Ngã Ba Ông Tạ Thời 1970
Bắt đầu từ ngay ngã ba trên đường Thoại Ngọc Hầu - Phạm Hồng Thái, có thể nói đây là trung tâm đầu não của Ngã Ba Ông Tạ. Bên phải có tiệm bánh Quang Minh, mua lại từ tiệm gạo Quang Vinh và xây lại nhiều lầu. Tôi có chút kỷ niệm về tiệm gạo Quang Vinh, tiệm có người con trai cả tên Vinh học trò võ thiếu lâm của võ sư Lý Huỳnh, Lý Huỳnh là học trò cưng của võ sư Huỳnh Tiền, trước cửa tiệm gạo Quang Vinh là một sạp bán báo có bán nhật báo và tuần báo. Tôi có học võ thiếu lâm của võ sư Lý Huỳnh được đúng hai tháng gần bến đò Phú Lâm Chợ Lớn, sau đó bị thầy đuổi vì quá ốm yếu. Lọc cọc chiếc xe đạp đi từ Ông Tạ xuống Phú Lâm rồi lại chạy về Ông Tạ, tập chỉ chừng nửa tiếng với vài thế đứng tấn căn bản: đinh tấn, trung tấn, xà tấn trong căn nhà lụp xụp, tôi cũng oải chè đậu vì bị bắt đứng tấn mỏi cả chân mà chưa học được bài quyền nào, nên được vài tháng tôi xin thầy Lý Huỳnh nghỉ về nhà tự học võ khỉ. Sau này võ sư Lý Huỳnh là cận vệ thân tín của tướng Nguyễn Cao Kỳ.
Kế là tiệm thuốc bắc người Tầu, bọn trẻ xóm tôi gọi là chú ba Tầu Phước Hòa Đường tôi hay sang tiệm chú chơi được cho quế ăn thơm phức. Cô tôi có mướn chỗ trước cửa tiệm Phước Hòa Đường để buôn bán hàng tạp lục, khi nào có xe bán dừa đến cô hay gọi tôi ra mua cho một quả dừa tươi uống. Sau đó là tiệm may Hưng Thịnh đối diện nhà tôi Đức Hiền có người con lớn anh Ích đi lính sĩ quan tử trận, hai cô con gái lớn là Thoa và Trâm, hiện ở Mỹ. Kế là tiệm bán giầy Phú Hậu, bên cạnh là tiệm vàng Tân Lợi có người con trai lớn tên Sâm, khoảng năm 1994 có gặp lại vợ chồng Sâm một lần tại thành phố Garden Grove Mỹ, khi đem quà của mẹ tôi từ Việt Nam nhờ đem qua. Tiếp là tiệm ông Quán và ông Bảo Thành, cách một ngõ nhỏ đi vào nhà thờ Nam Thái là tiệm vàng Kim Huy, kế bên tiệm thuốc Nhân Hòa Đường, tiệm bánh Thiên Hương, nhà may Phú Tiến. Tiếp nữa là tiệm vàng Kim Khánh (bà Vị) có hai anh em Sắc học rất giỏi, cạnh là tiệm vàng Kim Ngọc ông chồng là y tá chích thuốc dạo có tên Ký Còm các con Hương Thuấn Oanh.
Rồi lại một loạt tiệm tạp hóa sau đó đến tiệm vàng Việt Thịnh nổi tiếng giầu nhất vùng này có một lần bị trộm viếng thăm nhưng được phát giác sớm, từ bên này đường tôi thấy tên trộm bị vây trên nóc nhà 4 tầng lầu, tên trộm tài giỏi thật có thuật “bích hổ du tường” leo cái một lên nóc nhà. Rồi đến con đường hẻm đi vào nhà thờ An Lạc có thể thông qua ngõ Con Mắt, cạnh con đường hẻm là nhà thuốc tây Bình Dân. Nhà thuốc tây là của vợ chồng trung tá Đào Bá Phước chỉ huy trưởng LĐ5/BĐQ, ông chết trong trận tổng công kích tết Mậu Thân vùng chợ lớn. Đám tang rất lớn, quan tài mang quàn tại nhà để người thân quen đến viếng, tôi không quen biết nên khi đi qua chỉ đứng ngoài ngó vào vì hiếu kỳ. Nghe báo chí đồn thổi, 6 sĩ quan cao cấp người của tướng NC Kỳ đã bị Mỹ cho trực thăng bắn rocket để triệt vây cánh, chứ không phải bắn lầm như Mỹ nói.
