Canh rau đay riêu cua

Image may contain: food

Cháu xa quê hương Việt Nam tính đến nay cũng sắp 30 năm. Nơi cháu cư ngụ ở vùng đông bắc Hoa Kỳ cũng có đông dân cư gốc Việt, nhưng không đông như những tiểu bang Cali và Texas. Cháu lớn lên cũng tập tành nấu vài món ăn Việt Nam, nhưng nó vẫn không chứa đựng được hương vị của quê hương.

 

Ở bên này, mùa hè mới có nhiều rau như rau đay, mồng tơi, bồ ngót, v.v... Cháu lấy chồng, gia đình chồng cháu cũng là Bắc 54 nên ăn uống cũng rất hợp với khẩu vị của cháu. Ông bà về hưu nên có nhiều thời gian rảnh, mùa hè trồng rau để ăn vừa lành mạnh vừa giữ cho tay chân không quá nhàn rỗi. Ông bà biết cháu thích ăn rau đay nên cũng ra sức trồng và mỗi lần đến chơi đều mang một túi nylon lớn đựng rau mới cắt. Vì rau đay bên đây chỉ có vào mùa hè và rất đắt nên mỗi lần cháu được một túi rau lớn như vậy là thích lắm, đem đi rửa sạch và cắt sẵn, bỏ vào túi nylon nhỏ, thêm chút nước rồi cất vào ngăn đá để mùa đông có cái mà ăn.

 

Nói đến rau đay thì phải nói đến món canh cua đất của bà nội. Nhớ lúc còn bé, những trưa hè nóng nực, bà nội nấu một nồi canh cua đất, thêm món cá rán hoặc thịt kho mặn để trên mâm. Có món cà pháo mắm tôm trong một cái bát con cho mọi người ăn thêm để tăng vị.

 

Cơm nóng quá thì ăn với thịt kho hoặc cá rán trước, ăn được nửa bát thì bà chan canh vào bát cho cháu, và bà không quên cho thêm một “cục đất” lớn vào bát để cháu “ăn cho bổ”. Cơm canh cứ thế mà nó trơn tuồn tuột vào cổ họng, mùi thơm của canh, vị beo béo của “cục đất”, thêm mùi thơm của gạo nàng hương, nó làm cho cái nóng giữa trưa giảm bớt đi cái oi bức.

 

Canh cua bà nấu rất xanh chứ không vàng, không biết bà làm cách nào để giữ được cái màu xanh ấy. Mỗi lần bà làm canh mà có mặt cháu, bà sẽ để cháu ngồi bên cạnh nhìn bà rửa đám cua đồng, rồi tách mai ra, dùng một cây tăm nhỏ để khều gạch trong mai vào trong bát. Cháu cũng phụ bà ngồi khều gạch rất vui vẻ. Rồi thấy bà giã cua ở trong một cái cối là cái nón sắt, cháu cũng phụ bà giã, nhưng vì cháu giã mạnh quá làm văng tung toé lên áo lên mặt, bà cũng chỉ liếc yêu rồi lấy lại cái chày để giã. 

 

Giã xong thì bà đổ nước vào rồi lọc qua một cái khăn cháu thấy giông giống loại vải y tế dùng. Bà vắt bã cua rồi mới bắt đầu nấu nước canh, đợi những cục đất nổi lên khắp nồi thì bà mới nhẹ nhàng bỏ rau đay vào nồi để cục đất không bị bể.

 

Cháu nhớ mãi những lần làm cua đồng là chúng bò lổm ngổm trên đất, cháu giúp bà chạy theo bắt lại, không biết cách cầm nên bị một con cua nó kẹp vào ngón tay làm cháu đứng đó vừa dãy vừa khóc vừa vung tay tứ tung. Sau đó bà mới dạy cho cách cầm sao mà không bị nó kẹp, thế là cháu thích thú mỗi lần bà làm cua là cháu sẽ bắt cua bỏ lại vào rổ.

 

Nhưng có cái là cho đến ngày hôm nay cháu vẫn không thể ăn món cà pháo mắm tôm được. Ông xã cháu qua đây năm 75 mà còn biết ăn, nhưng cháu chỉ nhìn thôi là đã chả thấy có gì hứng thú để ăn món đấy. Ai cũng bảo cháu là Bắc Kỳ văng gốc😅 vì món cà pháo mắm tôm và bún đậu mắm tôm là Bắc rặc mà cháu không ăn được... Thôi đành chấp nhận văng gốc vậy, nhưng nói cho nó Tây (ở Mỹ mà) thì là Van Gogh, cũng không tệ nhỉ🤣.

 

Cho đến bây giờ thì tính ra từ ngày xa quê, cháu cũng được ăn món canh cua rau đay thêm vài lần, đó là những lần về lại SG thăm gia đình, và vài lần đi Missouri lễ Marian. Ở đấy là hàng năm người Việt tụ tập lại từ khắp mọi nơi 48 tiểu bang Hoa Kỳ, và còn có cả những người Việt ở Canada cũng bay tới dự lễ. Một trong những lần tụ tập rất đông của người Việt đạo Công Giáo, và cũng có nhiều người không phải đạo Công Giáo cũng tới chơi theo bạn bè, cắm trại làm quen với bạn mới. Nhiều quán đồ ăn Việt được bày bán hàng ngày từ sáng tới tối nên ai tới dự lễ cũng được một lần ăn thật nhiều món thuần Việt từ Bắc chí Nam.

 

Tuy được ăn lại món canh cua rau đay ở những nơi khác của những người khác, nhưng vẫn không thể so sánh được món canh cua đất của bà nội trong ký ức cháu. Nhớ món thịt kho xém cạnh, nhớ món cá rán giòn chấm nước mắm tỏi của bà, nhớ cục đất của bà...

 

 
Victoire Le