Về quê (Tầu thủy Hà Nội -Nam Định)

 

Loay hoay cái vụ kể chuyện về quê mãi mà không nghĩ ra được cách thích hợp. Nếu bảo ngồi lại viết ra thì chẳng có gì thích thú để viết vì cứ mỗi ngày nhớ ra một tí. Còn như ngồi nhớ ra hết ngay thì nhớ không ra. Vậy bây giờ nhớ tới đâu kể tới đấy. Cô Tường Anh thích thì giữ lại nhé chứ tôi không lưu trữ trong trang cá nhân.


Có lần cô nói muốn về Nam Định cho biết, tôi đoán là cô sẽ đi xe đò hay tầu hỏa. Vậy để tôi kể lần về Nam Định bằng đường sông nhé. Âu cũng là một kiểu đi mà giờ ít thấy.


***

Khoảng 1943, 44 gì đó mà tôi cũng không còn nhớ rõ là năm nào, từ Hà Nội về Nam Định hay Thái Bình vẫn còn những chuyến tàu chạy đường sông. Sông đây là Sông Hồng đó cô. Sông Hồng chảy tới gần thành phố Nam Định thì tách ngã ba. Một bên vẫn là Sông Hồng chảy qua Thái Bình ra biển, một bên thành Sông Đào (cô coi bản đồ thì sẽ thấy gọi là Sông Nam Định).


Thái Bình may mắn có 2 con sông đẹp ôm 2 bên. Cả Nam Định và Thái Bình đều chung "có con Sông Đào xinh xắn" mà ông Phạm Duy từng cho vào nhạc. Nam Định cũng được ôm vào lòng bởi 2 con sông, phía bên kia là Sông Đáy từng vào thơ của Quang Dũng (sông Đáy chậm nguồn qua Phủ Quốc Oai).


Tàu đi sáng sớm. Tôi không biết là lên tàu chỗ nào ở Hà Nội vì năm đó tôi đi chui. Cụ nhà tôi cần mang một số đồ đạc từ Hà Nội về Nam Định nên từ sáng hôm trước thì đã qua bên Bát Tràng ngủ, lấy thêm đồ đạc rồi sáng hôm sau đón tầu ngay ở khu vực Bát Tràng bây giờ.


Nếu cô hỏi một người nghiên cứu về đường sông thì họ sẽ không đồng ý, không cho tôi lên tầu ở Bát Tràng vì nó phi lý lắm. Bát Tràng ở bên kia sông, chẳng phải bến tầu lại nước cạn, tầu nào vào. 🙂


Khoảng 8 giờ sáng gì đó thì tầu kéo còi nghe được từ xa, cụ tôi được một cái tạm gọi là "ghe taxi" chở ra, rồi lục đục leo lên tầu. Nhớ mãi cái cảnh bước vào bên trong, nó đẹp và đông vui như một góc chợ. Tôi đoán lý do người ta đi tầu thời đó không phải ngắm cảnh sông nước mà là để mang theo được hàng hóa dễ vỡ. Tôi thấy có cả chó, chim chóc người ta mang theo. Không biết là mang theo du lịch hay là mang về quê. Ở quê thì nhiều chim hơn ở Hà Nội chứ.


Cụ nhà tôi hay dạy cho tôi tập nghe giọng, chắc là để cho mình ngồi yên bớt chán. Giọng Thái Bình, giọng Nam Định, giọng Sơn Tây... Không khó nghe lắm vì những người cùng quê họ sẽ ngồi gần nhau. Tầu chạy chậm lắm. Nó là loại tầu có một cái ống khói rất to. Tôi đoán lúc đó chắc vẫn là tầu chạy động cơ hơi nước. Tầu cũng to nhé cô, có 2 tầng chứ không phải là một cái tầu đánh cá đâu.


Tầu chạy thì có một người đừng phía trước "đo nước". Tôi bỏ trong ngoặc kép vì tôi không biết từ chuyên môn là gì hoặc ông ta làm gì. Ngồi trong này chỉ nghe tiếng ông nói to mà du dương như hát: ba thước hai, bốn thước ba. Tôi đến giờ cũng không có dịp tìm hiểu cái đấy là cái gì? Chẳng lẽ tầu đang chạy mà lại thọc cái sào đo sao?


