Cái Cò Mà Đi Ăn Đêm

May be an image of wading bird and nature


Những Cánh Cò - Phần Một


Cái cò mà đi ăn đêm

Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao


Thân Cò trắng muốt, dáng Cò thanh cao. Xứng danh người đẹp. Tưởng gốc gác tiểu thư. Thế mà Cò lặn lội kiếm ăn lúc mọi người yên ngủ. Rồi trong đêm tối, Cò bước phải cành mềm mà té chúi xuống nước.


Đã có những cánh Cò như thế trong mấy chục năm nội chiến. Những thước phim quá khứ xin được bắt đầu bấm máy.


Cò nước mắt ngắn dài nhìn chồng rời khỏi nhà. Cò biết đây có thể là lần cuối thấy nhau. “Mời ông Ký Lục lên hỏi chuyện” chỉ là cái cớ. Liên hệ, công việc và uy tín của ông Ký Lục với đảng của ông mới là lớn chuyện.


Ông Ký Lục không là con một, nhưng con trai duy nhất có cháu nối giòng. Khi ông vì lý tưởng chọn con đường nguy hiểm, mẹ ông chả cản. Có lẽ cụ muốn con trai được sống hùng, sống can đảm. Cò về làm dâu, học theo ý hướng ấy. Cò lặng lẽ giúp chồng: khi nấu ấm chè xanh cho các ông thấm giọng mà bàn việc lớn, lúc xếp tay nải để chồng sang làng khác họp hành…


Bàn cờ chính trị đẩy đảng phái của chồng Cò vào thế yếu. Cò thương chồng và xót cho nhóm người trí thức. Cò nghe lõm bõm những lần họ đối ẩm thi phú, bình phẩm Ca Trù, liệu tính việc nước… Họ giỏi, trí thức, liêm chính. Nhưng Cò hiểu họ không có khả năng gian manh, thủ đoạn và tàn ác, mà Việt Minh thì có, lại có đầy, có nhiều. Và vậy là ông Ký Lục bị đưa đi. Rất nhiều đồng chí của ông cũng thế. Một số rơi đầu. Ông Ký Lục chết vì đòn roi trong trại Lý Bá Sơ.


Cái ngày Cò dẫn thằng Giống đi tìm xác bố nó, nó 15 tuổi. Con Hà 12, con Bí lên 5. Cò ba mươi bảy tuổi. Cò không có cơ hội hờ chồng. Nước mắt không cạn, nhưng phải nuốt vào trong để thằng Giống bớt đau đớn, để căng mắt căng tai đối phó với thủ đoạn giăng đầy chung quanh. Cò vượt bao cây số đường làng, đường rừng… Trại Lý Bá Sơ Cò đã đưa được thằng con nối giòng của chồng đến tìm cha, nhưng cái cách biệt giữa thói tiểu nhân trả thù phe đối lập mới là quãng xa Cò vượt qua không được. Người ta không cho nhận xác.


Lần duy nhất người ta cho gặp mặt, thằng Giống có đi cùng mẹ. Nó kể bố nó có rất nhiều vết thương do bị đánh, đến nỗi ông đi không nổi nữa. Phần Cò, Cò biết chồng không qua nổi, và phe đối lập chắc chắn sẽ thủ tiêu ông. Cò cũng hiểu chuyện đưa xác về chôn cất trong đất nhà là chuyện họ chẳng bao giờ cho phép. Cò đau xót cái cách người ta đối xử với chí sĩ ngã ngựa. Cò phẫn nộ cái lối kẻ gian manh chiếm thế thượng phong triệt tiêu đối thủ.


Chồng không còn, xác chẳng biết bị vùi ở đâu, Cò hiểu phần nào tâm ý của mẹ chồng, và nhất định để cho thằng Giống bước theo bố nó.


Phe thắng thế càng lúc càng hiểm ác. Cụ Diệm thành lập chính phủ trong Nam. Cò bàn bạc với mẹ chồng, anh chồng, chị chồng… Chia ly là chuyện phải chấp nhận. Cò lãnh trách nhiệm đưa thằng Giống và hai em gái nó vào Nam, có chị chồng cùng đi giúp đỡ. Giống lúc ấy gần 18 tuổi, nó được đưa vào Nam trước trong nhóm đi lập trại tản cư. Cò không phải dẫn con trai, nhưng gồng gánh đưa lên tầu cánh ngầm mười mấy thằng bạn nó. Thân phụ của chúng cũng chết mất xác y như bố thằng Giống.


