việc ở Vĩnh Long, H. không ký tiếp hợp đồng, mà quyết định trở về Dalat. Tôi thu xếp xuống vài ngày giúp H. dọn dẹp, phòng ốc, packing và đưa cô về Dalat.

Hôm sau, tôi và H. đi một vòng Dalat thăm bạn bè người quen của cả hai, như một cách thông báo chính thức về mối tình của chúng tôi. Tôi đưa H. vào Palace, Domaine,… những nơi tôi đã từng qua như để bù lại những tháng ngày đã bỏ lỡ trước đây. Dần dà, tôi trở nên gần gũi hơn, và được gia đình H. chấp nhận như người nhà. Em gái út của H., V. đẹp nhất nhà, có người yêu là đàn anh KT khóa 74, tên Hải, nhà ở cư xá Bắc Hải, không xa nhà tôi ở khu hồ tắm Công Hòa lắm. Hai người quen nhau khi công ty của Hải nhận hợp đồng sửa chữa Hotel Du Parc, nơi V làm việc. Về sau, mỗi lúc có plan đi Dalat là tôi rủ Hải đi cùng và ngược lại.

Đầu năm 89, tết Kỷ Tỵ, sau khi sửa soạn nhà cửa, đưa quà cho họ hàng bà con đầy đủ bổn phận xong vào trưa ngày 30, tôi rủ Hải đi uống café. Hải bảo tôi: 2 giờ chiều nay có chuyến xe chót về Dalat, th. muốn đi thì anh dẫn đi. Tôi suy nghĩ vài ba phút rồi về nhà thu xếp quần áo, xách vali theo Hải ra bến xe.

Chuyến xe cuối năm vắng khách, chỉ có vài bạn hàng đi buôn chuyến về muộn, tài xế cũng mong về kịp đón giao thừa nên chạy không nghỉ - QL 20 ngày cuối năm cũng vắng vẻ, xe chạy qua nhưng cánh rừng heo hút, những ngọn đồi hoang sơ, đây đó rải rác dưới chân đồi những ánh đèn dầu hắt ra từ những ngôi nhà tranh hiu hắt, chẳng ai biết là tết có về với họ không. Tài xế nổi máu văn nghệ, mở những cuộn cassette tape cho chúng tôi nghe vết lăn trầm, cúi xuống…, những bài tình ca tcs vẫn còn bị cấm một thời khiến quãng đường 300km như gần lại. Sẽ chẳng bao giờ tôi quên được chuyến xe đó trong đời mình.


Tôi gõ cửa nhà khi chỉ còn vài tiếng là đến giờ giao thừa. H. ra mở cửa, nhìn thấy tôi, cô quýnh lên thấy tội nghiệp – nửa mừng, nửa sợ - cô hỏi tôi, sao anh gan vậy, giao thừa mà dám lên, không sợ mẹ la hở . Tôi cười, cùng lắm là mẹ đuổi anh ra veranda ngủ chứ gì! Mẹ H. cũng lắc đầu trước cái liều của tôi: mồng ba H. nó xuống Saigon rồi, anh lên đây không sợ bố anh buồn hay sao ?


Hai ngày tết năm ấy, chúng tôi cùng nhau đi chúc tết người quen, bạn bè hẹn cuối năm, sẽ mời dự đám cưới. Tôi nhìn thấy trong mắt rạng rỡ của H. niềm hạnh phúc ít thấy trong những ngày hiếm hoi, ngắn ngủi chúng tôi ở bên nhau. H nói với tôi:

- Đây là cái tết vui nhất của em từ sau 75 đến giờ.

Tôi cũng nghĩ vậy, đâu biết đó sẽ là cái tết cuối cùng với nhau …

***

Năm 89 với tôi là một năm đầy biến cố thay đổi bất thường. Tháng ba, một người thợ phụ ở ngôi nhà do tôi thiết kế lên tầng tại ngã tư Nancy, Trần Hưng Đạo té từ sân thượng cao năm tầng xuống đường chết. Nguyên nhân chính là bất cẩn. Công việc đã hoàn tất , anh đang cùng với những người thợ khác thu dọn, thay vì mang cái thang dài xuống nhà qua lối cầu thang bên trong, anh thòng dây thả qua lan can của sân thượng. Chiếc thang nặng rơi xuống, lôi theo anh. Chủ nhà , cũng là bạn của gia đình tôi, chứng kiến, và giúp tôi dàn xếp với chính quyền êm thấm. Tôi lo đám tang, đền bù cho gia đình nạn nhân đầy đủ nên cũng không gặp rắc rối gì. Mọi chuyện xong xuôi, tôi kể cho H. nghe, cô bảo, em xem tuổi anh năm nay có hạn, anh phải cẩn thận hơn ….


Một buổi tối tháng năm, bố tôi lên phòng tôi trên tầng thượng bảo :

- bố đã tìm được chỗ đi vượt biên tháng tới, con chuẩn bị tinh thần nhé.

- con không thể bỏ H. đi thế này được.

- nếu bố lo luôn cho H. cùng đi thì con nghĩ sao

- con chưa biết ý cô ấy thế nào ,

- ừ, con lên bàn với H. , rồi cho bố biết càng sớm càng tốt ….