Tầu chạy sáng sớm như vậy mà chiều tối mới chỉ tới được, tôi đoán vị trí chắc là gần Bến đò Tân Đệ. Người ta lục đục xuống tầu. Những người về Thái Bình thì sẽ đón phà ngang đi qua bên kia sông để về Thái Bình. Nam Định thì bên này. Tôi cũng không biết tầu còn chạy xuống nữa hay quay về.


Cụ tôi xuống thì người nhà đã sắp xếp ra đón bằng xe ngựa. Sắp xếp hết đồ lên xe thì háo hức lắm rồi dù từ đó về nhà còn xa lắm. Xe ngựa đi rất chậm chắc là sợ bị sóc hàng hóa. Dù thời ấy thanh bình nhưng tôi thấy người lớn vẫn có "hàng nóng" cô ạ. Bên trong xe ngựa ra đón thì treo một cái mâm đồng. Gọi là mâm chứ nó có công dụng như một cái khiên, có chỗ thọc tay vào. Tôi là chuyên môn lấy ra nghịch, suýt bao lần ăn đòn. Nó nặng, đánh xi lên thì sáng loáng y như cái khiên nhưng vẫn nghe người lớn gọi là cái mâm. Bên trong treo cả mã tấu. Cô coi phim về đấu tố sau này có hình ảnh các cây mã tấu sao thì nó đúng như thế. Cụ tôi thì chống một cái gậy dù cụ rất khỏe. Tôi cũng đoán đó là một gì đó tự vệ chứ không phải là gậy vì đường về nhà không leo đồi núi gì cả. Nó không phải gậy tre vì thấy có nhiều đốt. Phần cuối của gậy thì quấn vải rồi thắt thành một cái lọng. Khi cầm gậy, thọc tay qua cái lọng, quấn phần vải vào tay rồi thêm lớp vải chống trơn thì khó khi nào rớt gậy ra được. Nhìn thích lắm. Tiếc là chưa thấy các cụ đánh cướp bao giờ nên không biết thực chiến ra sao.


Hôm nay kể tới đây thôi nhé. Khi nào nhớ ra xin kể tiếp. Cảm ơn cô

Nguyễn Hà Tườnganh

nhắc chuyện xưa.

***


Cái ngày về lại Hà Nội đã là sát Tết rồi. Ở bến đò quang cảnh thật là tấp nập. Không thấy người đâu cả, chỉ thấy một rừng màu sắc nối đuôi nhau lên tàu.


Người ta cầm những cành đào mang về lại Hà Nội ăn Tết cho nên nhìn từ xa, chỉ thấy một hàng dài những cành đào di chuyển chầm chậm lên tàu. Bây giờ nhớ lại mà vẫn cảm thấy nao nao trong lòng. Các bạn tưởng tượng nó y như một hàng cây đào đỏ, hồng rực, cứ thế nối đuôi nhau lên tàu. Rồi bưởi vàng, bưởi đỏ, hoa đủ mọi loại màu sắc khắp nơi. Những người hát xẩm cũng ý thức được ngày vui, họ hát những bài vui, bớt đi cái nét ai oán hàng ngày.


Từ sớm, Bà đã dạy lịch kịch dưới bếp bắc cái ấm nước pha chè xanh rồi Bà làm cơm nắm vừng cho tôi mang theo. Những nắm cơm chắc nịch bà ép vào lá sen trước rồi mới tới lá chuối. Bà bảo phải có lá sen trước, hai lớp như thế mới thơm và không bị khô cơm. Nói là mang theo ăn chứ Bà mới đưa, lên xe ngựa thì tôi đã lấy ra cắn vài miếng rồi. Qua mấy đường đất, cứ thủng thỉnh ăn, lên tàu cũng ăn mà về tới Hà Nội vẫn không hết nắm cơm.


Nhìn Bà hồi đó không hiểu gì cả, sau này lớn, có những đêm nằm ở chỗ không phải nhà mình, nhìn ra rừng nhớ lại mới hiểu và thấy thương Bà khủng khiếp. Càng sắp tới giờ chia tay cháu, Bà lại càng nhớ cháu. Lúc bắc cái bếp lên thì dặn mình đứng xa ra. Nước lên mắt cua rồi thì lại gọi mình tới gần. Hãm miếng chè tươi thì một tay làm, tay kia cứ ôm lấy mình. Lúc lên nhà trên thì tay xách đủ mọi thứ, tay kia nắm chặt như thể sợ mình đi lạc ngoài chợ phiên.