Sáu sĩ quan cao cấp của VNCH bị tử nạn vào ngày 2-6-1968, gồm có: Trung Tá Nguyễn Văn Luận, Giám đốc Cảnh Sát Đô Thành; Trung Tá Nguyễn Ngọc Trụ, Trưởng Ty CS quận 5; Trung Tá Đào Bá Phước, CHT Liên đoàn 5 BĐQ; Trung Tá Phó Quốc Chụ, Giám đốc Nha Thương Cảng Sài Gòn; Thiếu Tá Nguyễn Ngọc Sinh, Phụ tá GĐCSĐT; Thiếu Tá Nguyễn Bảo Thùy, Chánh Sở An Ninh Sài Gòn.
Trở lại từ đầu ngay ngã ba bên trái trên đường Thoại Ngọc Hầu. Tiệm vàng Kim Tín ngay góc có chị Hiện với mái tóc dài trông yểu điệu thục nữ khối chàng mê, đến tiệm bán trái cây, kế là tiệm bán đồng hồ của anh em Bảo. Cạnh bên là tiệm bán sắt xây cất nhà cửa của bà Đỉnh có hai cô con gái, cô Bảy và cô chị mở tiệm vàng Đức Long. Ông Đỉnh rất hiền thường được bà Đỉnh nựng yêu hoài. Kế là tiệm bánh kẹo và rượu Thanh Hương có Hưng, Vân và Thuỷ.
Nhà tôi Đức Hiền cạnh bên buôn bán đồ sắt và vật liệu xây cất, ngay bên cạnh cũng là tiệm buôn bán đồ sắt của ông bà Bật có con Huy-Hạnh, mấy người con hiện sinh sống tại Houston Texas. Bố tôi người dân Ông Tạ hay gọi là ông Chánh Hộ có em là ông Chánh Khang và hai bà chị. Bố mẹ tôi có bốn trai một gái, tên của mấy người con trai nghe rất vần điệu: Hào-Hiệp, Hiển-Hiện, tên tôi (tác giả) là Hiện sau này khi xin trích lục tờ khai sinh thì ông trích lục đánh máy lầm thành Hiền, nên từ đó phải mang tên Hiền (dữ như cọp!). Bà chị tên Sợi, tự nhiên vần H đổi thành vần S, tại sao không là Hạnh nhỉ cho nó vần. Lấy đâu không lấy lại lấy chồng mãi tận Dốc Mơ, anh rể tôi trắng trẻo đẹp trai (công tử miệt mườn) con ông chủ có xưởng xẻ gỗ hay buôn bán gỗ với thím Khang, từ chỗ quen biết này thím đã làm mai cho hai bên.
Tiếp nữa là tiệm vàng Kim Tâm, tôi chỉ biết ba người con lớn Tâm, Hải, Cường, bà chủ tiệm vẫn còn bám trụ cho đến bây giờ nghe nói giầu bốc lên, Kim Tâm mua lại căn nhà bán bàn ghế của ông bà Cai Thảo có con tên Hùng và Kiên. Kế bên là nhà ông Tuấn tạp hóa có chị Chuẩn, anh Chẩn sĩ quan hải quân nghe nói cưới con gái xếp trung tá Hải quân, và Chi sau này có hàng canh bún bà Chi, chị Chuẩn và anh Chẩn đều ở Mỹ. Sau này gặp chị Chuẩn ở Mỹ kể hai vợ chồng anh Chẩn không hợp nhau nên đã chia tay đường ai nấy đi, tình nghĩa đôi ta chỉ thế thôi. Một loạt tiệm tạp hóa và tiệm vàng Tân Lộc - Đức Long liên tiếp nối đuôi nhau. Rồi đến căn tạp hóa của bố mẹ nhạc sĩ Ngọc Trọng và nhà văn kiêm MC Nguyễn Ngọc Ngạn, ông Ngọc Ngạn hiện cư ngụ ở Canada, nhạc sĩ Ngọc Trọng hiện nay cư trú tại Little Saigon quận Cam nam Cali, có mở lớp dạy đàn và thanh nhạc. Sau đó mới đến thầy thuốc Ông Tạ cũng người Tầu, bệnh nhân ở đây đông nghẹt, trước cổng vào có gánh hàng bán ốc luộc tôi hay ra đây ăn hàng, đã có nhiều bài viết ngắn về Ông Tạ nên tôi cũng xin giản lược. Gần đó vài căn là nhà bố mẹ của ca sĩ Giang Tử, ca sĩ qua Houston Texas theo diện bảo lãnh năm 2010 và đã qua đời vì lâm trọng bệnh năm 2014.
