Thư của Linh Muc Trần Văn Kiểm California
PHỞ 79
Anh Tráng thân mến.
Cảm ơn anh Tráng cà phê Hoàng Gia đã gửi cho mình biết trên facebook của đồng hương Vùng Ông Tạ có thắc mắc về phở 79 ở đầu chợ Nghĩa Hòa, và phở 79 ở quận Cam, California có liên hệ gì với nhau không? Hoặc là có lấy tên của nhau không? Mình chưa bao giờ vào facebook nên chẳng biết chuyện gì. Cả đời cũng không vào facebook vì không có giờ. Nghe anh Tráng và các em của mình thuật lại thì cũng cảm thấy hay hay.
Mình sẽ trả lời câu hỏi này. Nhưng trước hết xin cảm ơn tình bạn của anh Tráng và tất cả các anh chị trong gia đình cà phê Hoàng Gia đã dành cho chú Tiến em trai quá cố của mình, cùng với gia đình của mình trong nhiều chục năm qua. Cũng xin cảm ơn anh Tráng, sau khi đi tù học tập cải tạo về, là người đã vẽ bảng hiệu phở 79 ở đầu chợ Nghĩa Hòa cho bố mẹ mình.
Định không trả lời, nhưng cuối cùng cũng xin được trả lời vì sự thắc mắc này không phải chỉ mới đây. Thật ra trong suốt 30 năm linh mục của mình, ngay từ ngày đầu, đã có những người từng hỏi: “Quán phở 79 của bố mẹ cha và phở 79 ở quận Cam có liên hệ gì với nhau không?” Mình vẫn trả lời là không. Quán phở 79 ở đầu chợ Nghĩa Hòa chẳng là gì hết nếu so sánh với những tiệm phở thời đó cũng như những tiệm phở thời nay. Nó chỉ là một quán phở nhỏ để bố mẹ có thể nuôi sống một đàn con, tất cả là mười bốn đứa, và mình là anh cả, hai đứa qua đời trước khi tiệm phở được khai trương.
Có những người đồng hương Vùng Ông Tạ đã từng thắc mắc phở 79 ở trên và phở 79 ở Quận Cam, California có liên hệ gì với nhau không thì xin trả lời là không có liên hệ gì với nhau, hoặc cũng có thể trả lời là có liên hệ chút chút mà chỉ người đang viết bài này mới biết được, bởi vì mình đã lãnh nhận ơn huệ của cả hai tiệm phở 79, sẽ được kể sau đây. Mình sẽ nói về cả hai tiệm phở 79 và cũng nhân tiện nói về những kỷ niệm với quê hương Vùng Ông Tạ và những ân tình của người Vùng Ông Tạ ở hải ngoại.
Trước hết là tiệm phở 79 ở đầu chợ Nghĩa Hòa khai trương vào năm 1981 rồi năm 1982 bán căn nhà cũ ở đầu chợ Nghĩa Hòa di chuyển ra nhà mới ở trong con hẻm trên đường Phạm Văn Hai đối diện với Cổng Bom, rồi sau đó vì thuế má hơi cao ở đó, cho nên không bán phở ở nhà mới đó nữa, nhưng mướn nhà Cô Oanh em Bà Trưòng Xuân, trên đường Thánh Mẫu nay là đường Bành Văn Trân, đối diện với phần sau trường Thánh Tâm, gần nhà ông giáo Liên, anh Đức Cha Bùi Tuần. Tiệm phở tồn tại ở đây được 5 năm tức là tới năm 1887 thì mẹ được Chúa gọi về, còn lại một mình bố, bán phở không nổi nữa, nhưng cũng vẫn mượn chỗ này để bán gạch cát xây dựng tới năm 1989 để nuôi đàn con. Những năm bán phở ở đó rất vất vả vì bố mẹ và các em phải di chuyển hằng ngày từ đường Phạm Văn Hai vào đường Thánh Mẫu.
Sau khi mẹ qua đời 2 năm, một ngày kia, bố đi tới giáo xứ Tân Trang, nơi có đường Lạc Long Quân, gần ngã tư Bảy Hiền. Có một tiệm phở ở đó, bố vào ăn phở thì gặp dì Hiệu của tiệm phở đó, dì chưa bao giờ lập gia đình. Không biết bố nói chuyện với dì thế nào mà rồi hai người quyết định kết duyên với nhau. Bố đi thêm một bước nữa. Sau khi làm lễ cưới xong thì tiệm phở 79 lại bắt đầu trở lại từ năm 1989 cho tới khi bố bị bệnh năm 1999, tức là kéo dài được 10 năm. Tiệm phở này lại trở về căn nhà nằm trong hẻm đối diện với Cổng Bom, đường vào giáo xứ An lạc. Con hẻm đó bây giờ tên là Lưu Nhân Chú.
Người ta vẫn gọi là phở 79 nhưng tiệm phở không còn giữ bảng hiệu nữa. Ngay sát bên cạnh tiệm phở này, cũng có quán bún mọc rất nhiều người ăn. Bố và dì sống với nhau cho tới chết và không có thêm người con nào. Sau này khi mở rộng kênh Nhiêu Lộc, căn nhà đó trở thành hai mặt, một mặt quay ra con hẻm Lưu Nhân Chú, một mặt quay ra kênh Nhiêu Lộc, trên đường Hoàng Sa và Trường Sa, gần cầu số 3 của kênh Nhiêu Lộc của đường Phạm Văn Hai, và nhìn xa xa thêm một chút nữa thì thấy nhà thờ Tân chí Linh.
Căn nhà này cả đất phía trước dài tới 29 mét. Sau khi giải tỏa phía đuôi để làm đường ở kênh Nhiêu Lộc, thì nhà này chiều dài vẫn còn 20 mét. Phía bên đường Lưu Nhân Chú, thì xây thêm hai căn nhà nhỏ cho hai đứa em trai lập gia đình. Còn phía quay ra kênh Nhiêu Lộc thì bố dì và các em chưa có gia đình ở, và xây cất thêm một tầng cao nữa có hai phòng, một phòng cho các sinh viên nam và một phòng cho các sinh viên nữ thuê trọ. Khi đó bố đã đau bệnh nên không bán phở nữa. Khi em Đông đã lập gia đình thì sinh viên không còn thuê tầng trên cao nữa. Tầng trệt có thời gian mở tiệm Internet. Năm 2017, em Đông kế nghiệp bố mở tiệm phở trở lại, trong căn nhà này, trên đường Hoàng Sa và gắn bảng hiệu là phở 79, bán phở trở lại cho tới đầu tháng 7 năm 2021 thì phải đóng cửa vì đại dịch Covid 19.
Tại sao lúc khai trương ở đầu chợ Nghĩa Hòa vào năm 1981 lại lấy tên là phở 79? Lý do là năm 1979 bố bắt đầu khởi nghiệp nấu phở và bán phở cho tiệm phở Hùng của ông bà trương Đề là chánh trương của giáo xứ Sao Mai, là cậu của bố. Tiệm phở Hùng nằm giữa tiệm điện Nhật Quang và nhà Dây Thép Gió. Tiệm phở này đối diện với ngõ Con Mắt đi vào cà phê Ngự Uyển và nhà thờ An Lạc. Hai năm sau tức là năm 1981 bố mở tiệm phở riêng tại căn nhà đầu tiên, đầu chợ Nghĩa Hòa và đặt tên là phở 79 là năm khởi đầu nghiệp nấu phở.
Tiệm này đối diện với nhà ông Sáu Ơn, có đài Đức Mẹ, và bên cạnh là nhà ông giáo Hoàn. Nhà cụ giáo Hoàn có 4 người con trai làm bác sĩ là bác sĩ Quang, bác sĩ Tiên, hai người nữa là bác sĩ Tân và bác sĩ Hạnh thì nhiều người không biết vì họ lấy bằng bác sĩ ở bên Đức. Nhà cụ giáo Hoàn còn có ba người con nữa là cô Hương, chú Hùng và cô Anh. Còn có một tiệm phở nữa khởi nghiệp rất lâu trước đó, cũng ở đầu chợ Nghĩa Hòa, không có bảng hiệu cho nên gọi là nhà ông Phở, nhà có anh Đăng, chị Phúc, anh Đức đi tu, anh Lợi, anh Bính. Hình như các anh chị đã ở bên Mỹ này. Riêng anh Đăng và vợ thì mình vẫn gặp lại nhiều năm trong các thánh lễ.