Hồi đó có lần bực Bà lắm vì bị nắm tay, giật tay Bà ra. Bây giờ nhớ lại còn thấy ánh mắt Bà buồn rầu nhìn mình.


Xe ngựa lóc cóc đi vào sáng sớm. Cho mãi tận sau này, tôi vẫn còn sợ cái cảnh chia tay vào sáng sớm có lẽ do lúc còn nhỏ, phần lớn những cuộc chia tay với người thân đều xảy ra vào khung giờ này. Bà cứ đòi đi theo nên ra tới Cổng Làng. Đi tới đâu Bà nhắc, phiên dịch tới đó như thể cố nhét vào đầu cháu Bà những gì đó về quê. Nhà chị Sim ngã xuống ao suýt chết đây này cháu. Nhà ông Huy ngày xưa hay qua giúp nhà ta đây này... Nhà cái Tình, cái Xinh hay qua chơi với cháu đây.


***

Nhưng trẻ con vô tâm lắm. Ra tới bến tàu là quên Bà rồi, hớn hở vui mừng vì đủ thứ màu sắc, âm thanh sống động chung quanh. Lên boong tàu còn náo nhiệt hơn thế nữa. Người ta tìm chỗ gắn các cành đào, tìm chỗ để quà quê, gà qué, vịt ngan. Tôi nhớ có một gia đình con mang cả mấy cục đá nhìn như một chó lên tàu. Sau này mới biết là con chó đá hay để đầu nhà dưới quê.


Phụ nữ gần ngày Tết cũng đẹp lên. Ít ai mặc Tây lắm. Quần láng, răng đen, môi đỏ trầu. Đàn ông đóng khăn, phần lớn cầm ô. Có những người ăn mặc cũng lam lũ hơn theo người nhà lên Hà Nội. Tất cả mọi người đều nói chuyện lịch thiệp với nhau, không có cái nét gì là chủ tớ cả. Ngày đấy, người ta coi nhau là người nhà dù là người làm. Có khi trẻ con trong nhà cũng chẳng biết đấy là người làm đâu.


Lên lại Hà Nội thì chạy ngược dòng, mình cảm nhận được con tàu có khi rung lên, khói bốc lên nhiều hơn khi qua vùng xoáy ngược. Những người lái tàu thì có lúc nhìn nghiêm trọng lắm, có lúc họ lại uống trà ăn kẹo gừng. Tôi đoán chắc là có những khúc sông khó đi, phải tránh thuyền ngang qua lại, đánh cá.


Có những lúc tàu chạy ngang nhìn thấy cả bờ ruộng và những người nông dân. Họ đứng thẳng người lên nhìn con tàu, chắc như một kiểu giải trí. Sau này tôi nghe giải thích lại là dân chúng hai bên bờ sông, họ dựa vào tiếng còi tàu để mà sinh hoạt. Có những khúc chẳng thấy gì cả mà người ta cũng kéo còi nghe vang lừng cả sông. Sáng còn sớm, chim chóc hoảng sợ bay lên quang cảnh đẹp như một bức tranh Thủy Mặc. Có lúc kéo còi thì xa xa thấy có người từ lều canh ruộng bước ra, vẫy vẫy cái áo nâu. Chắc là họ quen nhau, kéo còi chào nhau hay sao đó.


Cụ nhà tôi hay cho phép tôi đi lung tung cả lên, bắt chuyện với đủ cả mọi người. Cụ giảng giải gì nhiều lắm nhưng còn bé quá, không thể nào nhớ nổi Cụ nói gì. Mãi sau này khi lập gia đình, có con rồi có cháu, mình mới hiểu nỗi lòng của thế hệ trước. Họ luôn muốn mình học hỏi gì đó, sợ là không còn thì giờ dạy dỗ mình. Mình tới hỏi đủ mọi thứ chuyện, cụ đứng từ xa cười. Lúc thì xin lỗi, lúc thì ý như giới thiệu thằng bé vô duyên này là ai.


Đường về cũng được các cô chú ở quê cho một con chim Bách Thanh. Giống chim này khôn lắm, mình thấy được nó quen với chung quanh, nháo nhác nhìn rồi hót. Những đứa trẻ con chạy tới coi, có vẻ như nó biết, nó lại càng hót nhiều hơn. Có những tiếng Chèo Bẻo, Chàng Chàng mà khó bắt chước, nó vươn cổ ra, sửa dáng để mà hót nhìn y như một nghệ sĩ.