Ngay ngã ba trên đường Phạm Hồng Thái. Tiệm chụp ảnh Á Đông 4 tầng lầu đứng sừng sững ngay ngã ba, đây là căn nhà lầu 4 tầng đầu tiên ở ngã ba này thằng bạn con chủ nhà có lần dắt tôi đi coi trong nhà leo hết 4 tầng lầu bá thở, có cô con gái lớn tên Dung. Kế bên là tiệm gạo Tín Lợi, có cô con gái lớn chị Tươi sau này qua Mỹ mở tiệm phở Hiền Vương trong thương xá Phúc Lộc Thọ khá thành công, từ dân buôn bán hàng xây cất gần cầu Ông Tạ, nhưng qua Mỹ tháo vát chuyển qua nấu phở thì cũng phục chị sát đất. Phở 79 ngon nổi tiếng vùng Little Saigon (nam Cali) chủ nhân cũng là con cháu dân Ông Tạ, nghe nói con bà Lý Sóc.
Bên phải Tín Lợi là hai tiệm vàng Trường Xuân (cô Xuân là con gái lớn, tôi có gặp hai vợ chồng một lần ở Mỹ vào năm 1982 tại nhà bà bác) và Trường Nguyên (con trai tên Nguyên), bên trái là nhà bán sách vở và dụng cụ học sinh và tiệm bán đồ điện Hải Phương, cách hai căn cạnh trường Thánh Tâm có tiệm bán và sửa radio Tiến Thành, cô con gái lớn cựu nữ sinh Thánh Thomas học rất giỏi, tôi cũng là dân cựu học sinh Thánh Thomas. Đi qua khỏi trường Thánh Tâm có cái hẻm, bên cạnh hẻm là phở Bình (bà Hiện, cô con gái tên Thanh trong hội hát Nam Thái), cạnh là nhà Phương bán thuốc Bắc Kim (lần cuối cùng có chở Phương ra xa lộ chơi). Cách 1 căn nhà có cái ngõ hẻm, kế bên là phòng mạch bác sĩ Nguyễn Ngọc Bảy có con là nhạc sĩ Việt Dũng qua đời năm 2013 vì bị đột quị. Rồi tiệm thuốc Tây có người con trai Tuấn cũng hay ra khu Tám Thơm chơi. Xa xa chút nữa có hãng kem Bạch Đằng. Trở lại từ tiệm vàng Kim Tín (đối diện Tín Lợi), kế là tiệm bán đồ điện Hợp Châu có cô con gái lớn tên Dung đang ở Đan Mạch, kế cạnh nhà may Hải Cảng chuyên phát thanh bài Apache của The Shadows và bài I will follow him mỗi ngày để câu khách.
Sau này tiệm bánh Thanh Hương có con trai tên Hưng ăn nên làm ra cũng mua nguyên một đĩa The Shadows gồm có các bản FBI, The Stranger, Apache, Peace Pipe, vân vân... át cả tiếng nhạc phát ra từ tiệm may Hải Cảng, tôi cầm đờn học theo mệt nghỉ các bài nhạc của The Shadows. Sau này khi có truyền hình trắng đen, tiệm Thanh Hương chơi bạo mua truyền hình về đặt ngay cửa ra vào để câu khách. Câu khách vào mua đâu không thấy toàn câu được mấy bọn trẻ. Bọn trẻ chúng tôi bu vào coi chương trình Batman and Robin, hay chương trình Combat! với tài tử Vic Morrow vai trung sĩ và Rick Jackson vai thiếu úy. Phim ăn khách vì có trung sĩ Vic Morrow, ngày 23 tháng 7 năm 1982 trong khi đóng phim combat! bị tai nạn trực thăng chết, sau đó phim cũng dẹp luôn. Và cũng không thể bỏ qua Mission Impossible. Mê đến nỗi bây giờ đã 70 tuổi mà thỉnh thoảng vẫn mở ra coi lại những đoạn phim hay, còn bỏ tiền ra mua nguyên 3 tập phim trên về làm kỷ niệm. Ngoài ra còn coi các ban nhạc trẻ Việt chơi Twist and Shout của The Beatles, California Dreaming của The Mamas and The Papas, hay Happy Together của The Turtles, House Of The Rising Sun của The Animals, Unchained Melody của Righteous Brothers với tiếng violin cao vút tận trời xanh, La Bamba của Ritchie Valens, A Whiter Shade of Pale của Procol Harum với tiếng Organ tuyệt diệu dạo đầu sau đó kéo dài cho đến hết bản nhạc. Let It Be của The Beatles một thời chấn động với tiếng đờn Piano dạo đầu ma quái. Kịch thì có ban kịch Túy Hồng coi khóc sướt mướt. Hay chương trình tạp lục Tùng Lâm. Đố vui để học cũng không thoát khỏi.