Thời đó, những vùng chung quanh này còn có rất nhiều tiệm phở ăn rất ngon. Trong Nam Hòa ngày xưa còn có xe phở nhà ông bà Khương sau này là giáo dân của mình ở nhà thờ St.Barbara. Còn rất nhiều tiệm phở khác trong vùng đó. Có nhiều tiệm phở không có tên, như nhà ông phở mà mình đã kể ở trên. Qua các thời gian khác nhau, còn có những xe phở, tiệm phở không có tên, hoặc được đặt tên như phở Phú Vinh, phở ông Mầm, phở Hải Phòng, phở Bình, phở Mai Hương, phở Hiệp Thành, phở Hồng Châu, phở Bắc Hải, phở Cường, phở Hương Lan, phở Hùng, phở Đức…
Có thể nói rằng tất cả các tiệm phở ở Vùng Ông Tạ và các vùng phụ cận có tên hay không có tên đều rất ngon theo nhận xét của mình. Vì thế có một lần từ Mỹ trở về thăm nhà và các em nói với mình rằng sẽ nấu cơm hằng ngày cho mình ăn. Thế nhưng mình nói rằng không ăn, để mình lang thang qua các khu ngõ ở Vùng Ông Tạ thấy gì ăn đó, để “trả thù” cho nhiều năm nhớ các món ăn Vùng Ông Tạ. Mấy ngày liên tiếp, chiều nào cũng chỉ ăn có một nơi và dĩ nhiên là gần nhà, và chỉ có một món đó là…phở. Nhưng không phải là tiệm mà là xe phở đầu ngõ Cổng Bom. Cô bán phở ngạc nhiên hỏi: “Sao anh ăn phở nhiều thế?” Mình trả lời: “Tại vì trong người tôi đang thiếu chất phở quê hương Vùng Ông Tạ.”
Nhà phở Bình thì gần trường Thánh Tâm là giáo dân xứ Nam Thái. Có hai cô con gái đi hát ở trong ca đoàn xứ Nam Thái. Sau năm 1975, khi còn tu ở Đà Nẵng, mỗi lần được chủng viện cho về thăm gia đình lúc đó còn ở đầu chợ Nghĩa Hòa, mỗi buổi chiều hoặc mỗi buổi tối, mình đều ra xứ Nam Thái chơi với cha Phổ và các thày Cương, Thủ, Thực, lâu lâu có thầy Dự ở nơi khác tới chơi. Cha Phổ là cha giáo dạy mình trước năm 1975 ở tiểu chủng viện Thánh Gioan tại Đà Nẵng. Trước khi tới phòng cha Phổ, không quên ghé qua phòng cha già Bật bắn một hơi thuốc lào. Sau này cha già Bật qua đời, đồng hương Nam Thái đã xin mình dâng thánh lễ cầu nguyện cho ngài tại Trung Tâm Công Giáo Việt Nam tại quận Cam, California. Năm 1981 khi tiệm phở của bố mẹ mình đã đang bán cho khách, có một buổi chiều mình đã mang cả rổ xí quách và một nồi nhỏ nước lèo, để cùng với cha Phổ và các thày vừa nhậu vừa đánh cờ Domino.
Mình không còn nhớ năm nào nữa, đang ngồi chơi với cha Phổ tại xứ Nam Thái thì gia đình phở Bình hốt hoảng chạy vào báo và cầu cứu với cha Phổ là cô con gái phở Bình đã bị người lạ bắt cóc, bây giờ không biết ở đâu và lúc đó đang huy động mọi người đi tìm kiếm. Cả xóm vùng phở Bình đã xôn xao. Một người lạ vào ăn phở Bình, ăn xong không chịu trả tiền, nói là muốn lấy tiền thì phải đi theo tới nơi kia để lấy. Một cô con gái của phở Bình đã đi theo và rồi lâu quá không thấy về. Cả nhà phở Bình rất lo lắng và mọi người đã chạy đi tứ tung để tìm kiếm. Nhưng chiều hôm đó cũng quá may mắn, cô con gái phở Bình cũng đã trở về bình an trong sự vui mừng của mọi người. Các con cháu của phở Bình đã định cư tại tiểu bang Texas, có lẽ tại thành phố Houston và cha Phổ khi sang Mỹ đã có lần ghé thăm.
Mình luôn là người con của ngã ba Ông Tạ, bởi vì ngay từ lúc chào đời, dòng máu ngã ba Ông Tạ đã chảy trong trái tim của mình. Mình được sinh ra không phải trong một nhà hộ sinh lớn thời bấy giờ, nhưng tại một căn hộ đỡ đẻ của bà Mai và căn hộ này chỉ cách ngã ba Ông Tạ có một trăm mét, hoặc hai trăm mét, trong ngõ hẻm đối diện với mặt trước trường Thánh Tâm hoặc tiệm kem Thái Sơn. Khi mình phục vụ tại nhà thờ St. Barbara tại Quận Cam, đã từng tới gia đình của người con gái của bà Mai để dâng thánh lễ, và bà này đã cười và nói với mình rằng: “Ngày xưa mẹ của con đỡ đẻ cho mẹ của cha sinh ra cha, nhờ thế mà bây giờ mới làm linh mục đấy!” Quả thật có nhiều ân tình để không bao giờ quên mình là người con của Vùng Ông Tạ.
Tất cả tuổi thơ ấu được tập trung tại trung tâm điểm là ngã ba Ông Tạ, và những thằng bé quen nhau thời bấy giờ, các buổi trưa trốn nhà đi chơi xa lắm là lên tới rạp Thanh Vân, cư xá Sĩ Quan, ruộng rau muống Lộc Hưng, rừng cao su, nhà thờ Chí Hòa, Sở Chăn Nuôi, ngã tư Bảy Hiền, hoặc cùng lắm là ra tới giáo xứ Tân Sa Châu. Tất cả những biến cố của thập niên 60 của Vùng Ông Tạ đã trôi đi rất nhanh. Nhưng những chuyện đã xảy ra vẫn còn tồn tại trong ký ức để không thể quên và không thể kể hết được. Từ những biến đổi của Vùng Ông Tạ và các vùng phụ cận cho tới nhiều biến cố khác đã xảy ra trên mảnh đất này vẫn có thể lần lượt trở về trong tâm trí của những người đã từng sống ở Vùng Ông Tạ vào thời đó.
Ngay từ nhỏ mình đã có cái đặc biệt như bao nhiêu đứa trẻ Công Giáo khác, là phải đi lễ nhà thờ vì bà nội và bố mẹ bắt như vậy. Được rửa tội tại nhà thờ Sao Mai do cha Lê Nguyên Kỷ và hiện giờ nhà thờ này do cha Đinh Văn Vãng coi sóc. Mình thuộc về giáo xứ này, nhưng vẫn đi hết mọi nhà thờ để nhìn thấy cái hay cái đẹp và được nhìn thấy mọi người, và được nghe tiếng kinh chiều của những ông bà già đạo đức.
Trong Tuần Thánh, ngày Chúa được táng xác và đặt ở trong mồ, chắc chắn không thể thiếu dấu chân của mình hầu như gần hết mọi nhà thờ trong vùng đó thời bấy giờ: Sao Mai, Nghĩa Hòa, Thánh Mẫu, Lộc Hưng, Nam Hòa, Chí Hòa, Thái Hòa, Nam Thái, An Lạc, Tân Chí Linh. Nhà thờ Tân Sa Châu và Mẫu Tâm thì xa quá không đi tới. Có những nhà thờ lúc đó chưa có hoặc mới chỉ là đền thánh chưa được nâng lên hàng giáo xứ. Nếu mà kể hết mọi nhà thờ trong giáo hạt Chí Hòa ngày nay thì phải thêm các giáo xứ này: nhà thờ Thánh Antôn, Khiết Tâm, Tân Dân, nhà thờ Xây Dựng, nhà thờ Vinh Sơn Ông Tạ, nhà thờ Vinh Sơn Nghĩa Hòa.
Tại sao lại đi nhiều nhà thờ hôn chân Chúa trong ngày Chúa bị táng trong mồ? Bây giờ có thể đoán được rồi! Hôn chân Chúa thì không quan tâm lắm, nhưng điều quan trọng là dưới chân Chúa ngày hôm đó có nhiều hạt bỏng gạo hay không? Khi bỏng gạo được các ông bà quản đổ thêm vào chân Chúa, thì thằng bé vội vàng quì lê lết tới hôn chân Chúa, và không quên vét những bỏng gạo cho đầy túi. Khung cảnh nhà thờ ngày Chúa được táng xác trong mồ trông có vẻ ảm đạm, nhưng thằng bé thì lại vui mừng có đầy bỏng gạo trong túi.
Lớn lên một chút vẫn chăm chỉ đi lễ, đi đọc kinh tại nhà thờ, khi thì đi nhà thờ này, khi thì lại đi nhà thờ khác. Nhưng bắt đầu có một thói xấu là trước lễ hoặc sau lễ, mấy thằng nhỏ thích đi trêu ghẹo các chị lớn, làm cho các chị vừa đuổi vừa chửi: “Mấy thằng con nít mà mất…dạy!” Các chị “chưởi” như vậy cũng hơi nặng. Nhưng tụi nhỏ này không vô tội và quả thật là mất nết! Nếu có thể nói lời xin lỗi thì bây giờ xin nói lời xin lỗi.
Có một lần dại quá đi theo thằng bạn tên là Nam, nó rủ đi trêu ghẹo hai chị em gái mà cô chị tên là Hương cùng tuổi với mình. Lúc đó đang học lớp mùa hè trường Thánh Giuse của giáo xứ Nghĩa Hòa. Nhà hai chị em này ở đường Đại Nghĩa, trước đây còn gọi là đường Lê Phát Đạt, cắt với đường Nghĩa Phát gần trường công Nghĩa Hòa. Ngã tư này còn được gọi là ngã tư Quốc Tế. Không nhớ trêu ghẹo hai cô thế nào mà ông cụ thân sinh ra hai cô đã đi vào thẳng lớp học, xin thầy giáo lôi hai thằng tui mình ra để trị tội.
