Tiểu Học Tân Chí Linh

May be an image of street

 

Ảnh của Đăng Mạnh

 
 
Từ trường công lập Nam tỉnh lỵ Phan Rang tôi chuyển về trường tiểu học tư thục Tân Chí Linh (ÔngTạ) gần nhà vào cuối đông năm 1964.
 
Ngày đầu đến lớp _trong bộ quần áo đồng phục của trường cũ: áo sơ mi trắng ngắn tay bỏ trong quần short xanh với phù hiệu trường cũ vẫn còn nằm nguyên trên ngực áo _tôi bỗng cảm thấy mình bơ vơ và lạc lõng _xen chút những ngượng ngùng, bởi vỉ trước mặt tôi bạn bè trường mới đều đổ dồn những cặp mắt ngạc nhiên và soi mói trên bộ quần áo đồng phục tôi đang mặc _ Trường của bạn là tư thục nên không có đồng phục _nam nữ lại học chung một lớp _học sinh với đủ mọi kiểu áo quần với muôn mầu muôn sắc; con trai lại không phải bỏ áo trong quần _con gái không mặc đầm xanh như trường Nữ Phan Rang mà các chị tôi đã từng theo học _
 
Giờ ra chơi tôi lủi thủi một mình trên ghế _hai tay cứ vân vê cây thước kẻ 3 mầu đen đỏ vàng trên bàn_ đôi mắt lơ đãng nhìn qua song cửa bên kia văn phòng Cha Hiệu Trưởng_ trên dẫy hành lang độc nhất _ học sinh các lớp nhộn nhịp đùa nghịch và chạy nhảy nhốn nháo lên _ không khí thật ồn ào và lạ mắt đối với tôi trong ngày đầu tiên nhập học _bất giác tôi cảm thấy xốn xang trong lòng khi nhớ lại những hình ảnh thân quen ở ngôi trường công lập Phan Rang mà tôi đã theo học hơn 3 năm về trước _sinh hoạt rất êm đềm và kỷ luật nghiêm minh_ tiếc nuối lại được dịp dâng trào trong nỗi nhớ rưng rưng về bạn cũ trường xưa...
 
Tuần lễ đầu, những cảm giác bâng khuâng vẫn còn lãng vãng đâu đó trong những suy nghĩ của tôi về những sự khác biệt trong sinh hoạt học tập giữa hai trường công lập và tư thục _ Bên công lập, mỗi lớp trong cặp sách học sinh phải mang theo mỗi ngày rất nhiều sách học, như :Quốc Sử_ Khoa Học Thường Thức _Địa Lý_Cách Trí _ Công Dân Giáo Dục và Toán học _trong khi đó, ở tư thục, bạn chỉ cần hai cuốn sách duy nhất là Tập Đọc Văn và Toán Học mỗi ngày_ Ngoài ra, trong cặp sách của trường công lập lúc nào cũng phải có mặt cái bảng đen nhỏ và những viên phấn trắng để làm Toán nhanh hoặc dùng để trả lời nhanh những câu hỏi bất ngờ của Thầy_ trong khi đó bên Tư thục bạn chỉ cần giắy trắng và cây viết chì đen với ... cặp giò dẻo dai mà thôi_ Do đó, dưới mái trường tư thục Tân Chí Linh này, tôi cảm thấy nhẹ nhõm đôi vai mỗi sáng đến trường và đôi chân bước được nhanh hơn _một cảm giác thật lạ và thích thú !!!
 
Những khoảng cách lạ lẫm và bỡ ngỡ trong tôi ở những tuần lễ đầu rồi cũng nhanh chóng được thu hẹp lại bằng những nụ cười thân thiện và sự giúp đỡ tận tình từ những người bạn học ngồi kế bên _ trong danh sách bạn thân thuở ấy tôi đã nắn nót viết lên những cái tên mới vào cuốn sổ nhỏ giấu kín trong ký ức của mình như: Vũ Văn Quyết, Phạm Minh Tâm, Nguyễn Quang Đức, Vũ Thiện Quàng, Phạm Ngọc Ánh tự Vọng , Nguyễn Văn Lượng, và đặc biệt năm ấy, lần đầu tiên trong đời học sinh của tôi, trong số những danh sách bạn học thân thương tôi ghi nhớ, đã xuất hiện những cái tên của bạn học là ...con gái, với: Đoàn Thị Minh Trang, Nguyễn Thị Thanh, Trần Thị Quảng và Vũ Thị Nhiên...
 
