Cầu Sạn

Cầu Sạn Lan Man


Năm 1975, Cầu Sạn, còn gọi là cầu Xi Măng, nằm trên đường Bùi thị Xuân nơi tiếp giáp với ngã ba dẫn vào ấp Hàng Dầu. Cầu dài hơn 10 thước và bắc ngang qua kênh Nhiêu Lộc. Ở hai đầu cầu đều có con dốc khá cao dẫn lên mặt cầu. Nếu tôi nhớ chả nhầm thì hai bên thành cầu có tay vịn cho khách bộ hành.


Cầu Sạn được xây bằng xi măng trộn với sạn. Ôi, ta nói, sạn đủ cỡ. Từ cục bé như hạt tiêu cho đến cục bự tổ chảng bằng hòn bi chai. Chúng nằm bên nhau rất tự nhiên, hài hòa.


Những căn nhà sàn sơ sài mọc chi chít hai bên bờ kênh. Có nhiều căn lấn chồm ra cả lòng kênh. Đứng trên cầu, nhòm phải nhòm trái, dọc theo con kênh thì chỉ thấy nhà. Chúng lượn qua lượn lợi nom như con rồng đương nằm ngủ. Chứ chả nhòm thấy bờ kênh bờ kê gì hết trơn. Nói nào ngay, nếu ai muốn nom cái bờ kênh rộng hẹp thì cũng chả biết làm răng.


Duới lòng cầu, dòng nước đen như dầu máy đã qua xử dụng tà tà chảy. Thỉnh thỏang, một hai cụm lục bình trôi lặng lẽ bên nhau. Chả biết chúng từ đâu tới và trôi về mô? Vào khi con nước xuống, bùn đen và rác rưới đủ loại phủ ngập lòng con kênh. Hai bên chân cầu, phía bên này cũng như phía bên kia, những cây cột làm chân móng của mấy căn nhà sàn trên sông bị bùn đen bám vào. Nom như bị một lớp nhựa đường dầy bao phủ vậy.


Nghe nói, hình như năm 1968 hoặc sớm hơn, một buổi sáng tinh sương người ta phát hiện ra xác một đứa nhỏ sơ sanh nằm lẫn lộn trong đám rác rưởi và bùn đen dưới lòng con kênh, phía hướng về khu chợ Lăng Cha Cả. Cũng may là bấy giờ con nước cạn khô nên người đi ngang cầu mới trông thấy xác đứa nhỏ và tri hô cho làng xã ra giúp. Không biết người mẹ nào nhẫn tâm làm chuyện thất đức như làm vậy?


Tôi, lúc đó, còn nhỏ nhưng phải cái nết nhiều chuyện nên khi nghe tin này thì đã vội vàng đến hiện trường đặng nom cho tỏ tường. Nhưng, có nhẽ, tại vì chân ngắn rông chậm nên khi tôi đến nơi thì xác đứa nhỏ sơ sanh đã được mang đi an táng rồi. Sau này, nghe đồn là hồn oan của nó vẫn thường hiện ra trên cầu vào những đêm không trăng sao. Tôi không dám kiểm chứng việc này hư thực ra răng vì, bấy giờ, tôi rất sợ ma.


Ở một chân cầu, bên tay mặt, hướng về phía khu chợ Lăng Cha Cả, có một tiệm may nhỏ không tên, của một người đờn ông khéo tay. Có mấy lần, vào năm 1970, anh giai tôi dắt tôi đến đây để nhờ ông sửa lại mấy cái quần tây khổ lớn, mấy cái áo sơ mi rộng thùng thình mua ở chợ trời.


Cùng dẫy với tiệm may này và cách vài căn, cũng về phía chợ Lăng Cha Cả, có một cái hẻm nhỏ dẫn sang đường Huỳnh Quang Tiên. Con đường này là đường cụt. Không liên kết với bất cứ con đường nào trong khu lân cận. Hai dẫy nhà trên đường Huỳnh Quang Tiên và mặt sau của dẫy nhà có tiệm may không tên tạo thành một chữ U vuông vức.


