Đá Dế


Mùa đá dế thường vào mùa mưa, một năm một lần lại thấy các chú người nam miệt dưới Bà Điểm xách rọ lên ngay ngã ba Ông Tạ góc Thoại Ngọc Hầu - Phạm Hồng Thái ngồi bán trên vỉa hè, ba góc đường mỗi góc ít nhất có 2 hoặc 3 rọ dế. Trước tiệm gạo Quang Vinh, trước tiệm điện Hợp Châu, trước tiệm Á Đông và tiệm gạo Tín Lợi. Đi bộ một khúc đường gần đó trên đường Phạm Hồng Thái có Trường Thánh Tâm cũng là nơi tập trung bán dế. Từ 6 giờ sáng đã thấy tụ đông đám con nít bu quanh các rọ dế để lựa, mỗi rọ ít nhất 5 chú nhóc đứng vây quanh, bởi vậy thỉnh thoảng có vụ cự nhau vì bị chen lấn. Thử tưởng tượng nguyên một dãy phố bị hàng trăm tiếng dế gáy và tiếng các chú nhóc gây ồn ào cả một góc ngã ba. Hồi đó nếu tôi nhớ không lầm một ký gạo khoảng 7 đồng thì mua một con dế phải mất khoảng 50 xu thời trước 1965, thế là tôi phải nhịn ăn sáng để có tiền mua vài con dế. 


Giá hối đoái năm 1965, 1 đô la ăn 75 đồng tiền VNCH. Đưa tiền xong tôi thọc tay vào rọ để ráng bắt được con nào bự và to càng nhất, bắt xong hí hửng bỏ vào các hộp giấy tự chế, bên trong hộp giấy đã trải sẵn cỏ, phải để riêng không chúng đá nhau tưng bừng. Thức ăn cho mấy chú dế hình như chỉ có gía sống thì phải, cao lương mỹ vị có thêm chút sà lách, vậy thì làm sao dế mạnh khoẻ để đá cho hay được.


Có một số ít nhóc tì ma mãnh dùng xảo thuật bắt dế mua một tặng hai hoặc ba. Trời ngã ba Ông Tạ mặc dù nóng hơn 30oC, chú nhóc ma mãnh lại vận vào cái áo sơ mi dài tay, con nít thời đó chỉ có mặc quần cụt và áo sơ mi ngắn tay hay áo may ô, khi thò tay vào các chú dế sẽ chui vô ống tay áo dài, rút tay ra khỏi rọ dế thay vì một con lại có thêm vài con được tặng không bám theo tay áo dài. Vài lần bị mua theo kiểu này, các chú bán dế biết được canh me hễ tên nhóc nào mặc áo dài tay thì bị canh chừng rất kỹ.


Hộp đựng dế của các chú nhóc được làm rất đơn giản, dùng tấm bìa cứng rồi gấp lại thành hình chữ nhật. Rồi chế thêm cái nắp đậy ở trên để cho dế khỏi búng chân nhảy ra ngoài. Hồi đó không nhớ có đục mấy cái lỗ thông hơi để cho mấy chú dế đá khỏi chết ngộp không? Đi kiếm một ít đất và một ít cỏ trải ở dưới đáy hộp, ý là để cho dế có hơi đất và hơi cỏ, nhưng các chú dế chết thì vẫn chết vì đâu có ai bầy cho để biết phương pháp nuôi và cho ăn như thế nào. Thời kỳ đó còn đi chân đất làm chi đã có thầy giáo Gúc (Google) để hỏi thăm. Dế tôi hay chọn mua là dế than mầu đen và dế lửa mầu vàng đỏ, dế út tiêu nhỏ con nhưng tiếng gáy rét rét ré to để lấn át các chú dế to bự mà nhát đòn.


Mua xong phải đi kiếm lùng các nhóc tì khác để đá, thường thì đá chơi để coi con dế mình có thuộc loại dế đá chiến không. Nhiều nhóc tì còn có màn đá bắt xác tức là nếu thua thì phải trao luôn con dế thua cho người thắng.


Kiếm được các nhóc chịu đá dế, là quầy nhau lại một góc bên vỉa hè, đầu tiên bứt tóc của mình hay tiện tay bứt đại của chú nhóc nào có nhiều tóc, dùng tóc này ngoáy vào mũi dế cho nhột để chú phùng mang kêu réc réc, đôi khi chú dế hung tợn nhào cắn cả vào ngón tay đau điếng. Muốn cho dế hăng tiết vịt, chỉ việc nắm râu mép của dế rồi thổi cho đôi cánh mở ra. Còn có một cách khác hơi dã man một tí là bứt một cọng tóc xỏ vào đùi dế rồi quay vòng vòng như quay chong chóng. Có khi nghe lời xúi dại cho dế nhấp rượu sẽ đá hăng lắm, đá hăng đâu không thấy mà qua ngày hôm sau chú dế lừ đừ rồi tắt thở luôn.