***

Về tới Hà Nội thì về thẳng bến chứ không vào Bát Tràng nữa nhưng cũng không nhớ là ở bến nào. Từ Lò Sủ đi vào Hàng Dầu, gần tới nhà thấy Hồ Gươm xa xa thì bắt đầu nhớ quê rồi. Hồi đó đường xá dù vào Tết thì nhộn nhịp nhưng phố thoáng đãng lắm, nhìn xuống phía cuối phố thấy rõ Bờ Hồ mà. Tôi có một thói quen buồn cười là cứ đi vòng quanh Bờ Hồ đo xem bao nhiêu bước. Càng lớn, số bước càng ít dần thì biết là mình lớn lên, thích lắm.


Tối hôm đó bắt đầu nhớ Bà vì đây là lần về quê với Bà lâu nhất. Tôi may mắn có hai Bà ở hai quê khác nhau, khí hậu thổ nhưỡng khác hẳn. Xin hẹn hôm khác chúng ta cùng ôn chuyện cũ. Ngay cả chuyện này tôi kể cũng còn thiếu sót nhiều vì ngồi một lúc không nhớ ra ngay tất tật được.


Viết có gì sai, nhớ nhầm, nhớ quý đồng hương góp ý.


Có lần ngồi tự nhiên nhớ lại những người xưa, cảm thấy một đời người trôi qua nhanh quá, chẳng kịp làm được gì cả. Xin viết bài con cóc góp vui. Đây là một bài Hát Nói (một dạng Ca Trù) mà tôi hay được nghe hồi nhỏ, lớn lên thì sửa lời để hát vui vì lời chính của nó không thích hợp trên này. Xin lỗi là lâu quá nên không còn nhớ tác giả là ai, hình như là cụ Cao Bá Quát thì phải.


***

CÓ LÀ BAO, Hát Nói


Từ lúc sinh ra tới lúc 54 thì vẫn còn trẻ nít

54 tới 75 cút kít chuẩn bị già

Lúc đầu óc minh mẫn thì chẳng được ở nhà

Ngẫm lại đời người muốn sống tốt, vui thú với trăng hoa

Chẳng được bao lâu thì đầu óc già cạn kiệt


Lại còn đi học đi hiếc, đi thi đi thiếc, làm quan làm kiếc, giành danh lợi với người

Chợt nhìn lại 100 năm chẳng mấy lúc thấy thảnh thơi

Thôi thì quẳng hết cơ ngơi

Lên Động Hoa Vàng mà ngủ.


LT



Lần đó về quê lúc lên nhớ là được cho một chú chim. Anh Thai Bui nói bến đò Tân Đệ tôi mới nhớ ra là tàu đi về Nam Định thì xuôi dòng, lên Hà Nội lại thì ngược dòng, thở phì phò và đi xa hơn. Tàu về Nam Định nghỉ, sáng sau lại về Hà Nội, cứ chạy đan ngày như thế.

Cái con chim mang lên HN gọi là chim Bách Thanh ở quê, lên HN người ta gọi là Tiểu Ưng. Nó là chim bé như con sẻ nhưng khỏe, dữ và vui tính. Gọi là Bách Thanh vì nó hay bắt chước giọng mấy con chim khác. Chèo Bẻo, Vàng Anh, Sáo... nó bắt chước được hết. Lạ nhất là cả con Chim Lợn mà nó cũng bắt chước được vì Chim Lợn ngủ ngày, đêm mới xuất hiện thì Bách Thanh đi ngủ rồi. Dạo gần đây ở SG người ta bắt đầu chơi Bách Thanh trở lại nhưng tôi thấy nó không bắt chước được nhiều giọng, có lẽ do môi trường thiên nhiên không được như xưa.

Hồi đó ở quê chim chóc nhiều lắm. Có con gọi là Phượng Hoàng Đất, chắc gọi có chữ "Đất" vì nó chỉ đứng dưới đất mà ăn. Nó và con Bách Thanh là 2 con ăn uống kỳ lạ. Một con mang thức ăn lên cây phơi ăn, một con dấu mọi nơi. Con Bách Thanh hót hay lắm, đủ mọi giọng.

Đi bắt chim là một cái thú nhưng Bà không cho. Nghĩ lại thấy mình cũng ác. Có 2 cái trò lạ mà tôi thấy ở quê và Vùng Ông Tạ, giờ nhớ ra kể luôn.

