Ông Lý Bằng

Tặng Tường Anh một bài viết về (những người muôn năm cũ) ở khu ông Tạ.


Và cho những đồng hương ông Tạ có quen biết gia đình ông Bà Lý Bằng ở khu ngã ba ông Tạ.


Gửi đến các cô con ông lý Bằng: Cô Đàm, Thoa, Trâm, Nam, Phương, Ý Yên và hai cô bé mà cháu không nhớ tên....và Bà Lý Bằng

Nhà May Hưng Thịnh,

Những ai ở khu ông Tạ trước năm 1975 hẳn còn nhớ tiệm may Hưng Thịnh. Chủ tiệm là “cụ” Lý Bằng, một người đàn ông hơn...năm mươi tuổi. Không hiểu tại sao lúc đó một người đàn ông mới ngoài năm mươi tuổi đã được mọi người ở đó gọi là cụ, vì lúc đó cụ Lý Bằng trông rất còn trẻ và tráng kiện, đã vậy lại cao to, bệ vệ, đẹp trai như có nét lai Tây nữa. Ông Lý Bằng không phải họ Lý mà có họ Trần là chú dượng của ba tôi. Bà Lý Bằng là cô ruột của ba tôi.

Ngày xưa ở ngoài Bắc ông được bầu làm lý trưởng trong làng nên khi vào Nam người ta quen thói gọi ông là cụ Lý Bằng để tỏ vẻ kính trọng chăng? Tiệm may Hưng Thịnh tọa lạc ngay đầu khu ngã ba ông Tạ, nằm trên con đường Thoại Ngọc Hầu. Vợ của ông Lý Bằng có tiếng là xinh đẹp, cao và trắng. Rất tiếc bà mất sau khi sinh cô con gái út chỉ vài năm sau khi di cư vào Nam.

Trước năm 1975, ông Lý Bằng khoảng chừng ngoài năm mươi tuổi, cao khoảng một mét bảy mươi. Ông có dáng bệ vệ, mang nét đẹp cứng rắn của đàn ông. Ông khá giả nên sắm đủ xe Lambretta, xe Honda dame xanh. Tuy nhiên khi đến nhà người thân gần đó chơi, ông thường đạp xe đạp. Tầng trệt nhà ông có đóng những khung kệ hai bên tường để đặt những cây vải cho khách xem và lựa vải trước khi đặt may. Một bên tường là những cây vải màu nhạt và mỏng, đặt đứng trên những kệ tủ để may áo chemise và bên tường đối diện là những cây vải đậm màu và dày, dựa vào nhau để may quần tây hay những bộ complete. Ngoài ra ông còn đặt trong những tủ kiếng như chiếc áo kiểu mẫu chemise hay những quần tây đã may sẵn và có một vài mô hình người nộm kiểu mẫu mặc những quần áo ông đã may để trong tủ kiếng trước cửa tiệm của ông.

Ông Lý Bằng có năm người con gái và ba người con trai. Hai chú con trai mất từ bé, chỉ còn mỗi chú tên Ích. Nhưng rồi chú Ích lớn lên, đi lính rồi cũng tử vong trong một cuộc chiến ác liệt đầu thập niên 1970. Ngày được tin chú Ích mất có lẽ là ngày đau buồn nhất của ông. Sau này, ông Lý Bằng cứ ân hận mãi vì ngày đó ông có thể xin miễn dịch cho người con trai duy nhất của mình với chính quyền thời đó. Xem như ông mất người nối dõi tông đường. Chú Ích được đưa về từ bệnh viện trong bao poncho, sau đó tẩm liệm trong áo quan. Lúc đó, người viết còn bé, đứng ẩn vào một góc nhà và im lặng quan sát, ghi nhớ đến những điều chung quanh. Cô Trâm là em của chú Ích vừa lau cầu thang vừa khóc như mưa tiếc thương anh của mình. Ấn tượng cứ đọng lại mãi trong tôi…

