.Tân Xuân nhớ Cố Nhân....
Linh mục Mai Chí Thành
Nhiều người ở khu ông Tạ biết nhiều, biết rõ về linh mục Mai Chí Thành là hiệu trưởng của trường trung học Thánh Giuse trong giáo xứ Nghĩa Hòa và là cha phó quản nhiệm giáo xứ này của những năm trước 1975. Người viết ngày đó còn bé nên chỉ nghe danh ngài chứ chưa bao giờ được gặp mặt. Đến khi đi vượt biên và được định cư ở Hoa Kỳ cho đến năm 1984, khi chú của người viết, cũng là linh mục, Nguyễn Phúc Thừa, cử hành lễ ngân khánh của mình ở xứ đạo St. Dominic thuộc thành phố Wyoming, Illinois, thì có mời cha Mai Chí Thành đến dâng lễ đồng tế cùng một số các cha bạn Mỹ và Việt nam cho dịp kỷ niệm 25 năm ngày thụ phong linh mục của mình, thì người viết mới được hân hạnh gặp mặt ngài lần đầu tiên...
Cũng như chú của người viết, cha Mai Chí Thành đi du học trước năm 1975 và đã kẹt lại không về nước sau biến cố tháng 4 năm 1975. Chú của người viết và cha Mai Chí Thành có cùng một ước vọng ngày đó là sau khi tốt nghiệp xong đại học sẽ về lại nước nhà và mở trường đại học dạy cho sinh viên Việt nam mình những điều hai ngài đã được học hỏi ở ngoại quốc để xây dựng đất nước mình. Chú của người viết lúc đó đã tốt nghiệp xong bằng tiến sĩ về giáo dục (PhD in Education) và cha Mai Chí Thành cũng tốt nghiệp ngành này theo người viết nghĩ. Nhưng vì biến cố tháng 4 năm 1975 nên ước nguyện của hai ngài không thành nên đó cũng là một điều đáng tiếc và đáng buồn cho ước mơ của hai ngài nói riêng và cho đất nước mình nói chung…
Cha Mai Chí Thành được bổ nhiệm làm cha xứ cho một họ đạo Mỹ ở một tỉnh nhỏ, Farmer City, gần hai thành phố sinh đôi Urbana-Champaign, nơi có trường đại học lớn nhất của tiểu bang Illinois mà người viết lúc đó đang đi học ở đây. Để khỏi dài dòng mất thì giờ của quý vị, cha Mai Chí Thành trở thành thân thiết với ông bà cụ nhà tôi sau khi chú tôi mất đi trong một tai nạn xe cộ vào một ngày cuối thu năm 1988. Cha coi chúng tôi như người nhà cha và chúng tôi cũng quý cha như người trong gia đình mình vậy. Khi không bận việc nhà xứ, cha phone cho ông bà cụ nhà tôi để tới thăm. Mỗi lần như vậy cha hỏi mẹ tôi có nấu gì cho cha ăn trưa thì mẹ tôi đáp lời cha thích ăn món gì thì lúc nào cũng sẵn sàng có cho cha dùng. Cha thích những món ăn thuần túy Việt nam như canh cua rau đay, rau mồng tơi hoặc rau muống xào thịt bò, mẹ tôi trồng được trong mảnh vườn nhỏ ở sau nhà. Những món ăn Việt nam mà ít khi cha có dịp được thưởng thức, vả lại nhất là cha ở một mình, có bà làm bếp người Mỹ nên không có nấu những món ăn Việt nam. Cha cũng thích những món cá kho, canh chua cá trê, chả giò, thịt heo xâu que nướng, các món canh, nhất là những món xôi, vân vân… Mỗi lần ngài ăn những món mẹ tôi nấu và thường nói “Tôi chưa bao giờ được ăn những món canh ngon, xôi ngon như những món ăn mà bác nấu cho tôi ăn.” Khi ngài về, mẹ tôi bao giờ cũng gói thêm những món ăn đó để cha mang về cho ngày hôm sau…
Gia đình chúng tôi quý cha vì mỗi lần gặp ngài luôn nở trên môi một nụ cười đôn hậu. Cha nói chuyện rất dễ dãi và thức thời. Không cấp tiến mà cũng không quá bảo thủ. Cha hiểu tuổi trẻ nhiều. Sống trên đất Mỹ cha hấp thụ đời sống ở đây rất nhanh và thẳng thắn như người bản xứ. Vài lần tôi và mấy anh chị em đi shopping gặp ngài cũng đi shopping ở Champaign.
