Trong bài 14, tôi có kể chuyện hay đi theo Bố tôi lên Vùng Ông Tạ : Bố chơi Tổ Tôm tại nhà ông Phùng. Chú Liễn ( KIM TÂM) cũng hay đến đây chơi. Tôi có nhắc đến câu chuyện bi thương của anh Duỵêt ( hồ tắm Cộng Hòa). Mẹ anh Duyệt, bà Cẩm là Cô của chú Liễn. Ông anh bà- ông Nhiêu Chương (Nhiêu là cái chức sắc, giống như kinh Nhiêu Lộc). Sở dĩ tôi có nói thêm sự liên hệ vì trong bài trước có anh bạn nói về quan hệ giữa anh Duyêt và chú Liễn (Kim Tâm). Anh bạn này chắc cũng quê Nghĩa Hưng Nam Định với Bố tôi, Bác Phùng, chú Liễn, anh Duỵêt.....
Các bạn đa số đều thích nghe kể về hai môn giải trí này, vì hầu như Ông Bà, Cha Mẹ Chú Bác dân di cư đa số mê giải trí bằng hai môn chơi này. Tôi nhận thấy 100 bạn chắc chỉ có 1,2 bạn biết chơi. Các cháu cỡ 30 tuổi trở xuống coi như mù tịt, Tôi rất tiếc vì môn chơi gải trí thanh cao này chắc chắn sẽ bị thất truyền. Thật là uổng phí ! Q: Anh mua cỗ bài 120 quân ở đâu vậy?
A: Vùng ông Tạ ngày xưa, các hàng tạp hóa đều có bán cỗ bài 120 quân. Thỉnh thoảng có ai về bên Mỹ tôi cũng ra Ông Tạ mua vài cỗ tặng cho thân nhân làm quà.
Các bạn muốn có cỗ bài này để nghiên cứu thì ra hỏi mua ngoài Chợ Ông Tạ nhé. Bây giờ trên mạng Shopee thấy cũng ra bán. A: Môn Tổ Tôm chắc khó đánh hơn môn Chắn?
B : Đúng vậy khó gấp 5 lần. Nhiều người thắc mắc về cách chơi môn Tổ Tôm. Cô Thanh Mỹ có mò ra link này nhưng họ nói dài dòng cao siêu, nhiều từ chuyên môn không giải thích nên đọc rất khó hiểu. Có bạn nói với tôi đọc nửa chừng không hiểu gì nên không đọc nữa. Q: Vậy làm sao để chơi được môn Tổ Tôm? A:
Muốn hiểu phần nào môn Tổ Tôm thì trước mắt các bạn phải thông hiểu về bộ bài 120 quân và môn chắn như một căn bản đã, rồi phần hai tôi sẽ giói thiệu về môn Tổ Tôm thì bạn mới lãnh hội được. Nếu nói ngay đến môn Tổ Tôm thì rất khó hiểu, các bạn sẽ lại đọc nửa chừng mà thôi. Phải không các bạn?
Tôi tiếp tục trình bày theo dạng Questions and Answers nhé :
Q : Chắn và Tổ tôm dùng bộ bài nào ?
A : Dùng bộ bài của người Trung Hoa 120 quân bài bề dài khoảng 10cm ( 4 inches) và bề ngang khoảng 2.5 cm ( 1 inch). Một mặt vẽ hình đa số liên quan đến người Nhật thời phong kiến. Phía trên có hàng chữ Nho. Xin nói thật người VN mình ít chú ý tới hàng chữ này mà qua thời gian đã quen với tượng hình của 30 quân bài. Ví dụ, nhìn con cá chép là lũ trẻ chúng tôi biết ngay là con Bát Vạn. Hình Thiếu phụ ngồi phì phèo thuốc lá biết ngay là Bát Sách... Đến nỗi tên quân bài đã đi vô thi thơ như mấy đoạn thơ anh Nguyễn Đình và Đức Long có nhắc tới. Có quân bài còn vô ngôn ngữ tiếng Việt nữa.
_Anh hồi ở quê làm nghề gì?
_ Tôi làm nghề Cửu Vạn anh ạ !
(Con bài Cửu Vạn vẽ một người thanh niên đang vác đá trên vai.). Q: Trong lúc chơi chắn tôi thấy nhiều người xướng quân bài bằng hình tượng. A: Đúng vậy do thói quen thôi.
