Chiếc Xe Ngựa khu ngã ba Ông Tạ

Chiếc Xe Ngựa khu ngã ba Ông Tạ


Chiếc xe ngựa trước 1965 là phương tiện chuyên chở khách hàng từ ngã ba Ông Tạ và ngã tư Bảy Hiền lên chợ Bến Thành, đồng thời từ ngã tư Bảy Hiền xuống Bà Quẹo. Bến xe ngựa thường đậu tại hai bãi đất rộng trước trường Thánh Tâm cách ngã ba Ông Tạ chừng khoảng 20 mét. Đối diện trường Thánh Tâm là nhà Tám Thơm, có bãi đất rộng cũng làm nơi đậu xe ngựa. Bãi xe ngựa thứ hai nằm góc ngã tư Bảy Hiền trước bãi cỏ rộng lớn của sở chăn nuôi, đối diện tiểu đoàn 3 nhảy dù. Bãi xe ngựa trước chợ Bến thành cũng rất rộng đủ cho hàng chục chiếc xe đậu. Sau này xe ngựa bị cấm, cả hai bến Ông Tạ và Bảy Hiền tự động biến thành bãi đậu xe lam. Tụi nhóc xóm tôi cũng hay rủ nhau vào sở chăn nuôi chơi đùa và coi cách người ta nuôi súc vật. 


Xe Ngựa còn có tên gọi khác Thổ Mộ, bác tài ngựa còn được gọi là Xà Ích. Xe do ngựa kéo là từ Nhật du nhập vào Việt Nam khoảng năm 1886.


Hồi đó tôi hay quá giang xe ngựa lên hướng Sài Gòn coi phim với ông anh, hay ghé chợ bến Thành chơi. Phương tiện vận chuyển vừa rẻ, vừa tiện lợi, xe ngựa có thể ngừng lại bất cứ chỗ nào để khách lên xuống mà chỉ tốn chừng vài đồng. Theo từng cuốc xe dài hay ngắn, các bác tài ngựa lấy giá tiền khác nhau. Khi tới rạp Kinh Đô tôi có thể kêu bác tài ngừng lại để xuống, và tôi cũng có thể đợi bên vườn Tao Đàn để quá giang về Ông Tạ mà không phải lội bộ ngược lên chợ Bến Thành. 


Rạp Kinh Đô ngó ngang qua bên kia đường là vườn Tao Đàn. Còn bến xe ngựa Ông Tạ gần nhà tôi đi bộ 2 phút nên rất thuận lơi, khi nào muốn đi thì nhảy thót lên lên xe ngựa môt cái là xong.

Mỗi xe ngựa chứa khoảng 6 người, nhưng nếu cố nhét có thể lên đến 8 người, bác tài ngựa thì ngồi vắt vẻo trên đòn ngựa bên tay trái, còn đòn bên phải chở thêm được một người khách nữa, thường là con nít ngồi như trong hình đính kèm, mỗi lần lên xe ngựa tôi thường hay ngồi chỗ này ngắm phong cảnh đường phố, dân quê lên thành phố Sài Gòn hoa lệ mà lị. Hai cái đòn xe ngựa dài này được buộc vào hai bên hông con ngựa. Bên trên mui xe ngựa hơi cong phần phía trước dài hơn cái thùng xe một chút, ngay dưới có hai miếng gỗ cong hai bên thành xe có thể đựng quang gánh và thúng. Hai bên thành xe, mỗi bên có 3 cửa sổ thông để cho khách ngó ra ngoài, gặp trời mưa đã có hai mảnh vải buông rũ xuống để nước mưa khỏi hắt vào trong. Đi xe ngựa tôi hay thích ngồi ngay đàng trước chân vắt vẻo xuống dưới đất. Bác tài ngựa quanh năm ngày tháng mặc độc có bộ bà ba mầu đen bạc.


