Họ Hà Sở Thượng Làng ta
Vốn xưa Gia Viễn, Thanh Hoa, Làng Bùi
Tổ ông Phúc Quảng là Ngài
Sinh ông Phúc Hải là trai thứ nhì
Hải Công mắc phải oan nghi
...
Đó là những câu thơ (trong Gia Phả?) một đồng hương gửi tới hỏi thêm chi tiết. Xin phép đăng lên DHOT để các bạn trẻ hiểu hơn về vùng đất ông bà mình từng sinh ra.
Trước khi theo dấu vết bài thơ trên, cũng xin trình bày một vấn đề các bạn trẻ ít để ý tới. Chúng ta hay nói tới Giáo Xứ hay Thôn/Làng/Huyện, đấy là 2 đơn vị về Tôn giáo hoặc Hành chính. Có một đơn vị tạm gọi là "đơn vị ngầm" người ta rất ít khi ghi lại, đó là các vùng có giao thương, qua lại, buôn bán với nhau. Ví dụ như vùng Ninh Bình, kéo qua Ý Yên, Vụ Bản, Nam Trực (Nam Định), và có lúc kéo dài qua sông tới Vũ Thư, Thái Bình.
Nếu các bạn đọc các văn bản, di tích của quê nhà sẽ thấy việc giao thương ở các vùng "đơn vị ngầm". Có khi rất rõ ràng như ông tướng họ Bùi ở tuốt ngoài đấy mà lại khởi nghĩa theo Lê Lợi ở Lam Sơn, Thanh Hóa. Rồi danh sách các "nghịch tặc" thì có khi làm phản chạy ra ngoài vùng Nam Định, có khi làm phản chống chúa Trịnh ở Nam Định rồi chạy vào Thanh Hóa.
***
Gia Viễn, Thanh Hoa ở đâu?
Năm 924, Đinh Tiên Hoàng từ một cậu bé nghịch cờ lau đã thống nhất 12 Sứ quân, lập ra nhà Đinh. Xin lưu ý trước đó Ngô Quyền chỉ xưng Vương, còn Đinh Tiên Hoàng thì là người đầu tiên xưng Đế, ý nói "tôi với bạn (TQ) cũng ngang nhau đấy nhá". Đinh Tiên Hoàng chính là người Gia Viễn. Lúc đó địa danh Thanh Hoa cũng chưa có. Vậy thì đất Gia Viễn là đất tổ, đất cưng của Đinh Tiên Hoàng.
***
Nói lạc đề chút... Các bạn hơn lớn lớn bé bé chắc còn nhớ hồi sau 1975, tối tối xúm lại coi tuồng Thái Hậu Dương Vân Nga (Thanh Nga) đóng, đấy chính là bà Thái hậu đời nhà Đinh nối qua Tiền Lê đó. Có lần đang ngồi nói chuyện thì lũ trẻ la lên "có điện rồi" (thời cúp điện mà), rồi người lớn thì lại 2 tụ điểm là nhà Ông/Bà Phúc và Ông Nhuận, hóa ra là tối đó có cải lương tuồng Thái Hậu Dương Vân Nga. Trẻ con thời ấy thì lại thích Trong Nhà Ngoài Phố...
***
Vậy Gia Viễn là đất khởi nghiệp của nhà Đinh. Sau đó nước ta bị nhà Minh đô hộ, Lê Lợi khởi nghĩa năm 1425 (gần 500 năm sau). Đây là lúc Nhà Lê đặt ra Trấn Thanh Hoa. Đến đời nhà Mạc thì lại chia Thanh Hoa thành Thanh Hoa Nội Trấn (phía bắc) và Thanh Hoa Ngoại Trấn (phía nam, từ núi Tam Điệp trở vào). Đến đời Minh Mạng thì mới lập ra Ninh Bình, và Gia Viễn chính thức thuộc Ninh Bình.
Gia Viễn phía đông giáp Ý Yên, Nam Định (trước đó Ý Yên thuộc Thanh Hóa), phía tây giáp Nho Quan (là bến đò Nho Quan) mà cô Bích hỏi tôi hôm nọ. Từ Gia Viễn mà qua Ý Yên sẽ phải đi Đò Ngang qua Sông Đáy.
***
Tôi cũng xin nói thêm với các bạn trẻ. Đò Ngang không chỉ là cái đò chạy ngang sông như cái phà. Đò Ngang là một tài sản quốc gia, một đơn vị được quản lý. Thời xưa thì khi ghi chép vào sổ sách, người ta ghi rõ Trấn này có bao nhiêu cái đò ngang, bao nhiêu cái cầu đá, đinh, điền, nội, ngoại tịch ra sao.
***
Họ Hà Sở Thượng Làng ta
Vốn xưa Gia Viễn, Thanh Hoa, Làng Bùi
Hai câu trên có nghĩa là họ Hà xuất phát từ Gia Viễn, đất Thanh Hoa xưa vào thời nhà Lê. Sau đó họ Hà đã đi lánh nạn về hướng đông bắc, vượt sông Đáy vào Ý Yên, vẫn là đất Thanh Hoa vào thời điểm đó. Người viết những câu thơ này sống vào thời sau Minh Mạng nên Gia Viễn, Thanh Hoa đã thành Gia Viễn, Ninh Bình, cho nên cụ mới phải viết rõ "Gia Viễn, Thanh Hoa".
Làng Bùi là một Làng nằm ở Thanh Hoa Ngoại Trấn, không phải một làng ở Thanh Hoa Nội Trấn. Tại sao cụ lại viết Làng Bùi thì tôi cần thêm thông tin mới biết được. Có xác xuất là gia đình trước đó ở Thanh Hóa Ngoại Trấn, rồi lên Thanh Hoa Nội Trấn, Gia Viễn, rồi mới qua Ý Yên.
Vì sao tôi lại đưa ra giả thuyết đó? Vì như trình bày ở trên, người vùng Ý Yên, Nam Trực từ xưa đã đi xuống Thanh Hoa Ngoại Trấn (và ngược lại). Đi vì lý do chính trị chứ không phải đi buôn bán, làm ăn. Cho nên cái câu "Hải Công mắc phải oan nghi", tôi cho là có liên quan.
Xin tạm ngưng. Nếu gia đình đưa thêm thông tin và nếu tôi biết được chút ít gì, sẽ hồi đáp thêm. Cảm ơn gia đình đã gửi một bài thơ rất lý thú, để tôi có dịp ôn chuyện xưa, và cho phép tôi trả lời trên DHOT.