Rừng Cao Su Phú Thọ (16)
Gần ngã tư Bảy Hiền có một khu rừng cao su khá rộng lớn có tên Phú Thọ, người ta hay gọi rừng cao su Phú Thọ. Từ Sài Gòn đi trên đường Phạm Hồng Thái đến ngã tư Bảy Hiền, bên phải là sở chăn nuôi, bên trái là trại lính nhảy dù tiểu đòan 3. Đến đây quẹo trái người ta sẽ thấy những cây cao su to lớn cành lá rậm rạp hiện ra trước mắt, ngay ngã tư có bến xe ngựa và bến xe đò.
Rừng cao su trải dài từ ngã tư Bảy Hiền tới cư xá Lữ Gia, gần cư xá Lữ Gia có trường nữ quân nhân và nhà thờ hầm Tân Phước. Trước năm 1966, nhà thờ ở đây có tên Nhà Thờ Hầm vì đó là căn hầm đạn trống trải, bùn lầy nước đọng của Pháp bỏ lại, giáo dân dọn dẹp làm nơi cầu nguyện. Xa vậy chứ tụi nhóc vẫn thường rủ nhau đi bộ lên tuốt cư xá Lữ Gia chơi, tò mò xem vùng này có gì khác lạ. Một số người Pháp, người Việt, và người Hoa đến vùng Phú Thọ - Bảy Hiền lập đồn điền trồng cây cao su dọc theo đường Nguyễn Văn thoại vào năm 1900.
Bọn trẻ khu xóm Ông Tạ tôi thường rủ nhau đi bộ theo đường tắt qua ngã nhà thờ Chí Hòa, cạnh trường tiểu học Mai Khôi có cái ngõ nhỏ, quẹo vô ngõ hẻm này đi một lúc thì tới bìa rừng, từ bìa rừng có thể nhìn thấy trại tiểu đoàn 3 dù bên phải. Vào sâu trong rừng thấy những bát đựng mủ cao su với những dòng mủ đang chảy chậm xuống bát trắng như mầu sữa, quẹt nước mủ mới tinh đưa lên mũi ngửi hơi có vị thối không đến nỗi nồng, nhưng đi gần đến chỗ nhà chứa mủ cao su để lâu ngày thì bọn trẻ tôi bá thở chịu không nổi. Lác đác đó đây một số công nhân cạo mủ cao su đi đến từng cây cao su lấy bát đổ vào cái thùng đeo bên hông, có người thì dùng con dao để khía lớp vỏ mới theo chiều dốc xuống khi thấy lớp cũ ngưng chảy. Thỉnh thoảng gặp một vài con rắn xanh nhỏ chạy lủi vào bụi cỏ vì tiếng động của bọn trẻ chúng tôi, hay treo vắt vẻo trên cành, mặc kệ chúng tôi vẫn tiếp tục đi đến cái đồn đất hình vuông rất lớn và cao để kiếm thuốc đạn, thuốc đạn vẫn còn sót lại sau những trận đánh nhau với Pháp của kháng chiến. Tôi chắc đây là những đồn đất của kháng chiến!
Đứng bên ngoài nhìn thì thấy nhỏ nhưng đi vào hẳn bên trong nhìn chung quanh mới thấy to lớn. Đây là di tích lịch sử, nên các chủ nhân đồn điền cũng không muốn phá bỏ.
Băng ngang qua đường Nguyễn Văn Thoại lại có một khu rừng cao su khác, khu rừng này phải rộng gấp 4 lần khu bên kia đường. Đi sâu vào hơn nữa là cánh đồng trống rộng lớn nằm gọn giữa khu rừng cao su rộng bát ngàn. Vào đến khu cánh đồng này có hai cái thú quyến rũ nhóm trẻ chúng tôi hay đến đây chơi. Thú bắt chim và tắm hồ thiên nhiên.
Ngay giữa khu rừng rộng có một cánh đồng lớn, trong cánh đồng lại có chỗ trũng đủ sâu nước đổ về đây ngập quanh năm tạo thành một hồ thiên nhiên, vào mùa mưa thì nước ngập quá đầu nhìn ngút ngàn. Bọn trẻ từ các vùng lân cận Ông Tạ, Bảy Hiền đổ về đây tắm và chơi dỡn rất đông. Một vài trường hợp chết đuối xảy ra nhưng vẫn không làm nản lòng nhóm trẻ con, vài ngày đầu còn bị ám ảnh sau đó quên đi lại tụ tập như cũ. Lại có màn bắt cá vào mùa mưa, một lần thằng bạn thấy có cái gì động đậy dưới nước nó tưởng là cá dùng hai tay chụp mạnh, nào ngờ lôi lên được con rắn nước nó kinh hãi quá thẩy cái vèo con rắn rớt xuống nước bơi nhanh vào bụi cây trốn mất biệt nó cũng chạy lên bờ hồ thở dốc. Nghe nói khu này trước là hố chôn người tập thể, nên chủ nhân đồn điền cao su không dám khai hoang để trồng cây cao su vì tôn trọng người chết.