Thế là hai thằng bị gọi lên, đứng khoanh tay trước mọi bạn học để xin lỗi ông thân sinh của hai cô và hứa sẽ không tái phạm nữa, và mọi sự đã trôi qua êm đềm, hai cô vẫn đi qua trước cửa nhà mình ở đầu chợ Nghĩa Hòa. Năm đó là năm 1969, mình được 12 tuổi, và cũng là năm mình quyết định đi tu và rồi 48 năm sau gặp lại cố nhân là cô Hương ở bên Mỹ trong một khung cảnh rất đặc biệt, đó là ngày hội ngộ của đồng hương giáo xứ Nghĩa Hòa, lúc đó hai người lần đầu tiên mới thực sự nói chuyện với nhau, không còn có sự bẽn lẽn gì nữa.
Câu chuyện gặp lại cố nhân sẽ được kể lại trong phần viết về đồng hương Nghĩa Hòa ở trong lá thư này. Đi tu mà tại sao lại trêu ghẹo con gái? Đó là chuyện xảy ra trước khi đi tu nên xin thông cảm. Hồi nhỏ chọc ghẹo con gái một tí thôi là chuyện bình thường, còn nếu lúc còn nhỏ mà không biết chọc ghẹo con gái một tí nào thì là chuyện bất thường.
Thời đó chưa có nhiều cái để chơi hoặc giải trí như ngày nay, nên tụi trẻ thường ru nhau đi phá làng phá xóm, bắt cóc, bắt nhái, ở ruộng rau muống Lộc Hưng, đi tới vườn nhà thờ Chí Hòa, hoặc Sở Chăn Nuôi, để phá phách, hoặc đi qua những cánh rừng cao su ở phía đường Nguyễn Văn Thoại (Lý Thường Kiệt) để bới rác Mỹ. Nhưng lộn xộn là thể nào cũng bị đánh bởi vì bới được cái gì ngon ngon thì bị thằng khác tới tịch thu liền. Trong khu rừng cao su đường Nguyễn Văn Thoại có chỗ đổ rác Mỹ. Rác Mỹ ngày đó cũng là món bở!
Có những buổi trưa thì phá làng phá xóm. Các bạn cùng lứa tuổi của mình thời đó học trường công Nghĩa Hòa vẫn còn nhớ Kiểm Sẹo là ai, bởi vì sau khi các bên đụng độ, thế nào cũng có đứa phải mang thương tích. Hai lần lãnh hai cục đá ở phía sau đầu, một lần lãnh một cục đá ở phía gần mắt phải. Lần nào cũng chảy máu rất nhiều. Tội nghiệp mẹ thấy con mang đầu về chảy đầy máu, cũng la mắng con, nhưng chắc là rất đau xót và vội vàng lấy vải cuốn lên đầu để bịt vết thương lại trông giống như một vành khăn tang vậy. Khi lành, những vết sẹo lộ ra rất lớn. Sau đó, đi gặp thằng nào nó cũng kêu mình là Kiểm Sẹo.
Biết bao kỷ niệm và biến cố đã trôi qua trong đời trên mảnh đất thân yêu này, nhưng không thể nào quên được nhưng lớp học của các ông giáo hay các mái trường mà mình đã đi qua. Học vỡ lòng nhà ông giáo Toán trong con ngõ hẻm cạnh nhà ông bà cai Hầu, chợ Nghĩa Hòa. Học mẫu giáo tại nhà ông “Giáo Già” trên đường Thánh Mẫu, sau trường Thánh Tâm. Bà giáo bán bánh mì ở chợ Nghĩa Hòa. Sau này gia đình chỉ còn bà giáo và các con, đều tới quận Cam, California. Gia đình có cha Đôn và sơ Hiên. Cha Đôn nhiều tuổi hơn mình, sang Mỹ rồi lại sang Đài Loan chịu chức linh mục ở đó, rồi về lại Mỹ dâng lễ tạ ơn và mình khi đó đã là linh mục, đã giúp tổ chức lễ tạ ơn này cho cha Đôn ở nhà thờ St.Barbara, nơi có rất đông giáo dân Việt Nam.
Trường Thánh Giuse thì mình chỉ học có mùa hè và đã bị gọi ra để trị tội vì đã trêu con gái. Trường công Nghĩa Hoa thì mình đã học suốt thời gian tiểu học và vẫn còn nhớ một số tên của các thầy cô thời đó như thầy giáo Tích là hiệu trưởng, thầy giáo Độ, thầy giáo Xuyến, thầy giáo Tuân, thầy giáo Nhị, thầy giáo Phê cũng có tên khác là Thành, thầy giáo Cường, thầy giáo Cận, cô Hồng, cô Hạnh… Vẫn luôn nhớ ơn những thầy cô đáng kính đó.
Có gặp lại gia đình thầy giáo Tuân ở Quận Cam. Nhà thầy Tuân trước đây ở đường Thánh Mẫu. Cả thầy Tuân và bà đã qua đời. Có đồng tế thánh lễ an táng cho thầy giáo Tuân. Ngày xưa khi còn học tại trường Nghĩa Hòa mình rất sợ thầy. Nhưng khi sang tới Mỹ, và đã chịu chức linh mục, thầy lại khúm núm trước mặt mình làm mình rất ngượng.
Sang Mỹ này thầy có tuổi nhưng vẫn sinh hoạt trong nhiều hội đoàn Công Giáo. Có hai năm liền, trước tết Nguyên Đán, thầy Tuân cùng các vị có tuổi trong một hội đoàn Công Giáo mang bánh chưng và mứt trái cây tới để tết mình. Mình sợ quá nói với thầy rằng “Con không đi đến tết thầy mà tại sao thầy lại đến tết con?” Thầy trả lời rằng: “Cứ theo cách giáo dân thường làm. Bởi vì cha là linh mục cho nên chúng con tới tết cha.” Cho tới giờ phút này vẫn nhớ tới sự khiêm tốn của một thầy giáo uy nghi ngày xưa. Thầy khoan dung quá! Tình người Vùng Ông Tạ không bao giờ phai là thế!
Trường Thánh Tâm cũng là nơi đào tạo rất nhiều người con Vùng Ông Tạ. Mình chỉ học trường Thánh Tâm có một mùa hè thôi. Nhưng những kỷ niệm cũng không bao giờ phai. Chỉ một mùa hè nhưng cũng là trường đã dạy mình. Vẫn nhớ trước khi bắt đầu vào giờ học là phải hát bài Thánh Tâm Chúa Giêsu nguồn êm ái dịu dàng. Tiếng ca vang lên qua những cái miệng nhỏ bé của hoc sinh cả nam và nữ vẫn còn vang vảng đâu đây, dù học sinh nói giọng nam hay nói giọng bắc, đều hát lên bằng tiếng nhè nhẹ của trẻ em miền nam đáng yêu: “1. Thánh Tâm Chúa Giêsu, nguồn êm ái dịu dàng, xin hãy ban xuống lòng con ngọn lửa say yêu một Chúa. Thánh Tâm Chúa Giêsu, tràn lan tình thương xót, xin thương giúp người đang sống trong tội biết tìm đến Thánh Tâm Cha. 2. Thánh Tâm Chúa Giêsu, nguồn nhân ái vô ngần, xin hãy thương giúp đoàn con một lòng mê say một Chúa. Thánh Tâm Chúa Giêsu, tràn lan tình tha thứ, xin thương những người đã trót vô tình xúc phạm đến Thánh Tâm Cha.”
Giờ đây không còn có thể nghe bài hát đó ở nơi trường Thánh Tâm này nữa! Có một cái nữa ở nơi trường Thánh Tâm mà ngày xưa có thể thấy, nhưng ngày nay không còn thấy nữa. Đó là đứng trên nóc cao của trường Tâm ngày xưa, có thể nhìn thấy nhưng chiếc máy bay đang di chuyển trong phi trường Tân Sơn Nhất. Nhưng ngày nay có nhiều nhà cao tầng cho nên có lẽ không nhìn thấy nữa. Những nơi xưa chốn cũ vẫn còn đó, nhưng người xưa không còn nhiều, không còn nữa hoặc đã đi xa!
Có một thời sinh hoạt trong bầy sói con của đoàn hướng đạo Nguyễn Khắc Tự, đạo Xuân Hòa. Nơi sinh hoạt và cắm trại của đoàn hướng đạo lúc đó có khi là Sở Chăn Nuôi ở ngã tư Bảy Hiền, có khi là sân trường Thánh Tâm, có khi sân nhà thờ Sao Mai, có lúc đã ra tới nhà thờ Tân Hòa khu Kiến Thiết, có khi trong sân trường Taberd ở Sài Gòn, có lần họp trại rất lớn mấy ngày trong trại không quân Phi Long cạnh phi trường Tân Sơn Nhất, có tướng Nguyễn Cao Kỳ và phu nhân tới đọc diễn văn chào mừng hướng đạo sinh cắm trại.
