AI BÁNH GIÒ NÓNG KHÔNG?
A Story of "Leg" sandwich.
Leg sandwich là đùa nhé các bạn.
Không biết đồng hương trời Tây về chơi, có bao giờ đêm nằm thao thức nghe những tiếng rao "Bánh chưng, bánh giò..." hoặc "Bánh mì Sài Gòn, 5 nghìn 1 ổ..." không? Nghe nhớ nhà, chỉ mong Trời mau sáng để mà lao ra đường?
Lần dẫn ông bạn Việt kiều đi tìm Trường xưa, Nhà người yêu cũ. Hai đứa dựng cái xe Vespa lên, kéo một anh bán bánh giò vào lấy 2 cái, rồi cứ thế ngồi trên xe ăn. Vừa ăn vừa ngắm bảng tên Trường cũ.
+ Bánh giò ngon ghê mày ơi.
À, ngon thì đúng là ngon. Nhưng ngon một phần do bạn lâu ngày chưa ăn, đúng không? Nghe bảo bánh giò trời Tây có khi thiếu lá chuối, còn bọc cả bao nylon luộc mà...
Và bạn cũng chưa ăn bánh giò kiểu mới sau này. Ngồi ăn ngoài đường, đĩa/thìa đâu mà ra. Hay lang thang nên lúc nào cũng có bộ thìa inox gói bỏ trong cốp xe, chứ cái thìa họ đưa nó bằng nhựa tái chế mềm èo, sao mà múc lên được.
Lấy ra một cái kéo, cắt bay cái nóc bánh giò, tức là cái phần nhìn như cái Kim tự tháp ấy. Xong rồi cứ thế mà múc lên ăn. Bạn thích, bảo:
+ Tao chưa ăn kiểu này bao giờ.
Không biết bên Mỹ, Úc... các bạn có ăn như vậy khi đi bụi không nhỉ?
Vừa thổi vừa ăn. Múc từng thìa lên, nó là một gì đó nóng hổi, hỗn độn mộc nhĩ, thịt, bột... thơm, ngọt lịm, béo và xực xực trong miệng. Vì nó nóng quá (do ăn kiểu cắt nóc mà), nên nhai cái bánh giò cũng khác nhai cái bánh mì.
Bánh mì thì răng cửa cấu xé cho đứt, răng hàm nghiền nát đưa xuống dạ dầy. Còn bánh giò thì miệng nhai thật nhanh vì nó nóng quá. Vừa nhai vừa né cái nóng vào lưỡi. Nhai bánh giò giống như cho lưỡi, hàm tập thể dục, dùng lưỡi tung hứng cục bột trong miệng. Có lẽ vì thế mà nó ngon hơn chăng?
Trứng cút không ăn nguyên quả. Dằm nó nát ra lẫn vào với thịt, mộc nhĩ...
Thích nhất lúc gần hết. Còn thòm thèm nên phải lấy cái thìa đi vét từng góc trong cái bánh giò cắt nóc tối thui đó, quẹt được vài mảng bột dính vào lá chuối đâu đó, thích ơi là thích. Vét cho sạch, cho đỡ hại môi trường. Rồi mang cái vỏ chuối đấy đi vất, thìa inox cho lại vào cốp xe, về nhà rửa. Bớt xả rác nylon.
Có ngườt xịt tương ớt vào ăn. Có người cho tiêu xanh chưa xay vào, đủ cả.
Mà kích cỡ cái bánh giò cũng kỳ cục. Ăn 1 cái thì thòm thèm. Ăn 2 cái thì hơi no. Cho nên ăn bánh giò, nó luôn để lại cái hối hận: Biết thế lúc nãy mua thêm 1 cái.
***
Sáng hôm sau ngồi cafe vỉa hè Lê Thánh Tôn, bạn nói:
+ Cái thằng bán bánh giò hôm qua, đêm qua lên tận khu tao ở...
+ Thằng nào?
+ Cái thằng tao với mày ăn ở Cư xá đó. Sao nó đi bán tuốt qua bên này nhỉ?
Bánh giò nào mà đạp xe từ Ông Tạ qua Nhà Bè???
Hóa ra bạn không biết là bánh giò bây giờ đi bán đêm, rao bằng máy không hà. Ngồi trong nhà, nghe tiếng rao đêm tưởng là chỉ một người đi bán khắp nơi. Nghe giải thích bạn bị mất hứng.
+ Máy rao đó. Cùng chỗ thu nên giống nhau.
+ Vậy là giờ mất dần tiếng rao luôn rồi.
+ Ừ...
***
Không chỉ tiếng rao, bánh giò ngày nay mất cả đa dạng.
Bánh giò bán ở siêu thị tương đối sạch sẽ hơn bánh giò ở ngoài, rồi những tin đồn bánh giò nhân thịt chuột, thịt ôi làm người ta ngại mua bánh giò của "những hộ làm ăn cá thể", tức là những bà mẹ, bà cụ làm ở nhà đi bán, nuôi bao người khôn lớn.
Và dĩ nhiên, bánh giò bán ở siêu thị, ở các cửa hàng tiện lợi trong khu vực là các chị em sinh đôi. Ở đâu cũng nhìn y như nhau, vị giống nhau, cách làm giống nhau, giá cả giống nhau.