Các cô con ông Lý Bằng hay đến nhà bố mẹ tôi chơi thường xuyên. Cô Đàm là chị cả, có gia đình ở Tầm Long, Tây Ninh. Khi có dịp về Saigon, cô thường mang đến cho chúng tôi những trái mít mật, mít xơ dừa cô trồng ở trong vườn nhà cô. Trái nào trái nấy to như cái thùng nhôm đựng 20 lit dầu ăn. Những múi mít mật vàng ươm ăn ngọt lịm như có ai đổ mật ở trong đó. Ngay cả những cái xơ ăn cũng ngọt. Mít xơ dừa thì không ướt như mít mật và những múi có màu vàng nhạt. Cô còn chỉ cách làm cho mít mau chín bằng cách đóng một cái dùi gỗ vào cuống của trái cho nó tách ra thì mít sẽ chín mau hơn. Sau khi ăn hết múi mít, chúng tôi thường để dành những hột mít và đem luộc rồi bóc vỏ ăn hoặc bào hột mít ra để nấu chè. Nếu cô bận không đi lên Saigon được, thì cô cũng gửi những người bà con lên chơi khu ông Tạ cho chúng tôi mít, xoài, dừa, mận đỏ còn gọi là quả mận roi hoặc vú sữa cô trồng ở nhà.

Họ hàng nhà tôi ở dưới Tây Ninh đông đúc nên mỗi mùa chúng tôi thường được ăn những trái cây tươi theo mùa đó do bà con gửi cho. Ngày đó, các cô gái con ông Lý Bằng còn độc thân, hiền và vui tính. Thêm vào đó, các cô đã lớn tuổi và không còn các em nhỏ nên quý các cháu. Cô Thoa cao và trắng như tây lai, lúc nào trên môi cũng nở nụ cười tươi như hoa. Tính tình thuần hậu, tế nhị, vui vẻ nên cô dễ được lòng người. Cô Trâm hơi nóng tính và hay lạu bạu, nhưng lại rất thẳng tính và tử tế nên khi những người quen lâu, biết tính cô thì rất quý cô. Hai cô Nam và Phương tính tình trẻ trung như con nít và được ông Lý Bằng chiều vì là hai cô út. Mấy cô đều xinh và có nét lai. Đặc biệt là hai cô Nam và Phương có mái tóc nâu vàng sợi nhỏ, dễ thương nên thường được các đấng mày râu ở khu ông Tạ để ý, ngắm nghé. Ngày đó các cô được coi như là hoa khôi một vùng ở ngoài đầu ngã ba ông Tạ.

Tôi nghe kể lúc ông Lý Bằng khéo tay ngay từ những ngày còn trẻ. Ngày còn ở miền Bắc ông làm thợ mộc. Ông tự học lấy, vẽ kiểu và đóng những bộ bàn ghế, tủ ỷ hay những kệ sách, vân vân. Khi di cư vào Nam năm 1954, ông vẫn giữ nghề thợ mộc lúc vào tạm định cư ở gần trường đua Phú Thọ. Sau này khi dọn về khu ông Tạ, ông mở tiệm may Hưng Thịnh Taylor, may Âu Phục quần áo cho đàn ông. Cũng như nghề thợ mộc, ông tự học lấy cắt may đồ Âu Phục vì lúc đó đâu có trường dạy học may cắt như bây giờ. Vì khéo tay, kiên nhẫn, chiều khách hàng và may đẹp nên tiệm may của ông lúc nào cũng đông khách hàng đến đặt may những bộ complete, những quần tây hay những áo sơ mi dài tay hay ngắn tay tùy sở thích của khách hàng. Có những tuần nhiều khách đến đặt may ông không may kịp, ông lại chia những bộ đồ âu phục này cho những người thợ may trong họ hàng để may phụ với ông cho kịp đúng ngày khách hẹn đến lấy. Dĩ nhiên là ông đo và cắt những bộ quần áo này rồi gửi đến những thợ may quen biết, để họ lấy công may thành những bộ quần áo đó.

