Ngày Xuân nhớ Thầy tôi - Cha tôi.
( Viết về Cha cố Bernado Nguyễn Xuân Thu, nguyên chánh xứ Hiền Đức-Xuân Lộc ), Minh Do
Những ngày cuối năm, theo truyền thống của dân tộc, anh em chúng tôi cùng lớp rủ nhau làm một chuyến hành hương về thăm phần mộ người Thầy tại một xứ đạo thuộc cây số 69, quốc lộ 52, Huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, nơi được coi là quê cũ của những Cựu học sinh Trường Trung học Công Giáo Văn Đức chúng tôi, sau “Thánh địa Lộc Hưng” thời niên thiếu.
Điểm đến của chúng tôi là nhà thờ giáo xứ Hiền Đức, thuộc Hạt Long Thành, Giáo phận Xuân Lộc, nơi anh em chúng tôi có rất nhiều kỷ niệm. Vùng đất này những năm bảy mươi vắng bóng người ở, một cách nói ví von nhà đạo mình là “Vùng hoang địa”, nơi Thánh Gioan Tẩy giả hơn 2000 năm trước đã từng vào ăn chay, hãm mình chờ ngày ra rao giảng Nước Thiên Chúa.( x. Mc 1.1-8)
Năm 1974, khoảng 200 giáo dân Giáo xứ Lộc Hưng (Chí Hòa, Sài gòn) theo Cha Bênađô Nguyễn Xuân Thu đi khai hoang, lập xứ tại khu rừng xã Thái Thiện (nay là xã Phước Thái, huyện Long Thành, Đồng Nai) và làm nên Giáo xứ Hiền Đức. Lúc đầu khai hoang cha qui hoạch đường chính vào nhà nguyện và hai con đường song song dẫn vào rừng, nơi trồng lúa, nơi trồng khoai mì (Sắn) cho giáo dân. Mỗi gia đình được chia khoảng 1000 mét vuông làm nhà và vườn cây trái hay rau xanh, còn đất trong rừng sâu thì mỗi hộ tùy theo nhân khẩu mà nhận đất canh tác. Cha Bênađô cùng giáo dân xây dựng một ngôi nhà thờ đầu tiên bằng gỗ, lợp tôn cách quốc lộ 51 khoảng 1,2 km.
Sau năm 1975, số giáo dân từ Saigon chuyển đến đông hơn. Tuy nhiên vì vùng đất gần quốc lộ cằn cỗi, không có sông, suối nên canh tác không đủ ăn, giáo dân phải vào sâu trong rừng cả chục cây số để khai hoang, đời sống rất cơ cực. Có sống bên cạnh cha những năm cuối thập niên 70 mới thấy được nỗi lo của người mục tử giữa đoàn chiên. Một mặt cha vẫn chạy đi chạy về Thành phố tìm kiếm công việc tiểu thủ công nghiệp cho giáo dân làm thêm, hướng dẫn giáo dân chăn nuôi heo, gà, thỏ. . . để cải thiện cuộc sống cho chính bản thân cha, cho các Dì phước và lo cho bổn đạo. Rồi lại phải xây dựng nhà thờ, nhà xứ, dâng lễ, ban các phép bí tích tại giáo xứ Hiền Đức, cha còn quản nhiệm giáo xứ Long Phước từ năm 75-78, gần đó. . . Một vị Linh mục tài ba, giáo sư Tiểu chủng viện Phát Diệm, từng là Hiệu trưởng một trường trung tiểu học Công giáo lớn, nay trở thành một lão nông chính hiệu mới thấy sự tân tụy, tất cả “Vì đoàn chiên” của ngài.
Năm 1982, đất đai Giáo xứ một phần bị quy hoạch làm nông trường cao su nên nhà thờ phải dời ra mặt đường như hiện nay. Lại làm lại từ đầu, với tầm nhìn xa từ ngày lập xứ, khu sân bóng trước đây cha dành ra gần cả mẫu đất, nay được dùng làm nơi xây nhà thờ và quãng trường Đức Mẹ Vô Nhiễm. Bốn năm sau, Cha Bênađô và cộng đoàn xây nhà thờ mới để có nơi xứng đáng thờ phượng Thiên Chúa. Cộng đoàn Giáo xứ Hiền Đức nhận Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội làm bổn mạng. Năm 1999, tháp chuông nhà thờ được khánh thành, cũng năm này cha Bênađô thành lập nhà nguyện giáo họ Thánh Phêrô. Ba năm sau, năm 2002 cha lui về nghỉ hưu tại nhà riêng phía sau nhà xứ. Cha Giuse Đỗ Mạnh Thái về kế nhiệm phụ trách Giáo xứ, tiếp tục hướng dẫn đời sống đức tin cho cộng đoàn.