Sau đó có những chiếc máy bay biểu diễn trên trời chiều hôm đó, nhưng một biến cố đã xảy ra là một chiếc máy bay đã rơi trên một vùng đất trống gần đó, sau tiếng nổ lửa bốc lên rất cao. Các hướng đạo sinh nam nữ đang trong tư thế nghiêm chỉnh đứng trong các đội ngũ của chiều hôm đó đã hoảng hốt chạy tán loạn, nhưng rồi sau đó mọi người đều bình tĩnh trở lại theo sự hướng dẫn của các anh chị trưởng. Mình vẫn còn nhớ đoàn Nguyễn Khắc Tự có các anh trưởng Lân, Hoàng, Kim, Phi…. các chị The, Đượm… Bên khu Kiến Thiết có trưởng Hùng hay là Cần, là bác họ của mình, không nhớ bác thuộc đoàn nào của đạo Xuân Hòa. Lần đi xa nhất của đoàn là lần đi cắm trại ở Bãi Dâu Vũng Tàu.
Bầy sói con của tụi mình đa số là các nhóc con trong xứ Sao Mai thời bấy giờ. Còn ở ngã ba Ông Tạ thì cũng có tới gần chục nhóc con khác: Dũng và Đức là con của ông bà giáo Dưỡng chủ tiệm Cây Còn, rồi tới hai anh em nhà tiệm đồng hồ Nam Thái, đi tới tiếp là Hưng và người em là con của tiệm thuốc lao ba số 8, đi tới chút nữa là Khoa và người em là các con trai của ông bà tiệm sách Ngọc Lan. Có một lần ông bà giáo Dưỡng chủ tiệm Cây Còn đãi mấy thằng nhỏ sói con và các anh trưởng một bữa ăn tại tiệm Cây Còn.
Ông bà Ngọc Lan có gặp lại bên Mỹ này. Sau đó bà qua đời và ông vẫn đi lễ một mình tại nhà thờ St. Polyccarp, lúc đó mình đang phục vụ tại giáo xứ này. Cũng tại nơi đây mình đã gặp lại Khoa là con trai ông bà Ngọc Lan. Hai anh em gặp lại nhau kể lại chuyện xưa. Vợ anh Khoa mới qua đời năm trước và anh đã gọi cho mình để dâng lễ cầu nguyện cho chị ấy.
Tuổi thơ của mình đã trải qua tại Vùng Ông Tạ rồi từ giã các bạn đi tu năm 1969 lúc 12 tuổi. Nhập tiểu chủng viện Thánh Gioan ở Đà Nẵng. Chủng viện nằm gần bãi biển Mỹ Khê trên bán đảo Sơn Trà. Đây là một bãi biển rất đẹp. Ngoài xa xa, có thể nhìn thấy cù lao Chàm. Tới năm 1975 hoàn cảnh không còn như xưa, nhưng vẫn tiếp tục, và lúc đó phải đi lên một giáo xứ miền núi tên là Phú Thượng, vừa tu học, vừa lao động trên các núi đồi và trên các ruộng lúa thêm 6 năm nữa. Tổng Cộng là 12 năm.
Năm 1981, lúc đó mình đã 25 tuổi, bề trên sẵn sàng chấp nhận cho chịu chức linh mục. Nhưng nhà nước lại không cho. Mình thấy khó khăn quá, cuộc sống lại quá vất vả nên đã quyết định xin về nhà. Năm sau chủng viện giải tán. Về sau, trong số những người tu học tại giáo phận Đà Nẵng cùng thời với mình cũng có nhiều người được chịu chức linh mục, trong đó có hai vị lãnh nhận chức Giám Mục là Đức Cha Nguyễn Hữu Long hiện đang coi sóc giáo phận Vinh, và Đức Cha Châu Ngọc Tri hiện đang coi sóc giáo phận Lạng Sơn.
Mình về gia đình ở đầu chợ Nghĩa Hòa và chẳng biết có tiếp tục tu được nữa hay không.Về nhà lại không có hộ khẩu. Lúc đó vào giúp cha Đinh Văn Vãng ở giáo xứ Sao Mai. Thời đó các thầy đại chủng sinh ở giáo xứ này rất đông gồm có mình, và các thầy khác là Long, Trinh, Chỉnh, Hùng, Linh, Cư, Mậu, và thầy Bằng là em của cha Bùi Bằng Khấn giáo xứ Phát Diệm ở Phú Nhuân, đều có thể chịu chức linh mục lúc đó.
Về sau trong số này có Đức Cha Đỗ Mạnh Hùng hiện đang coi sóc giáo phận Phan Thiết, cha Đỗ Hữu Chỉnh ở giáo xứ Xây Dựng là anh của Đức Cha Hùng, cha Long, cha Trinh. Thầy Mậu con ông bà Mô gần Ngã Ba Ông Tạ, cùng gia đình sang Mỹ này ở quận Cam, California. Thầy đã tử nạn đụng xe khi tham dự Đại Hội Thiếu Nhi Thánh Thể ở Pháp.
Năm 1981 là năm mình về lại gia đình sau 12 năm học tại tiểu chủng viện và đại chủng viện. Khi đó tiệm phở đã mở được ít tháng. Hằng ngày tiệm phở mở ra từ sáng sớm, thấy các ông bà và nhiều người ở các vùng lân cận tới ăn phở thì mình cũng cảm thấy vui vui và có nhiều người an ủi vì biết rằng mình đã ra khỏi chủng viện không còn có thể tiếp tục tu làm linh mục được nữa.
Bố mẹ mình là những người lo lắng cho mình nhất lúc đó. Có một người quen nói với bố mẹ mình rằng sẽ có một chuyến vượt biên và nhà ông chủ tàu ở khu Kiến Thiết đối diện với nhà thờ Ba Chuông. Hai mẹ con tới gặp ông chủ tàu, ông đòi phải có hai cây vàng mới cho thầy tham dự vào chuyến đi đó. Mẹ về nhà vét hết gia tài lúc đó là bột ngọt để nêm phở, bán được nửa cây vàng, bà nội tháo dây chuyền vàng có tượng thánh giá Chúa bán được thêm nửa cây nữa, như thế chỉ có được một cây vàng. Cuối cùng ông chủ tàu cũng thông cảm, người ta thì lấy hai cây, còn thầy thì lấy rẻ một cây thôi.
Ngày hôm đó là buổi chiều Chúa Nhật cuối tháng 11 năm 1981, chính con gái ông chủ tàu chạy vội vã vào nhà thầy báo cho biết là phải đi ngay. Mẹ vội vã đi mượn một chỉ vàng cho con làm hành trang cho chuyến đi. Nhưng thấy mẹ phải đi mượn thì mình đã đưa lại mẹ và nói rằng: “Con không cần, mẹ trả lại cho người ta đi.” Bù lại, mẹ đưa cho ít tiền để có phương tiện đi xe về lại nhà nếu chuyến đi không thành công. Mình và con gái ông chủ tàu đón một chiếc xe xích lô đạp ở ngã ba Ông Tạ, đi tới ngã ba đối diện với nhà thờ Ba Chuông. Con gái ông chủ tàu nói: “Thầy đứng đây đợi em để em vào nhà có việc một chút.” Đang khi chờ đợi, lòng suy nghĩ mông lung, thấy chỗ mình đứng có quầy thuốc lá trong tủ có gói thuốc ngoại 3 số 5, vội rút tiền mua 3 điếu thuốc thơm, hút để từ giã Việt Nam.
Đang khi hút, nhìn sang bên phía nhà thờ Ba Chuông, trong sân có tượng ông thánh Martinô da đen hay làm phép lạ, và hay giúp người vượt biên nữa. Ông thánh Martinô này có tội lớn lắm đấy, vì hay giúp người vượt biên! Mình vừa hút thuốc vừa khấn với thánh Martinô, xin ngài thương giúp để chuyến đi thành công vì cuộc sống đã quá vất vả và quá mù mịt. Con gái ông chủ tàu chạy ra thuê một chiếc xe xích lô đạp khác, và chiếc xe chạy tới cầu chữ Y. Hai người xuống xe gặp ông chủ tàu đang ngồi chờ trên chiếc xe Honda.
Ông chủ tàu nói với mình rằng tất cả mọi người đã ra thuyền rồi, chỉ còn mình thầy thôi. Nhưng bây giờ công an đi trên cầu nhiều quá, nếu đón thầy xuống thì sẽ bị bể, tội nghiệp cho mọi người. Thôi thầy thông cảm đi về nhà lại đi! Thế là lại leo lên xe xích lô đi về nhà.Trong khi đi về nhà thì trơi mưa xối xả. Về tới nhà thì bố mẹ đều buồn. Nhưng chưa kịp cởi chiếc áo ướt ra, ông chủ tàu đã chạy xe Honda thẳng tới nhà mình nói rằng: “Thầy ơi đi ngay, vì trời mưa lớn cho nên công an, họ đã giải tán hết rồi. Mọi người và các con tôi đều xuống thuyền. Còn mình thầy mà thôi, nhưng tôi đã ra lệnh cho con trai lớn của tôi là phải chờ thầy xuống thuyền rồi mới đi, và tôi đã ra lệnh rất nghiêm ngặt là không được đi nếu thầy chưa xuống thyền. Còn hai vợ chồng chúng tôi sẽ ở lại.”