Trước khi đá hai chú dế đi dạo một vòng ngắm nhìn đối phương, rung hai cái cánh kêu rét rét liên hồi để thị uy đối thủ, càng to càng tốt.


-Réc… Réc… Réc…


Con kia cũng réc…réc… tạo thành hai bè khác nhau, một con thanh một con trầm, lúc chậm lúc nhanh. Nghe rất vui tai và đã lỗ nhĩ.


Từ xa hai chú vừa bò vừa gáy tiến gần đến nhau, vừa chạm mặt nhau hai chú nhe hai cái răng cắn nhau phát đầu để nhứ đòn như hai võ sĩ tự do, rồi cùng bị giật ra sau khá xa. Mấy lần cắn nhau rồi lại nhả đến lần thứ năm hai chú nhe răng cắn vào nhau hơi lâu, thấm mệt cả hai võ sĩ đều đẩy nhau ra, cả hai gầm gừ cái đầu hai cánh kêu rét rét để nghỉ mệt một chút. Sau phút gầm gừ nghỉ mệt dưỡng sức hai võ sĩ lại cắn nhau thật mạnh, cú cắn này mạnh đến nỗi đẩy hai chú dế văng ra hai góc đài. Mặc dù ê ẩm cả mình mẩy hai chú lại từ từ mò đến gần nhau, lại cụng đầu nhau nghỉ mệt, hai cánh vẫn tiếp tục rét rét. Nhá đầu nhau để canh me rồi cắn nhau thật mạnh cú thứ ba.


- Bịch…bịch…bịch…


Kỳ này cả hai thụi nhau kỹ quá bị đá nằm bật ngửa. Hai chú nằm nghỉ thở dốc xong lại lồm cồm bò dậy. Lúc này gần cuối hiệp thấm mệt hai chú bò từ từ đến gần nhau đụng đầu nhau chan chát, cuối cùng con nhỏ con hơn trong lúc sơ hở vì đã mệt, chú dế to con cắn một phát cật lực đẩy con dế nhỏ con bật tung ra khỏi đài rớt cái bịch xuống đất nằm ngay đơ. Cuộc đấu võ đài kéo dài cỡ một phút rưỡi. Con chiến thắng hùng dũng gáy to tiếng ăn mừng chiến thắng. Hai cái răng của dế đá rất khỏe, là vũ khí sát thương làm cho đối thủ từ chết cho đến bị thương, có khi lủng bụng, đôi khi gẫy chân là chuyện thường trở thành độc cước đại hiệp, gẫy còn một chân vẫn đá được không sao chuyện nhỏ. Qua trận đấu này các chú nhóc học được kinh nghiệm, cặp giò cũng thật quan trọng phải to chắc để có thể ghì chặt bám xuống mặt đất để không bị đối phương đẩy tung ra khỏi khán đài.


Ban đêm thì khỏi nói rồi chúng ráy cho điếc tai, để khỏi bị bố mẹ bắt vất dế đi vì ồn, đến tối trước khi đi ngủ tôi phải mang hộp xuống dưới hẳn bếp xa khỏi nhà trên. Sáng dậy vội vàng xuống để coi chú dế còn không, đôi khi mỏ hộp ra thấy chú dế biến đâu mất vì để hở nắp, khi thì thấy chú dế nằm thẳng cẳng thăm ông bà ông vải từ lúc nào, lúc này thì buồn nhất vì tiếc tiền.


Đôi khi tôi theo chúng bạn bắt dế ở những hang nhỏ mà tụi nhóc hay gọi là hang rắn, vì đồn là dế ở hang rắn đá rất hung. Đổ nước xuống hang cho dế ngộp để chui lên thay vì thấy đầu dế tự nhiên đầu một con rắn ngóc lên, thế là mấy chú nhóc la làng chạy bán sống bán chết vì khiếp sợ. Đi bắt dế cho vui thôi, chứ không khi nào bắt được dế đá, cho nên thường để dành tiền để mua được những con dế đá chiến. Chỗ nhóc tì hay đi bắt dế là nghĩa địa Ông Tạ và rừng cao su Phú thọ.


Thời nhỏ chỉ ham vui đá dế mà không có thời gian tìm hiểu, sau này tìm hiểu thì mới biết thêm về đời sống của dế. Một con dế mái có thể đẻ một lúc 100 trứng, sau 14 ngày trứng thành con ấu trùng và chui ra khỏi vỏ trứng khi này chưa có cánh, con ấu trùng lột vỏ chừng 8 lần thì bắt đầu có cánh thành dế. Tuổi thọ của con dế khoảng 70 ngày đến 90 ngày. Dế nặng khoảng 1 gram, và dài 25mm.


Hien Le

https://www.facebook.com/groups/2004139939886509/permalink/2721056821528147