Trên đường Huỳnh Quang Tiên, gần cạnh đáy chữ U, bên tay mặt thì có khu đất Cô Nhi Viện Lâm Tỳ Ni. Đi lên một chút thì có cái lò mổ thịt bò thịt heo. Đi tuốt lên mãi thì đụng cái ngã tư gần trường Sanh Thô Mát, nhà thờ Ba Chuông. Tôi nghe nói về cư xá Kiến Thiết và rông bộ qua khu này khá nhiều lần mà sao vẫn không biết khu cư xá Kiến Thiết nằm ở mô? Bên trái hay bên phải của đường Huỳnh Quang Tiên?


Phía chân cầu bên này Cầu Sạn, phần tiếp với với ngõ dần vào ấp Hàng Dầu, có một tiệm tạp hóa nhỏ. Cũng không có tên và hình như người chủ là một ông quản trong giáo xứ An Lạc. Mỗi lần đi lễ, đi chầu ông đều mặc áo chùng the, đội khăn đống, tay cầm quạt giấy. Tướng ông còn ngon lắm, tuy đã có tuổi, và ông có bộ ria rất đắt. Ai nhòm thấy cũng phải khen. Nhưng bọn trẻ nít rắn mắt trong xóm đâu thèm biết đến cái chân giá trị của bộ ria nên thường chọc ghẹo ông là “ông râu mèo.” Bọn chúng, hễ nhòm thấy ông từ đằng xa, là hè nhau gân cổ la thật to ”ông râu mèo” rồi ùn ùn té chạy.


Còn một ông quản nữa của giáo xứ cũng ở khu này. Cũng áo chùng the, khăn đống, quạt giấy mỗi khi đi nhà thờ nhà thánh. Cũng có bộ ria mép rất bảnh. Cũng tướng tá ngon lành. Nhưng bị bọn trẻ trêu ghẹo, gọi ông là “ông râu cáo”. Ranh con thế!


Tôi không học trường Sanh Thô Mát, cũng chả tò mò đi coi người ta mần thịt bò heo ra răng, mà tôi thường dùng đường Huỳnh Quang Tiên để đi mua cá xiêm, gọi là cá đá.


Chỗ tôi mua cá đá nằm trên đường Huỳnh Quang Tiên. Bắt đầu từ Cô Nhi Viện Lâm Tỳ Ni đi lên một chút thì bên trái có mấy con hẻm ngoằn ngèo dẫn đến nhà người bán cá đá. Bây giờ, tôi chả còn nhớ tên ông. Nhưng vào thời ấy, cái tên của ông vang lừng trong lòng người chơi cá xiêm lắm luôn.


Xin nói ngay là nuôi cá xiêm chả phải giỡn mà nhiêu khê lắm đấy. Giống cá xiêm là chúa thích đánh lộn. Thử nhốt chung hai con vào một cái lọ. Chả cần cớ sự gì, chúng cũng xúm lại chỏang nhau ngay. Thế thì phải nhốt riêng thôi. Mỗi con một lọ. Mà chả phải cái lọ nào cũng nhốt cá xiêm được. Phải chọn cái có miệng lớn để khi thay nước cá khỏi bị say sóng. Nếu dùng lọ có miệng nhỏ, khi thay nước thì dòng nước chảy ra kêu òng ọc mần cá khó chịu. Từ chỗ khó chịu đến say sóng có là bao?


Chọn được lọ tốt rồi cũng chưa hết lo. Phải đổ nước vào lọ sao cho lưng lưng, độ nửa chiều cao của lọ là đủ. Lại chớ để lọ gần tường nhà, sau khi đã thả cá vào, kẻo mấy con thạch sùng háu ăn thòng đuôi vào lọ câu mất con cá. Đấy, bằng ấy việc đã đủ chọc chưa?


Mà đã hết đâu, sau khi ổn định chỗ ở cho cá, lại phải lo chỗ ăn cho chúng nữa. Cá xiêm không thích ăn cơm, cũng chả sính ruột bánh mỳ. Chúng chỉ hảo bo bo hoặc lăng quăng mà thôi. Thế thì bo bo là cái chi và lăng quăng là cái giống gì? Thưa, bo bo là một lọai sinh vật sống dưới nước, tròn trùng trục, nhỏ như đầu ngọn kim và mầu đo đỏ. Chúng sống từng đàn, và hay tụ tập ở những chỗ nước dơ ứ đọng lâu ngày. Còn lăng quăng ... cũng là sinh vật sống dưới nước, mầu đen xì, sống từng đàn ở những nơi nước mầu đen xì, và con nào tốt tướng thì bự như cọng mỳ sợi vậy.