Xe chạy tới con đường dưới cầu chữ Y, đi vào một căn nhà bên mé sông, ra đằng sau nhà của họ xuống chiếc thuyền nhỏ, chạy trong đêm tối ra tới cảng Nhà Bè, lên thuyền lớn hơn để vượt biên. Chiếc thuyền vượt biên chỉ dài có 9 mét, mang theo 57 người trong cuộc hành trình có một không hai trong cuộc đời. Thuyền đi trong đêm tối, định ra cửa Cần Giờ nhưng lại lạc xuống Gò Công. Tối hôm sau có thuyền đánh cá của người người địa phương dẫn ra lại cửa Cần Giờ.
Khi bỏ lại cửa Cần Giờ đằng sau, trời bắt đầu sóng gió mịt mùng, mọi người cảm thấy sợ hãi. Thuyền đã ra ngoại khơi xa lắm rồi, mọi người say sóng nằm la liệt. Tới hai giờ chiều hôm đó thì sóng rất lớn, cả đời chưa bao giờ thấy những con sóng lớn như vậy. Mọi người kêu khóc. Đa số những người trong thuyền là Công Giáo bắt đầu lần hạt Mân Côi cầu cứu với Đức Mẹ và hát bài: “Lậy Mẹ là ngôi sao sáng, soi lối cho con lúc vượt biển thế gian…”
Chiếc thuyền mấy lần suýt bị lật nhào. Anh tài công đã phải vững tay lái để thuyền không thể bị lật khi bị đưa lên đỉnh sóng cao như ngọn núi, rồi lại bị đưa xuống đáy sóng như đi vào trong một thung lũng. Nhiều giờ đã phải chiến đấu như vậy. Trong lòng của mình lúc đó sợ hãi kinh khủng và buồn thê thảm, chỉ nghĩ trong chốc lát nữa mình và mọi người sẽ bị chìm vào trong lòng đại dương. Giữa sóng bão lúc đó mình nhìn lên trời xin Chúa thương, xin Đức Mẹ cầu bầu, xin các thánh phù hộ, xin thánh Martinô cứu giúp. Mình khấn hứa nếu đi được tới nơi bình an, mình sẽ tiếp tục tu để làm linh mục.
Đang lúc gian nan nguy hiểm như thế thì có hai chiếc tàu đánh cá lớn của dân Phước Tỉnh chạy về phía tụi mình. Họ lớn tiếng báo cho tụi mình biết là bão lớn lắm, đi ra nữa là chết, muốn sống thì cột dây đằng sau đuôi thuyền của họ để họ kéo vào. Họ nói sẽ kéo tụi mình vào bờ biển Vũng Tầu và sẽ thả dây để thuyền tụi mình neo đậu ở đó, ai có thể bơi được vào bờ thì bơi, còn ai không bơi được thì phải chịu bị bắt mà thôi! Như thế vẫn còn sống, còn hơn tiếp tục đi rồi sẽ chết! Thế rồi đành phó mặc cho số phận, họ nói sao thì thuyền của mình làm như vậy.
Tượng Chúa dang tay ở Vũng Tàu
Trong đêm tối nhìn về phía trước, mình tưởng tượng hình ảnh của Chúa Giêsu dang tay đứng trên núi nhỏ, để đón đoàn con khốn khổ quay trở về: “Chúa ơi, đâu chỉ có Chúa ở trên ngọn núi Tao Phùng. Chúng con đi xa chúng con vẫn có Chúa ở mọi nơi mà! Xin Chúa vui lòng cứu giúp đoàn con khốn khổ này đi…”
Thuyền đã neo đậu ở bãi trước Vũng Tàu. Ánh đèn ven bờ biển nhìn thấy rất rõ ràng. Trong thuyền không ai nói với ai, chỉ còn có những tiếng khóc, những tiếng thở dài, cả những tiếng thở dài của những anh cựu quân nhân nữa. Mọi người nằm trong khoang thuyền, bên ngoài khoang thuyền chỉ còn có mình, anh tài công, và người con trai lớn của ông chủ thuyền. Hai người kia hỏi mình rằng: “Thầy ơi, làm sao bây giờ thầy ơi, thầy có ý kiến gì không?” Mình lúc đó rất cương quyết: “Ra thì chết, mà neo đậu ở đây thì thế nào cũng bị bắt. Vậy thì mình sẽ không đi ra xa, nhưng cứ đi ven bờ biển. Trời bão thế này các tàu thuyền đều đi vào nơi tránh bão, cho nên không ai ra bắt tụi mình đâu. Cứ liều đi. Hãy tiến tới!”
Thế là cuộc hành trình lại tiếp tục. Mọi người có vẻ vui mừng trở lại. Chiếc thuyền cứ tà tà đi sát bờ biển, tới mũi Cà Mau thì không còn đi sát bờ biển nữa, nhưng đâm thẳng về phía Mã Lai. Thuyền đi thêm năm ngày năm đêm. Tới đêm cuối cùng, mình nhìn thấy ánh sáng mờ mờ ở phía trước, rồi càng lúc càng rõ, mọi người có vẻ vui mừng. Nhưng câu hỏi là đây là Mã Lai hay là Thái Lan. Nếu là Mã Lai thì là điều đáng mừng. Còn nếu là Thái Lan thì sẽ gặp nỗi khốn khổ là họ sẽ đuổi thuyền của tụi mình ra khơi trở lại.
Chờ tới sáng thuyền đi vào gần đất liền xa khoảng nửa cây số. Một chiếc trực thăng từ trong bờ bay ra và lượn nhiều vòng trên chiếc thuyền của tụi mình và rồi lại bay vào. Trên bờ dân chúng hiếu kỳ tụ họp rất đông nhìn ra biển. Mọi người trên thuyền bàn luận không biết đây là đất Thái Lan hay là đất Mã Lai. Nếu là đất Thái Lan thì thuyền mình sẽ phải đi tiếp để sang đất Mã Lai, vì lúc đó Thái lan không còn tiếp rước người tị nạn nữa.
Anh tài công nói với mình rằng: “Thầy biết nói tiếng Anh nhưng thầy biết bơi không?” Mình đã trả lời là bơi được và rồi anh tài công cùng với mình nhảy xuống biển bơi vào bờ. Khi nhảy xuống mới phát giác là mình đã yếu sức sau cuộc hành trình nhiều ngày đêm không ngủ và đói khát. May mắn quá, con ông chủ tàu ném cho mình một cái thùng nhựa để làm phao bơi vào bờ. Vào tới bờ thì hai người kiệt sức, nằm vật ra trên bãi biển và những người hiếu kỳ ở trên bãi biển bu chung quanh rất đông. Mình hỏi mấy người dân thì biết đây là đất Mã Lai nên rất mừng.
Sau đó có xe cảnh sát tới chở tụi mình vào một đồn cảnh sát gần đó. Họ thẩm vấn hai người rồi đồng ý cho chiếc thuyền đang neo ngoài khơi được tấp vào bờ. Chúng mình đứng trên bờ biển ra hiệu cho thuyền đi vào bờ. Đây là thành phố Terengganu của Mã Lai và cách đó ngoài khơi chừng 30 cây số là đảo Pulau Bidong nơi có rất nhiều người tị nạn Việt Nam và là nơi chúng mình sẽ tới hai ngày sau đó.
Cơn bão cuối tháng 11 đầu tháng 12 năm 1981 đã làm cho 150 người chết tại Phi Luật Tân và 5 người tị nạn chết tại đảo Pulau Bidong vì những cây dừa bị gẫy và đá trên núi đổ xuống. Cuộc ra đi này tuy gian truân, nhưng chỉ là một gian truân nhỏ bé nếu so với những chuyến thuyền đã không bao giờ tới nơi. Xin cho họ được thật sự an nghỉ!
Trên đảo lúc đó có nhiều đồng hương Vùng Ông Tạ và vùng lân cận. Thời gian rảnh rỗi trên đảo làm cho mọi người có nhiều thời giờ để đi tới thăm hỏi nhau và đó cũng là thời gian chờ đợi để đi định cư ở nước thứ ba, phần lớn là đi Mỹ, Canada, Úc và Pháp. Một số khác đi Đức, Na Uy, Đan Mạch… Phái đoàn Mỹ là phái đoàn đầu tiên mở hồ sơ cho tất cả mọi người tị nạn đặt chân tới đảo Pulau Bidong. Nếu không đủ các tiêu chuẩn đi Mỹ, hoặc có thân nhân ruột thịt ở nước khác, thì họ sẽ bị loại ngay để các phái đoàn nước khác phỏng vấn.