Bắt chim cũng là cái thú khác thu hút bọn trẻ Ông Tạ. Có thằng bạn chuyên bắt chim sẻ đem bán. Một lần nó rủ tôi đi coi bắt chim ở cánh đồng trống gần hồ thiên nhiên tôi kể ở trên, rất nhiều chim sẻ bay tụ về đây. Dụng cụ bắt chim là hai cái lưới hình chữ nhật, chiều rộng 1 mét chiều dài khoảng 2 mét, một sợi dây dài để kéo bẫy lưới được luồn tuốt ra xa tới tận gốc cây vừa để tránh nắng gay gắt và để chim khỏi nhìn thấy bóng người, mồi là một con chim sẻ khác một chân bị buột vào lưới. Đợi cho có chừng hơn vài con chim đậu trên lưới thằng bạn giật mạnh một cái hai cái lưới úp vào nhau nhốt bầy chim lại. Nó chỉ tôi cách bắt chim và kéo như thế nào. Bắt chim cũng phải kiên nhẫn ngồi dưới nắng cả mấy tiếng đồng hồ mà chưa chắc đã có chim. Mỗi lần bắt đuợc con chim nào tôi phụ mở lồng cho nó bỏ vào, việc chỉ có vậy mà tôi lại cảm thấy thích thú, nó sai vặt tôi nhiều thứ lắm mà tôi chịu nghe nó, nếu không làm nó không cho chơi nữa thì buồn, nó có uy lắm mỗi lần nó đi bắt chim, chứ ở trong xóm chơi mấy cái trò khác tôi cự nó hoài.
Ngoài ra cũng bắt dế ở đây nhưng không nhiều, chắc mùi mủ cao su ảnh hưởng đến sinh hoạt của dế. Cây cao su có mủ, độc hại đối với nhiều côn trùng và cả loài ăn thực vật. Nhiều loài côn trùng nếu ăn phải lá cao su, hoặc đục thân cây thì một thời gian sẽ chết nên không có con gì sống được. Loài sống được trong rừng cao su thì chỉ có rắn, rết … nên công nhân lao động phải phát quang, dọn dẹp các bụi rậm bên dưới thường xuyên, vừa an toàn lại vừa dễ dàng cho công việc chăm sóc và cạo mủ.
Theo wiki. Cây cao su trung bình cao tới trên 20m. Khi cây đạt độ tuổi 5-6 năm thì người ta bắt đầu thu hoạch nhựa mủ: các vết rạch vuông góc với mạch nhựa mủ, với độ sâu vừa phải sao cho có thể làm nhựa mủ chảy ra mà không gây tổn hại cho sự phát triển của cây, và nhựa mủ được thu thập trong các thùng nhỏ. Quá trình này gọi là cạo mủ cao su. Sản lượng mủ cao su phụ thuộc vào giống, địa điểm trồng, bên cạnh đó là chế độ cạo. Chu kỳ khai thác của cây cao su thường từ 20 đến 25 năm. Nhựa mủ cây cao su dùng để sản xuất lốp xe, găng tay y tế, bao cao su và các sản phẩm cao su khác. Gỗ từ cây cao su, gọi là gỗ cao su, được sử dụng trong sản xuất đồ gỗ. Nó được đánh giá cao vì có thớ gỗ dày, ít co, màu sắc hấp dẫn và có thể chấp nhận các kiểu hoàn thiện khác nhau. Nó cũng được đánh giá như là loại gỗ "thân thiện môi trường", do người ta chỉ khai thác gỗ sau khi cây cao su đã kết thúc chu kỳ khai thác.
Rừng cao su Phú Thọ sau năm 1965 từ từ được phá bỏ khi quân đội Mỹ bắt đầu đổ quân vào. Vài năm sau nguyên khu rừng lớn hai bên đường biến mất trở thành các nhà kho lớn đựng đồ quân tiếp vụ của quân đội Mỹ, hai bên đường Nguyễn Văn Thoại nhà lầu ba bốn tầng và các quán bar mọc lên như nấm. Bọn trẻ chúng tôi từ đó đã mất đi chỗ chơi đùa thỏa thích. Bịnh thiệt! đô thị hóa là như vậy đó.
Hien Le
Irvine Cali
16-5-2021
https://www.facebook.com/groups/2004139939886509/permalink/2725036631130166/