Hương Vị Tết Ngày Xưa…

 

 

Hương Vị Tết Ngày Xưa...

 

….Quanh đi quẩn lại, vẫn là chuyện ngày Tết ở Việt Nam. Tôi nhớ những ngày Tết ở chợ Ông Tạ. Mấy tuần lễ trước Tết, con đường Thoại Ngọc Hầu bị chận hai đầu từ Ngã ba Ông Tạ tới gần cầu Ông Tạ không cho xe đi lại mà chỉ cho người bộ hành hay ai có đi xe đạp thì dắt qua. Mấy cây gỗ được đóng lên và chắn ngang đường Thoại Ngọc hầu ở khúc ngõ Cổng Bom vào chùa Khuông Việt và ngõ Ấp Hàng Dầu/Ấp Hoà Bình, để khi xe đi đến đó có thể dùng hai ngõ này làm ngõ tắt đi ra đường Lê Văn Duyệt/Phạm Hồng Thái.

 

Căn nhà tôi ở gần cầu Ông Tạ, nên chiều chiều cứ thả bộ đi chợ Tết. Nói là đi chợ Tết chứ chỉ đi xem những cửa hàng bán bánh mứt và những chậu hoa cúc, hoa mai, hoa vạn thọ, hoa anh đào, hoa thược dược, vân vân. Lúc đó còn bé nhưng tôi thích hoa vì mỗi năm nhà chỉ có chậu hoa mai tứ quý trồng ở trên lầu, đến gần ngày Tết thì hoa nở vàng rực. Trước khi hoa mai nở, tôi có nhiệm vụ phải ngắt hết những lá của cây mai này vài tuần trước tết để cho khi đến gần ngày tết thì cây đâm chồi, nảy lộc, có những nụ hoa sẵn sàng khoe sắc. Năm nào hên, thì những bông hoa này nở đúng mồng một tết. Có những năm tiết trời thay đổi, hoa mai trên cây này nở có khi vài hôm trước tết hoặc vài hôm sau tết. Dù sao chăng nữa thì mỗi năm tết đến nhà lúc nào cũng có cánh mai vàng.

 

Có năm, ông cậu Frere Cương, là em ông ngoại tôi, mang từ Đà Lạt về những cành đào hay những chậu cúc vàng. Ông mang những cành đào trơ trụi đem đốt gốc rồi đem cắm vào bình bông có nước. Mấy hôm sau hoa đào nở hồng cả thân cây, điểm những lá xanh nhỏ nhìn rất đẹp. Có năm, ông mang tặng ông bà cụ tôi mấy chậu thủy tiên trắng. Ông chỉ cách gọt củ để đến đúng ngày Tết thì hoa nở. Nhưng nhà không ai biết chăm sóc nên thủy tiên thường nở không đúng ngày Tết mà nở trước hay sau Tết.

 

Đến chiều Ba mươi Tết, trước đêm Giao thừa, chợ búa được khai quang hết và những cây chận đường được dẹp đi, rồi xe chữa lửa đi xả nước và rửa đường cho sạch để đón Tết vào ngày mùng Một. Nhà tôi ở lúc đó cũng được quét dọn sạch sẽ và tôi kỳ cọ những viên gạch bông ở trên lầu cho bóng như mới để đón Tết.

 

Nói đến Tết là phải nói đến bánh chưng, món khoái khẩu của tôi. Bác Thìn trai và bác Tâm trai là hai bác hàng xóm ở bên cạnh nhà năm nào cũng gói bánh chưng đề ăn tết. Bác Thìn gói bánh chưng bằng tay mà không cần dùng khuôn gỗ, trong khi bác Tâm thì dùng khung gỗ để gói bánh chưng của mình. Nhà tôi thì không bao giờ gói loại bánh này nên tôi thường sang nhà một trong hai bác để xem gói bánh. Hai bác tay khỏe nên gói bánh chắc và chiếc bánh nào cũng gói giống y như nhau với cách gói riêng của mỗi người. Có lẽ đây là một công việc ẩm thực mà những người đàn ông Viet nam rất hãnh diện khi làm và coi những chiếc bánh mình gói như một nghệ thuật, cũng giống như những người đàn ông ở Hoa Kỳ với cách nướng thịt (barbeque) trên bếp than, bếp gas, và họ cũng rất hãnh diện với công trình nấu nướng của mình.

 

Ngồi xem chán, tôi cũng phụ gấp lá dong và xếp thành chồng cho các bác ấy. Nhà bác Tâm ngày ấy có bán thịt heo, thịt bò, nên bánh chưng bác làm đầy những thịt heo và đậu xanh, chỉ một lớp mỏng gạo nếp. Tết nào bác cũng biếu nhà tôi một cặp bánh chưng và ai trong nhà cũng thích ăn bánh chưng bác ấy làm vì nhiều thịt, không như những bánh chưng bán ở ngoài chợ, nhiều mỡ hơn là thịt và nhiều gạo nếp. Thêm vào đó, bác ấy gói rất khéo, đẹp và vuông vắn, không như những bánh chưng ở chợ, gói ẩu cho có. Thường thì bác Tâm gói nhiều bánh vì nhà bác đông con, lại mang biếu họ hàng và bạn bè của bác nên nồi bánh chưng rất to, có thể chứa được tới hai ba chục cái. Bác nấu bánh trước Tết hai ba ngày, vì mỗi nồi luộc phải mất 10 tới 12 tiếng đồng hồ. Bác xếp bánh cho chặt nồi rồi sau đó để vài viên gạch thẻ đè xuống. Tới tối Giao thừa là mẻ bánh sau cùng của bác Tâm đã xong. Lúc đó tiếng pháo đón Giao thừa nổ tưng bừng ở khu phố Ông Tạ.

 

Sáng mồng một Tết, tôi cùng mấy anh chị em diện đồ lên cho đẹp và vào nhà ông nội tôi và họ hàng, cũng gần đó để chúc tuổi, và được lì xì những phong bì màu đỏ. Vì tuổi nhỏ ham chơi nên chẳng màng ăn uống. Có bao tiền lì xì là chơi bầu cua, hay đánh bài tam cúc với mấy anh em họ trong xóm nhà ông nội tôi ở trong hẻm ngõ mà đầu cổng là nhà ông Phú Đức bán gạch cát và tiệm bán cà phê bột và cà phê hột Mô Ka.. Năm nào hên thì thắng, xui thì thua hết sạch tiền lì xì. Dù có thua nhưng cũng ham đánh vì đó là thú vui ngày Tết...

 

“Tuổi vàng trôi quá mau, muôn kiếp chờ nhau...”

Nhớ Bạn - Nhạc Sĩ Vũ Thành

Quỳnh Giao trình bày với dàn nhạc Đại hòa tấu giao hưởng.

Lâm Phi aka NDK

Bài viết trên được trích một đoạn từ bài viết trong tạp ghi "Cho Đi Lại Từ Đầu" và được bổ sung thêm.