Ngày Từ Phụ

NGÀY TỪ PHỤ


Ta thường gọi ngày Lễ Mẹ là NGÀY HIỀN MẪU, nên khi đến ngày Lễ Cha thì rất nhiều người theo thói quen, thay chữ MẪU bằng chữ PHỤ, và gọi ngày Lễ Cha bằng NGÀY HIỀN PHỤ!!!...

Ngày Lễ Cha, Father's Day, không thể gọi là ngày HIỀN PHỤ được, vì Hiền Phụ 賢婦 là VỢ HIỀN, chớ không phải CHA HIỀN. Muốn nói Cha Hiền thì phải gọi là TỪ PHỤ 慈父, lấy trong thành ngữ "Phụ Từ Tử Hiếu 父慈子孝", tương đương trong tiếng Nôm ta là "Cha Hiền Con Thảo." 

Trong gia đình phong kiến ngày xưa, người Cha luôn luôn nghiêm khắc và nghiêm cẩn trong mọi hành vi cũng như sinh hoạt của gia đình, nên còn được gọi là NGHIÊM ĐƯỜNG, NGHIÊM PHỤ. Lời dạy của Cha thì gọi là NGHIÊM HUẤN, như trong Truyện Kiều, khi Thúc Ông bắt Thúc Sinh phải bỏ cô Kiều, cụ Nguyễn Du đã viết :

Thấy lời NGHIÊM HUẤN rành rành,
Đánh liều sinh mới lấy tình nài kêu.

Nhưng bây giờ mà ta gọi như thế thì nghe nghiêm khắc và xa rời con cháu quá! Còn một từ dùng để gọi cha ngày xưa nữa là XUÂN ĐƯỜNG (còn đọc là THUNG ĐƯỜNG) 椿堂. Theo sách Trang Tử, chương Tiêu Dao Du, thì XUÂN 椿 là loại cây cao bóng cả, tàng lá sum xuê, có tám trăm năm là mùa xuân, tám trăm năm là mùa thu, nên được dùng để ví với người cha là cột trụ chống đỡ và che chở cho gia đình. Khi cô Kiều khuyên Thúc Sinh về thăm Hoạn Thư, thì chàng mới...

Rạng ra trình lại XUÂN ĐƯỜNG,
Thúc Ông cũng vội khuyên chàng quy gia.

Sẵn trình bày luôn về từ dùng để chỉ Mẹ là HUYÊN ĐƯỜNG 萱堂. HUYÊN 萱 là một loài thảo mộc được trồng trong nhà như cây Trường sinh, lá thon dài, nở hoa màu vàng và cho hương thơm dìu dịu, ăn được, ta thường gọi là Hoa KIM CHÂM, dùng để chỉ sự dịu dàng của người mẹ nên ta có từ gọi chung Cha Mẹ là XUÂN HUYÊN. Khi hay tin Kiều đã bán mình chuộc cha, Kim Trọng đã vật vã khóc than đến nỗi "Máu theo nước mắt, hồn lìa chiêm bao ", khiến cho :

XUÂN HUYÊN lo sợ xiết bao,
Hóa ra khi đến thế nào mà hay!
... ... ...
Theo ĐỖ CHIÊU ĐỨC