Woah, my love, my darling
I've hungered for your touch
A long, lonely time
And time goes by so slowly
And time can do so much
Are you still mine?
I need your love
I need your love
God speed your love to me
(Unchained Melody)
Sau đó là tiệm mộc bán bàn ghế An Thịnh có cô con gái lớn tên Nguyệt, cạnh bên là nhà ông y tá có lần tôi bị té xe lột da bàn chân đến nhờ ông chữa trị, nhà trồng răng, nhà Vĩnh Tiến bán vàng và sửa đồng hồ, nhà Mỹ Thuật, kế là tiệm phở bắc Mai Hương. Đến dãy nhà Tám Thơm có 3 căn nằm thụt vào bên trong đường khoảng 9 mét có cái sân khá rộng và cái giếng bự bên cạnh sau tiệm phở Mai Hương, rồi nhà Gia Mỹ (tiệm bán mũ) có con trai Kỷ đệ nhị đẳng huyền đai nhu đạo, rồi cách vài căn nữa đến bún chả Ngọc Hà. Tiệm bún chả Ngọc Hà ngon và đã bắt đầu nổi tiếng từ những năm 1969, năm mà Mỹ cho người lên mặt trăng, vào ngày 20 tháng 7 năm 1969, Armstrong và phi công Buzz Aldrin của phi thuyền Apollo 11 đã trở thành những người đầu tiên đáp xuống Mặt Trăng. Tôi đến nhà người bạn ở hẻm Yến Nga trên đường Phạm Hồng Thái để coi ké chương trình trực tiếp truyền hình, hình ảnh mờ không được rõ. Hiện nay có thuyết âm mưu đặt ra, nghi ngờ có thật Mỹ đã cho người đổ bộ lên mặt trăng hay chỉ là dàn dựng. Tin giả nhức đầu thiệt tình. Nhà người bạn tên Từ Nghiêm Hưng, anh là giáo sư Từ Nghiêm Tứ, chị là cô giáo trường Thánh Tâm Từ Nghiêm Mỹ.
Đối diện nhà Tám Thơm là trường Thánh Tâm thỉnh thoảng có các đoàn xiếc về biểu diễn, họ thuê mướn miếng đất rộng trong trường, mê nhất là đoàn xiếc mô tô bay. Sau này lớn lên đọc báo chí mới biết nữ ca sĩ Bạch Yến là người lái xe mô tô bay phân khối lớn biểu diễn chạy chung quanh khán đài tròn như ống cống, trong một lần biểu diễn rớt xe mô tô bị thương chân nên giải nghệ luôn, khi đó còn trẻ vì nghèo mà phải đi diễn xiếc mô tô dù biết nguy hiểm. Xiếc mô tô bay là một trò xiếc dạng đặc biệt mà người điều khiển mô tô sẽ đi trên vách lồng tròn dựng đứng với tốc độ tầm 20km-30km/ giờ. Không chỉ điều khiến mô tô, những người nghệ sĩ còn có thể đứng, ngồi ở mọi tư thế và biểu diễn các động tác khác nhau khi xe chạy như: nhào lộn, bịt mắt, buông tay lái,... .
Nhạc sĩ Lam Phương thương nữ ca sĩ Bạch Yến, ông có tỏ tình nhưng không được đáp ứng, thành ra tình yêu của ông thành tình yêu đơn phương, sau này nữ ca sĩ Bạch Yến đi ra ngọai quốc, sang Pháp sang Mỹ trình diễn, để lại cho ông những nỗi thương nhớ day dứt, là nguồn cảm hứng cho nhạc sĩ Lam Phương làm ra nhiều bản nhạc tình để đời như: Tình bơ vơ, Thu sầu, Phút cuối, Chờ người, Xin thời gian qua mau...
Mùa thu thưa nắng gió mang niềm nhớ
Trời chiều man mác buồn nát con tim
Lệ tình đẫm ướt tà áo trinh nguyên
Kỷ niệm êm đềm còn in trên giấy
Người ôm thương nhớ ra đi từ đấy
Trời đày hai đứa vì thiếu tơ duyên
Rừng còn thay lá tình vẫn chưa yên
Thương chi cho lắm giờ cũng xa nhau.
