HAI GIÁO XỨ THÂN QUEN TRÊN ĐƯỜNG PHẠM VAN HAI (THOẠI NGỌC HẦU xưa).

KỶ NIỆM VÙNG ÔNG TẠ


BÀI 7 : HAI GIÁO XỨ THÂN QUEN TRÊN ĐƯỜNG PHẠM VAN HAI (THOẠI NGỌC HẦU xưa).


Mùa Hè đỏ lửa 1972, tôi lập gia đình. Họ hàng bên Bà Xã tôi tập trung ở Cư xá Kiến Thiết đường Trương Minh Ký, xã Tân Sơn Hòa, Quận Tân Bình, tỉnh Gia Định. Tôi đã bắt đầu quen với khu vực Ông Tạ từ ngày đó.


Xưa bên phải khu Nghĩa trang (bây giờ là chợ Phạm Văn Hai mới) có một con đường đê nhỏ hai bên toàn là lũy tre xanh, dẫn tới khu Lăng Cha Cả. Tôi thỉnh thoảng lên thăm Bác Phùng, nhà nằm bên phải gần cuối con đường. Bây giờ tôi khó mường tượng con đường đất đỏ, nay có phải là đường Bùi thị Xuân hay không?



Nhạc Mẫu của tôi thời đó hay cùng vợ tôi đi chợ Ông Tạ. Các bà thích đi bộ cho khỏe. Tôi thì lười cuốc bộ nên cứ cỡi trên anh chàng SS50-67 lẽo đẽo theo sau để giúp chở đồ. Chúng tôi băng ngang khu Chuồng Bò, đi qua mấy hẻm dân cư nhỏ sang khu Tân Chí Linh. Đối diện cổng Tân Chí Linh bên kia đường, tôi nhìn thấy cổng Gx Vinh Sơn. Sau khi băng ngang cầu Ông Tạ, chúng tôi tới một hẻm có một cái chợ tấp nập người mua kẻ bán phía bên trong. Đó là chợ Ông Tạ xưa đó.

Cầu ông Tạ sau năm 2000 đã bị đập đi thay bằng cầu số 2 và 3. Theo tôi thì chỉ làm một cầu như ngày xưa, nâng cầu mới lên một ít, bề rộng cầu bằng với đường mới. Xe vẫn đi hai chiều trên cầu, đỡ phải đi vòng tới vòng lui qua hai cây cầu số 2-3. Ngã tư cầu nên làm cho rộng rãi. Theo Toán học thì đường thẳng là con đường ngắn nhất. Bây giờ đi theo chữ U vừa mất thì giờ mà còn bị kẹt xe quá xá quà xa.

Nghĩa Trang đối diện rạp Đại Lợi đã bị giải tỏa để xây chợ Phạm Văn Hai. Tôi nhớ sau 1990, nghe bạn bè rủ rê, chúng tôi đến khu chợ mới mua một lô đất người ta rao bán 5 chỉ vàng. Khi đến khu đất chợ mới PVH, tình cờ bà xã tôi thấy trên một lô đất vẫn còn vương vãi mấy ống xương chân tay người đã chôn ở đây lâu. Khiếp quá ! Chúng tôi chuồn mất.

Rạp Đại Lợi những năm 1973-1980 dù đã lập gia đình nhưng tôi vẫn còn mê xi -nê- ma nên thường dẫn hai cháu nhỏ đi coi phim. Rạp này chiếu đa số phim kiếm hiệp - rồi các phim phe XHCN. Tôi có ấn tượng về một phim tựa đề :" Người Vô Hình". Buồn cười , khi cánh cửa nhà tôi bị gió thổi mở hoặc đóng lại, các cháu đều kêu lên sợ hãi:" Người vô hình mở cửa Bố ơi". Riết rồi tôi cũng hơi bị ám ảnh. Có lần khi cánh cửa bất ngờ đóng cái rầm, tôi vội hất ly nước đang uống về hướng cửa ra vào.

Lý do trong phim : khi người Vô Hình bị dân chúng phát hiện và bị đuổi, hắn chạy ngoài đường lúc đó đang mưa. Thân thể hắn lộ nguyên hình vì bộ quần áo ướt sũng. Hắn bị đám đông bao vây đập chết.

Cổng Tân Chí Linh xưa ( 107 Phạm văn Hai) có 1 xe Nước Mía rất ngon, rất đông khách. Lâu nay tôi ít uống nước mía vì hay bị đau bụng nên không để ý xe còn hay không. Nhà con trai tôi trong hẻm 107/8 Phạm Văn Hai, nên có một thời gian tôi hay chở Vợ sang thăm con cháu và ăn Phở Đức gần đầu hẻm.

Bên kia đường ,vô hẻm 154 Phạm Văn Hai vài trăm mét là nhà thờ Vinh Sơn. Bên phải hẻm, xế nhà thờ là ngôi nhà 3 tầng của bạn tôi - Thày giáo Thuần. Có lần đứng ngoài sân, tôi chỉ trên ban công nói đùa: " Anh Thuần vác ghế ra ngồi xem Lễ được đấy nhỉ ?". Anh chị bây giờ lớn tuổi. Con cháu dạy kèm vài lớp Tiểu học ở nhà nên không khí cũng vui vui. Giờ thì Covid đến, các bé không đến học nữa, chắc hai ông bà cũng buồn vì vắng bóng tiếng cười trẻ thơ.

Ngoài lối vào trên đường Phạm Văn Hai, các bạn đi ngoài đường Trường Sa ( Kênh Nhiêu Lộc) cũng có thể vô hai nhà thờ Vinh Sơn và Tân Chí Linh...( xem Bản đồ).

Lâu lâu nhớ hai nhà thờ này , chúng tôi cũng ghé tham dự Thánh Lễ. Cả tháng nay ở nhà xem lễ "on line " nên chúng tôi rất nhớ các nhà thờ Đa Minh Ba Chuông, Bùi Phát, Tân Sa Châu, Tân Chí Linh , và Vinh Sơn. Mong ngày gặp lại.

Sai Gon 12/7/2021. VQT