Nhớ những lần theo mẹ tôi ra chơi nhà ông, khi có khách hàng đến đặt may quần áo, vừa nói chuyện ông vừa lấy thước đo kích thước của khách. Cái thước dây màu xanh ông quàng ở cổ dùng để đo kích thước cổ áo, tay áo, chiều dài của áo, vai áo, vân vân và ông viết xuống cuốn sổ có đề tên khách. Sau khi khách lựa vải mà họ thích, ông cắt một ô vuông nhỏ cỡ 4 centimet vuông và đính kèm vào trong quyển sổ có tên người khách hàng và kích thước đo. Sau khi khách hàng ra về, ông lấy cây vải xuống và bắt đầu vẽ kích thước của những chiếc áo chemise hay chiếc quần tây với cục phấn dẹp hình tam giác có màu xanh hay hồng hồng trên những thước vải đó. Sau đó ông cắt theo đường vẽ chừa ra khoảng một centimet để làm đường may vắt sổ.

Ngày còn bé, tôi có nhiều dịp ra nhà ông Lý Bằng chơi vì nhà ba mẹ tôi ở ngay cầu ông Tạ cách nhà ông ở cuối đường Thoại Ngọc Hầu ngay ngã ba ông Tạ, chừng nửa cây số. Có lần tôi đến chơi nhà ông, mải mê với những đồ chơi do mấy cô mang ra cho chơi, vì mệt nên ngủ thiếp đi. Đến gần tảng sáng thức dậy thấy lạ nhà, khóc đòi về. Cô Thoa dỗ cháu nói đợi đến sáng để cô đạp xe đưa về, nhưng tôi không chịu cứ nằng nặc đòi về. Viện cớ rằng cháu phải về để còn đi học mặc dù ngày đó tôi rất ghét đi học và thường hay trốn học trong nhà mấy chú họ ở gần trường tiểu học Tân Chí Linh. Bắt tội cô Thoa phải dậy sớm sửa soạn đạp xe đưa tôi về.

Giữa thập niên 1970, ông Lý Bằng bước đi bước nữa với bà vợ sau, theo nhiều lời khuyên của họ hàng, vì lo các cô con gái lớn tuổi sẽ ra ở riêng, sẽ không có ai lo cho ông khi có tuổi. Bà Lý Bằng thứ hai rất tử tế, biết điều chiều chuộng các con chồng nên được các con quý mến như mẹ ruột, họ hàng ai cũng khen. Hai ông bà có thêm được ba người con gái nữa. Các cô lớn thương yêu và chăm sóc ba cô bé như các em cùng cha mẹ với mình.
Sau năm 1975, tiệm may Hưng Thịnh của ông Lý Bằng vắng khách tới may quần áo vì tình hình kinh tế khó khăn ngày đó và không có vải vóc nhiều để may âu phục. Ông Lý Bằng chia một nửa nhà ra, đóng những quầy gỗ để cho mấy cô con gái bán thuốc Tây. Dần dần thời cuộc biến đổi và kinh tế mỗi ngày một khó khăn. Ông bà Lý Bằng tìm cách cho các con ra nước ngoài. Ông Lý Bằng thường tới nhà ba mẹ tôi chơi vào buổi chiều sau khi đóng cửa tiệm...

Lâm Phi aka NKD

Trích trong cuốn Tạp Ghi "Cho Đi Lại Từ Đầu"

Hình: Ông Lý Bằng mặc complete, đến từ California dự và mừng lễ Kim Khánh của ông bà cụ thân sinh ra người viết cuối thế kỷ 20. Trong hình có cha Trần Đức Hậu, con bà cố Chương từ Canada đến để cùng dâng lễ tạ ơn cho anh chị. Và có đức tổng giám mục địa phận Houston-Galveston làm lễ tạ ơn ở nhà thờ chánh tòa tại đảo Galveston.