(Thu Sầu)
Trường Thánh Tâm cũng là nơi tổ chức các cuộc bầu cử Hạ Nghị Sĩ và Thượng Nghị Sĩ, các ông các bà dân biểu tương lai dùng xe có loa phóng thanh đi vận động khắp vùng Ông Tạ, thật là mùa náo nhiệt. Chủ tịch thượng viện thời đệ nhị Công Hòa: Ông Nguyễn Văn Huyền 1967-1973, Trần Văn Lắm 1973-1975. Chủ tịch hạ viện thời đệ nhị Cộng Hòa: Nguyễn Bá Lương 1967-1971, Nguyễn Bá Cẩn 1971-1975. Đồng thời cũng là nơi bỏ phiếu để bầu chọn tổng thống từ thời cụ Ngô Đình Diệm, tháng Tư năm 1961 Việt Nam Cộng hòa mở cuộc bầu cử tổng thống. Ba ứng cử viên chính nhập cuộc là Ngô Đình Diệm, Nguyễn Đình Quát, và Hồ Nhựt Tân. Kết quả với 75% cử tri đi bầu là liên danh Ngô Đình Diệm-Nguyễn Ngọc Thơ tái đắc cử với 88% số phiếu; liên danh Hồ Nhựt Tân-Nguyễn Thế Truyền 7%; và Nguyễn Đình Quát-Nguyễn Thành Phương 4%. Dưới thời đệ nhất Cộng Hòa quốc hội chỉ có một viện, chủ tịch quốc hội là Trương Vĩnh Lễ, có 123 đại biểu. Các áp phích vận động với hình ảnh được trưng khắp nơi. Điều này cho thấy người dân dưới chính thể Việt Nam Cộng Hòa đã được hưởng quyền tự do ứng cử và bầu cử. Vào tết Mậu Thân 1968 trường cũng trở thành nơi đón nhận các đồng bào chạy nạn chiến tranh từ Phú Thọ Chợ Lớn, người người đổ dồn về đây để tạm trú cho qua khỏi cơn khói lửa. Với ba đợt tổng tấn công cũng mất cả nửa năm trời, trường Thánh Tâm mới trở lại sinh hoat học đường bình thường. Việt Cộng tổ chức ba đợt tấn công: Đợt 1: từ 30-1 đến 28-3; Đợt 2: từ 5-5 đến 15-6; Đợt 3: từ 17-8 đến 30-9-1968. Các xứ đạo Vùng Ông Tạ cũng giúp đỡ rất nhiều về vật chất cũng như tinh thần cho trường Thánh Tâm.
Đối diện là bến xe ngựa, nơi đây là chỗ đóng đô của tôi, bọn trẻ chúng tôi thường hay chơi tạt hình, đánh khăng, đánh cù, thấy lỗ, chơi năm mười. Bọn trẻ gồm có Sơn, Kỷ, Truyền, Phước, Tốt, Tuấn gia đình có tiệm thuốc tây, một số bọn trẻ dân Nam Thái cũng ra đây chơi ké. Gia đình chú Tám coi ngựa ở bên trong, được cha xứ nhà thờ chí hòa cử trông coi nghĩa địa ngay đằng sau. Cạnh tiệm bánh Quang Minh là tiệm thuốc lào 8888, tiệm bánh Tiến Thành, tiệm bánh Lan Hương, sau đó là một dãy 4 căn bán tạp hóa rồi đến nhà thờ Nam Thái, bên cạnh nhà thờ là tiệm sách Văn Đàn, kế bên là tiệm vàng Kim Huệ có Sinh Lém bạn giúp lễ với tôi, ngó qua bên kia là tiệm đồng hồ Nam Thái có con trai tên Thái, tiệm mộc tồn “Cây Còn”. Đi xa hơn nữa về phía tiệm cà phê Thăng Long có tiệm sách Ngọc Lan (tôi hay ra đây thuê sách truyện), nhà may Quảng Thành (?). Nhà may Quảng Thành có cô con gái lớn yêu thầy tu chức sáu ở xứ Nam Thái, sau này thầy xuất tu ra lấy cô con gái lớn này, thầy chịu khó sắm xe cà rem đi dạo khắp ngõ Ông Tạ bán sinh sống tạm thời, không biết sau này có đổi nghề khác không với học lực của thầy.