Chúng tôi phải nhìn kỹ mới nhận ra ngài vì ngài thích diện đồ civil chứ không mặc áo đen với cổ áo trắng như các linh mục khác. Ngài thích đi shopping như là một cách tập thể dục và thích nhìn những con người, cảnh vật, đồ vật mới lạ. Ngài rất có óc thẩm mỹ, vì gia cư của ngài sắm sửa đầy đủ, ngăn nắp và trình bày rất mỹ thuật. Phòng nào cũng gọn gàng ở tư gia của ngài. Ngài thích đi xe mới cho an toàn vì cứ mỗi ba năm ngài lại đổi xe mới. Có lẽ vì thấy chú tôi bị tai nạn xe cộ nên ngài khôn ngoan muốn tránh chuyện đó. Nhiều người cho rằng cha quá ư là Mỹ hóa. Tôi thì cho rằng cha biết cách sống vì nhập gia thì phải tùy tục. Hơn nữa ít ai biết được đời sống của các cha nên nhiều khi có những người hơi cực đoan và phê phán không đúng chỗ. Hơn nữa, nếu ai đó không giúp đỡ được gì cho các linh mục, tu sĩ, thì không nên có ý kiến gì hết vì mình không ở trong hoàn cảnh đó nên làm sao biết được đời sống của người khác.
Thứ nhất các linh mục đi coi xứ đạo ở bên Hoa Kỳ không giống như các cha xứ ở bên quê nhà. Ở Việt nam theo tôi nhận thấy thì khi các linh mục được bổ nhiệm là cha xứ thì như một ông lãnh chúa coi một lãnh thổ riêng của mình, có thể cho hết đời mình ở xứ đó. Các cha có nhiều quyền thế, giáo dân coi trọng và quý mến vì biết các ngài đã hy sinh đời mình cho chúa , cho giáo hội và giáo dân. Trong khi các cha ở bên Mỹ khi được tòa tổng giám mục giao cho đi coi xứ thì như là được một công tra đi làm thuê vậy. Mỗi nhiệm kỳ cho một xứ đạo là sáu năm rồi sau đó sẽ được đổi đi qua xứ khác. Nếu giáo dân thích và quý mến cha xứ thì đức tổng giám mục cho thêm một nhiệm kỳ nữa nếu được giáo dân xứ đó thỉnh cầu lên toà tổng giám mục. Nhiều xứ đạo giáo dân, kể cả giáo dân người Mỹ hoặc giáo dân người Việt, nếu có kỵ hiềm hoặc bất đồng với cha xứ là họ có thể viết thư lên toà tổng giám mục than phiền, khiếu nại và xin có được cha xứ mới. Làm cha xứ bên Mỹ này như là làm dâu cho trăm họ, khó mà làm vừa lòng tất cả mọi người. Thêm vào đó, lương tháng các cha rất ít, chỉ bằng một phần tư lương bộc người đi làm bình thường. Muốn có thêm tiền riêng để dành về hưu thì các linh muc dâng lễ do một số giáo dân khẩn cầu các ngài làm để cầu nguyện cho người đã khuất, cầu xin hòa bình hay những ý chỉ khác. Nhiều người không biết các linh mục ngoài việc làm lễ giảng đạo hàng ngày và cuối tuần, các ngài còn đi viếng thăm những nhà tù và giảng đạo cho tù nhân, viếng thăm những nhà dưỡng lão. Nửa đêm gà gáy có ai hấp hối gọi điện thoại là phải đi đến đó để xức dầu, thêm sức cho họ, vân vân… Đây chỉ là một vài điều người viết biết được vì ngày đó được sống với chú mình một năm. Còn những công chuyện khác các linh mục làm không màng danh tiếng thì nhiều lắm nhưng tôi không thể biết hết được…
Vào mùa thu năm 1990, cha Mai Chí Thành được ông bà cụ nhà tôi mời cha đứng ra làm cha chủ tế cho lễ thành hôn của chị tôi và ngài rất vui vẻ và hoan hỉ nhận lời. Vì chú tôi không còn nữa nên ngài coi gia đình chúng tôi như người thân trong nhà của cha vậy, mặc dù anh em con cháu ngài rất đông cư ngụ ở tiểu bang California. Và cha cũng làm lễ rửa tội cho hai đứa cháu đầu tiên ở trong nhà thờ nơi ngài làm chánh xứ ở thành phố Farmer City. Sau này vì công việc, chúng tôi mỗi người một phương nhưng cha Mai Chí Thành vẫn sống ở nơi thành phố ngài định cư đầu tiên ở đó. Gia đình chúng tôi vẫn giữ liên lạc với cha qua điện thoại và những tấm thiệp giáng sinh. Bây giờ nghe tin cha đã có tuổi và bị đãng trí nên vào viện dưỡng lão có người giúp (assisted living - Tôi không có được thêm tin tức mới về cha khi viết xong bài viết này.) nên chúng tôi không biết làm gì hơn là chỉ cầu xin cho cha được chúa luôn phù hộ cho ngài khỏe mạnh, thần trí được thảnh thơi (Nếu quý đồng hương nào biết đến cha cũng xin cầu nguyện cho ngài) và khi được chúa gọi về thì ngài được ra đi nhẹ nhàng thanh thản….Vì sinh tử là luật tự nhiên nên không ai tránh khỏi điều này, như người bạn tri kỷ và cũng là người anh kết nghĩa với tôi, Larry Sundin, thường nói “Nobody get out of this world alive.” Nên chúng ta cứ bình thản đón nhận điều tự nhiên đó…