Cả mấy bạn sinh viên làm thêm ở đó cũng mặc đồng phục giống nhau, được dạy phải chào giống nhau, thậm chí cười nhe răng giống nhau luôn...
Bánh giò vẫn ngon nhưng mất dần sự đa dạng. Người làm bánh giò xưa cũng ít dần.
***
Bánh giò ngoài Bắc năm xưa giờ ra sao?
Có bà cụ bán bánh giò góc Hàng Trống & Khánh Linh. Giống như phần lớn người bán hàng rong khu đó như xôi chè, cháo sườn... bà ta sống trong con ngõ nhỏ sâu hút. Nhà bà ấy là nhà ống nhé các bạn. 1954, người ta kéo lên ở nhờ cái sân rồi thành chủ nhà, chủ nhà vào phòng trong, rồi từ từ chủ nhà thành share phòng, lùi vào tuốt bên trong.
Ăn bánh giò của bà lần đầu tiên năm 1996. Từ đó, cứ mỗi năm cái bánh giò của bà ấy cứ to dần.
To do tay bà ấy yếu, không còn gói chặt được nữa. Cái bánh cứ ngày càng lỏng lẻo, lỏng lẻo... Rồi khách mua gọi “Cụ” thay vì “Bà”.
Cụ còng, đau khớp nữa, mỗi lần đứng dạy đi lấy gì đó, cụ thở nặng nhọc, than đau đầu gối. Nhìn thấy thương quá. Y như bà tôi ở quê những năm sắp mất. Mệt, yếu nhưng thấy cháu về thì cũng ráng đi khắp nhà, kiếm gì đó cho cháu ăn.
***
Sáng sáng, đạp xe ra Family Mart gần nhà, gật đầu chào các cháu sinh viên bán hàng, lấy cái bánh giò bỏ vào giỏ xe, đạp về. Hay dặn các cháu gật đầu chào thôi, đừng hô khẩu hiệu Chào/chúc quý khách nghe tụt hứng.
Đạp xe về, Sài Gòn mấy hôm nay sáng lạnh lắm. Khu vực cư xá này vắng người, ít xe máy. May mắn còn được nhiều cây cối, y như đạp xe trong dẫy "Cao Thế" của cư xá xưa. Ngồi ngay trước nhà ăn, ăn kiểu trẻ con bưng tô ra đường Ông Tạ xưa.
***
+ Mày phải đi thu lại âm thanh cũ, giữ lại nhé.
Ra tới phi trường, bạn còn ngậm ngùi dặn thế.
Ừ. Sài Gòn đang mất nhiều âm thanh hay lắm. Tiếng rao hàng ban đêm "ai bánh chưng bánh giò nóng không...", "ai hột vịt lộn không".
Tiếng gõ tục tắc. Tiếng đọc Kinh tối. Tiếng lục đục dạy mở cửa cho con đi chơi khuya về. Tiếng vợ cằn nhằn chồng sao về muộn thế... Tiếng ai gõ mõ tụng Kinh...
Sáng sớm thì tiếng gọi nhau, chào nhau khi đi Lễ Nhất, tới trưa chiều thì có tiếng kéo của ông bán gỏi nghe lách cách. Tiếng hàng xôi, tiếng Lục tào xá Chí mà phù.
Tiếng trẻ con trốn ngủ trưa, đá banh bị người lớn la. Tiếng ai đó chửi đổng ai đó để cún ị ngõ nhà mình. Tiếng cô em năn nỉ mượn xe đạp của cô chị. Tiếng Vespa đạp mãi mới nổ nghe boong boong...
Tiếng thái rau lóc cóc trên thớt gỗ buổi sáng. Tiếng giã cua trong nón sắt. Tiếng con lươn bị dội nước sôi làm thịt dãy đành đạch trong sô nhựa. Tiếng con cua mua về bị trói dây gai, cứ lạch cạch lạch cạch cái càng trong phòng tắm, dương 2 cái mắt thao láo nhìn, phì phò thở sùi bọt mép.
Tiếng Hàng xóm nhờ Hàng xóm ra chợ, nhân tiện mua dùm gì đó. Tiếng ì èo xin Mẹ quà. Tiếng Con chạy ra mừng Bố khi nghe tiếng xe máy của Bố về.
Vùng Ông Tạ từng có những âm thanh như vậy.
***
Nhớ lắm cái tiếng chào xưa vì nó đo đời mình: "chào anh", "chào chú", "chào bác", rồi "chào ông". Cuối cùng sẽ là ngả mũ ra chào.
Ta về mấy thế kỷ sau
Sài Gòn còn nhuộm nguyên màu ấy không?
Nhiêu Lộc nước chảy mấy dòng?
Tiếng rao còn dội ở trong sương mù?
(Sửa thơ cụ Bùi Giáng).
Bẵng đi một thời gian, không thấy bạn đâu. Email không trả lời. Lên mạng google cáo phó: Tên nó mặt nó đây rồi. Lấy sổ tay ra tìm, gạch ngang cái tên, ghi ngày vào, đóng sổ lại. Sổ ngắn dần. Hiểu là tên mình chắc cũng nằm đâu đó trong sổ của ai khác.
Không sao cả. Mình đã từng trẻ, phải rời sân chơi cho người khác chứ...
Ai... bánh chưng bánh giò nóng khô...ông...
(Lời rao đêm năm xưa)
LT
https://www.facebook.com/groups/2004139939886509/permalink/2643140852653078/