Trong đầu óc của mình lúc đó quyết định đi Mỹ. Nhưng mình chẳng có một tiêu chuẩn nào để có thể đi Mỹ được: Không là quân nhân, không du học hoặc làm sở Mỹ trước đây, không có thân nhân ruột thịt đã vượt biên trước đó và định cư ở bên Mỹ, và lúc đó Mỹ không mở hồ sơ bị bách hại vì lý do tôn giáo, vì nhiều thầy đại chủng sinh cùng thời với mình ở trên đảo Bidong đã bị phái đoàn Mỹ từ chối không nhận, dù họ có khai rằng không thể tiếp tục tu làm linh mục ở Việt Nam được. Năm, sáu thầy đại chủng sinh đã bị từ chối.
Một lần nữa mình lại khấn thánh Martinô hay làm phép lạ để giúp mình. Rất nhiều nhân viên khác nhau trong phái đoàn Mỹ thay phiên để phỏng vấn người tị nạn. Tiếng loa phóng thanh trên đảo ngày hôm đó cho biết là những người đi trong chuyến vượt biên của thuyền mình chuẩn bị tới gặp phái đoàn Mỹ để được phỏng vấn. Mình xếp hàng với mọi người và thấy những người vào phỏng vấn trước, sau khi được phỏng vấn đều hớn hở vui mừng vì đã được nhận, lý do là họ có những tiêu chuẩn ở trên.
Tới phiên mình, sau khi phỏng vấn, anh chàng Mỹ trong phái đoàn này thấy mình chẳng có tiêu chuẩn gì hết. Câu hỏi cuối cùng là trước khi vượt biên mình làm nghề gì và mình trả lời là đi tu làm linh mục. Anh nhân viên này hỏi có giây tờ gì chứng minh trước đây mình đi tu không, mình trả lời là không có giấy tờ gì hết. Anh nói nếu mình chứng minh được là mình đã đi tu để làm linh mục, anh sẽ giúp cho mình được phái đoàn Mỹ nhận.
May quá, ngay lúc đó mình nghĩ ra là ở nhà thờ trên đồi Tôn Giáo của đảo Bidong, nơi mình đang phục vụ, có cuốn niên lịch Công Giáo từ bên Mỹ gởi cho nhà thờ, trong đó có số điện thoại và địa chỉ của hai linh mục đã dạy mình tại tiểu chủng viện Thánh Gioan Đà Nẵng và các ngài hiện đang định cư ở bên Mỹ. Mình đã khai với anh chàng Mỹ này như thế và ngày hôm sau mang tên, địa chỉ và điện thoại của các linh mục này cho anh. Anh nói rằng sẽ liên lạc với các linh mục này để kiểm chứng. Sau đó mình được gọi trở lại phỏng vấn và anh chàng Mỹ này cho biết là mình đã được nhận để đi định cư ở Mỹ.
Trong lúc nói chuyện với người Việt Nam là phụ tá của anh Mỹ này, mình có thắc mắc là tại sao mình được nhận nhưng nhiều thầy đại chủng sinh khác lại không được nhận, thì người phụ tá này mới cho biết là ngày xưa anh chàng Mỹ này cũng đi tu để làm linh mục, nhưng bây giờ không còn tu nữa, vì thế mà mình đã gặp hên! Một lần nữa lại phải cảm ơn thánh Martinô. Về sau kiểm chứng lại thì mình biết phái đoàn Mỹ chẳng có liên lạc gì với hai linh mục ở trên để hỏi tông tích của mình! Họ cho đi là tin vào lời khai của mình mà thôi.
Thời gian sống trên đảo Pulau Bidong của mình hơn bốn tháng đầy ắp những kỷ niệm với những người đồng hương Vùng Ông Tạ và những người tị nạn khác tại đó. Sau đó là hành trình đi qua Phi Luật Tân học tiếng Anh 4 tháng trước khi sang Mỹ. Vào một buổi chiều cuối tháng Tư năm 1982, mình cùng với những người ti nạn Việt Nam khác đặt chân tới trại tị nạn tại Bataan Phillipines.
Sau khi tới trại, mọi người được chuyển vào từng khu nhà, mỗi gia đình hoặc hợp với gia đình khác sẽ có một căn, đây là những căn nhà liền kề với nhau. Còn ai độc thân không có gia đình, thì cứ 6 người, không phân biệt nam nữ sẽ được chuyển vào một căn. Số phận độc thân của mình không biết may rủi như thế nào mà người ta lại chuyển mình vào một căn nhà mà mình là người đàn ông duy nhất, còn năm người kia đều là các cô gái còn trẻ.
Một trong những luật rất khắt khe ở trong trại tị nạn đó là ai đã được chia ở nhà nào thì không được chuyển sang nhà khác. Công việc hằng ngày trong trại là buổi sáng ăn sáng rồi đi làm công tác vệ sinh trong trại, buổi trưa ăn trưa rồi đi học tiếng Anh, buổi chiều ăn tối rồi nghỉ ngơi. Còn lại thời gian rảnh rỗi thì ngồi tán gẫu, uống trà, chơi đùa với nhau hoặc làm việc riêng.
Các cô biết mình là thầy đại chủng sinh, đang đi tu để làm linh mục, cho nên các cô hay tìm cách chọc ghẹo cho vui. Sau khi ăn tối thì ngồi nói chuyện. Các cô bắt đầu chọc ghẹo mình. Các cô đè tay mình ra trên bàn. Mình kêu lên “Trời ơi làm gì vậy?” thì các cô trả lời “Thầy ơi để cho chúng em xem bói cho thầy!” Các cô giữ tay mình chặt quá cho nên mình phải chịu chấp nhận thôi. Một cô tên là Công Tằng Tôn Nữ gì gì đó. Không muốn nói tên cô Công Tằng Tôn Nữ này ra. Cô chỉ vào một đường chỉ tay trên bàn tay của mình và nói rằng: “Con đường tình duyện của thầy thì rất là trắc trở.” Rồi cô chỉ vào một đường chỉ tay khác và nói rằng: “Còn con đường tu của thầy thì cũng có một lúc bị gián đoạn, nhưng nếu mà thầy cương quyết đi trên con đường này, thì chắc chắn sẽ thành công. Thôi thì thầy tiếp tục đi tu đi vì người ta nói rằng “Tu là cõi phúc, tình là giây oan.”
Cái ngôi nhà này lúc nào cũng vang vọng ra những tiếng cười khiến cho những chàng thanh niên ở những nhà bên cạnh cảm thấy ghen tương. Một anh đáng kính, lớn hơn mình mười tuổi, là giáo dân xứ An Lạc và mấy anh nữa nói với mình rằng: “Thầy ơi nguy hiểm quá! Nếu mà thầy tiếp tục ở trong căn nhà đó thì chỉ có chết tới bị thương! Người ta nói rằng “Lửa gần rơm lâu ngày cũng cháy.” Mình nói lại: “Không những chỉ có chết tới bị thương mà còn banh xác luôn!”
Thế rồi họ đề nghị với mình sẽ tới gặp bà trưởng vùng, bà là người Phi Luật Tân, và chỉ có bà mới có thể cho phép mình được rời căn nhà đang ở để chuyển ra nơi khác. Mình được phép của bà và đã chuyển lên nhà thờ Công Giáo nằm giữa trung tâm của trại tị nạn, và đã dọn một chỗ ở rất đơn sơ trên căn gác lửng của phòng thánh đằng sau cung thánh của nhà thờ. Ở đây mỗi Chúa Nhật đều có một cha ngoại quốc hoặc cha Phát hoặc cha Tài từ đài Chân Lý Á Châu tại Manila tới để dâng thánh lễ cho giáo dân. Trong thời gian sống trong nhà thờ này, mình đã trở thành giống như ông từ đóng cửa, mở cửa nhà thờ cho giáo dân.
Thế rồi thời gian đi định cư cũng đã tới. Chuyến đi của mình cùng với những người tị nạn khác bay qua các trạm chuyển tiếp là đảo Guam, Honolulu, San Francisco, rồi bắt đầu từ đó đi khắp mọi nơi trên nước Mỹ. Mình bay tới New Orleans, và ở với gia đình của cậu họ và đi làm ở đó 4 năm. Sau đó quyết định đi qua quận Cam, California, nơi có nhiều người Việt định cư, trong số đó những người quê gốc Vùng Ông Tạ lúc đó còn lơ thơ nhưng tới bây giờ thì kể không hết.
Cũng may mắn là khấn thánh Martinô một lần nữa, bởi vì bắt đầu cuộc vượt biên mình đã gắn bó với thánh Martinô, mình đã được nhận vào chủng viện St. John nằm về phía bắc của thành phố Los Angeles, và tu học để làm linh mục cho giáo phận Orange của quận Cam. Dù mình đã học xong ở Việt Nam, nhưng mình đã xin học lại ở chủng viện bên này 5 năm nữa để được đào tạo kỹ lưỡng hơn. Và rồi mình đã được đón nhận hồng ân làm linh mục vào ngày 8 tháng 6 năm 1991, cách đây hơn 30 năm.