Năm 2010, Cha Đaminh Vũ Đình Thái thuộc Tu hội Xuân Bích (nay là chánh xứ Nhân Hòa, Quận Tân Phú, TPHCM) được bề trên cử về thay thế Cha Giuse. Cha Đaminh đã cùng với cộng đoàn Hiền Đức xây dựng hệ thống tường rào, hội trường, đài Đức Mẹ, đài Thánh Giuse, văn phòng Ban Hành Gíao và nhà văn hóa. Hiện nay, cộng đoàn Giáo xứ Hiền Đức đã có cơ sở vật chất khang trang, ổn định và đáp ứng đủ cho nhu cầu mục vụ của Giáo xứ với 485 gia đình công giáo, gồm 2.080 giáo dân, Hiện nay cha Giuse Đỗ Năng Thức là chánh xứ đương nhiệm (2017).
9 giờ sáng, xe đến nhà thờ xứ, chúng tôi ghé chào thăm cha sở và giới thiệu về lớp chúng tôi, tại Việt Nam có hơn 20 bạn, trong đó có 2 linh mục: Cha TôMa Trần Văn Hội và Cha Đa Minh Vũ ngọc Thủ, cùng 01 nữ tu, hàng năm vẫn tổ chức họp mặt cùng gia đình tưởng nhớ các cha, các thầy dạy. Chúng tôi xin phép cha sở ghé vào nhà thờ viếng Chúa rồi ra viếng mộ ngài kế bên đài các Thánh tử đạo. Ngày cuối năm âm lịch, trời se lạnh, ngồi quanh ngôi mộ, bồi hồi tưởng nhớ đến thời gian khi ngài coi sóc giáo xứ Lộc Hưng. Anh em ở nơi khác đến học tại trường thì kể lại những kỷ niệm khi được thọ giáo nơi mái trường cha là Hiệu trưởng, cũng từng là thầy dạy môn Sử Địa. Riêng tôi, rất xúc động tôi đã kể rất nhiều về ngài mà tôi ghi lại đây.
Năm tôi 11 tuổi, rời mái trường tiểu học để vào trung học. Cha mẹ tôi không cho tôi thi vào đệ thất trường công vì chỉ muốn con học gần nhà, lại là trường Công Giáo ngay tại xứ đạo. Thế là tôi nghiễm nhiên trở thành học sinh trường Tư thục Công Giáo Văn Đức thuộc xứ đạo Lộc Hưng do cha Bênađô Nguyễn Xuân Thu là Hiệu trưởng, cha chánh xứ Giuse Maria Đỗ Đức Hân làm Giám đốc và cha Phụ tá Phêrô Lã Quang Hiệu làm Tổng Giám thị.
Tôi không nhớ rõ trường được chính thức là trường Trung Tiểu học từ năm nào, chỉ biết anh tôi, anh Đỗ Công Lý, sinh năm 1948, cùng các anh Đào Ngọc Mai, Phạm xuân Chiến đã học tại trường trên tôi 3 lớp. Khóa học của tôi tính từ năm 1962 đến 1966. Những năm đó, lớp chúng tôi có các thầy Vũ Huy Bá dạy toán hình, thầy Nguyễn Văn Liêm dạy đại số vào những năm lớp đệ thất, đệ lục. Lên đệ ngũ, đệ tứ là các thầy Dương Kinh Luân, Đinh Đức Mậu. Anh Văn thì thầy Peter Huy Yên, thầy Bùi ngọc Giao, thầy Đào Văn Sơn. Việt văn thì quý thầy Phạm Văn Toàn, thầy Bích, thầy Trần Quốc Hoan. Lý hóa là thầy Trịnh Ngọc Đỉnh, thầy Bùi Văn Trụ… và còn nhiều thầy nữa. Riêng sử địa, lớp tôi được chính cha Hiệu Trưởng - Tốt nghiệp Cử nhân Sử Địa - trực tiếp giảng dạy. Những khuôn mặt các thầy ngày ấy, đến nay tôi vẫn hằng lưu giữ trong tim để sau này khi đã trở thành một nhà giáo, hình ảnh các thầy vẫn không phai nhòa trong tôi.