Những ngày đầu trong Nam khó khăn ra sao, chỉ ai đã đi qua mới thấm. Thằng Giống và đám thanh niên bạn nó thì hào hứng tìm hiểu miền đất mới, phong tục mới, thức ăn mới… Chúng say sưa với chí hướng xây dựng quốc gia. Cò thấp thoáng thấy tương lai của Giống và lũ bạn nó: rồi cũng sẽ vì thanh liêm mà nghèo, vì cam đảm mà bị trù dập, vì lý tưởng mà nguy hiểm đến bản thân.


Cò gặp được một người từng nhận ơn của ông Ký Lục. Họ giúp Cò vào chân giám thị nhà giam Chí Hoà. Cò chính thức đóng vai nghiêm phụ, và người chị chồng ở nhà lo cơm nước cho 3 đứa cháu cùng bạn chúng. Sau đó, có những gia đình vào Nam và đưa con về nuôi dậy, có những đứa vẫn ở lại với hai bà mẹ nuôi này rất lâu. Hai bà còn là người đi hỏi vợ cho chúng.


Hỏi đứa cháu nội của Cò, nó bảo chẳng bao giờ thấy Cò than thân trách phận. Tâm trạng tủi hờn Cò cất đi đâu không biết. Chỉ thấy Cò khi lao ra chợ đời thay chồng nuôi dậy con, dù có bước phải cành mềm vẫn lo toan bước những bước sau cẩn trọng hơn, dù có lộn cổ xuống ao vẫn loi ngoi leo lên, rũ nước trên mình để lại kiếm ăn.


Khi đã có cháu nội, cháu ngoại, Cò chọn ở với những đứa cần Cò chăm bẵm. Mà Cò ở với con gái thì bớt phần quà để gọi cháu nội lên chia. Cò ở với con trai thì đi chợ không quên mua thêm cho cháu ngoại. Giai thoại ly kỳ những đứa cháu hay kể với nhau: Bảy đứa cháu, đứa nào cũng bị đứt giây võng với Cò một lần. Chả biết vì sao, thế nào cũng có lần Cò mắc võng đưa cháu và đứt giây. Giai thoại ngọt ngào thì phải kể đến tiếng ru của Cò. Giọng ru đặc biệt lắm. Không phải ngân nga hay ngọt lịm, mà nó nỉ non. Hình như chỉ những khi hát ru cháu, Cò mới để lộ nỗi buồn của goá phụ, nỗi đau của mẹ, nỗi xót của bà, nhất là trong bài Thề Non Nước. Cò cũng hay hát Đồng Đăng.


Cò mất ở tuổi 95. Rất thọ! Lúc đã không còn đi lại được, có hôm Cò bảo con cháu nội: “Bà không biết bà sống lâu để làm gì. Chắc là ông mày muốn bà biết rõ các cháu nội cháu ngoại của ông khôn lớn thế nào, để khi gặp thì kể cho ông ấy nghe.” Đứa cháu hỏi nếu gặp lại, Cò có sẽ còn mê cái ông đẹp trai ấy không. Cò bật cười và mắng bằng câu đã có trademark: “Quạ nó mổ mẹ mày!”


Đấy, Cò đấy, sức đã kiệt vẫn thấy lý do tích cực để sống cho hết kiếp.


Những ngày cuối cùng, Cò ngủ nhiều hơn thức. Vài chục phút trong ngày mở mắt, Cò nhìn chăm chăm vào hình ông Ký Lục treo bên tường. Cò chả còn nhớ đứa con, cháu nào ngoài thằng Giống. Có thể vì nó giống ông Ký Lục như đúc. Có thể vì Cò muốn nói với con trai rằng Cò hãnh diện về những quyết định thanh liêm và can đảm trong suốt đời binh nghiệp của nó. Mà đúng thế, Cò luôn luôn giúp con đi con đường của sĩ phu thời loạn, kể cả lúc nó bỏ Mỹ về Việt Nam trong những ngày Saigon hấp hối.


Đấy, Cò đấy, suốt đời can đảm ủng hộ lý tưởng.


Giờ Cò nằm đó, dưới 3 thước đất. Xưa ông Ký Lục viết hai câu thơ lên nón làm quen Cò, nay xin mượn 2 câu thơ của người từng biết Cò, lại có thấp thoáng bài ru Cò từng ru các cháu:


Cây Ngô Đồng không trồng mà mọc
Mộ bà nằm, cỏ mọc dọc ngang

(Le MT)

Cò ơi, ai đếm được có bao nhiêu cánh Cò đã ba chìm bảy nổi qua mấy chục năm nội chiến? Bài viết này xin gởi đến tất cả những mảnh đời ấy.

Nguyễn Hà Tường Anh