Rồi từ đây có những sự liên hệ với các con cháu của phở 79 ở quận Cam này. Bữa tiệc mừng Tân Linh Mục của mình có sự hiện diện của ông bà Lý Sóc, trước đây ở giáo xứ An Lạc, Vùng Ông Tạ. Bữa tiệc này được cha Vũ Đình Trác giúp mình tổ chức tại nhà hàng Grand Garden là nhà hàng của bà Kính, con gái đầu của ông bà Lý Sóc. Bà Kính cũng là chủ của phở 79 ở quận Cam này. Một tiệm phở nổi tiếng cho tới ngày nay tại quận Cam, khai trương năm 1982, nhưng đặt tên là 79 vì đại gia đình này đã đặt chân tới nước Mỹ năm 1979.
Sau đó nhiều năm mình vẫn gặp lại ông bà Lý Sóc và có hai năm thì gặp ông bà hằng tuần trong các thánh lễ Chúa Nhật tại cộng đoàn Huntington Beach. Các con của ông bà Lý Sóc có bà Kính, bác sĩ Tòng, ông Bách, ông Thọ, ông Hùng, bác sĩ Việt Cường. Bây giờ mình vẫn luôn nhớ ơn bác sĩ Việt Cường là người đã đứng ra làm MC cho tiệc Tân Linh Mục của mình và 25 năm sau, bác sĩ Việt Cường lại đứng ra làm MC cho buổi tiệc mừng 25 Năm Linh Mục của mình. Bác sĩ Việt Cường đã từng là người lãnh đạo phong trào Giới Trẻ Công Giáo tại giáo phận Orange này. Ông bà Lý Sóc và các con cháu chia nhau ra làm nhiều nhóm, đi lễ và sinh hoạt trong các hội đoàn tại các cộng đoàn khác nhau như Huntington Beach, St. Barbara, Anaheim, Sts Simon & Jude. Một dòng họ rất đạo hạnh nhờ vào phúc đức của ông bà Lý Sóc.
Năm 2016 kỷ niệm 25 năm linh mục tại Trung Tâm Công Giáo.
Người đứng bên cạnh là chú Vũ Thọ gốc Nam Thái
Bà Kính đã thường xuyên đi lễ nhà thờ St.Barbara. Anh Đồng là con rể của bà Kính, đi lễ nhà thờ St. Barbara, thường gặp mình và nhắc mình rằng: “Hễ có đám cưới nào cần nhà hàng thì cha giới thiệu tới Grand Garden nhé!” Rồi cười. Khi mình ở cộng đoàn St.Barbara, bác sĩ Tòng là con trai ông bà Lý Sóc có nhận cha Phùng Toàn làm nghĩa tử, và đã nhờ mình với cha Tuyên tổ chức thánh lễ tạ ơn Thụ Phong Linh Mục cho cha Toàn. Thế mà cũng đã 25 năm rồi, cha Toàn lại mới mừng Ngân Khánh Linh Mục. Viết… một chút vậy để giải thích hai phở 79 không có liên hệ gì với nhau, nhưng mình thì biết cả hai phở 79. Phở 79 ở quận Cam bên Mỹ này nổi tiếng và có gốc gác Vùng Ông Tạ.
Một tiệm phở nữa có một thời hiện diện ở Quận Cam, có gốc gác Vùng Ông Tạ là phở Hiền Vương, một tiệm ở trong khu Phúc Lộc Thọ của Little Saigon và một tiệm ở trên đường Wesminster, góc đường Fairview. Tiệm ở trong Phúc Lộc Thọ được điều hành bởi cô Tươi vợ ông Tuyển. Tiệm trên đường Westminster được điều khiển bởi cô Nhung. Cả hai cô là dân Ông Tạ.
Tại quận Cam này cũng có rất nhiều tiệm phở lớn nhỏ khác nhau. Phở đã trở thành một món ăn quốc tế. Có những buổi tối vào một tiệm phở thì thấy cả một đám không phải là “Mỹ da vàng” mà là “Mỹ da trắng,” cầm đũa ăn phở thiện nghệ không thua người Việt Nam, lại đòi có cả hành trần và nước béo, tương ớt thì xịt vào cả đống. Đúng là cái đám nam nữ đó là người Mễ, ăn ớt Jalapeno quen rồi cho nên không biết cay là gì. Quận Cam bây giờ có nhiều tiệm phở lắm. Bấy nhiêu tiệm phở cũng không đủ để phục vụ những người thích ăn phở, hay những “đồ đệ” của phở. Không đi ăn tiệm thì phải nấu phở ở nhà vào những ngày cuối tuần hoặc những ngày lễ nghỉ. Bên Mỹ này không thiếu phương tiện để nấu phở, nhất là ở vùng Little Saigon.
Những năm đầu mình mới chịu chức linh mục thường hay bị giáo dân Việt Nam tới xin cha chỉ cho công thức nấu phở. Trong giáo phận Orange này rất nhiều giáo xứ lớn. Thí dụ như nhà thờ St.Barbara có tới hơn 10 ngàn giáo dân đi dự lễ ngày Chúa Nhật, và có tới 12 thánh lễ thuộc về ngày Chúa Nhật. Lễ liên tục… Giáo xứ này có 71 quốc tịch gốc khác nhau. Thấy kinh chưa, ở Việt Nam không có một nhà thờ nào như vậy đâu nhé! Nhưng cái quốc tịch gốc nhiều nhất trong nhà thờ này vẫn là Việt Nam, chiếm tới hai phần ba số giáo dân đi lễ ngày Chúa Nhật ở đó. Thông thường mình phải làm 3 lễ, trong đó có lễ tiếng Anh và lễ tiếng Việt. Mình không làm lễ tiếng Tây Ban Nha được. Rồi phải bắt tay hỏi thăm giáo dân sau mỗi thánh lễ, cả những thánh lễ mình không làm.
Lúc đó sau mỗi thánh lễ, khi giáo dân Việt Nam bắt tay mình, thì luôn luôn xin cha cho công thức nấu phở, vì nhà bố mẹ cha ở Việt Nam bán phở. Chúa Nhật nào sau lễ cũng phải chỉ cách cho người ta nấu phở. Sau này trả lời không xuể nữa, nên phải đánh máy công thức nấu phở ra tờ giấy. Hễ ai hỏi công thức nấu phở thì đưa cho họ một tờ giấy công thức, đỡ phải trả lời mà người xin công thức sẽ không hỏi đi hỏi lại nữa. Sau này nhiều nhà đã biết cách nấu phở từ nhiều công thức khác nhau cho nên không còn ai hỏi mình nữa.
Cái phong tục linh mục bắt tay thăm hỏi giáo dân sau các thánh lễ ngày Chúa Nhật ở các giáo xứ bên Mỹ này là một nét đẹp văn hóa. Nhờ đó mà linh mục được hòa đồng với mọi người, già cũng như trẻ, nam cũng như nữ. Chính vì thế mà mình đã gặp lại biết bao giáo dân gốc Ông Tạ ở vùng này, cũng như ở các vùng khác trên nước Mỹ hoặc thế giới, có dịp ghé thăm Little Saigon ở quận Cam. Nhưng có những chuyện tức cười: Bắt tay giáo dân nói chuyện thân mật như thế, nhưng khi không mặc bộ đồ linh mục, ra đường mặc bộ đồ thường như mọi người, thì có những người không nhận ra mình nữa.
Một lần kia, khi bay về Việt Nam để thăm bà nội, bố dì và các em, mình đã đáp xuống phi trường Hong Kong. Trong khi chờ đợi xếp hàng lên chuyến bay vào Việt Nam, mình cũng thong thả, không vội vã, để hết mọi người đi trước rồi mình đi cuối cùng. Nhưng không ngờ còn có người đi sau mình nữa. Bà này chạy vôi vàng vì là hành khách cuối cùng.Vừa nhìn thấy bà mình nhận ngay ra là giáo dân nhà thờ St.Barbara, mình nói giọng bắc nhưng hôm đó lại nói giọng nam một chút: “Cái bà này, sao chạy nhanh vậy?” Bà ngẩng đầu lên nói giọng nam: “Ủa, con đó hả…. Má đang vội nghe con…. Lên máy bay trễ rồi nhe… Khi nào vào trong máy bay thì má sẽ nói chuyện với con.” Rồi bà chạy thẳng tuốt xuống phần đuôi của máy bay, còn mình thì ngồi phần giữa của máy bay.
Mình ngồi xa chỗ của bà nên không nói chuyện được, nhưng trong lòng suy nghĩ, bà này hôm nay kỳ quá, sắp sửa gặp được người thân, mừng quá hay sao mà đổi giọng kỳ vậy! Bảy năm trời sau các thánh lễ Chúa Nhật vẫn hỏi thăm bà và bà gọi mình là cha, mà hôm nay bà lại nổi hứng gọi mình là con. Đúng là cái bà già! Máy bay đã hạ cánh xuống phi trường Tân Sơn Nhất, mọi người chuẩn bị ra khỏi máy bay. Mình đứng lên chờ với mọi người và đội cái mũ lưỡi trai lên đầu.
