Chè đậu đỏ bánh lọt

CHÈ ĐẬU ĐỎ BÁNH LỌT

Có lẽ chẳng bao giờ tôi có lại cái mê ly khi ăn ly chè đậu đỏ bánh lọt ngày xa xưa ấy, nơi cái phố Ông Tạ chưa đông đúc quá thể như hôm nay. 


Dẫu rằng bây giờ có hàng hàng lớp lớp hàng quán đầy trên vỉa hè dành cho kẻ thích cái không gian lãng đãng, và cũng lớp lớp hàng hàng cửa tiệm ăn uống đèn sáng rực qua khung cửa kính trong suốt, dành cho ai đó thích sang sang một tí cho mặt mũi lên hương với cuộc đời.


Dĩ nhiên là ngày đó nghèo hơn bây giờ nhiều lắm. Mẹ cho tí tiền, là nếu không gặm trái cóc ngâm, thì cũng mút cây cà rem đá có phủ trên ngọn lổn ngổn đậu đen, đã lắm. Lâu lâu lại mua nguyên con trái cóc, lấy hết sức bình sinh ép nó vào giữa cánh cửa và bức tường, “bộp” một phát: thế là đã có món ăn đơn sơ mà chảy cả nước miếng. Thế mới có chuyện trẻ con chúng tôi ngày ấy đuổi nhau…xin cho được cắn ké một miếng cho nước bọt bớt tràn trong miệng.


Đi chơi với bạn bè cũng thế. Giờ nghĩ lại thấy điên điên. Ăn có ly chè thôi mà phải đèo nhau lên tuốt luốt mãi tận đẩu đâu để khi về, sau khi guồng xe đã dừng lại thì cái bụng chẳng còn tí hơi hướm ly chè lúc nãy. Nhưng vui đáo để. Mồ hôi có ướt đầy lưng áo thì có sao đâu. Lại mẹ vừa giặt cho vừa…tế cho một trận, rồi mai, đâu lại hoàn đấy. Ôi, cái thời học sinh sao mà vui thế!


Thỉnh thoảng đi ngang nơi ngày xưa là quầy bán chè, mà ông chủ quán luôn luôn mặc cái quần sọt có thắt dây lưng, lúc nào cũng hể hể hả hả cười làm tôi thấy chè càng thêm ngon, bây giờ đang là cửa hàng buôn bán cái gì không biết nữa, vì với tôi, điều quan trọng là nơi ấy không còn là chỗ ngày xưa tôi hay lui tới. Chẳng biết ông chủ quán có còn sống không ?


Bây giờ, sau những tháng ngày bèo nhèo, giờ đây các ngôi nhà mới và đồ sộ thi nhau mọc lên như bù vào những tháng ngày lưỡng lự đàng sau lũy tre mà bước ra với đủ đầy vẻ giàu sang phú quý. Nhưng, phía sau những khung cửa lung linh ánh đèn kia, con người chẳng còn chút tình chân quê nữa. Cái gì cũng tiền. Cái gì cũng tính. 


Thử bước vào nhà hàng tiệc cưới mà coi. Móc hầu bao ra mừng cho đôi trẻ, có khi đổi lại chỉ vài gắp thức ăn, xem thì sang, mà ít xịt, có khi dở hơn cơm nhà. Xem chừng, phí tổn cho bữa ăn này có thể dành cho cả nhà suốt tuần cơm no đủ. Có cái xe để đi lại cho thoải mái thì cũng liệu thần hồn phải gửi tít mù xa, hoặc leo lên mãi đâu, có khi chui xuống tầng hầm rồi lại leo lên vì hết chỗ, rồi lại tiền, mà loạng quạng là xe bị cạy phá, ăn cắp những thứ đã cẩn thận cất dưới yên. Có khi cái lũ mất dậy lại còn đổi cả phụ tùng xe cho về nhà tức anh ách mà chả làm sao được.

Vì thế, nếu ăn xong miếng ăn ngoài đường phố, thế nào cũng phải nói mấy từ tiếng Đức quen mồm, có khi chỉ vì rau gì mà nhuộm xanh thấy phát sợ, hoặc gỏi gì mà chỉ có rau mà bói mãi chả có miếng thịt nào. Khi tính tiền thì có mấy cô ả ăn mặc thiếu vải tới lẳng nhẳng đòi…boa! Boa cái mồ tổ tụi bay thì có!

Riết rồi, tôi thấy, chả có gì mê ly

Lam Trần