Cái nơi tốt nhứt cho bo bo và lăng quăng sanh sôi nẩy nở nhanh chóng là Cầu Sạn và Cầu Sắt. Cầu Sạn thì đã thưa rồi. Không có lối xuống bờ kênh hóng mát, nói gì đến việc hớt hiếc. Thế chỉ còn có Cầu Sắt. Nhưng Cầu Sắt nằm chỗ mô?


Từ nhà thờ xứ An Lạc, lần theo con đường trước mặt nhà ông Ký Thành về hướng Ruộng Rau Muống thì sẽ đến một ngã ba. Ở đây, nếu quẹo tay trái thì ra ruộng, còn quẹo tay phải thì đến một ngã ba thứ hai. Ngã ba này có nhà anh Hào Rụt, tự là Johny Hào, đứng đầu dẫy nhà bên trái. Tên Johny Hào đẹp thật mà chúng bạn cứ quen miệng gọi anh là Hào Rụt vì khi anh di chuyển cái lưng của anh hơi bị gù lên làm cho cái cổ ngắn lại. Nom giống như bị cổ rụt.


Anh Hào Rụt là bạn của anh Voi Xù và anh Hưng Điên thuộc ấp Hòa Bình. Bạn anh Phong Ve ấp Hàng Dầu, thuộc họ Trị Sở. Bạn anh Hổ Róc, em vợ ông Hiếu. Nhà anh Hổ ngoài chợ ông Tạ nhưng khoái vào trong xóm tôi tán gẫu.


Anh Hào Rụt, trước 1975, đã có quốc tịch Pháp vì bố anh ngày xưa làm cho Tây. Anh có người anh tên Chanh; Người em tên Mạnh. Bố anh có hai vợ. Hai người vợ lại là hai chị em. Thì như làm vậy, bố anh phải sắp xếp sao cho tiện đàng đi lợi. Thì dó, nhà bà một thì ở ngay ngã ba; Còn nhà bà hai thì cách đó vài căn dọc theo con đường bên hông nhà bà một. Song le, nhà gần nhau nhưng mà chế độ cho hai gia đình thì có khác. Con của bà một thì có quốc tịch pháp. Còn con bà hai thì quốc tịch Việt Nam. Chắc là tại cái luật song hôn, song nhơn gì đó ngăn cấm? Chứ bố anh Hào Rụt có phân biệt gì đâu. Con nào chả là con, phải không cơ?


Trước khi đến ngã ba dẫn đến nhà anh Hào Rụt thì phải đi qua nhà chị Nguyệt 21. Ủa, sao gọi là Nguyệt 21? Thì chị là người con thứ 21 được sanh bởi cùng một người mẹ, chứ sao. Tôi phải gọi là chị Nguyệt 21 vì nhẽ chị hơn tuổi tôi. Chị còn hai đứa em nữa. Một giai. Một gái. Tên đứa em giai là Sơn. Còn tên cô em gái thì tôi không biết thiệt mà. Chứ tôi chả có ý giấu diếm.


Tất cả là 23 người con. Con số đẹp để chia đều cho hai đội banh và bao luôn trọng tài. Ái chà, ai làm râu làm rể nhà này chắc phải có một trí nhớ phi thường? Chứ nhầm lẫn tên người này người kia là bị la rầy như chơi. Mà nhầm lẫn suốt thì phải liệu phần hồn. Có một điểm rất đặc biệt là gia đình chị Nguyệt 21 là người Nam rặt và theo đạo công giáo.


Cách nhà chị Nguyệt 21 một hai căn là nhà ông Bằng Lùn. Ông Bằng người thấp thấp nhưng có võ. Ông có hai cô con gái xinh ơi là xinh. Cô nhớn tên Dung; Cô nhỏ tên Kim. Ông là đội trưởng của đội kèn tây trong giáo xứ An Lạc. Mỗi khi giáo xứ có lễ lậy thì tôi lại được nghe tiếng trống mê tơi của đội trống tây này.