Ở quê người ta "câu" chim, tức là có lưỡi câu hẳn hoi. Chỉ câu một loại chim nào đó thôi khi muốn bắt sống nó. Thả mồi giống như câu cá, chim ăn vào vướng hay vùng mỏ, không xuống tới cổ họng. Người ta thả rất nhiều lưỡi, để đó rồi hôm sau quay lại bắt. Chim dính lưỡi câu không bay lên được, cứ vậy mà gỡ ra.

Ở Ông Tạ có lần tôi thấy anh Thạch Chè nhà Ông Bà Đường, hàng xóm của Tường Anh đó. Anh ta câu gì đó chỗ cửa sổ nhà Ông Bà Ngật. Hỏi thì mới biết anh ta câu thạch thùng. Có lưỡi câu, có mồi ra ruồi hẳn hòi. Cũng bỏ vào khe cửa sổ, nhử cho thạch thùng ăn rồi giật ra, chẳng hiểu là câu cho vui hay là làm cái gì?

Mấy nhóc con chỗ đó còn lấy cả dầu hỏa cho vào chai thuốc nhỏ mắt, nhỏ lên con ruồi nhặng thì nó đơ ra, chết ngay tại chỗ. Tôi cũng không hiểu ai bầy ra trò đấy.

Hà hà, tôi đi lạc rồi đúng không?

LT


Tôi nghe người lớn kể lại cái mâm đồng nói ở trên chặn được cả đạn, không biết đúng không. Nó dày và nặng lắm. Mỗi lần Tây đi càn mà thấy mâm đồng thì tội nặng lắm, chắc Tây coi đó là vũ khí chăng?

Lũ trẻ có lần lấy mâm đồng ra chơi. Tôi khiêng nó, bên kia giả Tây Lê dương ném đá. Tôi vừa chạy vừa đỡ thì tông vào cái chỉnh tương cùa Bà. Hôm đó Bà lại qua bên kia sông thăm cháu họ của Bà, thế là bị tẩn cho một trận nhớ đời.

Ông Phạm Duy viết "Tôi mê trời mây tía, không nghe Mẹ gọi về" rất đúng. Ở quê, ruộng nằm bên ngoài làng. Gần nhà thì có con sông nhỏ tách dòng chảy róc rách cả ngày. Mùa lúa non ra ngoài ngó ra thấy mênh mông đồng xanh, đẹp lắm. Trời chiều xuống hôm mây tía hôm mây đỏ rực, có thể mê mẩn ngồi cả buổi chiều không thấy chán.

Đi chợ quê cũng vui lắm. Người bán trầu cau người bán chỉ vài con cá bó rau thôi. Người vác bó mía ra đổi rau. Thỉnh thoảng có cả kẹo bột ai mang về bán và kẹo gừng dẻo. Người ta bán cả nước chè (tức là nước trà đó) với thuốc lào. Ai cũng tay thúng tay mẹt. Mà cái mẹt nhìn đẹp không hiểu sao lại gọi nhau là mặt mẹt.

Cô Tường Anh, cô Nguyễn Hương có dịp về quê chơi, ở lại vài ngày xem có thích không? Người ở quê hiền lành, phải sống cùng với họ thì mới cảm thấy rõ. Họ có thể "dữ dằn" vì phải cương ra với xã hội bây giờ, nhưng về nhà, quen rồi thì cái tình quê lộ ra. Hồi nhỏ, có khi tôi lang thang qua những nhà khác trong Làng chơi. Theo cảm nhận của cá nhân thì chưa chắc người Bắc đã khách sáo như người ta nói đâu. Mà thôi, bàn vào đấy lạc đề, 100 người 1000 ý.

Bà tôi thì dĩ nhiên là chít khăn mỏ quạ. Nghe kể là hồi còn trẻ, Bà mà giận là Bà qua bên kia sông ở với cháu, có khi đi vài ngày, vài tuần mới về lại. Thời ấy thì qua được cái sông là khó khăn và đâu có facebook để mà gọi về. Bà chít cái khăn, Bà hay cho tôi đi theo ra chợ ngày ở khúc con đê. Hình như người ta hay dùng con đê làm chỗ tụ họp, chỗ đón người nhà từ thành phố về. Đình Làng thì chỉ được dùng cho các việc quan trọng có tính văn hóa thôi.


LT