Nhớ mãi khung cảnh mái trường thân thương, nằm bên cạnh ngôi nhà thờ xứ đạo, được chăm sóc bởi những người cha, người thầy đáng kính. Thầy tôi, cha Hiệu Trưởng Bênađô ưu ái tôi, nhưng cũng rất nghiêm khắc, sẵn sàng cho tôi điểm 16, 18 (Thang điểm trước năm 1975 tại miền Nam), và cũng rất sẵn sàng giáng cho những cái ký đầu hay những lời quở trách nặng nề khi không thuộc bài hay nghịch ngợm. Cha tôi, đúng vậy, vì những ngày có giờ sinh hoạt học đường, bằng vai trò một Linh mục Hiệu Trưởng, vừa giáo dục vừa rao giảng, ngài đã hướng dẫn chúng tôi biết dọn lòng khi tham dự Thánh lễ, biết cách cầu nguyện khi dùng phương pháp lặp lại những lời cầu nguyện tự phát mà chính ngài xướng lên trước. Thử hỏi có bao nhiêu người biết thưa cùng Chúa lớn tiếng bằng những lời cầu phát xuất từ môi miệng? Thầy tôi, cha tôi là thế đấy! Sau này khi lớn lên, chúng tôi còn được ngài chăm sóc qua việc gửi chúng tôi, các Huynh Trưởng Nghĩa Binh Thánh Thể, đi đào tạo theo Phương Pháp tự nhiên của phong trào Hướng Đạo, gửi đi học các khóa Huấn luyện Huynh Trưởng Thiếu Nhi Thánh Thể mà cha đài thọ hoàn toàn, bố mẹ chúng tôi không phải lo lắng về trại phí, về tiền mua tài liệu, trang phục… Chính nhờ ngài mà một thế hệ giáo dân trẻ chúng tôi trưởng thành.
Học trò của cha, con cái của cha sau này không ít người là nòng cốt của các Phong Trào Tông đồ trong Giáo phận, trong hạt Chí Hòa, trong Giáo xứ Lộc Hưng. Có người là Chủ tịch Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ như ông Minh, ông Tôn, ông Hinh. . . nhiều người là thành viên Ban Thường vụ như ông Đề, ông Thắng, ông Thịnh. . . người khác là Trưởng các đoàn thể, là Trưởng các khu họ trong 3 thập niên gần đây nhất. Nhiều học sinh trường Văn Đức nay đã và đang giữ các trọng trách trong xã hội, trong Giáo hội và cả ở nước ngoài. Cũng nhiều học trò của cha ngày ấy nay đang là các Linh mục như cha Thủ, cha Hội, cha Thành, cha Thắng, cha Khương, cha Quang, cha Trung, cha Phú và còn nhiều cha khác nữa. Rồi không ít tu sĩ như Sr Mỳ, Sr Hiền, Sr Lộc, Sr Hương… Rồi có học trò của cha nay là ông bà cố hay nhận là Bõ đỡ đầu cho các tu sinh, các dự tu…
Cha Bênađô được Chúa gọi về sau 59 năm Linh mục, 87 tuổi đời. Hôm ấy tôi không có mặt tại quê nhà để được nhìn cha lần cuối. Từ bên kia đại dương, bố tôi, người có thời gian cộng tác với cha trong cương vị chủ tịch HĐMV giáo xứ đầu tiên theo qui chế mới, cùng gia đình đã xin lễ tiễn biệt và cầu nguyện cho ngài. Hôm nay, chúng tôi, những học trò, những người con của ngài họp nhau tưởng nhớ công đức của ngài, dẫu rằng có ai đó không còn nhớ ngài nữa vì thời gian làm phai mờ trong ký ức họ.
Trọng kính Cha rất thân thương,
Nhân những ngày Xuân năm 2021 này, chúng con những người con, học trò vẫn nhớ đến Cha, đến người Thầy kính yêu: Cha Bênađô rất đáng kính. Một vị Mục tử đúng nghĩa của Giáo hội. Cha đã đi đến cùng đích của đời mình, chắc chắn ngài sẽ được đón nhận triều thiên mà Thiên Chúa đã hứa ban.
Chiều cuối năm Canh Tý.
Fx Đỗ Công Minh
Minh Do
https://www.facebook.com/groups/2004139939886509/permalink/2659281604372336/