Khu ngã ba Ông Tạ chuyển từ lều sang nhà gỗ hai tầng với mái tôn cũng mất khoảng chục năm từ 1954-1964, rồi chuyển từ nhà gỗ 2 tầng sang nhà đúc xây cũng mất thêm chục năm nữa 1965-1975. Từ năm 1965 nhà cửa khu trung tâm ngã ba Ông Tạ bắt đầu chuyển từ nhà gỗ hai tầng sang nhà đúc xây 3 hoặc 4 tầng. Tiệm Á Đông là tiệm xây 4 tầng đầu tiên, kế đến Việt Thịnh cũng 4 tầng lầu, tiệm bánh Quang Minh 5 tầng lầu. Sau đó một loạt các tiệm vàng xây 3 tầng lầu như Trường Xuân, Trường Nguyên, Kim ngọc, Kim Khánh, Kim Huy, Đức Long, khu nhà bác sĩ Bảy. Hưng Thịnh, Đức Hiền, Bác Tuấn Tạp Hóa, vân vân mới bắt đầu xây từ năm 1969. Từ một nơi khỉ ho cò gáy, đồng không mông quạnh, ma chê quỉ hờn, 20 năm vừa chống giặc vừa xây đắp nên khu ngã ba Ông Tạ sầm uất, trở thành tấc đất tấc vàng. Khu này thường buôn bán vàng, gạo, bánh rượu, đồ xây dựng sắt, gỗ, cát gạch, thuốc lào, tiệm may, nhà sách, bát đĩa, tiệm điện, tiệm mộc bàn ghế, tiệm phở, tạp hóa, tiệm trái cây, tiệm đồng hồ, tiệm giầy, tiệm thuốc Bắc, tiệm thuốc Tây, văn phòng Bác sĩ, văn phòng nha sĩ, tiệm bán đồ cưới hỏi. Năm 1970 chưa thấy ngành ngân hàng chủ yếu để dành tiền bằng cách mua vàng, du lịch, và bất động sản hiện diện khu Ông Tạ.
Các người đẹp ngã ba Ông Tạ khúc Thọai Ngọc Hầu. Để tôi thử điểm tên xem nào, thời năm 1970 chưa người đẹp nào cỡ tuổi tôi (19 cái xuân xanh) lỡ bước sang ngang lên xe hoa về nhà chồng, lên xe tiễn em đi chưa bao giờ buồn thế. Đàn chị như chị Tươi (Tín Lợi, có cô em khá xinh) thì kính nhi viễn chi không nói lấy chồng từ thuở xa xưa nào rồi, có chị Hiện (Kim Tín) với mái tóc dài óng ả thuộc diện “ước gì anh lấy được nàng, để anh mua gạch bát tràng về xây”, chị Thoa (Hưng Thịnh, có hai cô em Trâm và Nam cũng rất xinh xắn) yểu điệu thục nữ người mình dây dễ khiến cho các anh theo xa hàng cây số, cô Xuân với mái tóc demi-garçon trông vẻ ngỗ nghịch và thời trang hiện đại các anh giai Ông Tạ không mê mới là chuyện lạ. Cô Tâm (Kim Tâm) có da có thịt với mái tóc dài và hay mặc áo dài trắng mini (Raglan) đi học dễ cho các anh lòng động lòng lo làm thơ “em tan trường về đường mưa nho nhỏ”; thời 1970 áo dài mini rất thịnh hành, tà áo được cắt ngắn tới gần đầu gối trông cách tân và mạnh bạo, cổ ngắn; nếu cô nào không mặc áo dài mini thì mặc tây, quần bát (ống loe) và áo bó sát người. Cô Hằng (radio Tiến Thành) vừa đẹp vừa học giỏi khối chàng mê nhưng mê không dễ. Cô Hương (Kim Ngọc) dong dỏng cao người tình trong mộng của các anh giai Ông Tạ một thời để yêu và một thời để nhớ, cô Bảy (bà Đỉnh tiệm sắt) một thời nổi cộm vì đẹp gái nhìn rất bắt mắt, cô Lụa (tiệm bánh Tiến Thành) và cô Hằng (tiệm Lan Hương) cũng nhan sắc một thời. Còn ai nữa? tí nữa thì quên có Dung (Hợp Châu) và Nguyệt (An Thịnh), hai cô cũng thuộc diện xinh đẹp, là trùm khế ngọt ai không thích làm quen không nhớn nổi thành anh giai. Dung (Á Đông) và người đẹp (Hải Cảng) cũng mười phân vẹn mười so với các người đẹp Ông Tạ khác. Xa xa chút nữa là Huyền Nhung (bác sĩ Bảy) không đẹp gái không ăn tiền, cá mười ăn một. Chị Thanh (phở Bình) trông sắc sảo. Kim Anh nhà thuốc tây Định Thủy cũng là hoa khôi trường Nguyễn Bá Tòng. Còn người đẹp nào nữa mà chưa được nhắc tên xin rộng lòng tha thứ, vì bộ nhớ có giới hạn nên không thể chứa hết. Các cô dưới 16 tuổi thì nhiều lắm nhưng không kể, thú thật là tại không biết.