Từ ngã ba nhà anh Hào Rụt, đi tới một chút nữa thì gặp nhà anh Tiềm Khàn. Nhà anh Tiềm Khàn nằm phía sau nhà anh Hào Rụt. Anh Tiềm Khàn là em của Hoàng Bệu. Hoàng Bệu là em của Sơn Đảo.


Phía đối diện nhà anh Tiềm Khàn, vào khoảng năm 1965, là cầu ao cá. Tôi hay đến đây lui cui hớt lăng quăng và bobo. Bấy giờ, tôi không biết bơi nên rất sợ bị ngã xuống ao. Sau này họ lấp đất cái ao. Rồi người ta, chả biết từ bao giờ, mang rác ra đây đổ. Ngày qua tháng lại, một phần bề rộng của cái ao đã bị lấp bằng rác. Sau lại đem đất đổ lên trên mặt, thế là thành chỗ nuôi giun và dế đá. Bọn trẻ trong xóm thường đến đây bắt dế. Còn mấy anh giai nhơn nhớn trong xóm thì đào giun đặng câu cá rô phi.


Một vài năm sau, chắc là đợi cho đất rẽ, người ta cất nhà lầu trên bãi đất này.

Từ nhà anh Tiềm Khàn đi thêm vài chục mét thì gặp cây cầu sắt. Gọi là Cầu Sắt vì quen miệng, chứ thật ra chỉ là vài miếng sắt lớn, dầy được hàn lại với nhau rồi bắc ngang qua cái eo nhỏ, khoảng 5 thước, của con rạch nối liền với kênh Nhiêu Lộc. Độ sâu của con rạch này chỉ đến ngang thắt lưng người nhớn. Những lúc con nước cạn, người ta có thể thấy mấy tảng đá nhớn dưới lòng rạch. Tôi thường đến đây để hớt lăng quăng và bobo vì nhẽ không sợ ngã lộn cổ xuống rạch. Mà dù có ngã thì cũng chả đến nổi chết đuối đặng.


Nghe nói, năm Mậu Thân, có một tên vc lạc đàn ẩn nấp dưới chân cầu Sắt. Khi nghe tiếng chuông nhà thờ An Lạc đổ vang, như một tín hiệu khẩn, các anh giai trong xứ đổ về sân nhà thờ để được hướng dẫn cụ thể. Rồi họ kéo nhau đến nơi có tên vc đang ẩn núp để bắt giữ. Dĩ nhiên là họ có mang theo vũ khí cá nhơn như dao búa gậy gộc. Chứ giáo dân, thanh niên trong xứ, bấy giờ, đã được vũ trang bằng súng ống gì đâu.


Nói chả phải khoe, chứ thời gian đầu của tết Mậu thân giáo dân xứ An Lạc thương nhau lắm. Thời gian trước thì, có thể, họ chả ưa nhau vì nhiều nguyên nhơn nhưng vào lúc loạn lạc như thế này thì những hiềm khích nhỏ to tan biến hết trơn. Mấy anh giai, ngày thường, ngỗ ngịch chia bè chia phái nhưng lúc này thì ngồi lại với nhau và nghe nhời người nhớn trong việc phân chia canh giữ xứ nhà. Họ thương mến nhau như chưa một lần xích mích. Nom rất thân thiện với nhau lắm luôn.


Bấy giờ, tôi mới mọc râu mép và đương học chải đầu bằng bi ăng tin. Tôi chưa được phép đứng ngang vai với những anh giai thời cuộc này. Tôi chỉ xin một chân chạy theo họ để được sai vặt. Nói giả dụ, như có anh giai nào vác dao mỏi tay thì đưa cho tôi vác dzùm.


Khi đoàn người kéo đến nơi thì chả thấy tên vc nào hết. Nghe nói là, trước đó, cảnh sát dã chiến đã bắt giữ và giải giao tên này về đồn bót rồi.


Không biết hư thực chuyện bắt giữ này ra răng, mặc dù tôi đã cố gắng hóng hớt và tóm lược ý người nhớn khi họ nói chuyện.


Nhưng tôi còn nhớ, trong thời gian này, nhiều tối trên sân bên hông nhà thờ An Lạc, có người đến dậy võ cho thanh niên trong xứ. Số người tham dự khá đông. Mấy anh giai trai tráng, mấy đấng gia trưởng còn gân trong xóm ghi danh theo học rất đông. Thì cũng có mấy chị gái đứng lấp ló loanh quanh đâu đó, chứ chả không. Chắc là họ đương chọn mặt gửi vàng chứ gì?