Trong khi đánh chắn lâu ngày, người ta ít dùng tên thứ tự quan bài mà hay xướng tên theo hình tượng do thói quen. Ví dụ tôi đánh con Cửu vạn ra thì tôi lại xướng “ Vác đá” . Mấy người kia hiểu ngay là tôi đánh ra con Cửu Vạn. Nếu tôi hô “ Chùa “ thì các bạn chơi hiểu ngay là con Ngũ Vạn. Hô “ Thuyền Tình = Ngũ sách.
Hô “ ăn xin” = Ngũ Văn .Khi bạn xướng “ Hoa đào” thì tôi hiểu bạn sẽ đánh ra con “ Nhị Vạn”.....Cà Kheo = con Bát Văn, “ chống Gậy “ = con Lục Văn, xe Bò = con Tứ Vạn, béo = con Nhất sách.... và còn nhiều con khác nữa...
Q: Sao lúc đầu anh nói bộ bài 120 quân. Vừa rồi anh lại nói 30 quân bài là sao?
A : Bộ bài nguyên thủy có 30 quân bài mà thôi .
Bộ bài dựa trên số đếm 1,2....9 nhưng người ta đọc là Nhất, Nhị , Tam.... Bát , Cửu.
Mỗi số thứ tự Nhất Nhị Tam, Tứ... đếu có ba quân bài ( gọi là hàng ngang) Ví dụ con Ngũ thì có Ngũ Văn _ Ngũ Vạn - Ngũ Sách. Chín con số x 3 = 27. Đặc biêt số 1 ( Nhất ) có thêm 3 con bài ngoại lệ đó là Chi Chi (thanh niên cầm 2 cái chùy), Ông Cụ, và Thang Thang (hình người đàn bà đẻ). Vây 27+3 = 30. Nếu cỗ bài mà chỉ có 30 con bài thì cầm trên tay lọt thỏm chán chết, nên mỗi con bài người ta sử dụng đến 4 con giống hệt nhau : bốn Ông Cụ, bốn con Cá.... Như vậy toàn thể bộ bài có 30 x 4 =120 quân bài là như vậy đó. Q : Thường mấy người chơi, và cỗ bài chia ra sao?
A: Bộ bài chia ra 6 phần. Năm người chơi bốc mỗi người một phần. Phần thứ sáu còn lại người ta đặt tên là phần Nọc. Phần này sẽ đặt trong một cái dĩa nhỏ để giữa vòng tròn 5 người. Q: Phần Nọc trong dĩa để làm gì? A: Năm người sẽ rút quân bài nào thừa thãi trên tay đánh ra bên tay phải của mình. Người kế cận “ăn” được thì sẽ hạ 2 cây bài cùng số xuống để có 1 cặp.Nếu nhắm không ăn được thì nói " bốc, hay xin 1 cây".Người nào ngồi gàn đĩa Nọc sẽ rút 1 cây bài ném vào cửa bên phải cho người yêu cầu.Nếu ăn được thì rút 1 con bài thừa thãi (lẻ loi)trên tay đánh xuống bên phải của mình cho người ngồi kế tiếp ăn. Trường hợp quân bài rút ra mình cũng không “ăn “ được thì nhường cho người sau mình ăn vậy.
Q:
Tại sao người đánh chắn cầm trên bài 19 con bài. Người đánh tổ tôm lại cầm trên tay 20 con bài? A: Tôi sẽ giải thích vào bài phần hai nhé các bạn
Các bạn nên mua 1 cỗ bài 120 quân nghiên cứu và rủ vợ đánh Chắn cho vui. Tôi thấy trên mạng Shopee và Lazada cũng bán đấy .Hai vợ chồng đánh với nhau cũng được (đánh bài chứ không phải đánh nhau đâu nhen !). Các bạn cứ chia bài ra 6 phần. Hai vợ chồng xài 3 phần. Ba phần kia để dành ván sau chơi tiếp khỏi chia bài. Hehe. Bảo đảm vui lắm đó !
Xin coi tiếp bài 15 phần 2 nhé : Đánh Chắn có gì mà thú vị???
Sai Gon 18/9/2021 VQT