XÔI CHÈ
Trích nguyên văn: "T đọc bài của Bác trên fb ĐHOT nghe Bác nhắc xôi đậu phụng ăn với chè đậu đen tôi nhớ món đó có Bà tên Ngọ hay Ngó gì đó ,bán 1ben là nồi chè đậu đen nóng, 1ben là thúng xôi với 2, 3 loại xôi nhưng xôi đậu phọng ăn với chè là ngon nhất, mai mốt Bác có viết bài hỏi xem có ai biết Bà bán xôi chè đó ko, Bà ngồi ngay trước cửa nhà Bà Hiếu bán bánh mì ngay kế Đền Thánh Giúe, bây giờ ko ai bán giống như vậy nữa , Bác cho 1 bài về ăn hàng đi Bác..."
***
Đó là mấy câu của đồng hương KM gửi tôi sáng nay... Chưa ăn sáng, nghe KM nhắc món này vừa thèm vừa tức. Tức vì món này giờ khó kiếm lắm các bạn ạ.
***
Xôi lạc thả vào bát chè đỗ đen. Xôi nóng mà chè cũng nóng, nó lan ra cái bát, ấm cả 2 bàn tay mình vào những buổi sáng sớm năm 19-hồi-đó.
Ngay cả dằm chè vào bát ăn cũng là cả một vùng trời do dự. Cái phần xôi nổi lên trên như trong hình, nó chưa thấm, chưa ướt vì chè. Lấy cái thìa dằm nó ngập xuống cái nước đen đen thần thánh đó, múc lên ngay cho vào miệng. Lúc này xôi và chè mới chính thức gặp mặt nhau, chúng nó xực xực, nói chung là rất phê. Từ điển tiếng Việt không có từ nào đủ độ chính xác để mô tả.
Ăn một lúc cũng phải hết cái phần "tảng xôi nổi" đó chứ. Cái "tảng xôi chìm" luôn là phần thầm kín, bí mật nhất. Cụ Freud gọi cái phần chìm này là superego thật là chí lý.
Múc tảng xôi chìm superego này lên, xôi đã thấm đẫm chè vào rồi nên nó mềm mại, không có tính kháng cự như phần xôi nổi ở trên. Lúc này, mới nhai nhẹ một cái mà xôi và chè hòa thành gì đó nhão nhão, nhai mãi không nỡ nuốt.
Thỉnh thoảng thì nhai trúng một hạt lạc, nó vỡ ra, mình cảm thấy được cả cái bùi bùi phía bên trong. Cái món xôi lạc này ăn thú vị chỗ đó. Những hạt lạc bùi bùi luôn mang lại sự ngẫu nhiên thích thú.
***
Có lần tôi ra Hà Nội, vào Phố Bảo Khánh chỗ khúc quanh bọc ra Lê Thái Tổ tìm ăn vì các bạn trẻ kháo nhau ngon lắm. Hàng bày ra ngay đầu ngõ, bán chè đỗ đen, ngồi cạnh hàng cháo sườn.
Cả hai bà đều ở trong cái ngõ bé tí sâu thăm thẳm bên trong. Mà sao lại rủ nhau Song kiếm hợp bích, bán ngay 2 cái món ngày càng khó kiếm như thế nhỉ.
+ Cho một bát chè đỗ đen, xôi lạc.
Tôi gọi, vẫn có thói quen đưa tiền trước như ngày nào...
Thế là xuất hiện một bát xôi đậu phụng chè đỗ đen. Bưng bát lên ngang mũi ngửi, nó thơm át cả mùi cafe chung quanh (khu vực này nhiều quán cafe cóc lắm). Ăn món này cũng như Trà đạo vậy, cần biết hít hà hương thơm trước khi chôn vùi nó vào dạ dầy.
***
Tôi hỏi bán được không, bà chủ quán bảo:
+ Những người lớn tuổi vẫn hay ăn, nhưng họ gọi mình mang ra đấy cho họ.
Bà vừa nói vừa chỉ tay qua mấy bàn cafe cóc bên kia đường.
Thôi, tới tận nơi ăn, ngồi lên cái ghế đóng bằng 3 miếng gỗ theo phong cách Tối giản / Minimalism nó mới thú. Cái ghế lót mông đóng hình chữ C, ngồi lên mà nó bập bềnh còn hơn Tầu Há Mồm vào Nam, cầm bát chè mà cứ sóng sánh như đang ngồi trên tầu thật.
Muốn gọi là gàn thì cứ gọi, nhưng ăn thế nó mới đã. Vừa ăn, vừa nghe mấy bà nội trợ chung quanh hỏi han nhau:
+ Hôm qua trong xóm có gì xảy ra, con bé nhà ai mới dọn về, con A cháu bà B đi cả ngày, không biết đi đú ở đâu hay đi làm síp bơ...
Hàng sáng, một số phụ nữ có nhu cầu synchronize data / cập nhật thông tin máy chủ như thế đấy. Hà Nội, Sài Gòn, Bảo Khánh, Ông Tạ... đâu cũng có.
***
Ăn xong, bà ấy hỏi:
+ Thế có ngon như xưa không?
+ Không có Đền Thánh Giu Se, mất ngon một tí.
Bà ấy cười tủm tỉm với cái miệng móm hết cả rồi. Cái miệng móm duyên này, cái đuôi mắt này, hồi trẻ cười kiểu này chắc cũng khối anh chết, quên cả việc lên Tầu Há Mồm vào Nam.
May quá, mình với ông anh mình không gặp bà này hồi ấy...
***
Bạn KM này, hôm nay nói chuyện xôi đậu phụng chè đỗ đen thôi nhá. No rồi, hôm khác kể ăn xôi vò chè đỗ đen với lại món cháo sườn sau.
Cảm ơn bạn đã xúi tôi kể chuyện xưa.
LT
https://www.facebook.com/groups/2004139939886509/permalink/2630894500544380/