Những người muôn năm cũ hồn ở đâu bây giờ? Đa số người cũ vùng ngã ba Ông Tạ đã rời đi sang Mỹ sống, người thì đi từ 1975, người thì vượt biên trở thành thuyền nhân khoảng sau năm 1979, người theo diện HO, người theo diện bảo lãnh người thân. Hậu duệ của các tiệm buôn bán Trường Xuân, Trường Nguyên, Đức Long, Thanh Hương, Hưng Thịnh, Việt Thịnh, Kim Khánh, Kim Ngọc, Tín Lợi, Bác Tuấn tạp hóa (ngoại trừ vợ chồng Chi ở lại Việt Nam), Kim Tín, Đức Hiền, Bà Đỉnh (cô Bảy), đều đang sinh sống tại quận Orange nam Cali hay Houston Texas. Con cháu Hợp Châu thì đang sống ở Đan Mạch vì được tầu Đan Mạch vớt năm 1975. Hội Đồng Hương Ông Tạ nam Cali mỗi năm vào dịp tết đều có họp mặt tại trung tâm công giáo ở Santa Ana.
Lê Nguyễn Hiệp
Irvine Cali
20-8-2021
* Phần bổ sung của anh Trần Tuấn con trai nhà thuốc tây Định Thủy cạnh phòng mạch bác sĩ Bảy.
Cạnh trường Thánh Tâm là cái ngõ cụt đầu ngõ là người con trai lớn tên Tâm. Anh tốt nghiệp Quốc Gia Hành Chánh, làm thiếu tá phó quận. Mẹ anh mở tiệm phở Bình, cảnh sát vào ăn đông lắm! Cạnh phở bình là tiệm thuốc Bắc Kim Tân của anh em Phương và Sĩ. Có anh trai lớn tên Nghĩa tốt nghiệp Võ bị Đà Lạt. Anh ra trường được một năm thì tử trận.
Ngay ngõ BS Nguyễn Ngọc Bảy là phòng mạch. Kế đến là nhà ông Trung tá Hiện (coi phòng quản trị trong trung tâm huấn luyện Quang Trung), tiếp theo là nhà thuốc Tây Định Thủy có con trai tên Tuấn và cô em tên Kim Anh, kế tiếp là nhà ông Thái Tường (người tàu) bán đại lý cà phê tên Việt Nam, rồi đến nhà bán giường (có anh con trai lớn làm Thiếu tá lúc tuổi 27, quên tên). Kế là tiêm nhuộm Như Ý (con trai lớn tên Vương Đức Cầu, em trai là Vương đức Y, bạn tôi, 2 cô em gái tên Oanh là chị và cô Hải là em. Cách 2 tiệm nữa mà tôi không nhớ tên là tiệm kem Thái Sơn ở ngay ngõ Sao Mai hay còn gọi là ngõ kem Thái Sơn (chi lớn tên Hà thị Đại, rất trắng, đẹp xinh, các em là Hà thị Tâm, xinh và có duyên, chị Tâm học rất giỏi thi tuyển y, nha và dược đều đỗ đầu, chị giờ là bs nhi khoa ở Pomona, các đứa em sau là Chính (bạn tôi), cô Bình, cô Thủy, Hà v Long PHD (Irvine), cô Phụng (nha sĩ), Cô Yến (đại uý cảnh sát Pomona). Cả gia đình dòng họ của cô tốt nghiệp khoảng 30 người là bác sĩ, nha sĩ hoặc kỹ sư nổi tiếng của vùng Pomona. Bên cạnh ngõ là tiệm bán gạch cát của ông giáo Cát. Đối diện tiệm kem Thái Sơn là cổng vào nghĩa địa Ấp chợ đi thông qua rạp xi nê Đại Lợi (nay là chợ Phạm văn Hai).