Khi có đủ khách bác tài ngựa kéo dây cương rồi dùng roi quất vào lưng ngựa vài cái để thúc ngựa chạy. Con ngựa từ từ lấy trớn chạy, một hồi sau tiếng lọc cọc nhịp nhàng của bốn vó ngựa gõ nhịp nhàng trên đường tạo nên một âm thanh quen thuộc và dễ chịu. Tiếng lục lạc và tiếng vó ngựa cứ đổ đều đều và liên tục trên mặt đường nghe thật thích.

Ngựa phi, ngựa phi đường xa


Tiến trên đường cát trắng trắng xóa

Tiến trên đường nắng chói chói lóa

Trên đồng lúa theo cánh chim trời bay trên cao

Cánh đồng lúa in sắc chân trời mây lan xa


Con ngựa vừa chạy vừa nhai mớ cỏ còn xót trong miệng. Con nào gìa quá đôi khi chở nặng mệt nhọc thở phì phò sùi bọt mép ra cả hai bên miệng. Có vài con xấu tánh vừa chạy vừa thải từng cục phân xanh còn thơm mùi cỏ rớt xuống đường để lộ ra những sợi cỏ chưa kịp tiêu hóa. Phân ngựa không có mùi thối nồng nặc như phân heo, nên dù có đứng gần người khách trên xe ngựa cũng không cảm thấy khó chịu, nhiều lúc còn cảm thấy nhớ khi về đến nhà. Trên mặt đường thỉnh thoảng người ta thấy những đống phân ngựa, trông mất thẩm mỹ, nhưng thời đó đâu có ai để ý đến chuyện phân phiếc này. Nhiều con ngựa bệnh dở chứng lỳ đòn ra đánh roi mấy cũng không thèm đi, đôi khi (thường thì rất hiếm) con ngựa chuyên chở quá mức khuỵu cả hai chân về phía trước không còn gượng dậy nổi vì kiệt sức. Nhìn cảnh này thấy tội cho con ngựa gìa.


Theo wiki. Ngựa kéo xe nuôi kỹ hơn ngựa chở vì sức làm việc của chúng được khai thác nhiều hơn (Khỏe re như con ngựa kéo xe). Ngựa kéo xe cũng như ngựa chở không cần vóc dáng đẹp và nước kiệu hay, chỉ cần sức mạnh và không bị những chứng tật có thể gây tai nạn khi đang chạy xe. Nhiều con ngựa cỡi thải ra thành ngựa xe. Để tăng sức cho ngựa, nhất là ngựa chở và ngựa kéo xe, người ta còn cho ngựa uống nước đường trộn cám và ăn lúa hạt. Ngựa kéo xe thường được chăm sóc rất kỹ lưỡng, vì muốn có sức để làm lâu ngày thì cần phải bồi dưỡng cho ngựa, như: lúa ngâm, gạo lức, mật đường, cám tinh và cỏ thơm. Những hôm nào có hàng chạy thì chủ phải dậy sớm cho ngựa ăn no nê và chuẩn bị thức ăn dự trữ cho ngựa ăn dọc đường để có sức kéo xe.


Tại sao con ngựa phải được che mắt bằng 2 miếng mặt nạ bằng da hai bên?


Có ba cách giải thích.


- Vì đơn giản là ngựa không cần thấy xung quanh, nhiệm vụ của ngựa là chỉ chạy về phía trước theo sự hướng dẫn của bác tài ngựa.


- Tránh cho ngựa bị ánh sáng làm lóa mắt khiến cho ngựa kinh sợ, dẫn đến ngựa có thể lồng lên. Kết lại con ngựa sợ ánh sáng.


- Theo Văn Biên (Dân Việt/Listverse). Bí ẩn sức mạnh của mắt ngựa nằm ở chỗ, nó “không thể tập trung nhìn vào một điểm giống như mắt người”. Phần dưới võng mạc mắt ngựa nhìn các đối tượng ở xa còn phần trên thì nhìn gần hơn. Điều đó có nghĩa rằng nếu bạn muốn biết con ngựa đang nhìn về đâu thì bạn nên chú ý đến hướng đầu của nó.