Lại cái bà đó len lỏi từ phần cuối máy bay lên tới phần giữa đụng phải mình và ngẩng lên nhìn rồi nói: “Ủa, con nữa hả!” Bà ngập ngừng một chút rồi nói tiếp: “Thôi bây giờ má nói thẳng với con nhe… nhà má có 4 cháu gái, 18 tuổi, 20, 21 và 23, con muốn đứa nào là má sẽ gả ngay cho một đứa.” Ngay lúc đó mình biết bà này đã không nhận ra mình cho nên ôm bụng cười: “Ê bà H… bà có biết tui là ai không?” Bà hỏi lại: “Là ai?” Mình nói lại: “Nhìn kỹ coi…. cha Kiểm!” Bà trợn mắt la lên: “Trơi ơi… cha Kiểm! Thôi thôi chết tôi rồi… Cha ơi con xin lỗi nhe cha… Xin lỗi xin lỗi… Cha quên cái chuyện gả cháu gái đi… Giờ mình bàn chuyện khác.”
Mấy anh chị đứng chung quanh mình, không biết mình là linh mục, nhưng khi chứng kiến sự việc đó, có anh đã nhìn và chỉ tay thẳng vào bà và nói: “Bà già này kỳ quá à! Tại sao lại gả cháu gái mình cho ông cha!” Thế là mọi người cười toáng lên. Hai tháng sau, khi đã về lại đất Mỹ này, nghe tiếng điện thoại reng, mình cầm điện thoại lên. Ở đầu giây bên kia giọng người đàn bà hỏi: “Cha ơi cha, cha có biết con là ai không cha?” Nhận ra tiếng nói của bà, mình trả lời ngay: “Má chứ còn ai nữa!” Bà liền cười: “Thôi cha quên cái vụ gả cháu gái nghe cha!”
Dân Vùng Ông Tạ giờ đây đã đi khắp mọi nơi trên thế giới. Chỉ riêng ở quận Cam này thì kể không hết. Đó là chưa kể tới vùng San Jose miền bắc tiểu bang California. Dân Vùng Ông Tạ và các vùng lân cận định cư ở quân Cam này có nhiều hội đồng hương lắm: Hai năm liền mình đã dâng thánh lễ cho đồng hương Nam Thái, một năm đồng tế thánh lễ của đồng hương An Lạc, một năm dâng thánh lễ cho đồng hương Lộc Hưng, một năm dâng thánh lễ cho đồng hương Nam Hòa. Khi dâng thánh lễ cho đồng hương Nam Thái hay An Lạc thì thế nào cũng có gia đình tới giới thiệu rằng họ là “Trai Nam Thái, Gái An Lạc.” Có nghĩa chồng là trai từ xứ Nam Thái, vợ là gái từ xứ An Lạc. Rất quý mến hội đồng hương Nam Thái và Nam Hoa, nhưng có thời gian rất bận rộn với việc mục vụ cho giáo dân, nên mình đã ngỏ ý với họ là họ có thể tìm các linh mục khác thay cho mình được không, vì công việc của mình quá bận rộn. Bây giờ thì lại gặp một vấn đề khác là sức khỏe không được như ngày xưa nữa. Đồng hương Nghĩa Hòa thì được mình dâng thánh lễ nhiều nhất, kéo dài tới mười mấy năm trời. Sau các thánh lễ là các buổi tiệc và văn nghệ tưng bừng. Các hội đồng hương vừa kể trên quy tụ rất nhiều giáo dân Vùng Ông Tạ và khu lân cận.
Trong phần nói về thời còn học tiểu học, mình đã kể chuyện bị thằng bạn tên Nam rủ đi treo ghẹo hai chị em của cô Hương ở đường Lê Phát Đạt gần ngã tư Quốc Tế, và đã bị ông thân sinh ra hai cô tới lớp học ở trường thánh Giuse xin thầy giáo gọi hai thằng ra trị tội và tụi mình đã đứng lên khoanh tay xin lỗi ông cụ. Cách đây ít năm, tức là 48 năm sau, sau vụ trêu ghẹo đó, trong một buổi tụ tập của đồng hương Nghĩa Hòa, trước thánh lễ, những anh em cùng tuổi với mình, bạn ngày xưa ở Nghĩa Hòa, đã kéo mình vào trong đám đông đang tụ tập trong sân của Trung Tâm Công Giáo, nơi tổ chức buổi họp mặt, rồi giới thiệu với mình: “Cha Kiểm ơi, biết ai đây không? Đây là cô Hương ngày xưa đây nhé! Cô Hương cùng với mẹ cô, và đứa con gái 16 tuổi vừa mới đi sang Mỹ để đoàn tụ với người thân đấy.” Thế là mọi người nhìn nhau cười nhớ lại chuyện ngày xưa. Cô Hương và mẹ của cô không phải là đạo Công Giáo. Nhưng hôm đó tham dự thánh lễ và buổi tiệc để được nhìn thấy những người đồng hương củ.
Đoạn cuối thư
Trong số hơn 50 linh mục Việt Nam phục vụ tại đây hiện giờ có một vài cha có gốc gác Vùng Ông Tạ như Đức Ông Phạm Quốc Tuấn gốc An Lạc, cha Paul Vũ gốc An Lạc, cha Trịnh Ngọc Danh gốc Tân Sa Châu, cha Vũ Thế Toàn là linh mục dòng Tên giảng tĩnh tâm nổi tiếng ở Mỹ cũng như Việt Nam, là cháu đích tôn của cụ chánh Văn, có tiệm sách Văn Đàn ngày xưa gần cổng nhà thờ Nam Thái. Có một vị linh mục đáng kính là cha Mai Chí Thành, là người cùng với cha Đinh Huy Năng xây dựng nên trường Thánh Giuse Nghĩa Hòa. Cha Mai Chí Thành không ở quận Cam này, nhưng thỉnh thoảng ngài tới thăm giáo dân gốc vùng Ông Tạ định cư tại đây, vừa mới qua đời vào ngày 25 tháng 7 năm 2021, sau nhiều chục năm phục vụ trong một giáo phận ở miền bắc nước Mỹ. Ngài qua đời và thọ 92 tuổi. Nhiều người vẫn nhớ cha Mai Chí Thành. Xin Chúa cho ngài được hưởng niềm vui trong Nhà của Chúa.
Ở Quận Cam này không chỉ có giáo dân Vùng Ông Tạ định cư ở đây. Nếu kể quê gốc của giáo dân Việt Nam hiện diện ở quận Cam này thì phải kể tất cả mọi người từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau. Có khoảng 80 ngàn giáo dân gốc Việt ở quận Cam này và quận Cam cũng là nơi có đông dân Việt Nam nhất bên ngoài nước Việt Nam. Người Công Giáo Việt Nam ở Quận Cam này có một điều rất hãnh diện đó là có Đức Mẹ La Vang đứng nhìn đàn con Việt trong khuôn viên nhà thờ Chính Tòa Chúa Kitô tại quận Cam, là nhà thờ kính lớn nhất thế giới. Đây là niềm vinh hạnh nói lên sự đóng góp của cộng đồng giáo dân Việt nam đông nhất tại hải ngoại đang sống tại quận Cam. Ai có về quận Cam thì nhớ tới kính viếng Đức Mẹ La Vang trong khuôn viên nhà thờ Chính Tòa Chúa Kitô.
Anh Tráng thân mến, chỉ giải thích một chút về hai tiệm Phở 79 mà mình đã viết lòng thòng từ chuyện này sang chuyện khác. Chắc không bao giờ viết dài như thế nữa! Nhưng tất cả vì tình thương nhớ dành cho Vùng Ông Tạ và những người đã từng định cư ở đây. Nước chảy đá mòn, nhưng tình đồng hương sẽ không bao giờ phai. Xin dâng lời nguyện cầu cho Việt Nam và thế giới sớm thoát khỏi cơn đại dịch Covid 19.
Quận Cam ngày 15 tháng 8 năm 2021
Lễ Đức Mẹ Lên Trời
LM Trần Văn Kiểm
Thư của Linh Muc Trần Văn Kiểm California gửi ông Vũ Xuân Tráng
Nguyen Pham comment
Cha đã viết: "Chắc không bao giờ viết dài như thế nữa!" Còn con thì chắc cũng sẽ không bao giờ đọc được một bài viết dài như thế một mạch không nghỉ. Một câu chuyện sinh động với biết bao chi tiết mà Cha nhớ rõ như thế thì quả là trí nhớ phi thường. Cha đã kể tên một số người ở Ông Tạ mà con có biết một cách chính xác. Cám ơn Cha đã minh xác những sự việc mà ĐHÔT không rõ, cũng như kể lại những kỷ niệm ở vùng đất thân thương này để mọi người cùng hồi tưởng lại những ngày xưa thân ái. Cám ơn anh Tráng đã gửi những lời tâm sự của Cha lên đây. Và cũng xin anh lúc nào rảnh rỗi, kể cho ĐHÔT nghe một chút về quán cà phê Hoàng Gia lừng lẫy do anh và anh Hùng chủ trương, cũng như vài mẩu chuyện về những cuốn băng "Tình ca Nhạc trẻ" chào đời trong những năm đó.
https://www.facebook.com/groups/2004139939886509/posts/2787725114861317