* Phần bổ sung của anh Johnny Tran được biết là em trai út của bà Á Đông, tiệm ảnh nổi tiếng vùng Ông Tạ trước 75:
Tôi xin bổ xung thêm một chút còn thiếu : Từ ngoài đi vào bên tay phải trước khi đến nhà Tiệm vàng Việt Thịnh là Nhà Thuốc Bắc Ích Thái, nhà chia 2, một nửa bán Guốc, nhà có Khoảng 5 Cô con gái là Tuyết, Dung, Thục…
Ở giữa nhà thuốc Bắc Ích Thái và nhà Tiệm Vàng Việt Thịnh, là một con hẻm nhỏ, ngõ cụt, trong đó có Nhà May quần áo phụ nữ, rất được các quí nhân bà khá giả đến đặt may tên là Nhà May Trinh Nữ, là tên cô con gái cả của gia đình cùng các em gái là Hà, Thủy, Hằng ( Hiện vẫn coi sóc Ca Đoàn Nhà Thò Nam Thái… Và nếu ai còn nhớ : Gia đình này còn có con trai là Thầy Cương, giúp việc nhiều năm tại Giáo xứ Nam Thái… Cô Trinh Nữ sau 75 là nâng khăn sửa túi cho … Chính tôi… Và mấy chục năm nay chúng tôi Định Cư tại Dallas - Texas.. Còn Thầy Cương thì cũng đang ở Houston- Texas…
Qua Nhà Việt Thịnh thì có Nhà May Au Phục Lâm Đại , gia đình này đông con cái, và đi nước ngoài vào 30-4-1975 … Cho đến nay không hề biết được một chút tin tức gì về GĐ này cả… Thêm vài căn nữa có nhà may Áo Dài Văn Phát, kế cận là Tiệm Vải Của Cụ VănTy, kế nữa là Tiệm Vải và bán Hoa Tươi của nhà Chị Nhung, Qua nhà Thuốc Tây Bình Dân là Tiệm Chụp Hình Đông Kinh.
Về phía bên kia đường, sát với cái Cổng Bom để vào Chùa Khuông Việt có cái Bảo Sanh Viện của ông Bà Quán,
Ở gần cổng vào nhà ông Đông Y Sỹ Thủ Tạ, có tiệm bán đồng hồ Viêt Cường…
Ở gần cổng Nhà Thờ Nam Thái, còn có Tiệm Chụp hình Tuyết Dung.
Một gia đình khác cũng rất lâu năm ở Ông Tạ, đó là căn nhà đối diện tiệm Vàng Kim Ngọc, nhà bán tạp hoá, rất rộng chiều ngang, nên một bên cho Bác Sĩ Bảo mở phòng khám bệnh, hình như chuyên về Nhi Đồng… Con trai lớn trong nhà là bạn tôi, Anh Thái, học giỏi, sau này là Luật Sư, anh có vầng trán khá to, nên chúng tôi cứ gọi thân thương là Cụ Luật ! Em trai của Thái tên là Bình, di tản ngày ngày30-4. Hai chị đứng bán hàng là Chị Huệ và Chị Phượng…
Tôi rời VN đã 31 năm… Nên nhắc lại kỷ niệm cũ, may ra có tìm gặp được những bạn xưa hay không… Mình là em trai út của Bà Á Đông tiệm hình… Trước khi đi Mỹ, mình có mấy năm chuyên Chụp Hình đám Cưới ở Ông Tạ… Bạn cũ có ai còn nhớ mình không …? Mong được liên lạc…. Xin cảm ơn…
*Phần bổ sung của một người con Ông Tạ kỳ cựu: hung thanh ho – Marcel Thạnh
Tôi ở hẻm 117/4 (hẻm trường Thánh Tâm) là nhà đầu tiên trước 54 mà bạn hổng biết? Tuấn em của Thu Dung. Thanh bán nước mía là em của Tâm, An. Nhà thuốc Kim Tân có Sỉ, Phương. Toàn bộ những gia đình nầy đều biết gia đình tôi vì cùng chơi với nhau hồi nhỏ. Nếu ai còn đọc những dòng nầy sẻ biết tôi tên gì? Gia đình tôi người Nam ở đó trước khi có chợ Ô Tạ vì sau 54 mới có còn những gì bạn kể .!!
Nếu o giải phóng thì tôi cũng còn ở đó vì đó là nơi ông bà gầy dựng. 1954 nên nhượng lại toàn bộ mặt tiền cho gia đình ông Thức. Nếu kể trước 54 thì từ ngả ba ô Tạ đến Bảy Hiền. Có mấy gia đình, còn bên kia đường là bờ đường vô trong là nghĩa địa Chí Hòa. Bạn tôi khu đó bây giờ còn ai hôn cho tôi hỏi thăm với tuổi từ 70 -75.
Hien Le