Nếu ai có dịp đến bến xe ngựa thời đó, thường chứng kiến được một số việc đáng lẽ chỉ xảy ra trong chuồng ngựa. Ngoài việc đại tiện bừa bãi tại bến đậu xe ngựa của các con ngựa kéo, thỉnh thoảng người ta thấy một vòi nước xịt mạnh xuống đất văng tung toé của con ngựa nào đó không nhịn được làm đại tới đâu hay tới đó. Đôi khi bọn trẻ tự nhiên thấy mấy bà mấy cô đỏ mặt, thì ra có con ngựa đực xấu tánh bất kể ngày đêm đang vươn dài … bọn trẻ nghịch ngợm dùng đá chọi, con ngựa đau kêu hí lên inh ỏi, rụt ngay … vào bên trong, người chủ xe ngựa nghe tiếng ngựa hí đang ngồi uống nước trong quán chạy ra chửi, không đứa nào nhận chúng đổ lỗi lẫn cho nhau.


Đôi khi thấy người làm móng ngựa thay đổi móng sắt mới thế vào cái móng cũ đã mòn. Một người phụ bẻ gập chân ngựa cong lên dơ bàn chân ngựa hướng lên trời. Cái móng sắt hầu như đã mòn tới sát móng chân. Ngưòi làm móng thiện nghệ dùng kềm bẩy nhanh mấy cái đinh đóng, chiếc móng sắt theo đó rớt ra ngoài, người thợ dùng con dao sắc cong hớt bớt phần móng gìa đùn ra ở giữa, chiếc móng sát mới được ướm thử người thợ dùng búa đập nhẹ cho vừa khít, cuối cùng dùng đinh đóng móng sắt dính chặt vào móng chân thật. Bỏ chân ngựa để lên một miếng gỗ vuông sau đó dùng cái dũa sắt dũa chung quanh phần ngoài móng.

Lý do ngựa phải được đóng móng sắt? Móng sắt dầy được đúc bằng kim loại tốt không chỉ bảo vệ móng ngựa như đôi giầy mà còn làm tăng lực kéo cho ngựa. Có một thời móng sắt cũng được làm trò chơi tại sân nhà Tám Thơm.

Cách thắng con ngựa? Nghe nói người ta dùng cái ách quàng qua cổ ngựa để thắng. Hay là dùng hai dây cương tiếp nối vô cái ngàm ngựa vừa điều khiển ngựa vừa thắng. Tôi cũng không rõ lắm về cách thắng ngựa.

Những người chạy xe ngựa ở trong khu gần nhà thờ Chí Hòa, nhà xây trên miếng đất lớn đủ rộng để chứa nổi xe ngựa, và có chuồng cho ngựa nghỉ ngơi. Họ thường là người địa phương đã ở vùng này qua nhiều đời. Tôi nhớ nhà ông chín Du cũng nuôi ngựa nhưng là ngựa đua nằm trên đường Thánh Mẫu cạnh hẻm vào nhà thờ Nghĩa Hòa.

Theo nhà văn Cù Mai công. Khu Ông Tạ xưa rất nhiều chuồng ngựa: hẻm Tám Thơm, khu Bắc Hải, ngõ Con Mắt, đường vào nhà thờ Chí Hòa, nhà ông Năm Chuồng Bò - đường vào nhà thờ Tân Chí Linh, xóm Xe Ngựa (đối diện rạp Đại Lợi - gần nhà em)... Con ông Tạ xưa hay dẫn ngựa ra tắm ở kinh Nhiêu Lộc... Đường Phạm Hồng Thái - Lê Văn Duyệt thời Pháp, dân quen gọi là đường Thổ Mộ...

Đang yên ổn làm ăn. Ấy thế mà đùng một cái chính phủ ban hành lệnh cho chạy xe lam nhập cảng từ Ý, trong thời gian thử nghiệm xe ngựa vẫn được quyền chạy chở khách trong một thời gian ngắn trước khi cấm hẳn. Bến xe ngựa biến thành bến xe lam. Ít lâu sau xe ngựa biến hẳn không còn chạy trên đường Lê Văn Duyệt nữa, từ đó xe ngựa trở thành món đồ cổ đi dần vào quên lãng.

Irvine Cali

5-5-2021

Ban Thăng Long

Hien Le