Cuối tuần, tôi đón xe lên Dalat. Dạo đó, chuyện UN sắp đóng cửa các trại tỵ nạn trong vùng ĐNA cũng đã được đồn đại khá nhiều, dường như lời đồn khiến cơn sốt vượt biên càng lên cao – trước đây ở nhà H., tôi từng thấy anh chị của H. bất ngờ xuất hiện, hôm sau lại biến mất. H. nói thầm với tôi, anh Hg với chị Hn xuống Nha Trang mấy hôm đi vượt biên không thành …, em trai của chị Ph., bồ anh H cũng đã đi được hai tuần, chưa có tin về. Thế nên khi nghe tôi hỏi chuyện, H. trả lời :

- nếu đi với anh thì em đi ngay .

- H. không sợ hả, có bao nhiêu điều có thể xảy ra. Có khi mình không trở về nữa.

- anh đi đâu thì em theo đó. Có chết thì cùng chết, em không sợ..


Chúng tôi ngồi ở phòng khách, cả nhà đi vắng, chỉ còn H. ngồi bên cây đàn piano gõ những bản thật buồn. Trên tường, những hàng chữ và hoa văn trang trí ngày cưới Hải V. vẫn còn đó, và trên bàn, bình hoa hồng cắt trong vườn nhà buổi sáng vẫn đỏ thắm. Những điều rất thường và quen thuộc đó, với tôi, có thể sẽ không bao giờ nhìn thấy lại nữa. H. khóc khi nghe tôi nói những ý nghĩ này; Em sợ chúng mình sẽ mất nhau – tôi an ủi, H. đừng lo, cứ chuẩn bị sẵn hành lý thật gọn, khi nào anh nhắn thi` xuống ngay.


Sáng hôm sau, trời mưa tầm tã, H. mặc áo mưa, mang dù đưa tôi xuống bến xe, tôi bảo H. về trước. Khi xe ngang qua cây xăng Kim Cúc, tôi nhìn qua đường về phía căn nhà thân thuộc. Qua màn nước mưa, hình như H. đang đứng đó, vẫy tay chào tôi. Đó là hình ảnh cuối cùng của ngôi nhà và H. tôi mang theo trong ký ức đã nhạt nhòa ….

***


Tôi còn nhớ hôm đó là ngày 14 tháng 6, tôi vừa đi uống café sáng về, chuẩn bị thay quần áo đi làm thì bố tôi bảo: con đánh điện kêu H. về gấp, từ đây đến cuối tuần sẽ đi. Tôi chạy xe đến văn phòng, thu xếp giấy tờ rồi ra bưu điện đánh điện khẩn cho H. Để chắc ăn, tôi ra bến xe Dalat, viết vội một thư ngắn nhờ đại lý báo của bác Ch. tôi quen mang về Dalat trong chuyến chiều, nhờ chuyển cho H. – Xong việc, tôi chạy xe một vòng Saigon, thăm vài người bạn cũ và chào trước khi đi . Dù không nói ra, ai cũng đoán được mục đích của tôi, và chúc tôi may mắn.

Về đến nhà thì đã gần 7 giờ tối - cả nhà đang ngồi quây quần trong phòng ăn chờ tôi. Bố tôi lên tiếng trước

- Bố mới được báo có sự thay đổi vào giờ chót – Sáng sớm mai, 2 giờ mình lên đường .

Tôi giật mình,

- nhưng con mới điện cho H. sang nay – có sớm thì trưa mai H. mới về tới đây .

Bố tôi và bà dì nhìn nhau, một lúc sau, bà dì lên tiếng :

- Cô cũng hiểu chuyện đó nên bố và cô không ép cháu. Cháu cứ suy nghĩ cho kỹ rồi hãy quyết định. Trước đây mình đã bỏ nhiều chuyến với họ, nể lắm họ mới dành cho mình hai chỗ. Lần này mà bỏ nữa thì không có cơ hội nào khác. Nhưng đi hay không thì phải trả lời họ trong vòng hai tiếng.

.....

Tôi bỏ lên phòng nằm. Chưa bao giờ tôi phải có một quyết định làm thay đổi cuộc đời mình trong vòng hai giờ như thế ? Có bao nhiêu điều để cân nhắc, tính toán, lựa chọn… khiến đầu óc tôi rối tung lên – Sau cùng, tôi cho gia đình biết quyết định của mình rồi gom góp thư từ, những kỷ vật của H., quyển nhật ký … phóng xe đến nhà Hải .

Tôi kể cho Hải và V. về chuyện vượt biên ngày mai, nhờ hôm sau ra đón Hải., và trao lại H. những thứ tôi mang đến. Cả hai nghe cũng ngậm ngùi. V. bảo :

-Tội nghiệp chị H., thế nào cũng bị shocked.

Tôi nói với V. : nhờ V. an ủi H. hộ anh, nếu anh không về thì cũng là cái số … Nhớ khi mới quen nhau, có lần H. hỏi tôi, em tuổi Sửu – anh tuổi gì vậy? Anh mà tuổi Tuất là em không chơi đâu – Tôi nói dối – anh tuổi con gà, không phải tuất đâu !!!!


Đêm đó, tôi ngồi trên sân thượng đốt những thư từ, nhật ký, hình ảnh cũ …, nhìn đống lửa cháy mà thấy như một phần của đời mình đang mất dần theo làn khói …

--------

https://www.facebook.com/groups/2004139939886509/posts/3265366903763800/