Những lần Kênh Nhiêu Lộc Lên Sóng

 
Đây là những góp nhặt góp vui không có giá trị lịch sử. Mời quý đồng hương đọc cho vui và góp thêm các chi tiết khác nếu biết.
***
1820, Gia Định Thành Thông Chí, Trịnh Hoài Đức viết:
"(bà) có chồng là thư ký mỗ, nên người đương thời gọi là bà Nghè mà không xưng tên. Sở dĩ có tên ấy là do khi đầu bà khai hoang đất ở, cho bắc cầu ngang qua rạch để tiện việc đi lại nên gọi là cầu Bà Nghè, cũng gọi sông ấy là sông Bà Nghè…”.
“Sông Bình Trị có tục xưng là Bà Nghè ở đất tổng Bình Trị, ở phía bắc trấn lỵ từ sông Tân Bình qua cầu ngang, ngược dòng mà về phía tây, 4 dặm rưỡi thì đến Cao Mên (cầu Bông), chạy về phía tây bắc cầu Phú Nhuận; 6 dặm rưỡi nữa đến cầu Huệ, tột nguồn, đất hoang đầy đầm lầy…”.
LT: Kênh Nhiêu Lộc "lên sóng" gián tiếp, được nhắc tới như "sông Bà Nghè", tức là "Thị Nghè" sau này.
***
1923, Tạp chí Nam Phong số 77, 11/1923 do Nguyễn Ánh Tuấn sao lục, chép lại bài Gia Định Phú (không rõ tác giả):
Phủ Gia Định, phủ Gia Định, nhà đủ người no chốn chốn
Xứ Sài Gòn, xứ Sài Gòn, ở ăn vui thú nơi nơi.
Coi ngoài rạch Bà Nghè, dòng trắng hây hây tờ quyến trải,
Ngó lên đồng Ông Tố, cây xanh mịch mịch lá chàm rai.
Cây da Thằng Mọi coi bán đủ thuốc xiêm cau mức,
Cái cầu Cao Miên thấy làm nguyên cột vắp ván trai.
LT: Kênh Nhiêu Lộc "lên sóng" lần này với tên "Rạch Bà Nghè".
(Cầu Cao Miên là Cầu Bông).
***
1929, Nhà báo Nguyễn Bá Thế viết trong tờ Xuân Lạp Trường xuất bản 1970, do Phan Thứ Lang kể lại như trong Sài Gòn Vang Bóng:
Dịp gần Tết Nguyên Đán 1929, Phan Khôi, Ngô Tất Tố, Tản Đà… uống rượu trên thuyền gần cầu Bông thì có môt cô gái bán nem trên truyền trao lại một bài thơ…
“Chiều hôm thơ thẩn dưới cầu Bông,
Chợt thấy giang san luống ngại ngùng.
Tả ngạn Phan công đền khói lạnh,
Hữu giang Lê tướng mộ rêu phong.
Thuyền tình du tử buồm đang thuận,
Rạp hát ca nhi trống điểm thùng.
Già chết cái thân, trai chết óc!
Biết ai thầy thiếp, biết ai, chồng?
LT: Lần này Kênh Nhiêu Lộc chỉ "lên sóng" gián tiếp qua "cầu Bông" và "thuyền tình".
***
1998, Nhà văn Nguyễn Thụy Long (tác giả Loan Mắt Nhung) nhắc tới Kênh Nhiêu Lộc khi đi đưa đám cụ Bùi Giáng:
Một buổi đầu mùa thu ở Sài Gòn, trời cũng khá đẹp mặc dầu báo đài có thông báo cơn áp thấp nhiệt đới như mọi năm. Rồi tai ương đổ xuống. Nắng vàng ánh bạc trên kinh Nhiêu Lộc ở những căn nhà bị giải tỏa nham nhở hai bên bờ. Tôi qua cầu Công Lý xưa, đến chùa Vĩnh Nghiêm, xác của thi sĩ Bùi Giáng quàn ở Vãng Sinh Đường hay nhà Vĩnh Biệt cũng vậy. Ngay trên cửa vào trẹo một tấm "băng đờ rôn " màu đỏ khá lớn, chữ sơn trắng: Lễ truy điệu thi sĩ Bùi Giáng.
LT: Lần này Kênh Nhiêu Lộc "lên sóng" với đúng tên "Kinh Nhiêu Lộc".
***
Lần lên sóng gần đây nhất...
2021, trên Facebook Đồng Hương Ông Tạ, Kênh Nhiêu Lộc lên sóng rất nhiều qua những câu truyện câu cá rô, cá sặc, lội ngược lên hướng Đệ Nhất Khách Sạn, những khu nhà bị giải tỏa.
Tôi cũng đã mạo muội "mời ảo" cụ Bùi Giáng ghé chơi Ông Tạ, đi từ Xóm Gà qua Kênh Nhiêu Lộc tới Ngã Ba Ông Tạ qua bài thơ con cóc ở dưới từng đăng.
 
***
Bùi Giáng Ghé Ông Tạ
 
Ông Tạ mấy thế kỷ sau (*)
Phố thị còn thấy nguyên màu ấy không
Trời khuya, sáng sớm, hàng rong
Tiếng rao còn dội ở trong sương mù?
Giọng Bắc dịu vị Năm Tư
Thoang thoảng đâu đó, nghe như còn nồng
Mồ hôi đẫm áo nâu sồng
Ngày nào còn cấy ruộng đồng hoang liêu
Bể dâu đứt nhịp phù kiều
Phú Thọ Lều trú, liêu xiêu bóng gầy
À ơi... văng vẳng đâu đây
Đồng Đăng... Tô Thị... nhuộm đầy tóc sương
Lê Văn Duyệt, cuối con đường
Mùa xuân phía trước, miên trường phía sau (*)
Tóc xanh nay dẫu phai màu
Gặp nhau để vẫn cùng nhau hẹn rằng...
 
(*) Mai Sau Em Về, Bùi Giáng
(**) Chào Nguyên Xuân, Bùi Giáng
 
Bùi Giáng lang thang khắp Sài Gòn, Chợ Lớn. Tiếc rằng ông đã không viết bài thơ nào nhắc tới Kênh Nhiêu Lộc của chúng ta (hoặc là có mà chưa ai nhắc nhỉ)
 
LT