CHƯƠNG I - BÀI 2 : ĐƯỜNG VỀ QUÊ TÔI - HUYỆN NGHĨA HƯNG
Nếu các bạn về thăm quê tôi, các bạn xuất phát từ đường Trần Hưng Đạo, thị xã Nam Định. Các bạn đi qua Cầu Đò Quan ( bắc ngang sông Đào Nam Định) thì sẽ gặp một Nhà thờ bên tay trái - Nhà thờ Phong Lộc . Qua Nhà thờ, chúng ta quẹo vào tỉnh lộ 55 ( trên bản đồ tháy ghi 490 C ) đường về huyện Nam Trực và Nghĩa Hưng.
Đi khoảng 10km là thị trấn Nam Giang - huyện Nam Trực . Thêm khoảng 10km nữa là tới thị trấn Liễu Đề, huyện Nghĩa Hưng. Đường về huyện Nghĩa Hưng rất đẹp . Bên tay phải trục lộ là một con kênh đào thẳng mút với hàng liễu rũ nên thơ. Đến thị trấn Liễu Đề ( thủ phủ của Nghĩa Hưng) nếu rẽ trái qua một cây cầu phao bắc ngang sông Ninh Cơ các bạn sẽ tới Gx Ninh Cường huyện Trực Ninh . Nhà thờ Ninh Cường với kiến trúc cổ tinh xảo đẹp tuyệt vời ( coi hình đính kèm). Đi nữa sẽ tới Thị Trấn Yên Định - Huyện Hải Hậu, kế đó là huyện Xuân Trường – thủ phủ Bùi Chu, nơi có nhà thờ Phú Nhai nổi tiếng (coi hình)
Sau khi đi qua thị trấn Liễu Đề - Nghĩa Hưng, bạn sẽ gặp một cây cầu đẹp tên cầu Quần Liêu. Nơi đây là quê hương tổ tiên họ Vũ nhiều đời trước. Theo gia phả thì xưa kia ông tổ họ Vũ làm chức Ôn Như Hầu dưới triều vua Quang Trung. Khi Nguyễn Ánh thắng quân Tây Sơn lên ngôi Hoàng đế lấy hiệu Gia Long, ông đã ra lệnh lùng bắt các quan triều Tây Sơn. Họ hàng họ Vũ chia làm 2 nhóm trốn khỏi Thăng Long thành. Một nhóm đi về miền thượng du Bắc việt. Nhóm thứ hai ( ông cha tôi) xuôi Nam lập nghiệp tại làng Quần Liêu, huyện Nghĩa Hưng. Sau này khoảng đầu thập niên 1930, ông Nội tôi và ông Tổng Huỳnh ( bố của anh Vũ ngọc Báu bạn tôi trên Đalat gốc hai người chúng tôi cùng một ông Tổ họ Vũ ) rủ nhau đi lập nghiệp tại vùng đất bồi mới gần biển. Hai ông đã lập ra làng Đồng Liêu (có nghĩa cùng ở làng gốc Quần Liêu mà ra).
Qua thị trấn Liễu Đề khoảng chục cây số, ta sẽ tới một bến đò nổi tiếng - Bến đò Mười ( coi hình dưới). Nếu bạn đi phà qua bến đò 10 thì bạn sẽ sang địa phận tỉnh Ninh Bình rồi đấy. Từ bờ sông Đáy bên kia bạn chỉ đi khoảng 5km sẽ tới Thị trấn Phát Diệm. Sau này tôi sẽ kể nhiều về Phát Diệm – Ninh Bình với nhiều kỉ niệm thân thương cho các bạn đọc nhé. Quê của anh Duy Nguyễn bạn Bến tre ở huyện Kim Sơn , tỉnh Ninh Bình - cũng gần nhà thờ đá Phát Diệm.
Từ khu vưc ra bến đò Mười chúng ta đi tiếp vài cây số nữa là tới Ngã ba Lạc Đạo. Nhà thờ GX Lạc Đạo nổi danh vùng Bùi Chu Phát Diệm vì có cái tháp chuông hình vuông 5 tầng cao nhất vùng này. Khoảng năm 1953 sét đánh sập tầng trên cùng, nay chỉ còn 4 tầng mà thôi.
Như vậy từ thị xã Nam Định bạn đi đến cây số 33 là gặp Ngã ba Lạc Đạo. Bạn rẽ phải khoảng 2km sẽ tới nhà thờ Lạc Đạo đứng sừng sững cách 20km cũng thấy ngọn tháp. Các cụ nói đi xa không sợ lạc đường vì Tháp Lạc Đạo như ngọn hải đăng cho dân đi bộ bán kính 10km.
Chúng ta vòng qua phía sau nhà thờ Lạc Đạo sẽ gặp một ngã ba. Nhánh phải sẽ đưa chúng ta tới làng Đồng Liêu (quê nội) và Giáo Phòng ( quê ngoại). Nhánh kia sẽ tới Gx Âm Sa, Gx Quỹ Nhất , quê cô Tuyết Lê vợ tôi.
SAIGON 5/5/2021 VQT
***GHI CHÚ HÌNH ẢNH :
H1+2 : Dốc cầu và Cầu Đò Quan. H3 : Nhà thờ Phong Lộc
H4 +5 : Đò Mười vượt sông Đáy qua Phát Diệm
H6: Nhà thờ Lạc Đạo, tháp cao nhất vùng
H7,8 : NT NINH CƯỜNG – H9 : QUỸ NHẤT
Vũ Quốc Thịnh