Lớp học có nhiều con gái lắm, sĩ số cũng ngang ngửa với nhóm nam sinh với 2 dẫy bàn được chia đều trong lớp _con trai dẫy ngoài, con gái dẫy trong _chính giữa an vị với bàn của Thầy được kê trước mặt cái bàng đen bằng gỗ sơn đen loáng _Tôi không thể quên những giây phút sinh hoạt nhộn nhịp thật vui trong giờ Chính Tả của lớp học dễ thương có trai và gái năm đó : Sau tiếng thước gõ mạnh trên bảng viết, bài Chính Tả của học sinh dù còn viết dở cũng phải gấp lại và chuyền sang dẫy bàn bên kia đối diện để sửa lỗi theo lời Thầy diễn giải _cuốn tập viết của tôi dường như đã được nhiều cô bạn học bên kia để ý và tranh giành nhau để sửa lỗi, chỉ bởi vì tập vở tôi luôn được bao bì kỹ càng và bốn góc vở không bao giờ quăn mép _ tôi giữ được thói quen này cũng do sự nghiêm khắc của các Thầy phụ trách lớp trong mấy năm theo học ở ngôi trường công lập _ hình ảnh những trận đòn nát mông vì tập vở quăn mép của những người bạn học năm xưa ở Phan Rang đã giúp tôi giữ được thói quen đó thật lâu dài...
 
Thời gian êm đềm trôi qua với những giờ học cuối năm cận Tết _thư thả mà nhộn nhịp ... Ngoài những giờ học chính, chúng tôi còn phải tập hát chung với nhau bài Ly Rượu Mừng để thi đua Văn Nghệ với các lớp do chính Thầy phụ trách lớp điều khiển _ tôi được chọn trong số 10 học sinh với 5 trai và 5 gái _đứng sát với nhau để dõi theo lời Thầy chỉ dẫn _ Sát nhau quá nên tay bạn chạm tay tôi _ vạt áo tôi mân mê vạt áo bạn_cảm giác lạ kỷ đầu tiên đã gây nên những xốn xang khó hiều trong lòng tôi trước những va chạm vô tình giữa con trai và con gái _thỉnh thoảng, mùi bồ kết thơm thoang thoảng từ mái tóc dài của cô bạn nhỏ cứ làm lỗ mũi tôi thóp lên thóp xuống _ một cảm giác lâng lâng dễ chịu _ và giọng hát tôi dường như đã bị lạc ???
 
Sau những giờ tập hát chung với nhóm bạn nam và nữ ấy _ hình ảnh cô bạn gái cứ lởn vởn trong cái đầu của tôi suốt những giờ học trong lớp _tôi bắt đầu biêt nhìn lén _len lén nhìn mái tóc dài của bạn _cho đến khi vô tình bạn quay phắt lại _mắt tôi ngượng ngùng _mặc cảm phạm tội đã làm thân tôi nóng bừng và bên vành tai đỏ ửng như bị chính tay cô bạn nhỏ phát hiện nhéo đau lên vậy_từ đó, tôi bắt đầu để ý đến tên cô _băt đầu biêt tranh giành cuốn tập viêt có tên cô _ biêt thiên vị ăn gian và sửa lỗi cho bài chính tả của cô được điểm 10, điểm 9 _ và dường như tôi bắt đầu nhớ đến cô nhiều rồi đấy !!!
 
Cho đến một hôm _ một buổi sáng cuối cùng trước khi cả lớp được về sớm để mừng Tết hai tuần ở nhà _ tôi vừa đặt chân ra khỏi cửa lớp, cô đã gọi giật tên tôi trong âm điệu nhỏ nhẹ và dúi nhanh vào tay tôi một lá thư _ rồi thẹn thùng bước vội _ và tôi, Tôi đã sững người trong cảm giác vui sướng lâng lâng _ vừa đi vừa mở ngay lá thư cô để đọc _ Không ! đó không phải là một lá thư , mà chính là một cánh thiệp Xuân cô gửi tặng tôi với 3 chữ “Mến tặng Bạn” được viết nắn nót công phu trên mặt phong bì _ Những lời chúc ngắn ngủi cô viêt _chỉ vài hàng thôi trong lòng cánh thiệp _ nhưng, sao tôi thấy dạt dào hân hoan suốt cả con đường dài về nhà hôm đó _ tâm trạng ngất ngây vui hơn cả những mùa Xuân tự trước _ năm ấy chắc Xuân về rất sớm...
 
 
Dat Luong