Từ Cầu Sắt đến Cầu Sạn thì chả còn bao xa. Cứ đi thẳng. Gặp ngã ba thì quẹo phải. Đi thêm một tẹo nữa thì đến ngã ba gọi là khu Đề Bô. Chả biết cái tên Đề-Bô có từ thời nào, nhưng khi tôi biết đi mua cá đá ở bên Cư Xá Kiến Thiết thì đã nghe tên gọi này.


Con hẻm Đề-Bô dài vô tận, bề ngang độ dăm thước ta. Bên phải là bức tường đỏ xây bằng gạch thẻ, là vòng đai của khu Hỏa xa và doanh trại của Tiểu Đoàn 1 Nhảy Dù Nguyễn Trung Hiếu. Còn phía bên kia là dẫy nhà lụp xụp được cất trên những bờ ruộng được lấp bằng đất và rác.


Nghe nói, nếu cứ theo con hẻm này mà đi thẳng tuốt thì ra được khu chợ Nguyễn Thông. Nghe thì nghe vậy, chứ tôi chả dám thử. Vì chưng tôi nghe đồn trong khu Đề-Bô có chỗ ăn chơi kỹ lắm, là nơi bán phấn bán hương của gái giang hồ. Ban ngày ban mặt, tôi cũng chả dám bước chân vào hẻm này. Nói nào ngay, nếu có việc cần kíp phải dùng con hẻm này mà đi cho nhanh thì cũng đành chịu nhưng mà ngại lắm. Chỉ sợ giữa đàng gặp người quen, rồi họ đồn ầm lên rằng mình thế này thế kia. Chả khéo lại ế vợ thì thật là phiền.


Sau năm 1968, lại nghe tin đồn là trong khu Đề-Bô còn có vc nằm vùng. Thế là tôi đã sợ khu Đề-Bô thì nay lại càng thêm sợ.


Độ dăm năm sau đó, tôi quen được một hai người bạn ở khu Cầu Sạn. Rồi một hai lần, tôi theo những người bạn này đi canh phòng ban đêm cho vui vì họ là Nhân Dân Tự Vệ. Mỗi khi vào khu này, người tôi lạnh tóat và cứ thấy muốn đi đái. Mấy người bạn thấy tôi xin đi đái hòai thì biết tỏng là tôi nhát cáy. Chúng nó cười sằng sặc và chế nhạo tôi tợn lắm luôn.


Có một lần, tôi theo họ vào một nhà trong khu này, vào giấc gác khuya. Bấy giờ, có nhẽ, là 2 giờ sáng. Người đờn ông chủ nhà tên Tư. Dân trong khu này gọi anh là Tư Bánh Bèo. Năm ấy, anh Tư còn trong độ tuổi quân dịch mà sao thấy ở nhà hoài. Hỏi ra mới biết là anh trốn lính. Anh có vợ. Chưa có đứa con nào.


Thì vào nhà anh Tư Bánh Bèo để ăn bánh bèo, chứ có làm gì đâu. Cả bọn ngồi chờ anh Tư hấp bánh đằng sau nhà. Chờ hoài mà chả thấy anh mang bánh bèo ra. Sẩy có đứa nóng ruột bèn mò ra nhà sau thì chả thấy anh đâu. Không biết anh đi đâu? Cả tiếng đồng hồ sau, mới thấy anh mang bánh bèo ra.


Ngày 30 tháng 4 năm 1975, tôi nhòm thấy anh Tư Bánh Bèo với cái băng đỏ lóet trên cánh tay. Anh xách súng AK chạy tứ tung quanh ấp. Tôi không biết anh định mần gì? Chợt nhiên tôi nhớ lại những đêm theo bạn bè tạt vào nhà anh để xơi đĩa bánh bèo, tôi muốn són ra quần.


Từ ngã ba khu Đề Bô rẽ trái đi một chặp nữa thì lại gặp ngã ba nữa. Thì quẹo trái và đi dăm bước nữa là đến Cầu Sạn gồi.

Đỗ Như Đậu

https://www.facebook.com/groups/2004139939886509/permalink/2755341794766316